Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI SINH VIÊN-Tiếp theo 1

  24/09/2016

3 . Những người thày.

Trong 6 năm học tại trường đại học Bách khoa Bucaret (khi đó trường còn mang tên Geheorghe Gheorgiu Dej ) chúng tôi đã được rất nhiều giáo sư nổi tiếng của Rumani trực tiếp giảng dạy .Tổng cộng trong khóa học của tôi có tới trên hai mươi giáo sư và phó giáo sư chưa kể các trợ giảng và kỹ sư trưởng đã tham gia đào tạo chúng tôi. Trong đó chỉ có hai giáo sư nữ và một cô giáo dạy môn tiếng Rumani,còn lại đều là những thày giáo trung ,cao tuổi .Nhiều giáo sư vừa dạy chúng tôi ,vừa giảng dạy ở nước ngoài. Tất cả các giáo sư không những là những người có kiến thức lý thuyết uyên thâm ,mà còn là những chuyên gia có  kinh nghiệm thực tế rất phong phú .Nhiều thày là những cố vấn cấp cao của ngành sản xuất trong nước và quốc tế. Giáo sư nào cũng thông thạo vài ba thứ  ngoại ngữ. Sau này nghĩ lại tôi thấy mình thật may mắn được các thày cô trực tiếp giảng dạy. Bằng phương pháp sư phạm giỏi và tình yêu nghề nghiệp ,các thày cô đã truyền cho tôi lòng say mê học tập ,vượt qua mọi khó khăn về cách biệt ngôn ngữ, về cuộc sống sinh hoạt khác lạ ,về những cám dỗ của đời sống vật chất và tinh thần quá tự do nhất là đối với những thanh niên như chúng tôi ,về thời tiết không kém phần khắc nghiệt với những người đến từ vùng nhiệt đới ,và nhất là vượt qua được nỗi nhớ quê hương đất nước và những người thân của mình đang ngày đêm chiến đấu vì tổ quốc. Hình ảnh các thày cô luôn in đậm trong trí nhớ của tôi với lòng kính mến và cảm phục .

Cô giáo dạy tiếng Rumani-Elena.

Đầu tháng 10-1964 ,khi nhà trường vào năm học mới thì chúng tôi cũng đến trường để học tiếng Rumani .Mấy chục người chúng tôi được anh Hùng đưa đến trường .Buổi học đầu tiên nhờ có anh Hùng giúp ,cô giáo và học trò làm quen với nhau,giới thiệu tên cô và tên trò . Cô tên là Elena  sẽ dạy tiếng Rumani cho chúng tôi trong năm học đầu tiên này  .Đó là một phụ nữ còn trẻ ,xinh đẹp , tốt nghiệp khoa ngôn ngữ trường Đại học Tổng hợp Bucaret;đã có gia đình và  một con trai 4-5 tuổi .Hôm đó ,cố gắng phát âm được hết tên các học trò của mình thì cô cũng toát mồ hôi ! Nhất là lại có nhiều người họ Nguyễn quá .Ở Rumani ,người ta gọi nhau bằng họ ,chứ không gọi tên .

Đến bây giờ tôi không còn nhớ nổi làm thế nào mà cô giáo lại dạy được cho chúng tôi và chúng tôi làm thế nào để học được tiếng Rumani .Cô là một giáo sư dạy cấp III; ở Rumani những giáo viên cấp III đều đã tốt nghiệp Đại học ,cũng được gọi là giáo sư ,còn giáo sư ở bậc Đại học thì gọi là Giáo sư Đại học (profesor universitar) .Cô biết vài ngoại ngữ như tiếng Pháp ,tiếng Nga nhưng không biết lấy một từ  tiếng Việt;còn chúng tôi chẳng ai biết lấy một thứ tiếng nước ngoài nào cho ra hồn ,ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt .Cô dạy chúng tôi cũng không có sách giáo khoa ,không có bất kỳ một tài liệu văn bản nào .Chỉ đơn giản là từ xưa nến khi đó ,ở đây chưa hề có một lớp học tiếng Rumani cho người Việt nam nào.Các sách học tiếng chỉ có Ru-Nga ,Ru-Pháp ,Ru-Anh ,Ru-Đức ,Ru-Ý ,Ru-Tây bạn nha v,v....chứ tuyệt đối không có sách dạy (học ) tiếng Ru –Việt .

