Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ

  14/02/2016

BBT xin trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị,Trưởng Ban Kinh tế Trung ương về năng lực cạnh tranh quốc gia, vấn đề đã được đề cập nhất quán trong các chủ trương, chính sách của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ. Ảnh: VGP/Thanh Liêm

 

Năng lực cạnh tranh quốc gia là tổng hợp các thể chế, chính sách và nhân tố quyết định mức độ hiệu quả và tính năng suất của một quốc gia. Một nền kinh tế có năng suất, hiệu quả là nền kinh tế có năng lực sử dụng, khai thác tốt các nguồn lực có hạn.


Nói cách khác, bản chất của năng lực cạnh tranh quốc gia là năng lực vận hành nền kinh tế có hiệu quả, với chi phí hợp lý nhất mang lại kết quả thịnh vượng và bền vững tối đa nhất. Năng lực cạnh tranh quốc gia có mối tương quan mật thiết với môi trường kinh doanh. Hoàn thiện và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định pháp luật cũng như các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hoạt động kinh doanh không chỉ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, mà còn thúc đẩy phân bổ nguồn lực một cách minh bạch, và do vậy, trực tiếp và gián tiếp nâng cao năng suất của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nền kinh tế có được phát triển bền vững hay không phụ thuộc nhiều vào năng lực cạnh tranh quốc gia cao hay thấp cũng như mức độ thuận lợi hay kém thuận lợi của môi trường kinh doanh.

Hiện nay trên thế giới, “Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu” (GCI) của Diễn đàn Kinh tế thế giới được công nhận rộng rãi là chỉ số phổ biến dùng để đánh giá năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế trong tương quan so sánh toàn cầu.

Trong giai đoạn 2006-2015, chỉ số GCI đánh giá năng lực cạnh tranh thông qua 12 chỉ số trụ cột được phân vào 3 nhóm. Nhóm 1- Các chỉ số phản ánh các yêu cầu căn bản của một nền kinh tế, gồm: (1) thể chế, (2) cơ sở hạ tầng, (3) môi trường kinh tế vĩ mô, (4) y tế và giáo dục tiểu học. Nhóm 2 - Các chỉ số để nền kinh tế phát triển theo hướng chất lượng, hiệu quả gồm: (5) giáo dục và đào tạo sau tiểu học, (6) hiệu quả thị trường hàng hóa, (7) hiệu quả thị trường lao động, (8) trình độ phát triển của thị trường tài chính; (9) Sẵn sàng công nghệ và (10) quy mô thị trường. Nhóm 3 - Các chỉ số phản ánh trình độ của doanh nghiệp và năng lực đổi mới sáng tạo gồm: (11) trình độ kinh doanh, (12) Năng lực đổi mới sáng tạo.

Mặc dù 12 chỉ số trụ cột được đo lường riêng biệt, nhưng trên thực tế, các trụ cột này và các chỉ số thành phần đều liên quan đến nhau và tương tác, hỗ trợ cho nhau. Ba đột phá chiến lược của Việt Nam đã phản ánh tới 9 trong số 12 chỉ số trụ cột. Với 3 trụ cột còn lại (mức độ sẵn sàng công nghệ, trình độ kinh doanh và năng lực đổi mới sáng tạo) phụ thuộc vào chính sách khoa học công nghệ và chính sách phát triển doanh nghiệp.

Đây là những trọng tâm chính trong hoạch định chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong giai đoạn tới. Một số nội dung được đánh giá trong Chỉ số căng lực cạnh tranh toàn cầu có sự tương đồng về nội hàm với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật kinh doanh của các bộ ngành (MEI) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đang áp dụng tại Việt Nam; nhất là về vấn đề thể chế và mô hình tăng trưởng.

Vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã được đề cập nhất quán trong các chủ trương, chính sách của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua 30 năm đổi mới, năng lực cạnh tranh của Việt Nam có thay đổi và được cải thiện dần nhưng so với thế giới và kể cả khu vực ASEAN vẫn còn ở mức thấp.

