Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

DẦU KHÍ VÀ TÔI - P3: VỀ HƯNG YÊN

  25/11/2022

3. VỀ HƯNG YÊN

Tình hình phát triển của các hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí đã dẫn đến một số thay đổi về tổ chức. Tổng cục Địa chất (TCĐC) đã sáp nhập 2 Đoàn 36K và 36S và chuyển một số yếu nhân ở Hưng Yên xuống Chợ Đậu, Thái Bình làm thành Liên Đoàn 36 mới, chịu trách nhiệm chính về Khoan.Các đoàn 36F- Địa chấn (từ Cẩm Giàng), 36Đ- Điện ( từ Mỹ Hào) và 36T- Trọng Lực ( từ Ân Thi) được hợp nhất với tên mới là Đoàn Địa Vật Lý chuyển về Chợ Gạo.Ở  Hưng Yên, một đơn vị nghiên cứu về Địa chất dầu khí được thành lập có tên là Đoàn Nghiên cứu Chuyên đề 36 B trên cơ sở sáp nhập Phòng Tổng hợp, Phòng Hóa, Phòng thông tin-Lưu trữ và bộ phận kỹ thuật Đoàn 36C của LĐ36 cũ .Anh Nguyễn Ngọc Sớm được điều động từ TCĐC về làm Đoàn trưởng, anh Nguyễn Giao và  anh Lương Trọng Đảng làm Đoàn phó. .Tôi cũng được điều động về Đoàn 36 B ít ngày trước đó,  khi con dấu và chữ ký của Lãnh đạo LĐ36 cũ còn hiệu lực.Cùng dịp ấy, anh Nguyễn Ngọc Cư cũng được bổ nhiệm làm Chánh Địa chất của LĐ 36 mới. Khi anh từ Đông Hưng về Chợ Đậu, Thái Bình thì tôi đã đi rồi.

Tôi khăn gói quả mướp rời Tiền Hải, Kiến Xương lên thị xã Thái Bình, rồi tiếp tục băng băng qua Cầu Bo, Làng Nguyễn, Phà Triều Dương trở về Hưng Yên.Trụ sở Chợ Gạo lạnh tanh khi xưa giờ đã đông vui, kẻ ra người vào tấp nập.Anh Nguyễn Giao ngày nào gặp tôi trên chuyến tàu từ Liên Xô về nước, giờ là sếp ở đây rồi.Anh đón tiếp tôi thật nồng ấm. Còn Trưởng phòng Lê Quang Trung thì nắm tay tôi ha hả cười: “Cậu về đúng lúc quá, vào đây, nghỉ với tớ luôn cho vui!”. Anh làm việc và nghỉ ngơi ở gian góc trong cùng, nhìn thẳng ra cánh đồng đay.Lê Đình Thám và Lưu Đình Khoa ở ngay phòng bên. Một đám thanh niên như Vũ Kính, Vũ Thư, Trần Huyên, Huy Quý, Mạnh Huyền, Lê Thái, Khoa Giáp …cũng vừa từ Bacu, Rumani và các nước  khác về. Những chiếc xe máy Con Cò, Start, Spac; những xe đạp cuốc với ghi đông khoằm khoằm cứ chiều chiều lượn lờ, làm náo động cả “làng Tây”và khu phố nghèo Chơ Gạo.Trên pbong bì thư, những từ “Địa chất”, “Chợ Gạo” được giấu biến và thay bằng cái địa chỉ khá kêu, nổi tiếng một thời: “Phòng Nghiên cứu tổng hợp, Đoàn nghiên cứu chuyên Đề 36 B, Thị xã Hưng Yên, Hải Hưng” . Thư từ nhìn chung vẫn tới nơi nhưng tìm thì quả rất khó. Nghe đâu có lần bố thằng bạn tôi từ Gia Lương xuống thăm con, đạp xe tìm suốt cả ngày theo cái địa chỉ này mà không thấy đành đạp xe quay về. Tôi ngủ chung trên cái giường đơn với anh Lê Quang Trung ở đầu hồi trong cùng của dãy nhà.Chị Kim dạo ấy vẫn ở trên Trường Trung cấp Vĩnh Phúc. Hai thân trai khỏe mạnh nằm úp thìa vào nhau mùa rét nhiều lúc cũng vướng víu ra trò,nhất là những khi anh mơ vế người vợ phương xa ấy.