Những ngày đầu đến lớp ,cô cứ nói,viết ,ra hiệu ... còn chúng tôi cứ ngồi nghe và chẳng hiểu cô nói gì.Nghĩ lại càng thấy thương cô và thương trò! Như một vài người trong chúng tôi đã học qua tiếng Nga ở phổ thông thì cũng còn biết mang máng cách học một ngoại ngữ thì bắt đầu ra sao ,những bạn học tiếng Trung ở phổ thông thì hoàn toàn bỡ ngỡ ;cũng có vài anh lớn biết vài từ tiếng Pháp (tôi gọi là tiếng “Tây bồi” ) chẳng giúp ích gì được cho cô và trò ,vì nếu cô có nói tiếng Nga hay tiếng Pháp thì chúng tôi đều không  hiểu được ,bởi cái vốn liếng ngoại ngữ “cưỡi ngựa xem hoa “ ấy chẳng có bao nhiêu từ để mà hiểu .Tuy nhiên bắt đầu cũng phải là bảng chữ cái và phát âm các chữ cái ,nguyên âm và phụ âm .Sau đó là đến chào hỏi khi gặp gỡ và tạm biệt khi chia tay ;tất nhiên là còn có “cám ơn “và “xin lỗi” nữa .Chúng tôi phát âm theo cô từng chữ ,từng từ và chép nguyên văn những từ ví dụ kèm theo mà cô viết lên bảng .Về nhà ,hỏi anh Hùng xem nghĩa là gì rồi bảo nhau mà học cho nhớ ,coi đó là “từ mới “.

Có cái may là bảng chữ cái rất giống như tiếng Việt và ở tiếng Ru thì “viết thế nào ,đọc và nói thế ấy”,không có chữ “câm “nên cũng là một thuận lợi .Nói đó là một thuận lợi bởi sau này khi chúng tôi lên giảng đường ,cũng có nhiều khi thày nói mình chưa hiểu thì cứ việc chép nguyên văn lời thày rồi về nhà tra từ điển. Chúng tôi cùng cô giáo đánh vật với ngôn ngữ trong vài tháng đầu rồi thì cũng hiểu được rằng tiếng Rumani là ngôn ngữ gốc latinh,đa âm, tất nhiên được cấu thành với đủ loại danh từ, động từ, tính từ, trạng từ ,giới từ ,liên từ v.v...với giống ,số , ngôi thứ và thời ...  

Sau này khi được các anh chị sinh viên cũ bày cho chúng tôi cách dùng hai từ điển : Nga-Việt và Ru-Nga thì chúng tôi viết thư về nhà nhờ các bạn hoặc gia đình gửi qua bưu điện cho từ điển Nga-Việt ,còn từ điển Ru-Nga thì mua ở Rumani rất sẵn.Tuy nhiên ,chúng tôi chỉ có thể mua được những quyển từ điển Nga –Việt gồm 24.000 từ là tối đa .Do đó có rất nhiều từ không có trong từ điển để mà tra . Chúng tôi ở chung với sinh viên Ru ,mỗi phòng” một Ta một Tây”.Nên ngoài giờ lên lớp và sinh hoạt chung ra ,ở trong phòng không có ai để nói tiếng Việt ,buộc phải nói với nhau bằng tiếng Ru. Những tháng đầu đi học ,chúng tôi còn bị bắt buộc phải dành thời gian đi chơi ngoài phố hay đi chơi công viên .Nhưng “không được đi một mình”,phải 2 người trở lên ! Đi để nghe ,để nhìn và để nói ...tiếng Ru. Nhiều người trong chúng tôi nói tiếng Ru còn rất khó khăn  .Có những chuyện “cười” đến đau bụng .Như chuyện một bạn nọ ,khi vào trong cửa hàng ,vô ý dẫm vào chân một thiếu nữ xinh đẹp ,lý ra phải nói “xin lỗi” thì lại nói “cám ơn”,cô gái ngạc nhiên lắm ,nhìn anh bạn của chúng ta đang lúng túng ,và ...mỉm cười !

