Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

DẦU KHÍ VÀ TÔI - P7: TRỞ VỀ PETROVIETNAM

  12/12/2022

VII. TRỞ VỀ PETROVIETNAM

       Đầu năm 1992, tôi về lại chốn cũ, bạn xưa.Tôi đã nhanh chóng hòa nhập và thích ứng ngay với công việc của mình. Tôi được giao phụ trách trữ lượng, công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo TTS và NCS, theo dõi việc thực thi Chương trình Công tác và Ngân sách hàng năm của các Nhà thầu Petronas Carigali, JVPC, UNOCAL, Fina, MJC rồi phụ trách Tổ Thăm dò khu vực Bể Cửu Long và Tlđ Tây Nam Việt Nam mà anh em quý mến quen gọi đùa là Cửu Long Vương. Tôi, Đỗ Văn Đạo và Đào Quang An là “Vương” ờ hai vùng khác, tạo thành thế “chân vạc” vững chắc một thời . Hồi ấy vẫn còn cả “dân Hóa” như Phạm Hồng Vân, Nguyễn Phương Hải, Ngô Dương Hùng và Tưởng Bích Hà. Những đợt cử người sang Rumani hàng loạt từ những năm đầu 70 thực tập tại nhà máy Lọc Hóa dầu như Nguyễn Khải, Hữu Lạp, Minh Thư, Thị Dậu…đã ly tán hoặc đổi nghề hết sạch vì chẳng thể chờ. Mấy nhân vật “non E&P”phần nào cũng mang lại niềm hưng phấn làm việc, nhất là ” Sức khỏe kế” Tưởng Bích Hà. Thị vốn học Hóa ở Đức, về Viện Dầu Khí Hưng Yên, rồi Vụ HTQT, lấy chồng, chuyển sang Vụ Kỹ Thuật từ hồi 1989 sau khi làm Tiến sỹ từ Đức trở về.  Hà là cháu ngoại của cụ Tôn. Xinh đẹp, hát hay, tính tình phóng khoáng, rất nể chồng và lại không hề kiểu cách như lũ con ông cháu cha khác. Tôi bảo:“Mỗi lần trông thấy em, trong người bừng bừng khí thế là bọn anh mừng cho sức khỏe hãy còn chứ tịnh không có ý đồ gì ám  muội. Yên tâm!”. Thị cười toét, “no objection” khi được mệnh danh là cái “thiết bị đo sức khỏe” ấy. Nhưng liền sau đó tôi đã phải oang oang thú thật với Phạm Việt Dũng: ”Mà cũng không được ám muội  thật, chứ lơ tơ  mơ  thằng Lân chồng nó biết, tương cho hòn gạch vào sau gáy có mà toi đời!”. Cả lũ cùng cười. Tôi quý Hà phần vì anh em  nói chuyện hợp gu, phần vì “mang ơn cứu mạng” của ông ngoại Hà. Số là dịp ấy Hà Tây chuẩn bị khánh thành nhà hát Nguyễn Trãi hoành tráng, kề vườn hoa Thị xã Hà Đông. Bố vợ tôi thuộc vào hàng chức sắc ở đó cũng có được 4 vé mời (nhằm cho ông cụ, vợ chồng tôi và thằng em vợ) tham dự tối khai mạc trọng thể và liên hoan tưng bừng ấy. Không ngờ đúng ngày giờ ấy thì cả Thị xã nghe thấy tiếng “Rầm!”, toàn bộ phần mái khổng lồ ấy đổ sập xuống. Chắc chắn sẽ có bao nhiêu người chết hoặc tàn phế trong đó có cả bốn bố con tôi, nếu đêm khai mạc ấy không bị hoãn lại do sự ra đi của ông ngoại Hà và lễ quốc tang của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Tôi chẳng rõ nguyên nhân là do sai sót trong thiết kế, ăn bớt vật liệu khi xây dựng hay lại là do “khách quan”chỉ có trời mới biết. Phạm Việt Dũng là kỹ sư trắc địa ở Leningrad, Liên xô. Tôi quý hắn không phải chỉ vì hắn đồng hương, là cháu ngọai của cụ Bùi Bằng Đoàn mà còn bởi hắn là thằng rất hiền lành và tử tế. Nó đã lọt vào mắt xanh và “tầm ngắm đào tạo” của tôi ngay khi mới trở về. Chả thế mà trong Đại hội Tổ Công đoàn lần sau, tôi đã truyền ngay “ngôi báu” thủ lĩnh cho hắn và tự mình rút lui để nghỉ ngơi “vì lý do sức khỏe”. Và từ đó hắn không phụ lòng tin ấy, đảm trách xuất sắc phần việc và được tất cả mọi người yêu mến.

          Hồi đó người ta nói Tiến sĩ Trần Cảnh và Văn Đắc như một cặp bài trùng. Hầu như hết thảy công việc của phòng KHKT (và từ năm 1993 là Phòng TDKT) đều một tay Văn Đắc lo liệu cả để Tiến sĩ Cảnh rảnh tay, có thời gian mưu đồ việc lớn. Văn Đắc là người hết lòng vì công việc, nhiều lúc tới mức ôm đồm, tả xung hữu đột,  không cần người trợ thủ. Còn tôi, ngoài phần việc của mình, tôi luôn được Tiến sĩ Trần  gọi giúp rà soát, sửa chữa lại nội dung  các công văn sắp gửi, các tổng hợp trữ lượng và tiềm năng, kế hoạch và phương hướng, các nhận định và kết luận mà sếp chưa thật an tâm trước khi đặt bút ký cho dù đã có ruồi muỗi đậu đầy. Anh là người rất cẩn trọng trong văn bản. Tôi sẵn lòng giúp anh. Nhưng cũng chẳng vì thế để tự hào, bởi đơn giản tôi coi đó là việc nghĩa và trách nhiệm. Bên Khai thác có Nguyễn Trọng Hạnh cũng ráo riết không kém. Khi Hạnh chuyển sang làm trưởng phòng Thẩm Định thì Nguyễn Văn Minh thay thế. Một đội ngũ gồm những gương mặt như Nguyễn Đình Khuông, Đỗ Văn Đạo, Đào Quang An, Dương Đăng Thú, Bùi Ngọc Quảng, Phạm Việt Dũng, Trần Đức Chính, Đỗ Văn Hinh, Nguyễn Trấn Phòng, Nguyễn Minh Thu, Ngô Việt Nga, Trần Mạnh Cường ( Thăm dò); Vũ Văn Viện,  Phan Ngọc Trung, Nguyễn Ngọc Hoàn, Cù Xuân Bảo ( Khai thác), Đinh Hữu Kháng, Nguyễn Văn Toàn, Bùi Văn Tính (Khoan) đã làm nên diện mạo phòng TDKT. Hồi ấy người ta hay thích nhắc tời Cảnh-Toàn-Phòng-Thu-Thú, Toàn-Phòng-Đắc-Thắng, chứ nghe tới Cảnh-Toàn-Phòng-Thú-Tính thì ai cũng ngán. Có lẽ một phấn vì lẽ ấy, ít lâu sau Bùi văn Tính phải ra đi, vào mãi tận Vũng Tàu(?!).

