Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

HÀNH TRÌNH TỪ HÀ NỘI ĐẾN BUCAREST-Tiếp theo 3

  02/09/2016

Ngày 4-9-1965 (9 tháng Tám , Ất Tỵ )

          “Đúng 5 h 23 phút , tàu đến ga Mãn Châu Lý , ga cuối cùng trên đất Trung Quốc. Con tầu đã đưa chúng tôi  vượt  4986 km xuyên qua Trung Hoa Đại lục mà không chậm lấy 1 phút ! Chúng tôi nghỉ tại ga 1 h ,được xuống sân ga chơi để các đ/c Trung quốc làm thủ tục xuất cảnh .Ga Mãn Châu Lý không to nhưng khá đẹp, giữa sân có một vòi nước xoay tròn tưới cho một bồn hoa .Trong phòng đợi có bàn xem họa báo , có quầy bán tem , phong bì ,bánh kẹo , thuốc lá  ...

Sau khi làm xong thủ tục chúng tôi lại lên tàu rời Mãn Châu Lý. Những nhân viên đường sắt , những người dân ở sân ga vẫy chào ,đưa tiễn chúng tôi như đưa tiễn người thân của họ .Những tiếng “trai tren”(tạm biệt ) vang lên khắp các toa tầu.Chúng tôi bỗng cảm thấy buồn như khi rời xa đất nước mình vậy . Bốn ngày ,5 đêm sống trên tàu Trung Quốc đã để lại trong lòng chúng tôi tình cảm nồng nàn của nhân dân nước láng giềng anh em gần gũi .

Con tàu đi tiếp trên vùng đồng cỏ Nội Mông , qua những toa xe chứa dầu của Trung Quốc. Bên đường tàu đi qua có một đội quân giải phóng , họ cũng giơ  tay  vẫy chào chúng tôi  như vẫy chào những người thân .

Đây rồi ,biên giới Trung –Xô , nơi có cắm ba lá cờ đuôi nheo ,1 lá ở giữa , hai lá hai bên có hình quốc huy của mỗi nước quay về hai hướng.

Các đ/c Liên xô cao to, da trắng , mắt xanh , mũi dài , chân đi ủng da cao đến đầu gối , áo quân phục thắt lưng da ngang bụng , mũ kê pi ánh vàng đen ,lên tàu làm nhiệm vụ tiếp nhận :kiểm tra hộ chiếu , sổ tiêm chủng , kê khai hành lý , để làm thủ tục nhập cảnh “.

Qua đất Trung Quốc , tôi đã nói được bốn từ bằng tiếng Trung  :Xin chào (nỉ hảo ), tạm biệt (trai tren ) ,cám ơn (Xie xie ) xin lỗi (tuây pú xỉ) Sang tới Liên Xô , bốn từ ấy tôi đã biết vì ở cấp III tôi học tiếng Nga nên cũng nhớ được đôi chút. Môn ngoại ngữ nào người ta cũng dạy những từ ấy đầu tiên , có điều người ta có dùng thường xuyên những từ đó hay không thôi . Ở Trung quốc , tác phong tập quán rất gần với Việt Nam. Những nhân viên trên tàu lúc nào cũng tươi cười khi làm các công việc cần thiết cho chúng tôi. Cách ăn , cách nói cũng giống như chúng tôi , rất quen .Trên tàu Liên xô, có đôi chút khác  .Các anh hải quan khi lên tàu , họ có bộ mặt nghiêm túc , không cười, nhưng tôi nghe được họ nói xin mời (pajaluysta) khi muốn chúng tôi trình giấy tờ tùy thân , khi trả lại chúng tôi họ không quên nói câu cám ơn (Spaxibơ) thay cho một nụ cười .Trông họ rất trẻ tuổi nhưng lại rất già dặn về phong cách .Cảm giác đầu tiên của tôi về các bạn Liên Xô là như thế .