Ở đây ,người người đều tôn trọng sinh viên kể cả sinh viên trong nước và sinh viên nước ngoài, họ coi đó là những trí thức tương lai vì thế có thể nói chẳng bao giờ thấy có người không ưa sinh viên .Nhất là, khi biết chúng tôi từ Việt nam,nơi chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra ác liệt ,đến Rumani để học tập,  thì họ quý mến chúng tôi vô cùng .Đi đâu cũng được họ giúp đỡ chỉ bảo và tôn trọng . Những giờ đi chơi như thế giúp chúng tôi học tiếng rất nhanh .Chỉ trong một học kỳ đầu ,chúng tôi đã có thể giao tiếp thông thường  được bằng tiếng Ru khá suôn sẻ . Cô và trò hiểu nhau dễ dàng hơn .Và qua các bài giảng của cô , chúng tôi hiểu được chút ít về lịch sử và địa lý Rumani.Rồi đến những bài thơ văn và những bài hát dân ca Rumani .Cô giáo của chúng tôi không những là người có phương pháp dạy  ,có giọng phát âm rất chuẩn “Ru”mà còn là một phụ nữ có giọng hát rất hay ! Chúng tôi tiếp thu được cách phát âm đó ,nên mùa đông năm ấy khi chúng tôi đi nghỉ Đông ở Predeal ,có mấy cô sinh viên ở các tỉnh khác cũng đi nghỉ ở đó cứ xúm quanh chúng tôi để chuyện trò và “để nghe các cậu ấy nói tiếng Bucaret!”

Cô dạy chúng tôi hát những bài dân ca như: “Những bông hồng từ Mondavi” (Trandafiri de la Moldova );bài “Cô thôn nữ “(Tărancuta); bài “Hỡi sông Đanuýp của tôi!”(Hai Dunarea mea! );bài “Bên hàng cây bạch dương lẻ đôi “(Pe lânga plopi fără sot ) phổ thơ của Đại thi hào M. Eminescu ,.v.v.Với tôi ,những bài hát dân ca cô dạy đến bây giờ tôi vẫn coi là những bài ca đi cùng năm tháng .Thông qua những bài hát này tôi hiểu thêm được tiếng Rumani ,phong tục tập quán của người Ru ,và dần dần còn tiếp cận được với thơ văn Rumani nữa .Trong những năm học tập tại Rumani ,nhiều lần tôi đã biểu diễn những bài hát này trong những dịp liên hoan. Tôi rất yêu thích dân ca Rumani ,nó vô cùng phong phú cả về lời ca và làn điệu , thể hiện mọi nét sinh hoạt đời thường của người dân lao động với những lời ca giầu hình ảnh ,đậm chất thơ trữ tình .Có những bài hát nội dung khá giống dân ca quan họ quê tôi .Tôi hiểu biết chút ít về đất nước và con người Rumani ,về lịch sử và văn hóa Rumani cũng là nhờ một phần lớn ở cô .Cô không chỉ dạy chúng tôi những từ ngữ Rumani mà còn khiến tôi yêu mến con người và truyền thống văn hóa Rumani.

Mỗi lần hát những bài hát này ,tôi lại nhớ đến cô giáo Elena ,người thầy Rumani đầu tiên đã trao cho tôi “chiếc chìa khóa để mở cánh cửa của trí thức “ trong những năm học tiếp theo .Sau này cô rất vui khi biết tôi trở thành một sinh viên xuất sắc của khoa Cơ khí Hóa chất .Cũng vì thế nên sau khi tôi học hết  năm thứ ba ,cô có đến ký túc xá tìm tôi ,đề nghị tôi cộng tác với cô làm một cuốn từ điển Ru-Việt nhỏ (bỏ túi ).Khi đó tôi mải học,còn tham gia nghiên cứu ngoài giờ nữa; những ngày hè tôi thường phải đi làm phiên dịch giúp Sứ quán ta ;vả lại khi ấy tôi cũng ngại phải báo cáo xin phép đơn vị để làm một việc ngoài chương trình của nhà trường ,nên tôi đã từ chối. Điều này khiến tôi rất ân hận ,ân hận cho đến tận bây giờ ,khi tôi đã về già .Nói gì thì nói ,tôi thật ích kỷ vì với cô đó cũng là tình cảm quý báu của cô dành cho Việt nam .Cầu mong cô thông cảm tha thứ cho tôi.Tuổi trẻ vốn có rất nhiều sai lầm,và có những sai lầm không còn cơ hội để sửa !

Bà Tiến sĩ -Giáo sư  Suzana Gư-đea.

Cô giáo thứ hai mà tôi không bao giờ quên ,đó là nữ Tiến sĩ -Giáo sư Suzana Gư-dea (Suzana Gâdea).Bà là một phụ nữ đững tuổi ,dáng người to béo ,khuôn mặt đầy đặn phúc hậu .Nếu khi bà đứng mà muốn chắp tay trước bụng thì hai bàn tay chỉ chạm được vào nhau thôi .Là giáo sư ,Phó hiệu trưởng ,  Hội trưởng Hội Phụ nữ Rumani ,và Ủy viên Hội đồng nhà nước Rumani và đặc biệt là bà đã sang thăm Việt nam vào năm 1964 trên cương vị của lãnh đạo nhà nước .Vì thế bà rất quan tâm đến chúng tôi .