           Hợp đồng PSC giữa Petronas và PetroVietnam tại lô 01-02  được ký vào năm 1991. George Paul là TGĐ đầu tiên của Petronas Carigali Việt nam hồi ấy . Dưới ông là cả một dàn kỹ thuật Mã-Việt nhiệt tình như John Peck, Richard Koe, Lai Hoi Kien, K.C.Sing, Chandramohan , Rosli Hamza, Nguyễn Huy Ngọc, Vũ Văn Nghiêm, Vũ Trọng Hải…Tôi luôn được coi là khách đặc biệt. George Paul dặn Lễ tân « Hễ ông Thắng tới, không được hỏi, mời ngay ông ấy lên phòng tôi. Cô nhớ chưa? ». Ông với tôi cùng trang lứa. Trong suốt thời gian công tác, chúng tôi đã quan hệ với nhau như những người anh em, chân tình và đầy trách nhiệm. Còn đám kỹ thuật thì khỏi phải bàn. Chúng khoái tôi và thường gọi tôi bằng biệt danh « Mr.Golden Tongue » mặc dù tôi vô cùng ít nói. Đây là Hợp đồng ra nước ngoài đầu tiên của Petronas Carigali nên sau khi khoan 2 giếng đầu Jade-1X và Saphire-1X không đạt kết quả, George Paul rất lo lắng. Bởi thế khi gặp ông vào lúc đang thử vỉa Giếng Ruby-1X (tháng 8/1994), tôi đã thấy ông hồi hộp như thế nào và sự mừng vui tột đỉnh ra sao vào sáng hôm sau khi ngọn lửa dầu phun lên từ giếng thứ 3 này. Những người lính tiên phong trong lần xuất quân đầu tiên ấy về sau đã là những cốt cán trong các hợp đồng ở nước ngoài của Petronas.

         Tôi vào Fina tham gia minh giải  tài liệu lô 46, 50, 51 thì gặp Nguyễn Du Hưng. Hết giờ làm việc, cả bọn kéo nhau ra quán cóc gần đó ăn trưa. Đó là lần đầu tiên anh em gặp nhau. Hắn cứ nhìn tôi như một gã thợ săn ngắm nghía con mồi, rồi đột nhiên tủm tỉm : «  Em nghe danh bác từ lâu lắm rồi mà nay mới được gặp. Đúng là Thắng-Đầu-To như lời đồn của thiên hạ ! ». Với cái mở đầu như thế và khả năng chiếm lĩnh của tôi, lại thêm cái thú văn chương, ngay lập tức cả hai đã tỏ ra tâm đầu ý hợp. Hồi ấy quan hệ giữa Fina và PV rất tốt khiến cho tôi khinh suất. Số là khi Michael Best sang thay TGĐ Henri Piere, có một lần tôi nhờ Mỹ Hạnh, vợ Hưng hoàn chỉnh cho PV bản đồ Hoạt động thăm dò dầu khí tại Tlđ Việt nam và in màu giúp. Tôi nghĩ bản đồ này sau này cả PV, Fina  và các Nhà thầu sẽ dùng chung, có gì đâu. Ai dè trong lúc Hạnh làm việc thì Best tới. Hắn nhìn thấy và hỏi. Hạnh thật thà báo cáo. Ai ngờ sau đó Hạnh không được làm ở Fina nữa trong lúc cô ấy đang mang thai. Tôi ân hận và tức giận vô cùng và gặp Best nói cho hắn biết về cái hành động phi nhân tính, vi phạm luật lao động và vỗ mặt chủ nhà ấy. Nhân có một lần cùng Sếp tiếp Phó chủ tịch của Fina ở Bruxel sang thăm PV, tôi đã kể chuyện này. Ông Phó Chủ tịch xin lỗi và hứa sẽ xem xét. Vài ngày sau, Michael Best bị điều khỏi Fina Vietnam. Sau này nghe mọi người kể lại, thằng này thần kinh thật, đi đường luôn cầm đá trong tay và thỉnh thoảng hắn quay lại ném về phía sau vì nghi có người theo dõi. Còn nhớ dịp làm Brochure « PETROVIETNAM Exploration& Production, Chalenges and Oportunities» để phục vụ chương trình quảng bá lần đầu tiên tại Stavanger, Na-Uy, Tôi phải lo toàn bộ phần nội dung, kể cả việc chuyển sang  tiếng Anh. Còn bản vẽ minh họa đi kèm, nhờ chú em Trịnh Xuân Cường giúp tôi can vẽ bằng mực tus rồi dùng bút chì màu thấm nước bọt mà tô , sau đó gửi tới Nhà in để in thành 1000 bản, chứ làm gì có máy in màu. Rồi lên đường. Rủi ro thay, lần ấy mấy thùng tài liệu gửi đi bị thất lạc. May mà tôi còn mang theo vài quyển nên nhờ phía Na-Uy giúp đỡ. Cuốn tài liệu được quét và in “xoạch” một cái thành 1000 bản khác. Ngày hôm sau, ai ngờ mấy thùng “bảo bối” kia lại tới. Thành ra đáng lẽ chỉ có 1 nghin bản, PV đã có số lượng gấp 2 lần để quảng bá hình ảnh và tiềm năng dầu khí tại WPC ( World Petroleum Congress) cho toàn thế giới.

