Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

TUỔI 60 VỀ THĂM RUMANI TÌM LẠI GIẢNG ĐƯỜNG XƯA (nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày ra trường)…

  24/10/2015

      Trưa muộn một ngày tháng 3/2013, điện thoại reo vang, áp vội vào tai và tôi thật vui khi nghe rộn rã “tụi tớ đang họp để lên lịch cho chuyến về Cluj, cậu chuẩn bị sắp xếp dần đi nhé”. Ôi chao! Giấc mơ có được lần thứ 2 quay lại thăm trường như hồi 2010 sẽ thành sự thực chăng?

      Rồi cứ thế đều đặn, thông tin về các buổi họp ở Hà Nội của nhóm bạn, thông tin qua Email với Dan Copăceanu (lớp trưởng của 35 năm về trước) như dày lên, chi tiết hơn và không ngưng nghỉ. Phấn chấn lắm, hy vọng lắm và con đường khá dốc từ Complexul Studentesc Observatorului đến cổng trường lại hiện về thật rõ trong trí nhớ. Vẫn nằm lòng một ước ao mà lần trước (2010) chưa thực hiện được: chúng tôi sẽ tranh thủ cùng nhau thong thả đặt bước chân mình trên hai bên lề rải đá của con đường ấy, thật chậm, thật êm để cho quá khứ neo đó mà về…

      Mong ngóng và quyết tâm là thế nhưng khi thấy thủ tục tương đối phức tạp vì làm Visa Schengen để nhập cảnh vào Pháp trước, chúng tôi đã hơi nao núng. Thư đi, thư lại rồi mọi chuyện cũng hoàn tất vì phương Nam (Tp. HCM-Vũng Tàu) đã được phương Bắc (Hà Nội) hỗ trợ kịp thời.

     Thứ Năm - Chiều tối 22/5.  Ngày khởi hành có một thay đổi không nhỏ về lịch trình bay: thay vì xuất phát từ Nội Bài chúng tôi lại phải đi từ Tân Sơn Nhất. Dù có 4 người phía Nam “bay ra rồi lại bay vào” nhưng tất cả đều ổn, đoàn quân gồm 18 thành viên (trong đó có 08 cựu sinh viên ĐH Bách Khoa Cluj, 02 cựu sinh viên ĐH Xây Dựng Bucuresti, 02 cựu sinh viên ĐH Xây Dựng Timisoara, 01 cựu sinh viên ĐH Mỏ Petrosan) ở lứa tuổi 60 - hơn kém nhau chút ít đều hào hứng lên đường. Đặc biệt, anh Hải tuy khó khăn trong việc di chuyển nhưng như không thua bất kỳ ai, sức mạnh của ý chí thực là mãnh liệt…

     Thứ Sáu - Sáng 23/5.  Sau hơn 11 giờ bay đêm, chúng tôi đến sân bay Charles De Gaulle của thủ đô Paris. Hiểu biết về quốc gia này chỉ qua các phương tiện thông tin, giờ thì hiện hữu: chúng tôi đã thật sự đặt chân lên đất Pháp - quốc gia có mối liên quan khá sớm với đất nước chúng tôi. Dù đã 60 năm trôi qua kể từ khi Việt Nam giành lại quyền độc lập nhưng dấu ấn văn hóa Pháp còn đậm nét qua những công trình quan trọng về chức năng, đẹp thanh thoát về kiến trúc vẫn được bảo lưu rải rác khắp các thành phố lớn tại dải đất hình chữ S và qua thứ ngôn ngữ được sử dụng trong một phần dân số để Việt Nam thuộc cộng đồng các nước nói tiếng Pháp hiện nay. Cũng chính vì vậy mà chúng tôi có tâm trạng thật khó tả lúc này…

      Chờ chuyển tiếp, thong thả sử dụng bữa trưa tùy cách chúng tôi thỏa sức ngắm nhìn toàn cảnh như trong một giấc mơ. Lên máy bay sang Rumani, mỗi người mỗi suy nghĩ, nhưng chắc chắn những cựu sinh viên đều không khỏi nóng lòng chờ giây phút được đặt bàn chân xuống miền đất đã cưu mang mình trong suốt 6 năm tuổi trẻ và bao kỷ niệm chắc đang dồn dập ùa về…