Mặc dù công việc rất bận bà vẫn  dành thời gian đến ký túc xá thăm hỏi chúng tôi.Mùa đông năm ấy ,bà đến ký túc xá nói chuyện với chúng tôi ,hỏi han về sinh hoạt ,về việc chống chọi với thời tiết giá lạnh. Bà nói mùa đông ở Rumani ít rau tươi hơn ở Việt nam ,dặn chúng tôi chịu khó ăn thêm hành củ và rau củ .Bà âu yếm gọi chúng tôi là các con. Khi biết chúng tôi nhiều người chưa quen với thức ăn ở căng tin ,bà yêu cầu Trưởng nhà cho phép chúng tôi được mua bếp điện để nấu ăn thêm mỗi khi thèm cơm , hoặc chí ít thì cũng tự pha cà phê hay trà .Đây là việc đặc cách bởi vì sinh viên Rumani không được , hay là không biết tự nấu ăn, và thiết kế ký túc xá không có bếp chung như những trường học thời trước ,vì thế không có đường ống dẫn khí đốt đến .Tuy vậy ,chúng tôi vẫn ăn “cơm tây” tại căng tin trong suốt 6 năm học ,vì việc học tập của chúng tôi quá bận.Ngày nào cũng thức dậy từ 6 giờ sáng ,và đi ngủ vào 12 giờ đêm. Những kỳ học thi căng thẳng thì buổi đêm chúng tôi tự nấu ăn thêm .Đa phần thì cũng nấu đơn giản ,bó mì trứng với đồ hộp thôi,hoặc luộc chục trứng gà ,chấm muối mà ăn  .Chỉ có những ngày nghỉ hè hay nghỉ đông thì với những ai không phải thi lại mới có dịp chơi ,và nấu ăn .Còn những bạn phải thi lại thì thường là “mất nghỉ” luôn.   

Sang năm học thứ nhất, khoa Cơ khí Hóa chất của chúng tôi lại được bà giảng dạy môn Nghiên cứu Kim loại trong học kỳ 2 . Bà là giáo sư chính của Khoa Luyện kim ,nhưng với chúng tôi ,những kỹ sư cơ khí tương lai,bà chỉ dạy một học kỳ về những nội dung cơ bản nhất của chuyên ngành này .Khoa tôi có 150 sinh viên trong đó có 12 sinh viên Việt nam,toàn nam giới .Buổi đầu tiên bà đã căn dặn chúng tôi khắc phục những khó khăn về ngôn ngữ ,mạnh dạn đề xuất yêu câu để bà giúp thêm. Tuy không phải là môn học chính  ,chỉ học trong một học kỳ nhưng những giờ giảng của bà khiến tôi thích thú vô cùng. Những khái nệm cơ bản về Vật lý luyện kim được bà đề cập rất ngắn gọn,dễ hiểu ,hấp dẫn. Tôi hiểu được sự phức tạp của cấu trúc kim loại khi được luyện ở những nhiệt độ ,thời gian khác nhau :từ các loại gang xám ,gang trắng ,gang cầu đến các loại thép các bon ,thép hợp kim và các kim loại màu khác. Nó mở ra cho chúng tôi những đường hướng đi sâu tìm hiểu và sản xuất ,nếu có ai đó muốn tiếp tục theo ngành này .Trong Văn phòng Khoa của bà treo la liệt những mẫu kim loại được soi dưới kính hiển vi và được phóng đại lên tới dăm trăm lần.Mỗi loại kim loại có cấu trúc khác nhau ,nếu học kỹ có thể nhận biết được đó là loại kim loại gì , tính chất cơ lý hóa của chúng ra sao ,và làm thế nào để luyện ra chúng .Sau khi học xong chương trình ,khi trả bài thi ,các sinh viên đều phải trả lời cả những câu hỏi nhận biết các mẫu thép .Một môn học ngắn ,nhưng để lại nhiều điều trong tâm trí tôi ,bởi lẽ chúng được một nữ giáo sư uyên bác giảng dạy .

