Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

NHỮNG NGÀY ĐẦU TIÊN Ở POSADA-RUMANI (Tabara de pionieri Posada)

  26/10/2015

Mùa thu năm 1969, đất nước đang khẩn trương tiến hành cuộc chiến chống Mỹ ở cả hai miền Nam-Bắc; Đảng và Chính phủ vẫn nghĩ đến chiến lược đào tạo con người lâu dài, chuẩn bị cho ngày toàn thắng để xây dựng lại đất nước, đã cử sang học tập và làm việc ở nhiều nước XHCN trong đó có Rumani, hàng nghìn kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật chuyên ngàh xây dựng nhà cao tầng, các ngành vận hành đường sắt, chế tạo thiết bị, khai thác dầu khí và ngành hoá chất vật liệu xây dựng,v..v.

Tôi được chọn đi cùng với nhiều đồng nghiệp sang Rumani học tập và làm việc tại các công trình cao tầng, các nhà máy công nghiệp như nhiệt điện lớn, hoá chất, lọc dầu,...

Nghĩ lại những hình ảnh của ngày đó, tôi bồi hồi xúc động và lần lượt của chuyến đi sang nước bạn Rumani như hiện lại trong tôi rõ ràng tươi mới.

Cũng phải kể đến giai đoạn này, đất nước trong muôn vàn khó khăn của thời chiến, lại kèm theo mưa lũ nặng nề. Cuộc sống thường nhật thiếu thốn, những vật dụng thông thường nhất, đến từng bát cơm độn mỳ còn không đủ và phương tiện đi lại chủ yếu của người dân là chiếc xe đạp. Mùa thu năm ấy, đất nước lại càng bi thương khi Bác Hồ đã vĩnh viên ra đi.

Rời đất nước để sang nước bạn học tập trong giai đoạn này là một ưu tiên lớn mà đất nước đã lo toan cho mình, chúng tôi những người ra đi đều tâm niệm phải hết sức cố gắng học tập và làm việc để có kiến thức về phục vụ Tổ quốc sau 4 năm ở nước bạn trở về. Lúc bấy giờ, mỗi một người đi nước ngoài học tập, được Nhà nước cấp một bộ veston, một áo len, một bộ quần áo lót, một đôi dầy da lợn, một túi giả da nhỏ dựng quần áo và một vài vật dụng cá nhân. Chúng tôi gọi là quần áo “tài chính” mà thường được tổ chức cấp phát ở địa điểm kho tài chính trên dường Tôn Đức Thắng ngày nay.

Mang trong mình sứ mệnh của đất nước Việt Nam đang dương đầu chống xâm lược Mỹ sang nước bạn, chúng tôi rạo rực trong lòng với biết bao suy nghĩ.

Chúng tôi khởi hành từ ga Hà Nội vào một chiều mưa của cuối thu sang đông, trong lòng với bao nhiêu cảm xúc khó tả, vui và nghĩ đến sẽ có 4 năm học tập và làm việc ở một nước XHCN Đông Âu giàu có và tươi đẹp, buồn và nhớ quê hương vì lo cho người thân với bao khó khăn gian khổ kể cả hy sinh xương máu trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Tâm trạng ấy làm cho buổi chiều mùa thu trên sân ga với giá lạnh và mưa bay càng làm cho người ở và kẻ ra đi thêm lưu luyến.

Qua một đêm ngồi tầu hoả Hà Nội - Đồng Đăng, đoàn chúng tôi khoảng trên 300 người đã đến dược nước bạn Trung Hoa vào sáng ngày hôm sau, đoàn gồm nhiều ngành nghề, nhiều lứa tuổi, có những bác trên 50 tuổi cũng có những em 18-20 tuổi. Có nhiều người lần đầu tiên xuất ngoại nên cũng nhiều bỡ ngỡ và hầu hết chưa ai đi dài ngày trên quãng đường xuyên Á-Âu như chuyến đi này.

Đất nước Trung Hoa đang làm cách mạnh văn hoá, đường phố vắng vẻ hơn những năm trước khi tôi sang học ở Bắc Kinh, hầu hết trên đường xuất hiện các thanh niên nam nữ với trang phục hồng quân, có cả ngôi sao đỏ trên mũ và băng đỏ hồng vệ binh trên cánh tay, tay lăm lăm cầm quyển “ngữ lục”. Họ xuất hiện cả trên đoàn tầu liên vận của chúng tôi.