     Chiều 23/5.  Đón chúng tôi tại sân bay Otopeni là hai anh Nguyễn Huy Chính và Lê Xuân Lắng- những người đã trực tiếp gửi thông tin và giúp đoàn mua vé máy bay-tàu hỏa cho tuyến khứ hồi Bucuresti-Cluj.  Các anh chuẩn bị cho chúng tôi một bữa cơm chiều với thực đơn bản địa nhiều loại tại nhà hàng khá lớn ngay trong khuôn viên của công viên Herăstrau. Thưởng thức, hít hà tô súp và món cháo bột ngô ngào ngạt thơm, chúng tôi man mác nhớ về những bữa tối tại cantina của ký túc xá sau những buổi học muộn và lạnh ngày xưa…

     Tối 23/5.  Máy bay về Cluj cất cánh, trên khung bản đồ chỉ dẫn chặng bay chúng tôi thấy lướt qua các vùng với những cái tên quen thuộc: Ploesti, Brasov… Và, Cluj đây rồi: Vợ chồng Dan Copăceanu-Cornelia, Ofelia Sandela Gavrilas, Onut Prodan đã mang ôtô nhà chờ sẵn. Tíu tít như đón người nhà, trao cho chúng tôi mỗi người một bông hồng vàng chưa bung hết cánh, chụp ảnh chung rồi Dan và các bạn nhanh nhẹn xếp đồ chở chúng tôi về khách sạn. Trên xe đã có sẵn hai thùng trái cây thật tươi: chirese và dâu đất, chúng tôi thích thú nhâm nhi vị ngọt thanh với cảm giác an lành. Ngay ở sảnh, mỗi chúng tôi đã nhận từ các bạn chai rượu Rumani đẹp mắt - món quà ấm nồng tình bạn. Chỉ kịp thay đồ, chúng tôi đến phòng ăn lúc đã hơn 24h. Tranh thủ tặng quà cho Dan và các bạn, chúng tôi ăn thật chậm, chuyện trò ríu rít quên cả mệt mỏi cho dù vừa sau ba chặng bay và đêm cũng đã khá khuya…

      Giấc ngủ kéo đến ngay khi mới đặt mình, vẫn nhớ nhắc nhau: “Này, mai dậy sớm qua thăm cămin nhé”…

      Thứ Bảy - 24/5. Dậy nhanh, chúng tôi thay đồ đẹp ra đường. Se lạnh, trời trong veo và gió nhẹ. Con đường này 5 năm về trước đón hai bạn Tăng-Hòa và một năm sau đó đón Hằng-Hà-Hiền-Phượng thong dong chọn cảnh chụp hình. Hôm nay tìm lại chúng tôi thấy nó thân thương lạ, cứ như hàng ngày mình vẫn qua đây: vẫn biếc một màu xanh của lá, vẫn thấp thoáng qua những hàng cây cao phía trong kia là nhiều ký túc xá 5 tầng, vẫn vài quầy café nhỏ xinh mộc mạc bên đường… Chụp vội mấy kiểu, chúng tôi quay về ăn sáng cùng các bạn.

       Xe đến chở chúng tôi về trường. Náo nức xen hồi hộp, chỉ lát nữa chúng tôi sẽ được gặp lại những ai đây?...