Sau những năm 2000 ,khi có những người bạn Rumani cũ sang Việt nam ,tôi đã gặp và hỏi thăm về bà ,các bạn đều nói không rõ lắm .Tôi hiểu rằng đất nước Rumani đã trải qua nhiều biến động lớn về chính trị xã hội thì một trí thức “vừa hồng vừa chuyên “như thế có lẽ sẽ gặp không ít khó khăn vào cuối đời .

Người thày giáo già-Alexandru Stoienescu .

 Một giáo sư khác tôi luôn nhớ tới ,đó là Kỹ sư -Giáo sư Đại học -Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên –xô, Alexandu Stoienescu ,một giáo sư già dạy chúng tôi môn cơ học lý thuyết trong ba học kỳ của năm thứ nhất và năm thứ II.

 Đó là một ông già đã ở vào tuổi ngoài 60 ,đầu tóc bạc trắng và lơ thơ ,có cách nói rất dí dỏm ,nhưng chưa phải đeo kính khi lên bục giảng .Vào học kỳ 2 của năm thứ nhất ,giáo sư đến dạy chúng tôi môn cơ học chất rắn ,chúng tôi đã có cảm tình ngay với thày bởi khi biết chúng tôi từ Việt nam sang ,thày  rất vui .Thày nói là đã từng theo rõi rất sát cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt nam .Đặc biệt ,thày rất khâm phục Tướng Võ Nguyên Giáp ,người mà thày coi là “Napoleon của châu Á” trong trận Điện biên phủ .Thày cho rằng trận này rất tương đồng với trận Oa-tec-lo. Thày mô tả trận Điện biên phủ còn rõ hơn cả nhiều người trong chúng tôi ,nhất là cách bố trí pháo binh và đánh đường hầm. Thày rất tin Việt nam sẽ thắng đế quốc Mỹ .

Thày không có vợ ,con và sống ở quận I ,gần trường cùng với một người em gái cũng gần bằng tuổi thày,cũng không chồng ,con... như thày .Sau khi kết thúc môn học ,thày đã mời chúng tôi đến nhà chơi nên chúng tôi mới biết gia cảnh của thày .Ngôi nhà thày ở là một biệt thự cổ ,có rất nhiều phòng và rất nhiều sách .Mười hai anh em Việt nam ở khoa Cơ khí hóa chất đã cùng nhau đến thăm thày với một bó hoa to.Bà em của thày cùng tiếp đón chúng tôi như đón tiếp các con mình ,và mời chúng tôi ăn bánh ngọt do bà tự làm .Thày tự hào nói với cô em mình về thành tích học tập rất tốt của chúng tôi .Khi chúng tôi ra về ,thày tặng cho mỗi người mấy cuốn sách của thày ,viết theo đề nghị của “ Thư viện cho mọi người”(Biblioteca pentru toti).

 Những bài giảng của thày đặc biệt hấp dẫn và dễ hiểu .Môn thày dạy là một môn khó với nhiều sinh viên .Sách của thày rất dày ,hai tập lý thuyết có lẽ tới 7-8 trăm trang ,cộng thêm một cuốn sách bài tập với rất nhiều đề bài rất sát với thực tế. Thế nhưng bài giảng của thày lại rất ngắn gọn ,dễ hiểu .Không bao giờ thày giảng bài quá giờ như một số giáo sư khác .Đa phần là tôi cũng có thể hiểu được ngay trên lớp .Tôi nhớ nhất là khi có bạn nói với thày rằng vấn đề này khó ,vấn đề kia dễ hơn ,thày đã ôn tồn bảo: “Trong khoa học không có vấn đề khó , hay dễ .Nếu ta hiểu bản chất của nó thì là dễ ,còn nếu không hiểu bản chất của nó thì sẽ là cực khó ;có điều cần nghiêm túc nghiên cứu để hiểu được cái bản chất ấy. Những người làm khoa học cần phải biết nghi ngờ ,bởi vì bản chất không có giới hạn cuối”.Tôi đã nghĩ về điều này rất nhiều kể cả những năm sau này .

Khi thày giảng bài ,cũng như nhiều giáo sư khác đã dạy chúng tôi ,tôi chưa bao giờ thấy thày mang theo giáo án .Thày nói và viết như đã thuộc làu từ bao giờ vậy ,đôi khi pha trò rất dí dỏm nhưng khi về nhà đọc sách của thày thấy không  thiếu nội dung nào trong sách .Hình ảnh một giáo sư già ,ăn mặc có phần hơi luộm thuộm ,nhiều lúc như đãng trí khi vừa giảng bài vừa lấy mùi xoa lau mũi rồi lại dùng khăn ấy xóa bảng ,rồi lại lau mũi ,mà kiến thức uyên bác vô cùng khiến tôi nhớ mãi .Sau này ,tôi được biết ,thày đã tham gia thiết kế thi công rất nhiều công trình kết cấu thép quan trọng mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế ,tôi lại càng khâm phục hơn .