         Tại thềm lục địa Tây nam, UNOCAL cũng là một nhà thầu đáng nhớ. Ngay từ khi đàm phán Hợp đồng, Cam kết Công việc đã làm mọi người kinh ngạc: 10 giếng khoan trong Giai đoạn I Thăm dò. Nhưng Cam kết Tài chính tối thiểu còn gây ngạc nhiên và tranh cãi hơn nhiều: 10 giếng, 20 triệu USD? Tôi đã chất vấn do không tin được. Bởi thông thường hồi ấy, cam kết tối thiểu cho mỗi giếng phải là 8 triệu USD, làm sao có thể thế được? Có một anh chàng dáng thư sinh ngồi đàm phán nói rất nhẹ nhàng: “ Các anh sẽ thấy thôi”. Người ấy là Frederik Sheferd, sau này là TGĐ của UNOCAL Vietnam. Khi khai trương văn phòng, anh tiếp tôi rất niềm nở. “ Tôi rất vui vì được cử làm TGĐ của Unocal Vietnam. Đối với tôi, tìm ra dầu khí là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn là xây dựng được mối quan hệ tốt với PV, với nước chủ nhà. Tôi rất muốn nhờ các anh giúp”. Tôi biết lời nói đó không hề khách khí. Fred là một TGĐ tốt, hiền lành, không bao giờ uống rượu bia, biết quan tâm tới mọi người và được cấp dưới rất qúy mến. Anh có vợ là người Thái và bốn đứa con.Trong các cuộc họp MCM hay TCM, chị Phensri (hơn chồng một tuổi) thường làm công tác hậu cần, lúc nào cũng oang oang và xăng xái làm ai cũng cảm động và quý mến. UNOCAL Khoan không thành công giếng đầu tiên Kim Quy-1x . Tuy nhiên các giếng tiếp theo hầu hết đều thắng lợi. Các mỏ khí Kim Long, Ác Quỷ được phát hiện. Giá thành các giếng khoan tuy không phải là 2 triệu USD nhưng cũng chỉ khoảng 2,4 -2,6 triệu. Fred nói với tôi, các giếng khoan phát triển sau này sẽ có giá 0,9 triệu USD. Ở Thái lan, họ chỉ cần 0,7 triệu do điều kiện logistic tốt hơn.Một kỷ lục về khoan Nhanh và Rẻ mà chưa công ty nào có được! Tôi gặp Giám đốc khoan của UNOCAL. Đó là Dave Pain, một anh chàng lanh lợi, đầy râu ria nhưng có tài hùng biện và cách diễn thuyết như một nhà văn. Tôi bị thu phục bởi “SX Strategy” mà anh trình bày. “Với cùng kinh phí, anh sẽ phải lựa chọn giữa việc khoan 1 giếng với 100% lượng thông tin hay khoan 3 giếng, mà mỗi giếng chỉ cung cấp được 80% lượng thông tin đó. Khoan thật nhiều và giá thật rẻ. Tất cả mọi người trên Giàn, từ Địa chất tới Giám sát khoan phải là một team, có chung một mục tiêu, một hành động”. Tôi mê ly và gạ Fred giúp PV đào tạo cán bộ về lĩnh vực khoan. Fred nhận lời, nhưng chỉ được một xuất. Nguyễn Xuân Cường được gửi sang UNOCAL vào dịp đó. Sau này Nguyễn Văn Toàn sang UNOCAL Thái lan tham quan, giật mình kể “chỉ 3-4 ngày nó đã khoan xong 1 giếng trên 3000m rồi bác ạ”. Forum lần thứ nhất về Thăm dò Bể Cửu Long năm 2001, tôi đã gạ Fred cho Dave tới trình bày tham luận về khoan. Tôi luôn coi Khoan là một trong 2 yếu tố quyết định thành công ( Khoan và Chất lượng tài liệu địa chấn) Qúy bạn và nể lời của “Ủy viên Ủy ban Quản Lý”, Fred đã đồng ý,” Nhưng chỉ nói khoảng 30 phút thôi Thắng nhé”. Dave cũng thế, nên anh đã rất nhiệt tình trong Forum lần ấy. Sau này Trang, nhân viên cũ của UNOCAL kể với tôi:” Thằng Dave bây giờ to lắm anh ơi, nó làm tới chức Vice President của Chevron Global rồi đấy”. Còn Fred, sau hồi Chevron mua lại UNOCAL, Jon Pamigianno sang thay. Tôi rất tiếc phải chia tay Fred. Anh về Thai Lan quê vợ, nghe đâu làm cố vấn cho PTT hay PTTEP gì đó…

        Tôi được giao theo dõi và giám sát hợp đồng lô 05-2, bể Nam Côn Sơn của MJC ( Mobil-Japan Co.).TGĐ  William Daken với bà vợ Susan của ông là những người khá lịch thiệp. Hai ông bà không có con. Bà Susan theo dạy lớp tiếng Anh cho đám trẻ. Có lần ngồi ăn tối, bà nhận xét vui:”Tôi thấy người Việt Nam thực tế hơn ( more practical) so với người Nhật. Người Nhật thường dùng đũa gắp thức ăn từ bát đặt dưới bàn, rất dễ rơi vãi, trong khi người Việt Nam đưa bát kề sát miệng mà và cơm vào. Chẳng bao giờ rơi vãi cả!”. Tiến sỹ Lê Ngọc Quang, Việt kiều tại Mỹ, hồi đó là trưởng đại diện của Mobil Vietnam cũng là người rất hăng hái, nhiệt tình.Tôi và Nguyễn Quang Bô (khi ấy đã vào PV-2) đã từng có một tháng công cán tại Mỹ. Ngoài việc xem xét và minh giải tài liệu, trao đổi về vị trí giếng khoan tại trụ sở Mobil Operation, tới cả hiện trường nơi tổng thống Kenedy bị ám sát, vào thăm Medival Time ở Dallas nhận “tấn phong hiệp sỹ”, được các “nô tỳ” kính cẩn mời những món ăn ngon, xem các dũng tướng thời La mã cổ trên những con tuấn mã giao đấu;  Đã ngồi Air Taxi bay là là cánh mặt đất vài trăm mét khảo sát tuyến đường ống và chạy tàu thủy dọc ngang trên hồ Muray, Oklahoma . Chúng tôi đã bay từ Houston tới Louissiana rồi thuê xe chạy qua chiếc cầu dài nhất thế giới cắt qua Vịnh Mexico về Olabama tham quan Mỏ khí Mary Ann chứa tới 8% lưu huỳnh.Tôi tò mỏ hỏi và được biết Mary Ann Gas Field được đặt theo tên vợ của Chủ tịch Mobil hồi ấy. Hóa ra ỡ Mỹ nó cũng biết nịnh sếp ra phết. tôi nhớ mình đã hỏi:”Thế nhỡ khoan khô thì sao?”, “Yên tâm đi, khi biết chắc thành Mỏ rồi chúng tôi mới dám đặt chứ”. Trực thăng đưa chúng tôi ra tham quan mỏ Green Canyon, giữa Vịnh Mexico… một chuyến đi gấp gáp song cũng rút ra được nhiều bài học thú vị. Bạn tiếp đón quá tử tế khiến chúng tôi vừa cảm động vừa tần ngần mà ngại nói. Cấu tạo Thanh Long rất lớn nhưng nó chịu rủi ro chung  như những cấu tạo khác ở bể Nam Côn Sơn hay Bể Sông Hồng, đó là Timing. Thời gian hình thành cấu tạo và tích tụ dầu khí không thuận lợi do hoạt động nghịch đảo và cắt cụt mạnh mẽ cuối thời Miocene. Về sau, MJC đã khoan 2 giếng không thành công, chỉ phát hiện một tập mỏng cát kết chứa sản phâm ở nóc Miocene do không có tầng chắn với chi phí kỷ lục hồi đó: gần 100 triệu USD do dị thường áp suất và nhiệt độ cao ở độ sâu dưới 2500m.      