        Có lần vào buổi chiều, nhìn qua cửa sổ, tôi trông thấy một gã còn trẻ, cởi trần, đầu hói, tóc quăn…một tay xách xô nước giải pha loãng, tay kia cầm chiếc gáo dài, nhẹ tưới cho từng khóm cải cúc đã trổ hoa vàng cánh mỏng tang, miệng lẩm bẩm đọc thơ: “…Trước cơn giông là đôi mắt em cười/ Chiều lạ quá! chiều ơi, lay động mãi/Giá lại phải băng qua trăm nẻo đường phá hoại/ Thì hẵn điểm cuối cùng anh gặp vẫn là em…”,“ Thơ ai mà hay thế anh bạn?”,” Thơ Bằng Việt đấy, bài Những đoạn thơ tình giữa hai cuộc chiến tranh, Ông mới về hả?”. Hắn nhìn tôi, cười rạng rỡ, rồi buông xô, gáo tiến lại gần. Tôi đưa tay ra bắt. Hắn nắm tay tôi, còn tay kia khớp lại làm thành một cái gọng kìm bóp mạnh làm tôi đau điếng. Lần đầu tôi quen Hoàng Xuân Bản như thế.Về sau, tuy rất thân nhau nhưng tôi vẫn thường khéo léo đễ tránh những cú bắt tay chết người ấy của hắn, cho dù biết đó là cử chỉ vô cùng thân thiện. Hắn là dân chuyên ngữ - tiếng Nga, đang học thêm ĐVL, có người yêu cùng quê làm việc tận Lai Châu - Tây Bắc. Hai đứa tôi thường gặp nhau nói chuyện thơ hoặc lang thang ngắm cảnh.
       Mấy tháng sau, tôi chuyển sang đầu hồi bên kia, kề xưởng sửa chữa của 36 F, nơi anh Hoàng Văn Hanh làm Xưởng trưởng.Anh Hanh là chuyên gia điện tử, một “bác sỹ” lừng danh của các loài đài bán dẫn và tivi đồng nát. Cả chính quyền sở tại cũng nể trọng vô cùng.Tôi nhớ chuyện có lần anh kể được mời xuống một xã ven thị để sửa một cái đài Rigonda cho Ủy ban.Anh mải mê chữa mà không để ý tới tiếng gà, tiếng vịt hấp hối xen lẫn tiếng cười nói hân hoan ở phòng bên. Đến gần trưa và việc cũng đã xong, một cán bộ vai vắt khăn bông, tay bê chậu nước vào để anh rửa tay rồi mời sang Hội trường. Anh giật mình định rút lui thì đồng chí Phó chủ tịch phụ trách văn-xã đã chộp lấy tay anh và cám ơn rối rít. Ông hướng về phía mọi người dõng dạc:” Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Ủy ban, các đồng chí chủ nhiệm Hợp tác xã, các đại diện đoàn thể.Hôm nay, nhân ngày Chủ nhật, được sự chiếu cố lãnh đạo Đoàn Địa chất trên thị xã đã cử anh Hanh, chuyên gia điện tử xuống giúp xã ta. Để tỏ lòng biết ơn, chúng tôi có làm mấy mâm cơm rau và chút rượu quê mời anh Hanh và tất cả các đồng chí cùng chung vui nhân sự kiện quan trọng này. Xin mọi người nâng cốc!”. Và tiếng vỗ tay ầm ầm.Và tiếng chạm chén.Người ta còn muốn anh Hanh phát biểu, nhưng vốn hiền lành, anh chỉ đứng lên gật gật đầu chào. Hồi ấy ai chẳng mơ được một bữa “cắn ngập chân răng”, nhưng các quan chức kiếm được cái cớ chính đáng để liên hoan một bữa như chuyện Sửa cái đài cũng đâu phải dễ. Phòng tôi rộng rãi và thoáng mát, phía ngoài là nơi làm việc của Sếp, còn phía trong là 2 giường cá nhân của Lê Văn Thái và tôi. Thái lấy vợ từ hồi cấp 3 trước lúc đi học ở Liên Xô,có ý là để trông nom bố mẹ già. Vợ Thái là cô giáo.Mãi khi tôi về Hưng Yên được ít lâu, hắn mới có đứa con đầu lòng đặt tên là Lê Quang Bình.Quang Bình là địa phương có giếng khoan thông số thứ hai (các giếng khoan này được đánh số thứ tự từ “100”: GK 100 ở gần phố Tăng, Đông  Hưng, GK-101 ở Quang Bình, Kiến Xương; GK.103 ở Vũ Lăng, Tiền Hải; GK.110 ở Cồn Đen, cửa Ba Lạt; GK.102 ở Giao An, Xuân Thủy; GK.104 ở Đình Cao, Phù Cừ, Hưng Yên .. để phân biệt với ”60” cho những giếng khoan có chiều sâu khoảng 2400m) Nhà xa, nhiều khi có việc gấp, hắn lấy xe Sputnik của tôi lọc cọc đạp về Nghệ An. Có lần Tết được nghỉ ít ngày quá, hắn về quê tôi ăn Tết. Hắn hiền lành, khéo tay, gói bánh chưng cái nào cũng như cái nào, vuông chành chạnh. Cả nhà tôi ai cũng khen.Hắn rủ tôi kiếm tre đóng chuồng và mua gà về nuôi. Gà mau lớn và đẻ trứng sòn sòn. Quả là kỳ tích! Nuôi gà vì cơm tập thể đầy ngô, cứng đờ, thật khó nuốt. Bọn  láu cá phải dùng mẹo mới đủ no, nếu giữ ý tứ, chậm chạp thì đói là chuyện chắc.Thỉnh thoảng có đứa liều lĩnh ăn trộm được mấy củ su hào tại vườn của LĐT Vũ Bột đem về cho cả lũ luộc ăn, thấy thật đã đời.