Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

NỒNG HẬU TÌNH CẢM RUMANI

  27/10/2015

Gần nửa thế kỷ đã qua, tóc đã bạc, bệnh tật mỗi ngày một nhiều, sức  mỗi ngày một yếu với bao trải nghiệm cuộc đời, nhưng dù trong hoàn cảnh nào, mỗi lần nhớ tới đất nước và bạn bè Rumani, lòng tôi lại ấm lên tình cảm nồng hậu. Những  kỷ niệm lúc nào cũng sống động như mới ngày hôm qua, hôm kia đây thôi.

Lớp lưu học sinh Việt Nam sang Rumani năm 1965 chúng tôi phải học bổ túc văn hóa và học tiếng Rumani để chuẩn bị vào năm thứ nhất của  trường đại học. Mới học được vài tuần, tiếng còn bập bẹ, ú ớ, nhà trường tổ chức kiểm tra sức khỏe. Tôi bị phát hiện trong bụng đầy giun và có bệnh đường ruột phải nằm viện điều trị! Một chàng học sinh nghèo xuất thân từ nông thôn, nhiều lần đi học về muộn, đói quá, phải moi củ khoai lang ăn sống, vỏ còn bám đất cát,  làm sao mà bụng không có giun cơ chứ ? Những bệnh nhân người Rumani nằm cùng phòng , xúm lại, quây lấy tôi hỏi han đủ điều. Qua vốn tiếng Ru nghèo nàn , có sự hỗ trợ bằng điệu bộ khoa chân, múa tay, mọi người cũng hiểu tôi là học sinh từ đất nước Việt Nam xa xôi , sang đây học đại học để chuẩn bị về xây dựng đất nước. Chị y tá khen tôi là ngoan ( cuminte ), bác công nhân già nằm giường bên cạnh thì cứ cầm tay, nhìn tôi với ánh mắt trìu mến. Chiều đến, bác gái đem thức ăn tiếp tế , bác sẻ một nửa  và bắt tôi ăn. Hôm sau, bác dắt tôi ra cửa sổ , gọi bác gái đang đứng dưới vườn, ( vì bệnh viện không cho người nhà lên phòng bệnh nhân) : “ Bà ơi, tôi mới có con nuôi đây này , sinh viên Việt Nam đấy!” . Hai vợ chồng bác Popescu là công nhân đường sắt, sống với nhau đã lâu mà chưa có con. Bác cứ tha thiết bảo tôi nhận làm con bác đi, và dặn mãi , phải đến nhà chơi. Tết đến, bác còn gửi bưu thiếp, viết thư cho tôi nữa. Hồi đó, chúng tôi phải tập trung vào học tập, không được phép quan hệ tình cảm riêng tư. Nhưng tấm lòng của bác công nhân ấy vẫn lắng đọng mãi trong tôi.

Hè năm thứ nhất, tôi được giao nhiệm vụ dẫn đoàn lưu học sinh và thực tập sinh mới sang đến Trường mỏ ở Petrosani. Đoàn chúng tôi vừa xách vali xuống  sân ga, một nhóm nhạc công  cùng mấy chị mặc quần áo dân tộc, vừa hát, vừa vỗ tay chào mừng các bạn Việt Nam. Họ vây quanh  chúng tôi, vừa đàn hát, vừa nhảy theo điệu dân ca Rumani. Một vài chị lớn tưổi thì nắm tay chúng tôi vồn vã hỏi han. Tôi nhớ mãi một bà già với nét mặt phúc hậu , mắt rưng rưng, nói với tôi: “ Ôi, các con tôi, thế này mà đã phải chịu những cảnh tàn khốc của chiến tranh!”

Đầu năm 1994, tôi từ Montreal bay về Paris. Vừa đi qua cửa làm thủ tục chuyển tiếp sang chuyến bay về Việt Nam ở sân bay Charle de Gaule, tôi nghe thấy một giọng Rumani! Nhìn sang bên cạnh, thấy một người đàn ông dong dỏng cao, mặc chiếc áo  măng tô dài, tay cầm mũ lông , dáng có vẻ hớt hải, lo lắng, nài nỉ  anh hải quan người Pháp điều gì đó không rõ. Hai bên đang không hiểu nhau! Tôi lại gần hỏi bằng tiếng Ru: “ Có phải anh là người Rumani không?” . Anh ta choàng lên như người sắp chết đuối vớ được cọc : “ Vâng, vâng, tôi là người Rumani đây, tôi đang cần giúp đỡ!” Anh chàng hải quan phân bua: “ Anh này về Bucarest, phải chuyển sang sân bay Orly để chuyển tiếp chuyến bay. Tôi giải thích cách đi xe bus mà anh ta không hiểu!”. Tôi thở phào nhẹ nhõm:

“ Thôi được, tôi đưa anh sang sân bay Orly cho. Tôi còn đủ thời gian”

Anh bạn Costica là công nhân cơ khí. Anh mới sang Canada làm thuê. Anh có việc phải về  nhà ở gần Bucarest, mà lại không biết tiếng Pháp và tiếng Anh. Anh nắm lấy tay tôi khẩn khoản : “ Anh dẫn tôi đi nhé ! Cám ơn anh bạn nhiều lắm!”  Tôi dẫn anh ra điểm đón xe bus con thoi đưa hành khách chuyển tiếp giữa hai sân bay Charle de Gaule và Orly, đến tận quầy làm thủ tục lên máy bay về Bucarest. Trước khi vào cửa  phòng chờ, anh ôm tôi rất chặt: “ cám ơn anh bạn Việt Nam, nếu không gặp được anh, tôi không biết làm thế nào.”  Nhìn vẻ mặt mộc mạc, chân thành của anh, tôi thấy anh sao mà giống tính cách người Việt Nam đến thế.