        Năm 1992, Mitsubishi Oil ký Hợp đồng với PV tại lô 15-2. Tano, người từng đạp xe xuyên Việt là TGĐ đầu tiên của Công ty Dầu khí Nhật Việt JVPC ấy. Ông Sato là Chủ tịch UBQL. Tôi cũng là một trong 3 Ủy viên phía Việt Nam đầu tiên của UBQL Hợp đồng ấy. Những gương mặt phong sương đầy nghiêm túc trong những cuộc họp MCM, thái độ vui vẻ trong những bữa tiệc cùng các ông Sato, Tano, Kobayashi, Ichikawa, Fukuoka, Ida..và những buổi tranh luận hăng say cùng  GĐ Thăm dò Onogi, KS trưởng Địa chất Wada, Ks trưởng ĐVL Shiomoto trên những bản đồ, lát cắt như vừa mới ngày nào. Tôi vẫn còn giữ bộ ấm chén uống rượu do Tano San tặng cho những « Sake’s Lovers ». Tháng 7/1994 JVPC phát hiện dầu trong Móng granit nứt nẻ ngay tại Giếng khoan đầu tiên RĐ-1X. Giếng RĐ-2X khoan tới độ sâu trên 4000m cũng thành công vang dội. Khi Tano về, ai cũng đoán là Onogi, GĐ Thăm Dò sẽ thay vì có công đầu ma chẳng ai nghĩ Ida, GĐ Khoan sẽ thành TGĐ. Hóa ra thâm niên vẫn được người Nhật coi trọng. Hôm sang họp ở Tokyo, Onogy dẫn GĐ Thăm Dò mới ra giới thiệu bằng tiếng Việt : « Đây là chú Hashimoto, sắp tới sang Việt Nam thay em làm giám đốc Thăm Dò. Em nhở bác giúp đỡ chú nó ». Lần đầu tiên tôi gặp Hashimoto (hiện là TGĐ JVPC) như thế. Môt gã đẹp trai để ria mép, hiền lành. Giống như Onogy, hắn có sức làm việc ghê gớm, có khả năng thức trắng đêm để chuẩn bị tài liệu mỗi khi họp TCM hay MCM.

          Ngày 2/5/1995, một sự kiện đau lòng với toàn phòng TDKT cũng như toàn giới thăm dò: Anh Nguyễn Đình Khuông đột ngột ra đi vào tuổi 57. Hôm ấy đáng lẽ tôi chuẩn bị có xe đón đi công tác miền Nam thì có điện thoại của anh Đắc:” Này ông biết tin gì chưa ? bác Khuông mất rồi”.”Sao? em vừa ngồi chuyện trò với bác cả chiều hôm qua mà?”, “ Thôi ông hoãn chuyến công tác đi, viết ngay giúp tôi lời điếu. Tôi lo báo anh em và giải quyết một số thủ tục tí nữa tôi vào”. Tôi bàng hoàng. Hai vợ chồng chạy vào khu tập thể mới biết bác đã được đưa vào Viện E. Ngồi viết Điếu văn mà đầm đìa nước mắt. Một con người cương trực, hết lòng với công việc và anh em, luôn bất bình trước những điều thị phi ngang trái đã ra đi như thế. Trong lễ truy điệu, khi nghe anh Đắc đọc điếu văn, nhiều người đã khóc. Anh Đỗ Ngọc Ngạn thầm thì nói với mấy người đứng cạnh: “Sau này hai năm mươi, mình chỉ ước được cha Đắc đến đọc điếu văn thôi”. Có một lần họp ở XNLD VSP  xong tôi lên Tp HCM thăm một vài đơn vị. Hôm ấy vừa xong việc với Unocal  bước ra khỏi Metropolitan, tôi nhận được một tin dữ: Nguyễn Trọng Hạnh đã đột tử ngay trong phòng họp số 4 của PetroVietnam ở 22 Ngô Quyền khi sắp kết thúc đàm phán với BP về đường ống dẫn Khí Nam Côn Sơn. Người Trưởng phòng Khí ấy, phòng họp số 4 của PetroVietnam ở 22 Ngô Quyền khi sắp kết thúc đàm phán với BP về đường ống dẫn Khí Nam Côn Sơn.Người Trưởng phòng Khí ấy, nguyên Phó Phòng KHKT, nguyên trưởng phòng Thẩm Định ra đi khi chưa đầy 50 tuổi. Thái độ làm việc hết mình của anh và của nhiều người khác nữa có một thời như thế.

          Tháng 9/1995, ngành dầu khí kỷ niệm 20 năm ngày thành lập TCDK. Tôi vẫn nhớ những gương mặt già nua của những bậc tiền bối trên đường tới Bảo tàng Hồ Chí Minh dự Lễ Kỷ niệm và trao huy hiệu “Vì sự nghiệp Dầu Khí” hân hoan biết nhường nào. Tiếc sao người tổ chức chẳng để ra 1 phút mặc niệm để tưởng nhớ những bậc tiền bối mà trong ngày vui hôm nay không còn nữa? Sao chẳng thể mời tất cả các bậc lão thành kia lên sân khấu mà gắn huy chương, tặng quà cùng những lời tri ân mà chỉ  mời 4 đại diện Công-Thanh-Chính- Đảng lên trao đại diện, còn số huy hiệu kia, các đơn vị “gánh về” tự phân chia? Người ta sao nỡ vội quên nhanh quá khứ! Tôi đem cái phàn nàn ấy nói với một số người. Hình như cũng có người nghe thấy, bời tôi thấy lần sau, cách tổ chức có ít nhiều thay đổi.          