       Ào vào sân trường, thầy và bạn vừa tới, khá đông. Những vòng tay dang rộng từ xa, có nhiều giọt nước mắt tràn mi, rồi những câu hỏi gấp gáp và những nụ hôn tình thầy, tình bạn thấm vào tim… Dào dạt như thuở sinh viên mà đằm thắm tuổi ông bà nội-ngoại: những mái đầu bạc trắng, bạch kim, hoe vàng, nửa nâu-đen… sát lại. Chụp thật nhanh những khoảnh khắc hiếm hoi, chúng tôi cùng leo lên sân thượng của tòa nhà để ngắm nhìn mọi phía. Tình cờ, phát hiện bóng dáng một lá cờ đỏ sao vàng trên mái nhà cách đó không xa, chúng tôi lặng người…

       Thời khắc quan trọng nhất mà chúng tôi chờ đợi: giảng đường xưa (BII, nay mang tên Giáo sư Vasile Ile) trang nghiêm đón các giáo sư đáng kính (tổng cộng có 40 giáo sư - phần lớn là thế hệ sau) cùng các cựu sinh viên (hơn 80 người) của 35 năm về trước. Trong số đó, chúng tôi nhận ra ngay vị giáo sư già Tertea Igor - người thầy có nhiều giờ giảng cho môn bê tông và rất quý sinh viên Việt Nam ngày ấy. Giáo sư Bârsan George Mihail, Bors Iacob, Iliescu Mihai, Mariana Brumaru… cùng một vị decan cao tuổi, hiền hậu và Giáo sư-Hiệu trưởng nhà trường đã có mặt. Lần lượt tìm chỗ ngồi, tim chúng tôi như run lên khi nghe trầm vang “Gaudeamus Igitur…”.  Ba mươi lăm năm trước, bài ca này đã theo chân chúng tôi từ các giảng đường đến các labor, từ cổng trường về ký túc xá, cantina… Chúng tôi kéo nhau đi chào tạm biệt tất cả, chào các lớp sinh viên kế cận, chào một thời tuổi trẻ sôi nổi, nhiệt huyết mà không hề dám nghĩ có một ngày trở lại…

      Nghi lễ trang trọng. Dan Copăceanu chủ trì, trịnh trọng giới thiệu các giáo sư. Tiếp đến từng bạn đứng lên kể sơ bộ về bản thân mình. Riêng chúng tôi - 08 sinh viên Việt Nam tham gia buổi lễ kỷ niệm này, đã được Dan gợi ý trước và hướng dẫn chuẩn bị mỗi người một video-clip. Đặc biệt, hai cháu Trung và Minh (con trai Luyên và con trai Tăng-Hòa đang học tập và công tác tại Pháp cùng sang thăm Cluj) như thêm một điểm nhấn rất đẹp cho đoàn. Các cháu đại diện cho thế hệ con cái chúng tôi: những thanh niên khỏe đẹp về diện mạo, chững chạc trong ứng xử qua ngoại ngữ Pháp - Anh lưu loát, bản lĩnh và trí tuệ. Chúng tôi tự hào về các cháu, các bạn Ru cũng quý. Cuối buổi, bạn Tăng đã thay mặt toàn đoàn phát biểu xúc tích, đầy tình nghĩa. Giảng đường như lắng đi sau lời mời chân thành: “Hãy đến thăm đất nước chúng tôi vào một ngày không xa, chúng tôi luôn chờ đón thầy cô và các bạn...”. Sau cùng, nhóm cựu sinh viên không quên tặng quà mang từ Việt Nam sang cho các thầy cô và lãnh đạo nhà trường, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc.

       Đã quá trưa nhưng tất cả vẫn nán lại tập trung ngay tại lối cửa chính vào trường cùng chụp hình kỷ niệm rồi lên xe về nhà hàng của khách sạn Olimp gần khu ký túc xá dự tiệc lúc 14h. Mải miết quên cả thời gian, trưa tràn qua tối và một điều thú vị: các bạn hồn nhiên với nhiều bài nhảy đẹp, chúng tôi cũng tham gia và tuy có hơi ngượng ngập nhưng tất cả đều cố gắng hòa cùng thầy cô và các bạn. Vui nhộn nhất là khi “rồng rắn lên mây”, chúng tôi nắm đuôi áo nhau thành một chuỗi thật dài, cười nắc nẻ như trẻ nhỏ. Rồi chúng tôi tặng quà kỷ niệm, chúc tụng và hứa hẹn…