Tầu Liên Xô cũng khác với tàu Trung Quốc , các khoang đều có cửa đóng kín mỗi khi ra ,vào .Trong khoang , mỗi bên có hai giường nằm bằng sắt ,đệm lò so , rất đẹp ; ở giữa có một chiếc bàn , có thể ngồi uống nước hoặc viết lách được ; bên trên có giá để hành lý, cũng bằng khung sắt; chăn đệm dầy hơn, trắng tinh, xếp ngay ngắn. Chúng tôi ở bốn người một phòng. Các cửa sổ bên trong khoang và ngoài hành lang đều có rèm dầy trước lớp của kính .Tôi đã thấy hình ảnh những khoang tàu này trên một số phim Liên Xô.

6 giờ 30 phút giờ Hà nội ,tức là 7 giờ 30 phút giờ Bắc kinh hay 2 giờ 28 phút giờ Mạc Tư Khoa,  tàu đến ga Za-bai-kan, ga đầu tiên của Liên Xô  trên tuyến đường của chúng tôi qua biên giới Xô-Trung. Trong khi chờ làm thủ tục nhập cảnh, chúng tôi được xuống ga chơi .Đây là một nhà ga cao 4 tầng , sân ga có rất nhiều tượng đồng trong một vườn cây như công viên . Bên trong , phòng đợi khá rộng , nền lát đá nhẵn có rất nhiều quầy hàng : kẹo bánh , sách báo, bưu thiếp, tạp hóa ...và  cả quầy bưu điện. Trên tường treo những bức tranh lớn ,tranh phong cảnh rừng cây , đồng lúa , biển ...rất đẹp  . Chúng tôi dạo chơi khoảng 20 phút rồi lại lục tục lên tàu . (Tôi lại cũng không ngờ rằng , sau 6 năm học tập , khi quay về Tổ quốc, tôi đã phải lưu lại ở đây 1 ngày và 1 đêm !)

Từ đây đến Mascơva là khoảng 6.500 km.Tàu chạy về phía Tây, êm hơn và nhanh hơn trên vùng đất bát ngát đồng cỏ nhưng không bằng phẳng mà nhấp nhô như vùng đồi .Tàu chạy rất nhanh.Tàu hỏa Trung Quốc chạy trên đường ray khổ rộng 1,4m , rộng hơn đường sắt Việt Nam ; tàu hỏa Liên Xô chạy trên đường ray còn rộng hơn thế .Có một truyện vui nói rằng khi Pie Đại đế thuê chuyên gia Đức thiết kế đường sắt cho nước Nga , các chuyên gia Đức cứ phác thảo xong lại trình lên xin ý kiến .Vốn chẳng hiểu biết gì về kỹ thuật , bị hỏi nhiều lần về chiều rộng đường ray ,hoàng đế cáu , ban một câu “Bề rộng cái con c*...!”.Người chuyên gia suy nghĩ mãi và rồi cũng hiểu ra là phải rộng hơn tiêu chuẩn của Đức ...gần 1 gang tay !Vì thế mà hiện nay , đường sắt Nga vẫn rộng hơn đường sắt quốc tế !

Tôi ngắm nhìn ra phía xa xa , nơi có những đàn bò, đàn ngựa đang ung dung ăn cỏ và hát thầm bài Ka -chiu -sa  :

”Ngày nào năm xưa, chàng ra tới nơi miền biên thùy ,

vì quê hương thề mấy khó nguy không lùi.

Này hỡi ai, nhắn cho ta mấy câu về phương trời ,

tới tai người yêu mà ta nhớ nhung đêm ngày ...”

Trong suy nghĩ của mình , tôi luôn có hình bóng người bạn gái mà tôi yêu quý ,và rõ ràng là người ấy cũng yêu quý tôi, nhưng chưa bao giờ chúng tôi nói ra cái chữ yêu thần kỳ ấy cả ! Gọi là tình bạn thì hẳn là đúng rồi , còn gọi là tình yêu thì có lẽ còn chưa đủ lắm. Nhưng phải chăng đó là tình yêu? Nhất là ở tuổi thanh niên , không thể không có tình yêu . Nhưng mà chính cái chữ yêu làm cho người ta vui , hạnh phúc , cũng có khi nó thực sự là một tai vạ !