          Sau việc phát hiện mỏ Rạng Đông của JVPC (7/1994 ) và mỏ Ruby của Petronas Carigali (8/1994), Hợp đồng lô 15-1 “xuýt” định ký với Vanguard ( một công ty Việt kiều Mỹ do Lê Phượng Vỹ làm giám đốc) vì thế được hoãn lại để đấu thầu quốc tế. Tổ hợp Conoco-KNOC-SK-Geopetrol đã thắng thầu. Liên doanh Điều hành chung Cửu Long ( CLJOC) được thành lập, trong đó PVEP chiếm 50%, Tổ hợp Conoco- Hàn Quốc chiếm 50% còn lại. Phía nước ngòai sẽ gánh toàn bộ chi phí và rủi ro trong Giai đoạn 1 Thăm Dò. Các lô xung quanh Bạch Hổ 16-1, 16-2 , 09-2 , 09-3 của bể Cửu Long cũng trở nên đầy hấp dẫn. Hàng loạt các tên tuổi lớn như Esso, Mobil, Amoco, Chevron, Conoco, Texaco v.v đã vào xem tài liệu và tham gia đấu thầu. Nhưng cuối cùng phần thắng lại về tay SOCO, một công ty ít người biết tới. Sự ra đời của hai JOC Hoàng Long và Hoàn Vũ cũng vào thời kỳ đó. SOCO là một công ty nhỏ nhưng rất nhanh nhạy trong quan hệ đối ngoại. Đội ngũ kỹ thuật của họ khá mỏng, phải thuê. Có trường hợp 2 cán bộ ĐC-ĐVL chính của SOCO không đủ trình độ bị PV yêu cầu thay. Sau đó có lần SPE Viêt nam  tổ chưc Hội thảo, người được mời thuyết trình hóa ra lại chính là anh chàng Gary Leaf vừa bị thay kia. Sau trưởng SPE biết được chuyện này vội hoãn liền. Làm chính nghề đã kém, nhưng nghe đâu, đã có lần anh chàng lại còn khai chức danh trong CV là Drilling Superintendent ( Tổng điều hành thi công Khoan) và đã làm ba tháng trời cho một công ty nọ của ta ( !). Đó cũng là một bài học. Tôi còn nhớ Peter Merci (anh trai của Dan Merci) làm giám đốc khoan, nhưng mỗi lần gặp những vấn đề hóc búa cần có những quyết định, anh ta đều tìm cách lẩn tránh và phó mặc cho Drilling Superintendent. Nghe nói ở nước ngoài có những bọn chuyên được thuê làm CV. Chỉ cần vài dữ kiện cá nhân và xem những yêu cầu của Công ty là có ngay một CV đọc « sướng tai » liền. Tây có nhiều người giỏi nhưng cũng không thiếu kẻ lười biếng và trí trá như vậy.Trong nhiệm kỳ công tác, tôi rất hài lòng về những chức danh cao cấp thuê tuyển nhưng cũng đã từng buộc lòng phải cắt hợp đồng do không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn hoặc đuổi do ý thức chấp hành kỷ luật kém, có thái độ thiếu tôn trọng đối với người Việt Nam. Cà hai đều là chức danh cao cấp về khoan Drilling Superintendent .