       Say sưa là vậy nhưng thật nhanh: tất cả thầy cô và các bạn đều quây quần xung quanh khi chúng tôi bất ngờ thể hiện 3 bài hát tiếng Ru và 3 bài tiếng Việt. Thời gian như ngừng trôi, các bạn lắng nghe và cảm động. Hình như có những giọt nước mắt lăn dài và hình như ngay lúc này ai đó đã hiểu ra một điều mà ngày trước chỉ vu vơ. Tuổi trẻ và những nỗ lực của chúng tôi xưa kia khi còn trên ghế giảng đường cùng với nhiệt huyết vượt ngàn dặm xa xôi quay lại hôm nay đã lay động, đã giúp họ hiểu rõ hơn về một dân tộc kiên trung, nhân nghĩa trước sau…

       Chia tay lúc nửa đêm để về nghỉ cho ngày mai đi tham quan theo lịch sát sao mà Dan đã sắp xếp, chúng tôi ngủ thật ngon…

       Chủ nhật - 25/5.  Cùng với Cornelia - vợ của Dan Copăceanu, chúng tôi đi theo lối nhỏ nằm giữa 2 dãy ký túc xá để về Căminul 5 rồi tiếp đến Căminul 2. Đang vào dịp bầu cử nên việc bảo vệ ở đây khá nghiêm ngặt. Tuy vậy, chúng tôi vẫn được mấy người đang ca trực cho vào tận trong sảnh, vào tận hành lang, vào tận bếp và sala ngày trước. Ở mỗi vị trí, chúng tôi đứng lại, ngồi lại và chụp lại. Dâng tràn một nỗi nhớ đắng đót về những năm tháng miệt mài với các kỳ thi, với các bài tập lớn-nhỏ; để lại sau lưng “mái nhà xưa-căminul 2, căminul 5” cùng vô vàn kỷ niệm, chúng tôi đi về phía cantina, chụp nhanh vài kiểu ảnh và đợi xe đến đón…

       Có khá nhiều bạn cùng đi, xe lăn bánh vào trung tâm thành phố. Các bạn đưa chúng tôi đi siêu thị mua sắm (Liana, cô bạn học năm sau-con gái giáo sư Iancou đã chờ chúng tôi ở tầng hầm nơi xe ra), rồi chúng tôi cùng ra ngoại ô. Ngay tại mốc Cluj-Napoca 7km, chúng tôi dừng để ghi hình và ngắm nhìn từ trên cao xuống, bao quát cả Cluj thân yêu. Nắng và gió nhẹ, khung cảnh quá đỗi thanh bình. Không có những cao ốc chọc trời, không có những biệt thự nguy nga, chỉ nhỏ xinh một phố núi với những mái nhà giản dị xen trong cây lá và những sắc hoa đủ loại, ở đó có những người dân nồng hậu và thân thiện...

        Còn thời gian, xe đưa chúng tôi quay lại trung tâm, dạo qua vài ngách phố, ghé nhà thờ, mua mấy chiếc kem mát lành chia nhau rồi lên xe về khu đồi gần khách sạn. Chúng tôi ăn trưa tại Restaurant ngoài vườn, các bạn bên nhau người hát, người đàn và râm ran chuyện trò khắp khuôn viên. “Nu plecăm acasă, noi sântem aici…”, tất cả nghẹn ngào cùng những bàn tay xiết chặt, những vòng ôm tha thiết cho tới gần 21h - thời điểm chúng tôi phải ra ga cho kịp chuyến tàu 22h về Bucuresti. Những bàn tay vẫy, những ánh mắt dõi theo. Dan cùng vợ, Ofelia và nhiều bạn tiễn chúng tôi. Tàu chưa đến, lại nhắn nhủ, lại kề vai ghi hình thêm một lúc và… thật bất ngờ, Ofelia lặng lẽ đưa cho chúng tôi một lá thư. 