Đến ga Mãn Châu Lý, thành phố biên giới Trung – Nga, không khí căng thẳng như có chiến tranh, các cán bộ hải quan Liên Xô lên tầu thực hiện công việc lạnh lùng và lặng lẽ cùng với các hồng vệ binh Trung Quốc, chúng tôi im lặng theo dõi và mong giờ xuất phát để rời khỏi biên giới Trung – Nga. Thế rồi, mọi thủ tục cũng xong, đoàn tầu liên vận khởi động và dịch chuyển về hướng bắc, chúng tôi đứng nhìn đội hồng vệ binh khuất dần trong sương lạnh. Rong ruổi gần 10 ngày, sinh hoạt, ăn uống trên các toa khép kín và nặng nề chạy qua vùng Xiberi đầy tuyết trắng, suốt cuộc hành trình này, chỉ một mầu trắng của tuyết với những hàng cây không lá, gầy guộc ven đường. Không gian mênh mông, hiu quạnh và tẻ nhạt của vùng Viễn đông cùng với sự mệt mỏi của chuyến đi cũng làm nôn nao nỗi lòng của nhiều người lần đầu tiên xa sứ.

Thế rồi, chiều ngày 06/11 tầu cũng đến thành phố Mockva. Năm ấy, thành phố chuẩn bị cho ngày lễ lớn, những ngọn đèn đỏ lấp lánh trên các toàn nhà, những dòng người vội vã lội tuyết trên các đường phố và những toà nhà đồ sộ, ẩm ướt, lạnh lẽo lướt qua khung cửa kính của đoàn tầu liên vận.

Trong thời gian ngồi chờ chuyến tầu chạy về phương nam, trong toà nhà rộng lớn của ga Leningrat-Mockva chúng tôi với những hành lý khiêm tốn, ngồi túm tụm trên những băng ghế dài lạnh lẽo của nhà ga, chúng tôi ngạc nghiên càng lúc càng đông các bà mẹ Nga, các cô gái Nga tò mò đến với đoàn chúng tôi, họ đặc biệt thông cảm và sót xa nhìn những cô gái Việt co ro trong trang phục mùa hè với quần lụa, áo len mỏng, rụt rè ngơ ngác. nhiều cô gái Nga bắt chuyện và nhiều chàng trai trong đoàn cũng bập bẹ đôi câu tiếng Nga, động tác chỉ trỏ là chính để giao lưu với bạn. Thật là cảm động khi các bà già Nga phúc hậu gúi vào lòng các cô gái những gói thức ăn mà các mẹ đã chuẩn bị cho chuyến đi của mình. Đáp lại tình cảm đó là nhừng chiếc nón lá Việt Nam được trao lại. Quả thực những hình ảnh xúc động ấy vận còn lưu giữ mãi trong tôi, tình cảm những người dân Xô Viết với chúng ta. Rời Moskva, tầu chạy lên phương nam, khí hậu ấm áp dần lên, lá vàng của rừng cây mùa thu như trải thảm vàng suốt trên hành trình đoàn tầu, đem lại cảm giác khoan khoái và phấn chấn trong lòng, ai cũng mừng rằng cuộc hành trình dài, nặng nề xuyên hai quốc gia Trung Quốc và Viễn đông Liên Xô trong giá lạnh sắp kết thúc để đón lấy không khí của mùa thu vàng êm ái của miền đất Trung Âu ôn hoà.

Sáng ngày hôm sau , đoàn tầu đến Iasi, thành phố biên giới Nga-Ru, chúng tôi được bạn đón tiếp ngày khi đoàn tầu dừng bánh tại sân ga, mọi thủ tục hải quan nhanh gọn. Đang trong tâm trạng hào hứng của những người từ Việt Nam xa xôi đến đất nước Trung Âu đẹp đẽ này ai cũng phấn khởi ra mặt. nhưng khi cửa tầu lên xuống được đóng lại, đoàn cán bộ y tế của bạn tiến hành tẩy trùng trên đoàn tầu, bằng việc phun thuốc sát trùng trong lòng ai cũng có chút mặc cảm, chỉ sau này khi hiểu hoàn cảnh và quy định của đất nước thanh bình này của bạn mới hiểu việc làm đó là bình thường.