         Tại Lô 15-2, sau khi khoan hai giếng RD-1X và RD-2X thành công, JVPC đã khoan năm giếng khoan thẳng đứng tiếp theo RĐ-3X, 4X, 5X, 6X, 7X và đều cho kết quả kém. Đó là những năm giữa thập niên 90, giá dầu gỉam thảm hại do cuộc khủng hoảng ở Trung Đông. Conoco khi ấy là cổ đông lớn ở Cửu Long JOC và cũng đã mua thêm một tỷ phần lớn của JVPC. Phía PVEP cũng đã bỏ qua cơ hội mua thêm 9% tài sản mà JVPC bán lại do những thông số đầu vào được đánh giá không chính xác. Cơ hội đã tuột mất và lọt nốt vào tay Conoco. Tiến sỹ William Schmidt, Giám đốc thăm Dò của Conoco được cử xuống làm Phó TGĐ của JVPC. Tôi quen Bill từ lần tiên anh dự họp UB Kỹ thuật của CLJOC. Lần đấy trong khi say sưa trao đổi với các cán bộ kỹ thuật của Conoco, KNOC, SK, Geopetrol và Việt nam, tôi thấy có một anh chàng tây ra sức ghi chép. Trong giờ giải lao, anh ra bắt tay tôi và tự giới thiệu : «  Bill, Bill Schmidt, Tiến sỹ địa chất của Conoco. Tôi rất thích bài phát biểu của anh». Chúng tôi quen nhau như thế và không ngờ rằng một tình bạn bền chặt cứ thế kéo dài mãi về sau. Bill kém tôi 3 tuổi nhưng chưa vợ. Mấy gã đẹp trai kiểu Bill hay Chris Slaydon của BP, đam mê chuyên môn quá thường quên lấy vợ.  Bill say sưa tìm hiểu Lích sử Việt Nam và săn ảnh. «  Tôi rất khâm phục Trần Hưng Đạo. Tư tưởng của ông có từ trên 700 năm trước thế mà bây  giờ vẫn còn nguyên giá trị. Tôi nghĩ nếu tổng thống của chúng tôi tìm hiểu kỹ lịch sử Việt Nam, chắc sẽ không có cuộc chiên tranh vừa rồi ». Anh có thú chụp ảnh. Chụp trắng đen. Một số ảnh minh họa cho các tập thơ của tôi lấy từ những khoảnh khắc xuất thần của anh. Sau này trong những lần tuyển nhân viên của LSJOC, Bill đều rất nhiệt tình phỏng vấn tiếng Anh. Anh rất « xịn » và khách quan, cả về trình độ ngoại ngữ lẫn ý kiến nhận xét về con  người. Thư ký đầu tiên khi tôi vào làm TGĐ của Lam Sơn JOC cũng được Bill phỏng vấn tiếng Anh kèm những lời góp ý rất hay. Sau này, tôi đã rất hài lòng về khả năng  và tinh thần trách nhiệm trong công việc của cô nhân viên ấy. Còn về chuyên môn, có lẽ hiếm thấy có người nào say mê và nghiêm túc trong công việc hơn thế. Anh cũng như tôi, cả  hai kẻ đều rất say sưa về Móng. Những vị trí giếng khoan đầu tiên của CLJOC trên cấu tạo Sư tử Đen, hàng loạt giếng khoan xiên thành công như RĐ-8X, 10X, 11X, 12X đều mang dấu ấn của tư duy mới của Bill và tôi.  Bill nhớ lại : « Đó là thời kỳ đầy hứng khởi và trách nhiệm. Các cuộc họp đều có sự phân tích, đánh giá và đồng thuận cao giữa các cán bộ kỹ thuật các phía ». Tuy nhiên vẫn có một lần tôi bị « cô lập hoàn toàn ». Đó là trường hợp Giếng khoan thăm dò đầu tiên SV-1X trên cấu tạo Sư tử Vàng. Khi ấy tất cả mọi người cả phía nước ngoài lẫn Việt Nam trong Hội nghị đều thống nhất về đối tượng và độ sâu cuối cùng TD- 3400m. Chỉ mình tôi là có ý kiến trái chiều :TD-4000m. Tôi dùng lập luận và tài liệu mới nhất đang có để thuyết phục mọi người và cuối cùng tôi đã đạt được mục đích. Một thỏa hiệp : «Khoan tới TD-3700m, ranh giới 2P mà ông Thắng trình bày ». Tôi « cài » thêm : « Trong trường hợp còn biểu hiện dầu khí, giếng khoan sẽ khoan tiếp tới 4000m, thậm chí sâu hơn cho tới khi hết biểu hiện này ».Tất cả đồng ý. Và khoan. Cho tới 3400m đầu hầu như không có biểu hiện gì đáng kể. Tới 3500m vẫn vậy. Nhưng từ 3531m đến 3583m, giếng khoan bị mất dung dịch hoàn toàn (total loss) và không thể tiếp tục khoan. Kết quả thử vỉa vang dội : 11.400 thùng/ngày !!.Hôm ấy là Thứ Bảy, 20/10/2001, khi chúng tôi đang tới thăm nhà một anh bạn ở Vũng Tàu thì bỗng nghe phía sau một giọng nói líu ríu, hân hoan báo tin cho sếp :«Báo cáo anh Nhậm, tin vui ! tin vui ! Giếng khoan đầu tiên trên cấu tạo Sư tử Vàng đã thành công vang dội. Kết quả thử vỉa cực kỳ lớn :11.400 thùng/ngày. Anh biết không, tiên sư bọn nước ngoài, nó chỉ muốn khoan tới TD-3400m, chúng em phải chiến đấu bắt chúng khoan tới 4000m, mãi chúng nó mới chịu..».Tôi chỉ lặng yên, vì đã quen rồi. Ít lâu sau nhân nói về chuyện này, Bill hỏi tôi : «  Did PV recognize You? », “No. Recognition ? What for? I did it simply by my pleasure. Bill, forget it ”. Bill giơ hai tay lên trời rồi lắc đầu không nói..

          Mãi sau này, Triển lãm quốc tế Dầu Khí có một lần được tổ chức ở Sài Gòn, tôi gặp Tiến sỹ Đỗ Bách, khi ấy còn là giám đốc PIDC, đang tiến tới. Trông thấy tôi anh liền hỏi: “Bác đã qua thăm gian hàng PIDC chưa? Anh Huy đã đưa quà biếu bác chưa?”.”Chưa”, tôi hồn nhiên đáp. Anh kéo tôi về phía Gian hàng và gọi nhân viên dúi cho một cái túi bên ( bên trong có một cái áo thể thao Wilson, in logo và tên của PIDC) sau đó cả hai lượn qua các gian hàng khác rồi rẽ về phía Cửu Long JOC, nơi có trưng một con Sư tử đen to tướng làm bằng than đá. Tiến sỹ Vũ Ngọc hồi đó mới rời PVEP sang làm TGĐ CLJOC rất vui nắm tay quan khách lắc lắc: “Cám ơn anh rất nhiều nhé. Các anh đi để lại cho chúng tôi cả một bầy sư tử”,” Anh cám ơn tôi làm gì mà hãy cám ơn anh Thắng đây này, một chiến sỹ kiên cường!”, Giám đốc PIDC hất hàm về phía tôi và nói. Đỗ Bách là người trung thực, sắc sảo và rất tâm huyết với công việc. Có lần hai anh em ngồi chung xe về tối, anh than phiền:” Bọn trẻ bây giờ nó đếch “máu” như thời anh em mình đâu bác ạ”. Tất nhiên mỗi thời mỗi khác, nhưng tôi hiểu đó là sự quan tâm về vấn đề nhân sự và sự sốt ruột của một trong những người lãnh đạo cao nhất của Ngành khi công việc ngày mỗi thêm nhiều. Có lẽ sự tâm huyết hết mình ấy đã làm anh chịu thiệt thòi phần nào trong đời sống riêng tư.

         Ngày 29-5-1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 37-CP về tổ chức Tổng công ty Dầu Khí Việt Nam và Quyết định số 330/TTg về việc thành lập Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam có tên giao dịch quốc tế là Vietnam Oil and Gas Corporation, viết tắt là Petrovietnam. Cơ cấu tổ chức gồm Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát; Tổng Giám đốc, Bộ máy giúp việc và các đơn vị thành viên Tổng công ty. Anh Hồ Tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Anh Hồ Sỹ Thoảng làm TGĐ PetroVietnam. Năm 1996, Anh Hồ Sỹ Thoảng chuyển sang làm Chủ tịch HĐQT. Anh Ngô Thường San, TGĐ Vietsovpetro ra làm Tổng Giám đốc PV. Tôi chơi vui vẻ với anh San thuở hàn vi, nhưng khi anh vinh hiển, tôi lại ít khi tiếp xúc. Tôi gần như “cắt” quan hệ với anh từ hồi  ấy cho tới khi anh về hưu. Đôi khi cái đường đời có đôi phần trắc trở, cái câu chuyện anh  mang một tảng đá nhặt dưới chân Kim Tự Tháp trong một chuyến đi, những am tường về lịch sử văn minh nhân loại, những cảm thụ văn chương và những lần lang thang khảo sát với nhau đã làm chúng tôi gần gũi.  