      Tiếng còi đã vang bên tai, chia tay và vội vã lên tàu, chúng tôi vẫn thấy những bàn tay bè bạn dưới sân ga. Chào nhé các bạn mến thương. Chào nhé Cluj đã khắc ghi mãi mãi trong ký ức. Có ai dám mong thêm một lần trở về? Có ai dám ước thêm một lần gặp lại?. “Intălnirile trec, Amintirile rămân”…  

      Sắp xếp xong, chúng tôi mở thư xem mới biết cuối lá thư đó có hầu hết chữ ký của các bạn đã tham gia buổi liên hoan chiều tối nay và những dòng chữ được viết từ tình cảm chân thành của các bạn làm tất cả chúng tôi xúc động, nghẹn ngào…

      Dan và các bạn ơi, những ngày qua đã để lại trong mỗi chúng ta nhiều lưu luyến. Không còn cách ngăn về quốc tịch, không còn xa xôi về địa lý cũng chẳng còn khoảng cách của thời gian. Như mới hôm qua chúng ta cùng trên lớp, như mới hôm qua chúng ta cùng ngóng trông kỷ niệm 35 năm ngày ra trường và sẽ mãi như mới hôm qua chúng ta cùng nhau tìm về kỷ niệm. Các bạn hãy đến thăm Việt Nam, hãy đến với chúng tôi vào dịp gặp mặt thường niên dù chỉ một lần. Và chúng tôi, biết đâu lại có một dịp quay về để chúng ta cùng thực hiện một “Intălnire de vis” nữa...

      Cảm ơn những người thầy, những người bạn Rumani đã dành cho chúng tôi tình cảm nồng nàn và nhất là Dan Copăceanu - thủ lĩnh yêu quý của chúng tôi đã đưa ra ý tưởng cho lễ kỷ niệm đặc biệt này cùng đóng góp không nhỏ của cô bạn lớp phó xinh đẹp Ofelia.

      Đêm trên tàu thật khó tìm giấc ngủ, chúng tôi cứ 6 người một khoang nhưng hầu như ai cũng thao thức mãi…

    Thứ hai, 26/5.  Trời tảng sáng, qua cửa kính chúng tôi cố dõi theo những mái nhà lúp xúp, vài ba khu công nghiệp cùng những căn hộ tập thể cũ kỹ, những bụi cây loang loáng ven đường, mờ trong sương sớm, đang vùn vụt lùi lại phía sau… Rồi ửng hồng phía xa kia là bình minh đang đến. Nắng trải vàng thật nhẹ và từng lúc, từng lúc những vạt hoa Kenzo mảnh mai, đỏ thắm vô tình thấp thoáng xinh xinh ngay sát đường ray mà cánh hoa lại cứ mỏng tang như cánh bướm khiến chúng tôi thấy vui và thương lạ…

     Vẫn còn đây một Rumani với những bình nguyên mênh mông đầy sức sống, vẫn còn đây một Rumani với nhiều tài nguyên thiên nhiên và vẫn còn đây một Rumani như nàng tiên nhỏ với trái tim nhân hậu hứa hẹn sẽ tỏa sắc hương cho một tương lai tươi sáng không xa...

     Hối hả xuống tàu và lên ngay xe về thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Bucuresti, chúng tôi không kịp quan sát kỹ xung quanh để nhìn gần hơn những người dân với nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi đang ngược xuôi trên khắp sân ga, để ghi lại những khuôn dáng đặc trưng của một dân tộc hiền hòa, dung dị và từng nhẫn nại trong mọi khó khăn…

     Tuy chúng tôi chỉ có được một thoáng ghé thăm nhưng vị Đại sứ vẫn dành thời gian chuyện trò thân mật và tâm sự, sẻ chia. Những đĩa trái cây tươi ngon giúp chúng tôi tỉnh hẳn người sau một đêm ít ngủ trên tàu bởi nặng đầy những cảm xúc đan xen. Cảm ơn ĐSQ Việt Nam tại Rumani, cảm ơn anh Chính, anh Lắng cùng gia đình đã sắp xếp chương trình giúp đoàn, đã tạo mọi điều kiện tốt và đã đón tiếp chúng tôi rất thân tình. Tiếc là thời gian quá ít không cho phép chúng tôi có được những buổi tham quan Bucuresti và được gặp gỡ cộng đồng người Việt chúng ta.