Chẳng mấy chốc ,đến giờ ăn trưa .Toa ăn trên tàu rất sang trọng .Mỗi bàn bốn người ,trên bàn có bày bốn bộ dụng cụ ăn và khăn ăn , muối trắng và bột hạt tiêu đựng trong lọ nhỏ ,đẹp ; một giỏ đựng đầy bánh mì đen thái lát dầy chừng một phân ; không có nước mắm , xì dầu cũng không . Những bữa ăn của Liên Xô khác hẳn về mọi mặt so với chúng ta , cả về chế biến lẫn mùi vị. Đặc biệt là cách ăn cũng hoàn toàn khác : không dùng đũa , thìa mà dùng dao , dĩa , thìa .Bữa ăn chính thường gồm : món đầu tiên là súp ăn với bánh mì , tiếp đến là một đĩa thịt sốt hoặc rán ăn kèm với khoai tây rán hoặc nghiền nhỏ... ; rồi đến món tráng miệng có thể là nước hoa quả , hoa quả hay bánh ngọt ....Tay trái cầm dĩa , cầm bánh ; tay phải cầm dao cầm thìa . Bữa ăn đầu tiên của chúng tôi là súp thịt bò , bánh mì đen ,vừa ăn bánh mì vừa húp súp . Bánh mì ăn tự do , tuy đen nhưng ăn rất đậm đà , nước súp béo ngậy vị váng mỡ và váng sữa .Món thứ hai là thịt với khoai tây nghiền .Một miếng thịt khá to ,nạc không lẫn mỡ và một ít khoai tây nghiền ,có chút nước sốt bên cạnh. Khi ăn món này thì dùng dao ,dĩa và có thể ăn kèm với bánh mì.Thịt sốt mềm , đậm đà ; khoai nghiền có vị béo ngậy .Tôi thấy rất ngon nên ăn khá no.  Tráng miệng bữa ấy là một cốc nước chè đen pha đường , có một lát chanh thái mỏng nữa , làm cho trà có mùi vị thơm ngon (không hiếm như mẹ bạn Hiệp lo lắng  đâu ).

Ăn xong chúng tôi nghỉ chốc lát rồi rủ nhau ra hành lang ngồi ngắm cảnh. Tàu đã chạy khá xa Za-bai-can nhưng cảnh vật cũng không thay đổi mấy. Tuyến đường sắt này là tuyến đường đôi ,tàu đi ngược xuôi không cần đợi tránh nhau ở ga.Tàu chạy bằng động cơ điê-zen  khá nhanh , đồng cỏ như xoay tròn xung quanh  chúng tôi . Rồi đến vùng có cây , có rừng liên tiếp . Rừng cũng khác với rừng Việt Nam , nhìn xa như một bức tranh ngũ sắc: xanh đỏ nâu vàng , chứ không chỉ có màu xanh của lá cây.Ngay cả màu xanh cũng là màu xanh vàng ; màu vàng thì rực rỡ dưới ánh nắng mùa thu , màu vàng tôi đã nhìn thấy trong tranh của các họa sĩ Nga, màu đỏ là màu đỏ pha nâu . Bên đường mỗi khi con tàu đi qua các ga xép , chúng tôi chỉ nhìn thấy người một nữ nhân viên mặc váy ngắn áo véc bó chẽn ngang lưng , đi ủng cao , đầu đội mũ kê pi đứng bên nhà ga , tay giơ lá cờ hiệu .Từ khi rời khỏi ga đầu , đến chiều , không nhìn thấy người trên đồng .

Tôi lẩm nhẩm hát bài hát Nga “Cả tình yêu ,trao cuộc sống ...”

Đến đoạn “..là khi ta qua các ga , qua những bến tầu , ta càng thấy yêu cuộc đời , mong cuộc sống ta mỗi ngày sẽ tươi thắm hơn ...”thì tôi hát thành tiếng. Một số bạn khác cũng hát theo. Rồi những bài hát Nga được nhiều bạn hát Những bài dân ca Nga thường êm đềm, da diết  . Hôm đó Mạnh đã hát một bài mới mà tôi chưa biết : Tiếng hát nàng Su-pếch .Là một bạn trai người Hà Nội ,có khuôn mặt rất tươi và dễ mến , chăm tập thể dục cùng với tôi . Mạnh hát không hay lắm nhưng lời và nhạc của bài hát khiến tôi nhớ mãi không quên .Sau này , có lần ngồi hát ,tôi  đề nghị Mạnh hát lại , tôi nghe và thuộc ,đến tận bây giờ :           

                       “Mùa đông dù trôi qua ,

                         mang ánh nắng xuân tươi phai dần ,

                         và lá biếc không vương trên cành ...

