Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

KHÓA 1974 YÊU DẤU

  11/12/2021

         Khóa chúng tôi sang Rumani năm 1974, nhưng trước đó đã có một năm học dự bị ở Khoa Lưu học sinh Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Cùng bạn bè, tôi hăm hở mang chiếc hòm gỗ tạp, đựng tòng teng mấy bộ quần áo đến nhập học. Trong số hành lý mỏng mang theo, có cuốn sổ tay ghi lưu bút của người bạn gái ở quê, với lời nhắn gửi mơ hồ, pha chút hờn dỗi, thoảng ngậm ngùi: “ Cổng trường đại học cao vời vợi / Em ngước nhìn thôi, chẳng dám mơ”. Cổng trường đại học, “ cao vời vợi” chỉ là cách nói mang ẩn dụ, còn thực chất Đại học Ngoại ngữ ngày ấy chỉ có mấy dãy nhà tầng cũ kỹ nhìn ra cánh đồng trống trải.

       Đất nước vừa đi qua chiến tranh, nghèo xơ xác. Bàn bè lớp chúng tôi, đứa ở quê, đứa ở thành phố cũng na ná như nhau, chẳng cách biệt đẳng cấp, giàu nghèo là mấy. Dù là con nông dân hay cán bộ cũng đều thuộc lớp “ bình dân”. Thế nên mới thuộc diện xếp đi học ở  Rumani. Chẳng biết nhầm lẫn thế nào, hồi mới vào nhập học, có một chàng, con Thiếu tướng Nguyễn Sơn. Học được ít lâu thì anh ta chuyển sang lớp khác, học tiếng  khác và đi nước khác. Phải rồi, con “ nhà tướng” phải chọn ngành học sang và nước lớn, sao phải đến nước Rumani khuất nẻo, “ nông thôn của Châu Âu” ? Còn chúng tôi, chẳng ai phàn nàn về việc tổ chức sắp xếp ngành học và nước đến học. Quá mãn nguyện, thậm chí còn nghĩ đây là cơ duyên. Sự đồng điệu về trang lứa và thân phận khiến cả khóa gần gũi, thân thiết với nhau. Nhìn lại những tấm hình đen trắng chụp chung với nhau ngày trước, ai cũng ăn mặc xoàng xĩnh, dáng vẻ hơi “ quê” nhưng nụ cười rạng rỡ và ánh mắt trong veo. Chao ôi, “ Sự ngây thơ đẹp tuyệt vời mà ngờ nghệch làm sao” ( Thơ Việt Phương). Sự ngờ nghệch ấy đã bị một số người lớn tuổi trong lớp cuốn vào cuộc đấu tranh phe phái, đưa đến những cuộc họp căng thẳng, lê thê, vô bổ.

      Bây giờ, sau hơn 40 năm, hoài niệm về những chuyện ấy, chỉ gợn lên như vết sẹo nhỏ mơ hồ trên cơ thể của tuổi thanh niên cường tráng. Chuyện về các anh lớn tuổi trong lớp cũng có những điểm xuyết vui. Tôi nhớ, anh Hoàng Thăng Ngói, khi vào học đã là hội viên Hội văn nghệ tỉnh và có vợ. Buổi tối, khi chúng tôi mải miết học cách chia động từ, học thuộc các mẫu câu tiếng Pháp, tiếng Ru, thì anh cặm cụi làm thơ. Đôi lần được anh “ chiếu cố” cho nghe thơ. Những âm tiết lục cục, lộc cộc của cái gọi là … thơ của anh rất khó nghe, khó cảm, khó vào. Thế nhưng khi anh chuyển sang kể chuyện gần gũi vợ lại vô cùng cuốn hút, kích thích sự tò mò háo hức của lũ con trai mới lớn. Hỏi anh: “ Chuyện…ấy làm như thế nào, có thích không?” anh trả lời tưng tửng:“… Thì cũng như ăn thịt gà ấy. Hôm nay ăn hùng hục, chán, mai lại thèm”. Tuổi mới lớn, cơm ăn chẳng đủ no, nói đến thịt gà đứa nào chẳng sáng mắt lên.

       Lại nhớ buổi chiếu phim ở sân trường, trong phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, có cảnh một sĩ quan ngụy vào quán, hất hàm gọi: “ Gà quay một con, Whiskey một chai ”, khán giả ồ lên, nhiều tiếng xuýt xoa. Hôm sau, ngồi hóng mát trên sân thượng nhà D2, mấy đứa bàn nhau: “Sang Rumani, nhận học bổng tháng đầu tiên, mua mỗi đứa một con gà, ăn cho đã ”. Tản mạn những chuyện không đầu không cuối ấy để bạn hình dung xuất phát điểm, bối cảnh và sự hồn nhiên trong trẻo của thuở sinh viên.

 

        Khóa 1974 sang Rumani làm nhiều đợt và được phân làm hai ngành học chính: Pháp văn và các ngành kỹ thuật: Xây dựng, Địa chất, Dầu khí, Kiến trúc. Học kỹ thuật hầu hết là các bạn trai, hoạt bát, hướng ngoại và kiếm tiền cũng giỏi. Những chuyến đi thực tập dài ngày tạo nên sự dạn dĩ, phong trần. Con gái trong khoa chủ yếu học Pháp văn, vừa mới đặt chân lên nước bạn đã tạo nên sức hút xôn xao, làm thổn thức trái tim những anh năm trên, cả các anh nghiên cứu sinh tưởng như nghiêm trang khắc khổ. Nhiều cặp đôi đã bén và sau hơn 40 năm vẫn bền bi, hiên ngang cùng lên chức ông bà nội, ngoại. Cũng có những chuyện tình dang dở, không để nhiều bi lụy, mà như nốt nhạc trầm lưu luyến.