         Có một lần sang Hàn Quốc, sau MCM; Giáo sư Hàn và Tiến sĩ Kim cùng phía bạn có dẫn đoàn tham quan Seoul và “tổ hợp lọc hóa dầu lớn nhất thế giới” Ulsan. Xe băng qua hàng ngàn kilômet từ thủ đô tới thành phố ven biển phía đông nam, chỉ núi đồi và đồi núi. Xứ sở Kim chi nghèo tài nguyên và con người được khích lệ ý chí quật cường và lòng tự hào dân tộc không kém gì Nhật đã làm nên một Hàn Quốc bây giờ. Khi ngược xuôi bên sông giữa lòng Seoul, tôi chỉ tờ bản đồ thành phố có chữ “Han Gang” rồi hỏi người hướng dẫn viên du lịch: “HAN ở đây có nghĩa như HÀN trong Hankook ( Hàn Quốc) phải không anh?”.”Không phải”.”Hay giống như Lạnh? “( Hàn),”Không..”. Anh gãi tai chưa tìm ra được một chữ thích hợp để giải thích. “ Hay nó trùng với tên một Triều đại lớn ở Trung Hoa?”, tôi ám chỉ Triều Hán, vì chợt nhớ lại một thời Việt Nam mình thường gọi Seoul là Hán Thành. “Đúng ! Đúng”, anh ta vui mừng xác nhận. Thì ra Han Gang ở trên bản đồ là Hán Giang, Sông Hán chứ không phải Sông Hàn như báo chí, phim ảnh và bao phương tiện thông tin đại chúng của ta tới giờ vẫn nói: “Kỳ tích Sông Hàn”, “Quái vật trên Sông Hàn”, “Thành phố bên sông Hàn”…Tôi chợt nhận ra sự dễ dàng tới mức qua loa, đại khái, hời hợt của người mình trong cách dùng từ, trong cách dẫn liệu những thành ngữ, điển tích kể cả những chứng cứ lịch sử. Người ta sính nói chữ “Mã đáo thành công”,”Đức cao trọng vọng” mà không hiểu rằng cần phái nói chính xác là “Mã đáo -Công thành”, “Đức cao-Vọng trọng”. Người Trung Quốc có vốn liếng từ ít nên phải dùng đa nghĩa, ta lầm tưởng nên nhiều lúc cứ vu oan cho họ là “thâm”. Nhưng Cấu trúc câu Chủ -Vị của họ thì rất chặt: Ngựa về-Việc xong( Horse comes, Work done-Khi thấy ngựa về báo tin nghĩa là việc đã “ngon lành”,”thành công” rồi) chứ đâu tùy tiện “nửa tàu, nửa ta”như thế. Người ta nói về Việt nam có lịch sử 4000 năm, sau này có một quan chức cao cấp lại nói 3000 năm trên VTTH mà không đưa ra những chúng cứ lịch sử cần phải có. Cứ thấy người khác nói, nghe lõm bõm rồi nói theo, không cần biết ngọn nguồn và không cần kiểm chứng. Nhiều người không dùng chữ CAA  (Commercial Arrangement Area) do bao công sức ngoại giao đàm phán cho Vùng chồng lấn giữa Lô 46 của Việt nam và Lô PM3 của Malaysia ( Vùng chồng lấn giữa Mã- Thái được gọi là JDA -Joint Development Area ) mà cứ thản nhiên gọi nó là Lô PM3, thậm chí Mỏ PM3  trong cả phát ngôn và văn bản mà không cần biết đó chỉ là tên phía Mã đặt cho Lô 3 thuộc Bán Đảo Malaysia ( PM:Penisula of Malaysia, để phân biệt với 2 khu vực khác là Sabah -SB và Sarawak-SK). Hồi ấy phía bạn đã có ba phát hiện dầu khí là Bunga Orkit, Bunga Pakma, Bunga Raya và Bunga Kekwa (Bunga tiếng Mã là Bó hoa). Tôi góp ý với vị “ngoại trưởng” của PV thời đó nên đặt  cho các cấu tạo tiếp theo bằng tên Việt để thể hiện rõ chủ quyền vàphản ánh một vùng chồng lấn. “Chú chỉ hay quan tâm tới những vấn đề tiểu tiết”. Anh cười. Và cho tới giờ tất cả các tên Mỏ, tên Cấu tạo vẫn đều mang tên tiếng Mã như vậy.

         Hồi trước ta đã liên doanh với Shell, đã quảng bá và đã có được một thương hiệu dầu nhờn nghe đã quen tai với người tiêu dùng: VIDAMO ( Việt nam Dầu Mỡ bôi trơn), đến khi người lãnh đạo cũ ra đi, người mới về bỏ luôn. Trên VTTH mỗi sáng một thời, người ta luôn thấy thương hiệu  ĐAM PHÚ MỸ nổi tiếng và câu Slogan “Đạm Phú Mỹ-Cho mùa bội thu” nhẹ như làn gió mát. Rồi bỗng nhiên nó mất đi, và mãi sau người ta mới biết Đạm Phú Mỹ đã được đổi thành DPM. Chắc là có người khác đến?. Ngay cả cái thương hiệu PV dùng trên 30 năm, cả thế giới quen rồi, cũng được đổi thành PVN trong khoảnh khắc khiến cả người nước trong lẫn nước ngoài lẫn lộn. Tôi cũng chẳng biết đổi như thế cho giống kiểu EVN hay để “thổi thêm luồng sinh khí mới”. Để có một thương hiệu, một Logo làm nên một uy tín như của Shell, Mercedes, Toyota, Honda…người ta phải tốn bao thời gian , công sức và tiền bạc mới có. Shell đã tồn tại từ thế kỷ 19 nhưng tới giờ vẫn trung thành với cái tên và logo vỏ hến khi xưa, từ thuở xuôi ngược tới Nam Dương buôn bán Xà-cừ. Ngoại trừ Công ty danh tiếng Esso phải đổi thành Exxon tại thị trường nước Mỹ do có một công ty dầu bé con ngang ngược lấy trùng tên. Tôi nhìn những lớp móng Hoàng Thành qua bao triều đại, lớp mới đè lên lớp cũ, giờ chỉ còn hoang phế mà chạnh buồn. Sao người ta dễ quên đi hay cứ phải xóa đi Quá khứ? Lại nhớ những năm 60’ của thế kỷ trước, bao đền chùa, văn chỉ, bia đá bị đập phá, bao cây đa cây đề hàng mấy trăm năm bị chặt để “chống mê tín dị đoan”. Trong suốt 1000 năm Bắc thuộc, kẻ thù cũng đã làm những điều như thế mong tiêu diệt cả một nền văn hóa. Chỉ khác là ngày ấy chúng làm trực tiếp. Tôi rất thích những bài viết của Tiến sỹ, thiền sư Lê Mạnh Thát về những luận cứ lịch sử và văn hóa Phật giáo. Đó là những công trình  nghiên cứu nghiêm túc và khoa học. Ông chứng minh Phật Ca và nhiều dẫn liệu trước đây nhầm tưởng là của Trung Quốc đều là của Việt Nam, ông cố khớp lại cả một thời kỳ dài mà các sách sử bỏ trống .Ông nhận thấy ngay cả những dẫn liệu của Lê Quý Đôn cho rằng có xuất xứ từ phương Bắc cũng có sự nhầm lẫn và ông giải thích rất khách quan rằng có thể do Nhà bác học đã quá tin vào ghi chép của các nhà sư mà quên kiểm chứng.