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu, năm 2015, Việt Nam có thứ hạng 56/140 nền kinh tế, đạt 4,3/7 điểm, tăng 12 bậc so với năm 2014 và là thứ hạng cao nhất của Việt Nam giai đoạn 2006-2015.

Các lĩnh vực Việt Nam có thứ hạng thấp ở nửa cuối, trung bình và dưới trung bình gồm: Thể chế (85/140), phát triển thị trường tài chính(84/140), đào tạo và giáo dục sau tiểu học (95/140), cơ sở hạ tầng(76/140), trình độ kinh doanh (100/140), sẵn sàng công nghệ (92/140), đổi mới sáng tạo (73/140).

Trong ASEAN, ngoại trừ Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei có điểm số đạt trên 4,5, thứ hạng năm 2015 của Việt Nam chỉ cao hơn các nước còn lại trong ASEAN-4 (gồm: Lào, Myanmar, Campuchia, Việt Nam).

Có 7/12 lĩnh vực mà Việt Nam thậm chí còn đứng sau một vài nước ASEAN-4 về thứ hạng toàn cầu. Khả năng theo kịp các nước ASEAN-6 còn xa, trong khi nguy cơ bị các nước ASEAN-4 vượt qua cũng là một thách thức.

Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016 đã chỉ ra 5 nhóm vấn đề được coi là trở ngại lớn nhất đối với Việt Nam, gồm: Tiếp cận tài chính, chính sách không ổn địnhlao động qua đào tạo không đủ, kỷ luật lao động kém và tham nhũng.

Bên cạnh đó, sự cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong giai đoạn 2006-2014 cho thấy có sự tiến bộ đáng kể nhưng còn thiếu bền vững. Các lĩnh vực có cải thiện rõ nét là: chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và chi phí thời gian. Các lĩnh vực không được cải thiện hoặc có chiều hướng đi xuống, đó là: chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền, tiếp cận đất đai  và cạnh tranh bình đẳng.

Qua phân tích các bộ chỉ số, Ban Kinh tế Trung ương thấy rằng một số nhóm nhân tố cần phải tập trung phân tích, đánh giá và có giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam, gồm:

Một là, nhóm các nhân tố về thể chế kinh tế và thực thi thể chế kinh tế, gồm: Các quy định pháp luật và thực thi pháp luật trong kinh doanh và cạnh tranh; vấn đề cải cách tư pháp; phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính công.

Hai là, nhóm các vấn đề kinh tế vĩ mô, gồm: Tính bền vững môi trường kinh tế vĩ mô; thực trạng về năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong mô hình tăng trưởng của Việt Nam.

Ba là, nhóm các vấn đề tiếp cận nguồn lực và thị trường, gồm: Phát triển các nguồn lực cơ bản phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; phát triển các yếu tố thị trường và các loại thị trường; năng lực hội nhập kinh tế quốc tế.

Bốn là, nhóm các vấn đề về phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp.

Năm là, nhóm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực an ninh, an toàn cũng như các yếu tố xã hội như y tế và giáo dục.

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu; có quan hệ ngoại giao với 185 nước, quan hệ kinh tế với 224 quốc gia và vùng lãnh thổ, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 14 nước, đối tác toàn diện với 10 nước.

Cho đến nay, đã có 59 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Việt Nam đã ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do khu vực và song phương; vừa hoàn tất đàm phán 2 FTA (Liên minh châu Âu và TPP); đang tích cực đàm phán 3 FTA khác.

Việc tham gia đàm phán, ký kết các FTA có tác động tích cực tới phát triển kinh tế song cũng đan xen rất nhiều thách thức đến từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế, nhất là đến nay Việt Nam đã tham gia vào ba chuỗi giá trị có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu đó là: Chuỗi giá trị lương thực và an ninh lương thực; chuỗi giá trị năng lượng và an ninh năng lượng (dầu mỏ, khí, than) và chuỗi giá trị hàng dệt may và da giày.