Đôi khi trời mưa, bọn tôi kéo cả đám Bản, Hí, Chanh, Nguyên xách túi mẫu đi bắt cóc.Chỉ cần lặn lội bãi đay mênh mông phía trước vài tiếng đồng hồ là đủ cóc nhái về làm chả. Thức ăn ngon được nhâm nhi với rượu thuốc Ditakina hay Canhkina do chị Nguyệt y tá vô tình cấp cho những “bệnh nhân ba bị” khiến cho những gương mặt đôi mươi càng thêm mơ mộng. Rồi những cuộc tranh cãi về “Cứu mẹ hay cứu vợ lúc đắm đò” do Trần Lân nêu ra cùng đáp án của đồng chí này: “cứu vợ vì đó là tế bào trẻ, còn khả năng sinh sản”, chuyện “con tôm con tép”, chuyện “châu chấu cào cào” kéo dài bất tận giữa những anh chàng sống khác vùng miền cho tới khi định nghĩa của tôi tung ra đã làm ngay cả Hồ đại ca cũng hết cựa: “ Tranh minh họa con tôm con tép to nhỏ khác nhau đi đưa bà Còng trong Sách Vỡ Lòng là do một anh chàng họa sỹ gốc Thái Bình vẽ, sai bét. Tép là tên gọi để chỉ một tập hợp thủy sinh, sản phẩm của đánh rủi, đánh dậm. Nó có thể bao gồm cả thòng đong, cân cấn, đuôi cờ, thâm chícó khi lẫn vài con cua nhỏ. Các cụ chẳng nói‘vơ bèo vạt tép’ là gì?Còn Tôm là những loài vỏ kitin, thân trong, có đốt, đội cả kiếm lẫn cứt trên đầu, lúc hô tiến thì lùi do ‘khiếm thính’. Kẻ to được thêm chữ Hùm-Tôm Hùm oai phong; đứa còi phải mang thêm tiếng Riu-Tôm Riu tội nghiệp””Không phải, tép là loài bé hơn, không lớn được”,” Thế khi bé, con của những thằng cha Tôm kia nó sống ở đâu hay lúc ấy anh gọi chúng là Tép ?”. Xong.Có cả những lần quá chén. Tôi nhớ có một buổi tối Sáu Hội sắp về Hà Tĩnh nghỉ phép.Hắn đã mua (và cả dùng “thủ đọan” để có) được mấy chai rượu thuốc về làm quà. Bị kích động, Hội đã mang thách đố nếu có thể uống hết.Phạm Xuân Chức tửu lượng thấp tè lại ra oai đã gục ngã đầu tiên.Vũ Văn Kính phải dìu gã Ôtellô ấy về phòng, bôi vôi vào lòng bàn chân, lấy khăn tẩm nước lạnh chườm lên trán. Hắn gào lên: “Tao không say, mẹ thằng nào bảo tao say!”. Nhưng rồi chúng tôi bỗng nghe tiếng phì phì, rồi ồng ộc và bóng Vũ Văn Kính bê chậu lao vút ra vườn liền sau đó...Cuộc sống tinh thần thì miễn chê rồi khi xung quanh Đoàn là cả một rừng hoa Sư phạm10+3, Xí nghiệp May và nhất là các cô gái Phòng Hóa trên Nhà Thành thường xuyên ghé tới. Họ đem theo, khi thì lọ đường, lúc thì ký đỗ đen úy lạo. Thế nhưng một số gã vẫn mơ về Hà nội bất chấp những cuộc chen mua vé xe nảy lửa, những cuộc phản bội nhỡn tiền để ôm hận với giải thưởng “Đôi mông vàng” nhiều năm tháng. Cũng có nhiều cặp theo phương pháp cổ truyền “trâu ta ăn cỏ đồng ta” đã thành công như Tân-Cúc, Ức-Hồng, Thư-Thà, Phương-Châu, Quý-Trượng, Thanh-Lương, Hưng-Hiền.v.v.Bùi Phương và tôi, với “tài lẻ sở trường” đã góp công trang trí và tổ chức đám cưới cho bao cặp uyên ương thời đó. Nhà tạo mẫu Việt Hùng tương lai (con Hồng Ức) cũng được sinh ra từ cái “lò đúc” Chợ Gạo này. Cái Tivi đen trắng 21 inches chiếu những chương trình thử nghiệm đầu tiên của Đài truyền hình Việt nam được đặt trên một vị trí cao chót vót ở sân bóng gần cổng Liên đoàn cũng là điểm thu hút đám thanh niên.Nhiều bóng hồng đến lắm.Hồi ấy có bộ tứ Chi-Vân-Huỳnh-Tiêu trên Phòng Hóa Thị xã làm thành một nhóm “quýtstộc” sống tách biệt. Sự ít hòa đồng, một phần do 2 gã trai kia thực thi chính sách “bế quan tỏa cảng”. Tuy vậy, sức hấp dẫn của “làng Tây” Chợ Gạo đã làm cho gương mặt khả ái của hoa khôi LĐ 36 – Phạm Kim Chi cũng nhiều lần xuất hiện.Nàng là một người mơ mộng và cả tin. Thằng bạn phong tình của tôi khoe rằng hắn đã nhiều lần “đạo” thơ tôi làm cho cõi lòng nàng tan nát. Sau này, Cường Lính đã một thời đơn phương thương nhớ và kiên cường bảo vệ “người trong mộng” và lên án “bọn khốn nạn!”. Luận điểm“Peugeot cũ còn hơn Thống Nhất mới” đã hình thành vào thời điểm ấy.