          Khi có vấn đề gì người ta thường hay đổ cho Cơ chế. Cơ chế là do con người đặt ra thì con người có thể thay đổi chứ. Đổ vấy như thế chỉ là một mánh khóe che đậy hay một sự trốn tránh trách nhiệm. Mấu chốt chính là vấn đề Sở hữu. Vẫn là anh thôi, khi “quản” một dự án hay xây một công trình công cộng thì có thể tha hồ bấu véo, thoải mái trong “cơ chế tiền chùa”, còn làm nhà riêng cho mình thì khỏi bàn, chi li từng cân xi măng sắt thép. Ông cha ta thường nói: “Cha chung không ai khóc”. Đã là lời các cụ nói rồi thì ai mà chẳng biết, chỉ có điều ai dám nói và ai dám nghe những lời “trung ngôn nghịch nhĩ”, những ý kiến phản biện trái chiều. Cứ tung hô kiểu “Hoàng thượng anh minh”, cứ ve vuốt, phụ họa những lời cấp trên nói như lũ hoạn quan nịnh thần mặt trắng bệch, lông mày cụp trong các vở tuồng chèo thì dễ quá. Cái cơ chế thoáng không gắn liền trách nhiệm và đầy rẫy những hang hốc khiến những kẻ gian tham và lũ cháu con của Lã Bất Vi tha hồ lợi dụng. Mọi thứ mua quan bán chức, tham nhũng đục khoét cũng đều từ nguyên nhân “sở hữu” mà ra cả.

            Năm 1998,  ba vị đại quan Võ Kiếng, Lý Huỳnh và Tiến Trung hạ “mũ cánh chuồn” rời 22 Ngô Quyền xuống làm thống lĩnh Viện Dầu Khí, Công ty Chế biến & Phân phối các sản phẩm Dầu Khí và Công ty Tài Chính. Người ta nói rằng đó là những con người “túc kế đa mưu, có khả năng khuynh đảo thiên hạ”. Tôi biết Trung là gương mặt thông minh và sáng giá. Ở đâu hắn cũng có thể nghĩ được những việc ra hồn. Hồi đó quan tổng trấn binh lương tự là Huỳnh Phế cũng được xếp vào hàng “dị nhân”. Ngoại trừ việc hậu duệ 80 đời của Quan Vũ là Văn Vịnh có một lần thiếu kiềm chế không chịu nổi chiêu “vẫy ngón tay” của Phế đã “xuất chưởng”, còn thì hắn coi trời bằng vung. Thảm đỏ khách sạn 5 sao xứ Tây Đằng cũng chỉ đáng để cho hắn nhổ toẹt. Ai cũng sợ bóng sợ vía qua những câu chuyện bâng quơ:“ Hôm 26 Tết vừa rồi, vợ chồng mình đến chơi nhà anh Diêu ngồi chơi nói bao thứ chuyện về Ngành mình, đến khi về chị Diêu lại còn dúi mấy quả bưởi bảo đem về cho các cháu ăn Tết…”. Cứ thế, cứ thế. Anh Diêu là Top VIP thời ấy mà hắn còn quen thân như thế? Chẳng biết thực hư ra sao nhưng khối VIP nghe thấy mà chết khiếp. Nếu không bị hãm tướng bởi đôi tai mỏng dính, chức vị của hắn có thể còn ngất ngưởng khôn lường. Chuyện cáo mượn oai hùm xưa nay đâu hiếm. Ở ngành này, tôi đã chứng kiến những cuộc reo hò, nhiều lúc vênh vang, nhiều lần ủ rũ thõng thượi của bao kẻ. Họ được nhiều mà mất cũng nhiều. Điều chắc chắn là cái tâm của họ chẳng bao giờ được tĩnh. Họ phải đổi, phải mua, phải qụy lụy, phải lọc lừa, tàn bạo và có khi phải trả giá...Tôi có nhiều tháng năm hạnh phúc nhưng cũng đã từng phải nếm trải những giây phút se lòng về sự bạc bẽo, đố kỵ và độc ác của con người. Về sau tôi chợt nhận ra rằng những người sống không tử tế  ấy đều có kết cục buồn.                                                                  

             Năm 2001, anh Nguyễn Xuân Nhậm lên làm TGĐ thay anh Ngô Thường San. Từ một cán bộ kỹ thuật rồi Vụ Phó Vụ Cơ Điện, Giám đốc GPTS, Giám đốc PTSC, Phó TGĐ PetroVietnam, cứ mỗi lần ra đi nhận trọng trách mới, người ta đều thấy phía sau anh là những cầu cảng, tàu thuyền, kho tàng, bến bãi, công trình. Những lãnh đạo chủ chốt của khối Dịch vụ dầu khí bây giờ hầu hết đều trưởng thành từ lớp cán bộ trẻ đầy năng động do anh đào tạo. Người ta nói rằng ngành Dầu khí hiếm thấy một người nào có tầm nhìn xa với khả năng điều hành sắc sảo và quyết đoán như anh cả. Tiếc là anh chỉ giữ cương vị đứng đầu ngành chưa được ba  năm rồi phải ra đi nhưng những dấu ấn anh đã để lại thật khó quên, đáng được mọi người trân trọng. (Còn nữa)

Nguyễn Quyết Thắng

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 9
  • 1380
  • 18,058,349