Thật không may ,khi chúng tôi học sang năm thứ ba ,khi đó thày không dạy chúng tôi nữa ,chúng tôi được tin thày qua đời sau một tai nạn. Chúng tôi sững sờ. Tất cả anh em chúng tôi ,cùng với các bạn trong khoa đã đến nhà thày ,đưa tiễn thày đến nghĩa trang thành phố trong niềm tiếc thương vô hạn .Đó cũng là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong đời  tôi tham dự một tang lễ bình thường của một người Châu Âu ở thủ đô Bucaret.

  + Nói về những giáo sư Rumani mà chúng tôi được biết ,còn rất nhiều điều không thể kể hết.Các thày cô đều là những người nhiệt tâm và công tâm .Tôi chưa thấy có trường hợp nào thiên vị với các học trò ,kể cả sinh viên trong nước và sinh viên quốc tế .Yêu cầu là phải đạt ,nếu không đạt thì phải thi lại ,thi lại không đạt thì phải đúp lại .Mà cũng chỉ được ở lại một năm trong một khóa ,hơn thế thì phải ra khỏi trường .Không  ai có thể can thiệp vào quyết định của giáo sư trước học trò của mình .Tôi đã được thấy rất nhiều bậc cha mẹ sinh viên đến xem con mình thi ,trong đó có nhiều người giữ chức vị cao ,có cả tướng ,tá nhưng con cái họ thi trượt vẫn khóc mà ra khỏi phòng thi .Trước chúng tôi hai khóa ,có một năm ở khoa hóa hữu cơ  đã bị vắng một khóa không đủ  sinh viên để giảng dạy. Bởi vì năm đó ,sinh viên trượt gần hết chỉ còn vài chục .Nhà trường và Bộ giáo dục cũng can thiệp để giáo sư “nương tay “ những không được chấp nhận .Năm đó ,số sinh viên ít ỏi được lên lớp đã phải chuyển sang tỉnh khác ,trường Đại học khác để học tiếp .Vị giáo sư này khi đó vẫn đang dạy ở khoa hóa hữu cơ trường tôi ,nơi có  một số bạn Việt nam  cùng đợt với tôi đang theo học . Đó là Giáo sư Đại học Costin D.Nenitescu-Trưởng khoa Hóa Hữu cơ của trường . Ông cũng chính là người từ chối không cấp bằng Phó tiến sĩ cho bà Elena Ceausescu (Vợ Chủ tịch nước -Tổng bí thư Đảng cộng sản Rumani thời đó ).Hầu như tất cả các giáo sư giảng dạy ở trường ,chúng tôi và cả các bạn sinh viên rumani, chỉ gặp khi lên giảng đường và khi vào phòng thi , hoặc khi đi thực tế tại các địa phương ,chứ không hề biết các thày cô sống ở đâu ,gia cảnh ra sao . Sự nghiêm túc trong nhà trường Rumani ,nói ra có lẽ nhiều người trong chúng ta khó tin .

Giờ đây ,sau gần 50 năm ,những kiến thức mà tôi đã dốc hết sức lực để học được trong nhà trường đã “mười phần quên chín “ nhưng hình ảnh các thày cô thì tôi không bao giờ quên được.Chắc chắn nhiều thày cô đã vĩnh viễn ra đi ,những thày cô khác nếu còn sống thì cũng về già và

tôi cũng không biết tin tức gì ,nhưng hình ảnh các thày cô vẫn  còn in đậm trong tâm trí  tôi ,vô cùng ấm áp nghĩa tình…

 Ghi chú :

  1-Bài này viết theo yêu cầu của các bạn đồng môn lưu học sinh Rumani Có bản dịch sang tiếng Ru riêng .

2-Ban đầu nhà trường chọn Đỗ Dũng ,Vũ Ngọc Nhã ,Ngô Gia Khương và tôi đi khám sức khỏe. Khương và Nhã không đủ tiêu chuẩn sức khỏe nên không làm hồ sơ.

3-Những chỗ đánh dấu * ,tôi đã cắt bỏ trước khi dịch sang tiếng Rumani

  Hà nội ,tháng 11-2013

 Cao Văn Kỳ    

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 1
  • 2048
  • 22,378,670