Đoàn 36B có 5 dãy nhà toacxi, còn lại mười mấy dãy nhà bên kia “bờ cỏ non” là của Đoàn Địa Vật Lý. Sáng sáng trong khi mọi người hăng say làm việc, có đồng chí Đào Như, hiện thân của giai cấp công nhân với cái đầu “móng lừa”, áo quần xanh bảo hộ và đôi ba ta cũ quen thuộc, điềm tĩnh pha ấm chè Thái Nguyên sau khi có nước sôi của cô tạp vụ vừa mang tới để chuẩn bị “phân tích tổng hợp tin tức” cho một ngày mới. Nghe đâu có một lần ông hỏi: “Hôm nay không có báo mới à?”, “Thưa Thủ trưởng chưa thấy có báo ạ”, “Cô nói hay nhỉ, không có báo thì tôi biết làm gì ngày hôm nay?!!”, ông đấm mạnh xuống bàn,   giận dữ.Cô tạp vụ cúi đầu, tái mặt lui ra.Chiều chiều văng vẳng tiếng cười đùa của đám phiên dịch Hý, Chanh, Nguyên.; tiếng guitar thì thụp xa gần của Hà Quốc Quân xen giọng oanh vàng của ca sỹ Bình Nhưỡng vút cao.Có cả tiếng chân huỳnh huỵch, tiếng “hự! hự!” tự thưởng sau những cú đập trời giáng lẫn tiếng reo hò từ sân bóng chuyền vọng lại.Những dịp thi đấu toàn ngành còn ầm ĩ nữa. Quyết Toác, Tuyến Kều, Ái Béo, Văn Xuyên, Minh Khàn…đều là những tuyển thủ thành danh từ thời đó. Một số chàng trai xuống thị xã, sang sư Phạm 10+3, sang Ấp Dâu cưa kéo.Nhiều vụ tấn công trùng đối tượng đã thành giai thoại.Lâu lâu bên khu Chuyên Gia lại có phim chiêu đãi.Tôi thân với Thảo-Lệ nên hay được mật báo lắm. Có lần, trong một dịp kỷ niệm trang nghiêm, sau khi nghe phía Bạn mở đầu, phía Đoàn Địa Vật Lý của ta do Đoàn phó Văn Đăng Hàm, nguyên thượng úy Hải Quân đứng dậy đáp từ. Ông nói sang sảng bằng tiếng mẹ đẻ và nội dung được truyền tải sang tiếng Nga ngay tắp lự qua thông ngôn Nguyễn Thuần. Tới phần kết, ông dõng dạc: “Nhân dịp kỷ niệm Ngày Hải Quân Xô Viết…”, sau khi Nguyễn Thuần phiên dịch xong nửa đầu ấy, có lẽ do xúc động quá nên ông quên khuấy mất nửa mệnh đề chính tiếp theo cần phải nói (hoặc tưởng đã nói rồi!?), tôi thấy mắt ông sáng rực lên và hô vang tưởng vỡ Hội trường:“Tình hữu nghị Việt-Xô muôn năm!”. Lần đó thông ngôn của ta trở tay không kịp.