       Chúng tôi may mắn được sống những năm tháng vào thời cực thịnh của chủ nghĩa xã hội Đông Âu, trong đó có Rumani. Không hào nhoáng như các nước Tây Âu, nhưng cuộc sống ở đây khí đó cũng đủ đầy, không phải lo cơm ăn, áo mặc. Xã hội yên bình, thành phố đẹp và ngăn nắp, giao thông thuận tiện. Hàng hóa không nhiều nhưng cũng đủ và giá cả phải chăng. Vốn từng chịu cảnh lam lũ, đến từ một nước nghèo, bị chiến tranh tàn phá, nhìn vào cuộc sống nơi nước bạn, trí tưởng tượng của chúng tôi hình dung về CHXH cũng đến thế này thôi! Xúng xính trong các bộ trang phục rộng quá khổ, học bổng tuy ít ỏi nhưng cũng là hào phóng so với khả năng kinh tế của nước bạn, hồn nhiên và rất đỗi vô tư, chỉ có học và…yêu. Đường đến trường mùa nào cũng đẹp, qua những con phố nhỏ êm đềm, công viên trung tâm vàng rực lá mùa thu. Strada Clinicilor đầu hè rực rỡ những chùm hoa Lilia tím ngắt. Những bãi cỏ chung quanh cămin Hasdeu miên man hoa dại nở…

       Sau 40 năm trở lại Rumani, đến Cluj, gặp lại cảnh sắc ấy, ngỡ thời gian như chậm lại, ngừng trôi, lòng rạo rực một thời hoa đỏ. Thẩn thơ trước khu vườn của Complexul Grozăvesti ở Bucuresti, đứng trước căn phòng nhỏ thân quen của ký túc xá sinh viên, gợi nhớ những chuyến tàu đêm dằng dặc trên đường thiên lý từ Cluj đến Bucuresti cuối tuần, những chuyến đi nghỉ núi, nghỉ biển nồng nàn. Thảng thốt trách sao tuổi hồng nỡ vội vã trôi nhanh:

     “ Những trang sách đi suốt đời vẫn nhớ

        Những khoảng trời vĩnh viễn ướp hương hoa…”

      Sau những năm tháng học miệt mài, tốt nghiệp ra trường, chúng tôi rời xa miền cổ tích trở về đối mặt với cuộc sống gian khổ ở quê nhà. Những cái dạ dày vừa tập làm quen bơ sữa, nay lại cầm lòng chứa hạt bo bo, gạo hẩm. Một số bạn rời giảng đường là sung ngay vào quân ngũ. Thương đất nước chìm nổi trong chiến tranh, nghèo đói, thương mình. May mắn thay, chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc rồi cũng qua đi, các bạn trở về không sứt mẻ. Theo phân công của tổ chức, mỗi đứa một nơi, làm nhiều công việc khác nhau, ở khắp vùng đất nước. Cặm cụi làm việc, nhẫn nại sống và hy vọng vào tương lai. Một số bạn không may, phận mỏng ra đi quá sớm. Đầu tiên là Nguyễn Trúc, “mãi mãi tuổi 20” với hành động hào sảng và nghĩa hiệp. Một cơ sở ở đại học Bách khoa nấu sơn, bén lửa, Trúc lao vào cứu, không may bị bỏng nặng và không qua khỏi. Tiễn bạn ra đi trong chiều đông lạnh lẽo, thầm thía cái mong manh của đời người, như lời nhắc nhủ cần sống tốt, nghĩa tình hơn. Rồi sau đó là Nguyễn Hải Sơn, Phạm Văn Gia, gần đây nữa là anh Phương, bạn gái Minh Tâm. Những cuộc hội ngộ cùng nhau của khóa bao giờ cũng nhớ về các bạn với niềm thương nhớ rưng rưng…

        Khóa 1974 được các anh năm trên nhận xét bằng mỹ từ “ thành đạt”. Có người mang học hàm, học vị Phó giáo sư,Tiến sĩ. Không ít làm lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp, cũng có đứa mon men vào hàng quan chức, rồi chuyên gia…Sau những ảo ảnh phù vân, giờ tất cả đều như nhau, là “ phó thường dân” cả. Lại càng có cơ hội, điều kiện gần gũi, đàn đúm với nhau hơn. Chat với nhau trong group của khóa, có người thốt lên rằng  đến với nhau như là “ duyên từ kiếp trước”. Tạo nên mối liên kết và nuôi dưỡng cái duyên ấy, chính là đất nước Rumani xinh đẹp, nơi chúng tôi đã sống những năm tháng tuổi trẻ hồn nhiên, náo nức, say mê. Rậm rịch chuẩn bị một chuyến đi của cả khóa về miền đất nhớ vẫn chưa thành, do Covid. Năm ngoái, được tin nước bạn bị Covid hoành hành dữ dội, hưởng ứng kêu gọi của Hội hữu nghị Việt Nam- Rumani, các thành viên trong khóa nhiệt tình tham gia ủng hộ, chút ân tình gửi đến người anh em nghèo khó. Mong dịch sớm qua đi, để lại được cùng nhau về trường cũ, đi trên những con đường vốn thân quen, miền đất mà ta hằng yêu mến, dan díu thuở má thắm, môi hồng và theo suốt cuộc đời.

THỊNH GIANG

( Phạm Bá Thịnh, sinh viên Pháp văn khóa 1974-1979

Universitatea Babes- Bolyai Cluj – Napoca )

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 25
  • 2420
  • 18,010,160