                          Trọn đời em thương nhớ anh ,

                          có bao giờ nhạt phai trong lòng ...

 

Ở nơi xa xăm ấy ,

anh vẫn sống yên vui thanh bình,

nhiều những giấc mơ em bên mình .

Trọn đời em thương nhớ anh ,

Em vẫn chờ ....em vẫn chờ...

                               Tình em không phôi pha ...”

Tôi cũng không nhớ bài hát ấy của nước nào , nhạc êm đềm , da diết buồn. Khi đó anh Trị cũng thích , nhật ký ngày 4-9-65 của anh đã  ghi lại như sau :

Không hiểu sao chiều nay tôi bỗng dưng buồn thế ,ngồi nghe Mạnh ,một cậu bạn tổ Một hát mà tôi thấy nao lòng :”Ở nơi xa xăm ấy ,anh vẫn sống yên vui thanh bình .Trọn đời em thương nhớ anh . Em vẫn chờ...”.Tiếng hát của Mạnh khiến tôi nhớ tới T.L và nhớ quê hương quá. Suốt cả buổi chiều phong cảnh vẫn thế ,tâm trạng vẫn thế .

Chập tối , chúng tôi ăn bữa tối cũng như bữa trưa ,nhưng món thứ hai là một đĩa cháo đặc nấu bằng gạo Trung Quốc nhưng ăn vẫn mát ruột. Tráng miệng là hai gói kẹo .Giờ đây những người Âu đối với tôi không còn lạ nữa ,tôi đã nói chuyện được với đ/c công an phục vụ :Bác Vasili. Bác rất vui tính .Các đ/c phục vụ trên tàu ,ở toa ăn cũng rất vui vẻ và quý mến chúng tôi ..

Chiều nay , Tư không đến chỗ chúng tôi , có lẽ vì mệt hay cũng có lẽ vì cô ấy mặc váy nên ngượng chăng ?”

 

Đêm ấy , chúng tôi ngủ trong phòng kín .Trời lạnh ,tàu chạy êm nên ngủ rất ngon.

 

 

Trích nhật ký -Ngày 5-9-1965( ngày 10,tháng Tám Ất Tỵ )

Sáng nay dậy muộn ,tàu sắp đến ga U-lan-u-đê. Hai bên đường là những rừng thông  ,bạch dương và những cây thấp lúp xúp.Tàu chạy nhanh , thi thoảng có đoàn tàu chạy ngược lại ,vút qua trên tuyến đường bên cạnh. Có lẽ vì có đường đôi nên các nhân viên hỏa xa rất nhàn, họ chỉ cần đứng trên ban công tầng 2 ,cầm cái cờ hiệu chỉ xuống ,như đứng chơi vậy.

Khoảng 8 giờ sáng chúng tôi ăn sáng :súp nấu thịt ngỗng với bánh mì đen , 3 quả trứng luộc và một cốc nước hoa quả rất ngọt .

Trên đất Liên xô ,chúng tôi ăn 3 rub /ngày ,có thêm 0,9 rub/ngày tiền tiêu vặt được phát tận tay.(mỗi ngày ~ 9,6 Đồng VN).Sáng nay tàu đến bên hồ Bai-can.

Trong tất cả những phong cảnh chúng tôi đã đi qua , hồ Bai-can là một thắng cảnh khiến tôi rung động hơn cả . Hồ Bai-can là một hồ nước ngọt sâu nhất thế giới và rộng ,chu vi~ 1000km (tức là bằng ½ chiều dài bờ biển Việt nam).Đoàn tàu của chúng tôi chạy ven phần phía nam hồ, từ phía Đông sang phía Tây hồ trên một đoạn đường 3ookm (gấp đôi con đường sắt Hà Nội –Bằng Tường,gần bằng con đường sắt Hà Nội –Lào Cai).