Do vậy, việc đề ra các giải pháp thiết thực nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là rất cần thiết nhằm tranh thủ hiệu quả cơ hội và lợi ích của các cam kết hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và phát triển nhanh, bền vững.

Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân khách quan, chủ quan và các nhóm nhân tố chủ yếu nói trên, Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị sớm xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện tốt Đề án tổng thể về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam với những quan điểm, định hướng và các giải pháp chủ yếu sau đây:

Về quan điểm:

Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là giải pháp then chốt để phát triển kinh tế và hiện thực hóa các cơ hội của hội nhập quốc tế, tạo động lực phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp theo hướng năng động, đổi mới và sáng tạo, thực hiện thành công ba đột phá chiến lược trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. 

Về định hướng:

- Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế về kinh doanh và cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, giảm thiểu chi phí giao dịch phi chính thức, tăng cường công khai, minh bạch, tăng cường phòng, chống tham nhũng trong nền kinh tế.

- Tiếp tục ổn định bền vững kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung vào nâng cao năng suất, hiệu quả theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới và sáng tạo trong các lĩnh vực của nền kinh tế.

- Tiếp tục tăng cường tạo thuận lợi tiếp cận và phát triển các yếu tố nguồn lực và thị trường, tập trung vào phát triển tiếp cận vốn và thị trường tài chính, lao động và thị trường lao động, khoa học công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở hạ tầng, tăng cường liên kết, hợp tác và kết nối thị trường giữa các ngành kinh tế, chủ thể kinh tế, không gian kinh tế, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế.

- Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp và khởi sự doanh nghiệp.

- Tiếp tục tham khảo các kết quả đánh giá được công bố của các tổ chức quốc tế và trong nước đánh giá cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong tương quan so sánh khu vực và toàn cầu.

Các nhóm giải pháp chủ yếu

Một là, tăng cường thể chế và thực thi thể chế tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và cạnh tranh, hoàn thiện cơ chế phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực giữa Trung ương và địa phương, đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính công, tăng cường công khai minh bạch và phòng, chống tham nhũng. Giải quyết đồng bộ việc ban hành và thực thi các quy định pháp luật về kinh doanh và cạnh tranh.

Hai là, tăng cường ổn định bền vững kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất lao động và đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp trong mô hình tăng trưởng theo hướng thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường đối mới sáng tạo. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động quốc gia và sự đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp vào mô hình tăng trưởng theo hướng thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo.

Ba là, tăng cường tiếp cận nguồn lực và thị trường trong nước, thế giới, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết trong nước và năng lực hội nhập quốc tế. Tập trung phát triển và tăng cường tiếp cận các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất, đặc biệt là vốn, lao động, khoa học-công nghệ, cơ sở hạ tầng và tài nguyên. Thúc đẩy các động lực cạnh tranh lành mạnh và phát huy lợi thế so sánh của các địa phương, tăng cường liên kết ngành kinh tế, chủ thể kinh tế và không gian kinh tế, vùng kinh tế, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế.

Bốn là, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp của Việt Nam, tăng cường khởi sự doanh nghiệp. Tạo lập môi trường pháp lý bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế thị trường có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Ban hành Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Công nghiệp hỗ trợ và các xây dựng chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp; tăng cường hiệu quả thực hiện vai trò của Nhà nước trong định hướng phát triển hoạt động đầu tư-kinh doanh của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường. Phát huy vai trò của các hội, hiệp hội doanh nghiệp.

Năm là, tăng cường kết nối khu vực và coi trọng các giải pháp phát triển bền vững. Xây dựng kế hoạch, triển khai hiệu quả Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững./.

Theo chinhphu.vn

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 15
  • 719
  • 18,008,458