Lũ kỹ sư trẻ được lớp đàn anh dìu dắt, chỉ bảo hăng hái hết mình trong công việc. Tôi cũng đã từng lang thang dọc Khe Vần, chứng kiến cảnh anh Lê Trọng đau bụng lả lướt “vượt cạn” trên đồi chè khi khảo sát điểm lộ dầu Núi Lịch (Yên Bái); đã từng miệt mài rìa Tây nam Vùng trũng Hà Nội với các anh Ngô Thường San, Phan Huy Quynh…rồi tối về Ks Ninh Bình ngủ. Quynh Cọ hồn nhiên đã bắt bao nhiêu chú ve sầu bỏ vào màn để cùng chung giấc. Tôi đã từng cùng các anh Lê Trọng, Lê Văn Chân, Đỗ Bạt, Lê Huynh và đồng đội đáp tàu Hải quân từ Hải Phòng, vượt sóng lừng Long Châu ra Bạch Long Vĩ khiến hầu như cả đoàn say sóng, trừ anh Cán, anh Chân và tôi ( Anh Lê Huynh đã “tận dụng” cuộc say này để nôn ra cả một đôi giun đũa và khổ thân tôi phải khệ nệ bưng chậu sản phẩm kinh hồn của kẻ say mà trút ào xuống biển). Một tháng khảo sát, bắt cua đá và   lang thang quanh đảo Bạch Long Vĩ, nhìn hoàng hôn tím phía bờ xa mà không về được do dịch tả ở Hải Phòng bùng phát.“ Mỗi sớm em nhìn về phía biển xa/ Hướng mặt trời lên có người thương ở đó/ Những lúc chiều buông trên hòn đảo nhỏ/ Anh đứng lặng nhìn về phía hoàng hôn”.Tôi đã từng viết về chuyến đi như thế.Và còn bao lần xuống các giếng khoan ở Tiền Hải, Xuân Thủy để nghiên cứu và thu thập tài liệu với các đồng nghiệp.Đoàn 36B đã làm được nhiều điều. Bao công trình, bao đề tài đã được Hội đồng Nghiệm thu đánh giá cao, xứng đáng là một đơn vị nghiên cứu khoa học đầu ngành dầu khí thuở sơ khai như thế.