     Chiều 26/5. Chúng tôi tạm biệt Rumani, bay sang Paris để tiếp tục cuộc hành trình thăm Châu Âu cho đến ngày 08/6 (Paris-Pháp, Bruxelles-Bỉ, Amsterdam-Hà Lan, Cologne-Đức, Luxembourg, Rome và Pisa-Ý).

     An toàn-khỏe mạnh: sáng 10/6 hai nhóm cùng về đến Nội Bài và Tân Sơn Nhất, kết thúc chuyến trở lại trường cũ (tiện thể du lịch tham quan mấy nước châu Âu) mà chúng tôi đã ấp ủ hơn một năm trời…

     Cảm ơn Hòa, Tăng - những người đã nhiệt tình, tận tâm hết mực (chúng tôi còn muốn nói là dũng cảm) tổ chức chuyến đi này. Cảm ơn em Nhi ở Đại sứ quán Rumani tại Hà Nội - người đã kết nối và chuẩn bị thủ tục cần thiết cho đoàn, dù chưa gặp mặt nhưng chúng tôi hình dung đó là cô gái dễ thương, hiền dịu. Cảm ơn hai cháu Trung, Minh - những đứa con ngoan biết rèn đức, luyện tài để cho các ông bố, bà mẹ được yên tâm về những người nối dõi và bạn bè của bố mẹ cũng được thơm lây. Đoàn có thêm các cháu như được cộng thêm sức trẻ, như được tiếp thêm năng lượng quý.

     Cảm ơn cả thời tiết cuối tháng 5 - đầu tháng 6 thật dễ chịu để chuyến về trường của chúng tôi thuận lợi. Vẫn còn một tiếc nuối không nhỏ là chúng tôi chưa được đi lại con dốc quen với hai bên đường có nhiều hoa dại bé xinh mà khi xưa từng ngày đi bộ tới lớp chúng tôi vẫn mê mải ngắm nhìn. Cũng thật tiếc cho một số bạn trong chúng tôi lần đầu về lại Cluj mà không được dạo nhiều để cảm nhận những đổi thay hoặc những bất biến của mảnh đất này. Nhưng, mọi điều chỉ là tương đối, được bấy nhiêu cũng đã là quý lắm. Chưa đủ đầy, chưa trọn vẹn biết đâu lại thành nguồn cội cho những ước mơ sau. Mong cho tất cả chúng ta đều có nhiều sức khỏe và bình yên trong cuộc sống để có thêm một ngày mai khi chân còn mạnh sẽ lại ríu rít ba lô lên vai, sẽ cùng về lại nơi này gặp bạn và sẽ đi thăm nhiều thành phố nữa, nhất là Iasi - nơi chúng ta ngỡ ngàng tiếp cận môi trường mới lạ và là nơi đánh dấu buổi đầu ngơ ngác bước chân vào cổng trường đại học xa xôi…

     Các bạn nhé, sang năm hay sang năm nữa nếu các bạn Ru đến Việt Nam, chúng ta sẽ cùng lên lịch và cùng tổ chức cho những ngày gặp gỡ thật ý nghĩa, thật vui.

 

Ghi chép của Nhóm CSV  ĐHBK Cluj-Napoca, tháng 5/2014.

Ghi chú: Những bức ảnh gửi kèm theo, thứ tự như sau:

 

104:  Đoàn bên hồ Herastrau

186:  Đoàn trên sân thượng của tòa nhà, nhìn thấy đồi Belvedere

207: Thầy cô giáo và sinh viên ở sân trường

277: Thầy cô giáo và sinh viên ở Giảng đường Vasile Ile

303: Chủ tọa buổi kỷ niệm 35 năm (Lớp trưởng, Giáo sư Bârsan, Giáo sư Hiệu trưởng, sinh viên Tăng)

383: Sinh viên Việt Nam tặng quà cho nhà trường.

.

 

 

 

 

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 15
  • 4015
  • 22,049,989