Tháng 10 năm 1996, tôi sang thực tập ở hãng Caltex tại thành phố Dallas. Trong một buổi trao đổi công việc, tôi gặp một kỹ sư có tên  Niculescu. Trông khuôn mặt và cái tên cùng cách ăn nói, tôi đoán anh là  người Rumani. Giờ giải lao, chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Ru và trở nên thân thiết như bạn cũ lâu ngày gặp lại. Quê anh ở Satu Mare. Anh đã sang Hoa Kỳ làm thuê được hơn chục năm. Tối hôm ấy, anh đến đón tôi đi ăn cơm cùng gia đình. Vợ anh cũng là người Rumani. Hai đứa con sinh ra trên đất Mỹ. Hai đứa trẻ nói tiếng Ru còn kém hơn cả tôi, chúng rất tò mò nghe bố mẹ nói chuyện với một người Việt Nam bằng tiếng Rumani! Anh chị cũng nhớ quê hương, hay nhắc đến những kỷ niệm của thời sinh viên và những ngày làm việc ở chốn quê nhà. Gặp được người nói tiếng mẹ đẻ của mình là muốn làm thân ngay, như đồng hương gặp nhau ở đất khách quê người. Tình cảm tự nhiên của những người giàu cảm súc.

Rồi tháng 6 năm 2002, đoàn công tác của ban Quản lý Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ chúng tôi đến Ploiesti, quê hương dầu mỏ của Rumani. Đoàn chúng tôi đến thăm Ban Giám hiệu Trường Đại học Dầu Khí. Những thầy cô cũ mang đến những kỷ vật và hình ảnh của các sinh viên Việt Nam cách đây hơn 30 năm, để nhắc lại những sinh viên học giỏi, cả những chuyện cười ngô nghê về học nói tiếng Ru những ngày đầu mới sang. Cả khách lẫn chủ vui vẻ ca hát, uống rượu và xem trận bóng đá World Cup đang diễn ra ở Hàn Quốc. Chúng tôi nhắc đến hương vị món ăn thời sinh viên là bánh đúc ngô với pho mat trắng ( mơ mơ li gơ cu brân zơ ). Tối hôm đó , ôn La bơ, tìm mọi cách xoay bằng được bánh đúc ngô, mặc dù ngày nay, dân Rumani hầu như quên món đó rồi! Chuyến công tác đó, ngành dầu khí đã thỏa thuận được việc tiếp tục gửi một số sinh viên sang học ở Trường Dầu Khí Ploiesti sau một thời kỳ dài đứt đoạn , và thuê một số tư vấn đào tạo cho đội ngũ vận hành nhà máy Đạm Phú Mỹ. Anh bạn đồng nghiệp cùng đi, vốn được đào tạo ở Liên Xô cũ, tấm tắc mãi : “ Thích thật, dân Rumani sống tình cảm và quí mến bạn bè , chẳng khác gì dân Việt Nam mình!”.

Sớm nay, tôi nhận được thư điện tử của chị Eugenia Vasilescu, một bạn học cùng lớp ở Khoa Công nghệ , Trường Đại học Địa chất - Dầu Khí  Bucarest ( IPGG ). Chị thông báo, mấy chục bạn đồng môn trong tổ 250 chúng tôi vừa họp mặt tại Bucarest, nhân kỷ niệm 40 năm ngày tốt nghiệp ra trường. Ai cũng nhắc tới năm bạn Việt Nam : Thường , Vượng, Hùng, Chiến, Tứ, vắng mặt ! Chị còn gửi ảnh mọi người chụp với nhau hôm đó, có ghi tên từng người. Các bạn tôi ! Một thời sinh viên sôi nổi, một thời chật vật với các kỳ thi! một thời cùng nhau đi thực tập ở nhà máy lọc dầu và thơ mộng trong chuyến du ngoại một vòng qua sông ngòi, đồi núi, ruộng đồng  Rumani tươi đẹp! Bây giờ đã là những ông già, bà cả, tóc đã bạc , da đã nheo, má đã xệ, nhưng ánh mắt vẫn vui vẻ thời thanh xuân đầy ắp kỷ niệm! Chị còn nhắc chúng tôi gửi ảnh vào Website chung của tổ , để mọi người thấy nhau, bạn bè có thể gặp gỡ, trao đổi thư từ trên mạng. Tôi như sống lại thời sinh viên và thầm hứa, sẽ trở lại thăm bạn bè Rumani lần nữa…

Sài gòn, mùa thu 2011

Bỳ Văn Tứ

CSV ĐHDK Bucarest, Khoá 1965-1971

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 11
  • 624
  • 18,008,363