Sau khi làm xong thủ tục, đoàn tầu băng băng chạy trên những bình nguyên nhuộm màu vàng của lúa mỳ vào sâu trong đất nước bạn. Nắng ấm cùng với không gian đẹp của mùa thu làm cho chúng tôi được dịp ngắm nhìn dòng xe du lịch chạy qua chạy lại như mắc cửi trên các con đường ngang dọc của bình nguyên này, hỏi ra chúng tôi mới hiểu, ngày nghỉ CNVC nước bạn đi về nghỉ tại các vùng quê yên bình và trong lành.

Khoảng quá trưa, đoàn tầu dừng lại một nhà ga nhỏ, sau này mới biết đó là nhà ga thị trấn Cimpina (tỉnh Prahova), một đoàn xe minibus đã chờ sẵn trên sân ga, chúng tôi rời đoàn tầu “đặc biệt” trên các xe minibus này. Đoàn xe chạy khoảng 20 phút đưa chúng tôi tới một địa điểm mới, cả đoàn với trang bị đồng phục mầu đen với đôi giầy da lợn cứng quèo, chúng tôi quả thực không được tự tin cho lắm khi bước vào một tổ hợp kiến trúc hoành tráng bên rừng có dòng suối róc rách chảy quanh, hỏi ra đây là khu trại nghỉ hè của thiếu nhi Rumani mà bạn đã dành cho hơn 200 con người từ Việt Nam đến đây ăn nghỉ và học tập, trước khi đi xuống các nhà máy, công trình để làm việc và thực tập.

Quả thật tổ hợp xây dựng này hoành tráng, hiện đại lại phù hợp với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, trong lòng chúng tôi chợt bùi ngùi thương cảm khi nghĩ về quê hương đất nước xa xôi còn biết bao gian khổ của cuộc chiến chống xâm lược và giải phóng đất nước, biết đến bao giờ mới có được những khu vui chơi, nghỉ ngơi cho lứa mần nom đất nước như nước bạn Rumani này.

Các cảm xúc bâng khuâng ấy cứ kéo dài trong lòng chúng tôi, khi đã được bố trí ăn nghỉ trong những tháng năm đầu trên nước bạn, ở khu trại đẹp đẽ, yên bình ấy. Cùng với những cán bộ, nhân viên khu điều dưỡng đã tận tình chăm sóc sức khoẻ của từng người trong đoàn, với những bữa ăn bằng tiêu chuẩn của vận động viên cấp cao, hợp lý và giầu dinh dưỡng, với những bài học vỡ lòng đầu tiên với các thầy, các bà giáo hiền hậu tận tuỵ. Chúng tôi được nuôi dưỡng để ăn học và bồi bổ sức khoẻ như những người từ chiến trường trở về. Quả thực không bao giờ quên được ân tình của những người bạn Rumani với chúng tôi, những người Việt Nam được nhận sự chăm sóc ấy trong suốt cuộc đời. Tôi không quên được lời của Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Rumani khi ông là người thường xuyên đến kiểm tra, đôn đốc từng bữa ăn, buổi học của từng đoàn viên chúng tôi, đại ý là đất nước, nhân dân Rumani không muốn vung tiền qua cửa sổ, mà muốn từng người Việt Nam sang Rumani học tập phải đạt được kết quả cao nhất, đó là mong ước của hai dân tộc và hai Chính phủ chúng ta.

Thời gian dù gần bốn chục năm trôi qua, từ một kỹ sư trẻ đến nay đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm”, đã trải qua nhiều cương vị công tác, có khi chỉ huy hàng chục nghìn người trên các công trình trọng điểm về năng lượng của đất nước, tôi vẫn thấy thấp thoáng đâu đó, chất Rumani, ngấm vào trong tôi trong công tác và điều hành sản xuất. Đồng thời nét văn hoá độc đáo của nhân dân Rumani cũng còn phảng phất đâu đây khi tôi nghĩ lại hàng trưa ở Posada nằm nghe trên không trung tiếng sáo nai réo rắt cũng như giọng hát Folclor rền rĩ, buồn buồn mênh mang trong lòng như tiếng than thở của thời gian./.

                                                                   Nguyễn Văn Thụ

                                                 Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí VN

                                                 P. Chủ tịch hội hữu nghị Việt Nam - Rumani

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 4
  • 668
  • 21,934,742