Hồi ấy chưa quyết định yêu ai cả nên chỉ tập trung vào công việc.Tôi say sưa làm việc hết mình. Chả thế mà năm nào cũng được bình bầu là LĐTT và ít lâu sau được giao cả “chức” Tổ trưởng Tổ Tổng Hợp thay đ/c Lê Hưng đi thực tập bên Trung-Hoa-Đại-Khánh. Nhưng có một lần Đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Sớm đi họp trên TCĐC về với vẻ mặt hầm hầm tức giận .Sau khi hội ý lãnh đạo, tôi được thông báo danh hiệu LĐTT đã bị hủy. Tôi cự lại và được giải thích: “Có một đồng chí lãnh đạo Liên đoàn 36 Thái Bình tố cáo lên Tổng Cục rằng Đoàn 36B sử dụng toàn cán bộ trẻ, thiếu kinh nghiệm, kiêu căng, có quan điểm lao động sai, thậm chí dám nói việc bốc mẫu là bốc cứt trâu… Việc này khiến đồng chí TCT Nguyễn Văn Điệp rất bất bình”(!?). Tôi không hiểu mức độ bất bình của ông Điệp như thế nào, nhưng chắc chắn là kém tôi khi đó rất nhiều.Tôi đã có một cuộc “tao ngộ chiến” với đối phương khi xuống Thái Bình ngay sau đó, khiến tổ trưởng Địa Hóa - Đặng Ngọc Bích ở phòng bên cạnh được một phen khiếp vía. Vu khống đến thế là cùng! Nào phải câu nói của tôi? Nó chỉ là lời nói tếu của mấy chàng thợ khoan vui tính chứ có ẩn ý gì? Anh có ý đồ gì mà phải rùm beng tới tận Lãnh đạo của cả Tổng Cục? Anh định mượn tôi để làm mất uy tín của 36 B đấy hả? Anh này lúc đầu cao giọng, sau đuối dần. rồi mặt trở nên tím tái. Tôi quay lưng và không hề ngoái lại. Được bữa sướng miệng. Nhưng sau này tôi mới biết mình phải trả giá rất nhiều cho sự rạch ròi này. Bao lần nhiêu lần lãnh đạo cử tôi đi học lớp tiếng Pháp, tiếng Anh nhằm mục đích đào tạo, thì bấy nhiêu lần đều bị gạt ngay từ trứng nước do bị chụp mũ “Có quan điểm lao động sai!”. Anh bạn thân Vương Hữu Oánh trước đây đã dự báo:“Ông phải cẩn thận kẻo sẽ mắc nạn Khẩu Thiệt đấy!”. Thế mà chưa chi đã đúng rồi…

Rồi có những tin vui: tháng 3/1975 ta phát hiện mỏ khí Tiền hải C và công ty dầu Mobil của Mỹ phát hiện 2 vỉa dầu trong Mioxen Hạ ở Thềm lục địa Nam Việt nam. Ngày 30 tháng 4 năm 1975: Giải phóng miền Nam.Nước nhà thống nhất. Ngày 3.9.1975,  Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt được thành lập trên cơ sở các đơn vị cũ của LĐ36 sáp nhập thêm một bộ phận của Tổng cục hóa chất (Nghị Định 170/CP) do ông Nguyễn Văn Biên làm Tổng cục trưởng.Năm 1976, cấp trên tăng cường thêm Trung tướng Đinh Đức Thiện làm Bộ trưởng phụ trách Công tác Dầu khí. Những cây đa cây đề của làng Dầu Khí Hưng Yên như các anh Nguyễn Ngọc Sớm, Nguyễn Giao, Hồ Đắc Hoài, Lê Quang Trung…đều lên đường nhận nhiệm vụ mới.Đám Võ Kiếng, Lý Huỳnh…chớp cơ hội cũng rục rịch về Hà Nội.

Còn chúng tôi chuyển lên Nhà Thành, thị xã Hưng Yên.Vị trí trụ sở mới thật đắc địa.Nó nằm cạnh đầm sen ngát hương.Nếu lững thững tản bộ qua một đoạn đường rợp mát bóng nhãn là đến ngay Hồ Bán Nguyệt thơ mộng.Chúng tôi làm việc trong tòa nhà vốn là Trường Dòng từ thời Pháp, ba tầng, hình thước thợ khang trang, thoáng mát, hơn hẳn khu Chợ Gạo.Hiềm một nỗi, nhà vệ sinh chỉ có ở tầng dưới cùng. Bởi thế đôi khi vẫn thường thấy những cuộc lao vun vút từ trên cao xuống do bị đau bụng bất thường. Có lần Bộ trưởng Đinh Đức Thiện đi kinh lý xuống 36B, sau khi Đoàn trưởng Lương Đoàn đưa khách VIP lên giới thiệu cơ sở làm việc tại tầng 3, Bộ trưởng “có việc” đi ra ngoài một lát. Ông loanh quanh tìm kiếm cái gì đó, sau một giây lâu, ông trở lại ngay giữa hành lang tầng 3, quyết định tia thẳng một dòng nước ánh vàng xuống khu bể tắm phía dưới, mặt lạnh tanh.Chẳng rõ ông có nói gì thêm nữa không, chỉ biết rằng Đoàn trưởng được một phen mất vía và vội vàng cho xây nhà vệ sinh cho 2 tầng còn lại ngay sau đó.

        Hồi ấy là Sơ đồ Khai thác thử Mỏ Khí Tiền Hải C do tổ trưởng Tổ Khí Phùng Đình Thực cùng Oánh,Viện, Trung, Khanh và Mạnh “mũi đỏ” (để phân biệt với Nguyễn Đình Mạnh Địa chất, “mũi thường”!) thiết kế bắt đầu đi vào hoạt động.Khí đã làm thay đổi cả bộ mặt công nghiệp địa phương Thái Bình. Lượng condensat dư thừa cũng đã tạo đầu vào cho Lò Chưng Cất “model nấu rượu lậu” của Trương Đình Hợi tại khu Nhà Thành Hưng Yên. Nó cũng tạo ra bao nụ cười cho CBCNV và quan khách khi thỉnh thoảng được xách về nhà một can Condensat. Thành công khiến người ta cũng dễ bỏ qua các sai sót, kể cả sự cố tốn bạc triệu đô la như vụ Giếng khoan 76. Sau này khi thận trọng xem lại sẽ thấy rõ là có biểu hiện xuất hiện khí tầng nông khá mạnh ở độ sâu vài ba trăm mét, rõ là có quyết định kéo cần tạo hiện tượng piston làm khí phun lên khiến mất cả dàn khoan. Nhưng rồi lòng đất phải gánh chịu vì lòng đất không biết nói. Mọi khuyết điểm là do nguyên nhân khách quan, không bao giờ do người lãnh đạo cả. Mấy năm sau, khi từ Hà nội trở lại Tiền Hải công tác, tôi vẫn nhìn thấy lấp ló đỉnh tháp nghiêng nghiêng  trên “cánh đồng năm tấn”. Nhưng rồi nó cứ chìm dần và sau này mất hẳn vì nghe đâu cánh đồng nát tiếc rẻ đã ra tay cưa nốt .

         Tôi rời Hưng Yên đúng vào mùa sen nở. Lòng bịn rịn với biết bao kỷ niệm của thời trai trẻ. Văn Bản khoái thơ lắm. Khi tôi rời Hưng Yên, hắn rất buồn và bảo tôi cho hắn chép mấy bài thơ, thi thoảng đọc cho đỡ nhớ. Từng gương mặt các anh chị Hoàng, Thị, Lan, Chân, Thành, Kính, Báo, Lương, Trọng, Đảng, Kinh, Nguyệt, Sớm, Cần, Giao, Hợp, Muộn v.v cứ thoáng hiện. Ôi khí thế 36B Mạnh- Như- Châu- Húc- Cây- Nhãn một thời! Nhưng mà đâu phải đi xa? Tôi sẽ còn nhiều lần trở lại cơ mà?. Nghĩ vậy sao lòng tôi vẫn đầy trống trải.

(Còn nữa)

Nguyễn Quyết Thắng

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 4
  • 907
  • 18,125,200