Ban đầu còn khuất rừng cây , chỉ nhìn thấy phần hồ phía xa , dần dần tàu chạy sát đến bên hồ(chỉ cách bờ chừng vài mét  )Hồ rộng quá sức tưởng tượng của chúng tôi , mênh mông bát ngát ,bao la như biển ,nhìn hết tầm mắt về mọi phía cũng chưa rõ bờ .Nếu không được đọc và nghe về nó thì ai cũng nghĩ đó là biển .Mặt nước trong xanh ,sóng vỗ ven bờ không mỏi, tuy là không có sóng lớn .Ven hồ có  xây kè xi măng ,có nhiều người đang câu cá .Trên mặt nước ngoài xa ,hải âu bay lượn rất đẹp .Tôi cứ nghĩ đây là biển .Ngoài xa về phía bắc ,có một con tàu đang rẽ sóng như một chú cá kình và nhiều xuồng khác ngoài khơi như những chấm nhỏ .Đứng trước khoảng trời nước mênh mông này , con người thật nhỏ bé.

6 giờ chiều (giờ Mac-tư –khoa ),tàu đến ga Tan-xôi bên bờ hồ ,dừng 15 phút Chúng tôi xuống ga sưởi nắng .

Bắt đầu từ đây ,tàu chạy bằng đầu máy điện, hiện đại ,đưa chúng tôi đi tiếp trên phía tây hồ Bai -can.Nhìn lại thấy Bai can càng rộng lớn hơn. Rồi đoàn tàu tiếp tục leo núi trên bờTây- Bắc của Bai- can ,lần lượt chui qua hai con hầm xuyên sơn khá dài , mỗi hầm dài khoảng 400-500 m.Khi tàu vào hang , mọi chỗ trên tàu đều tối đen như mực.Thật là một công trình quá vĩ đại , con đường sắt xuyên Xiberi đã dài , hai chiều lại còn qua cả những hang núi dài như thế .Thế giới cũng phải khâm phục con đường sắt này cũng là đúng thôi! Qua khỏi hang , con tàu ngoằn nghèo bò trên sườn dãy núi .Chúng tôi ngồi ở toa giữa có thể nhìn được cả đầu và cuối đoàn tàu .Trông giống hêt như một con trăn khổng lồ đang trườn đi. Có một đoàn tàu đi ngược chiều với chúng tôi , tôi đếm được 46 toa trong đó có hai đầu máy!Từ trên tàu ở lưng chừng núi ,nhìn xuống hồ Bai-can trong xanh lấp lánh dưới ánh mặt trời ,nhìn xuống thung lũng với những cây thông tùng xanh biếc , những cây bạch dương đã trút  lá ...thật là một bức tranh tuyệt mỹ .Xa xa về phía nam , là những dặng núi cao , đỉnh núi long lanh tuyết phủ trắng xóa ,lưng chừng núi từng đám mây bạc như ôm ngang núi ,in  xuống mặt nước hồ một hình tam giác xanh đen  .Thật ngoạn mục !

Con tàu rời hồ Bai-can vào buổi chiều .”

Hồ Bai-can thật là  rộng và đẹp tuyệt vời .Được chiêm ngưỡng hồ này dù là từ xa cũng là điều quá may mắn đối với  tôi .Khi tàu đi bên hồ , tôi thấy trên bờ có một cô gái Nga tóc vàng , da trắng , mặc bộ váy hoa liền áo  đang đi ngược chiều gió.Khuôn ngực nở nang , đôi chân trần trắng hồng. Mái tóc và gấu váy bay ngược về phía sau ,khuôn mặt ngẩng về phía trước ,in rõ trên nền của hồ nước phía dưới và bầu trời trong xanh phía trên. Đẹp quá !Giá mà là họa sỹ chắc chắn tôi sẽ vẽ bức tranh đó . Hình ảnh ấy in đậm trong tâm trí tôi rất lâu sau này .Ngày hôm sau , trong đoàn đã có người lan truyền một câu thơ của anh bạn nào đó :

”Bai-can sóng vỗ miệt mài ,

Biết chăng có một thiên tài qua đây ?”

Tuổi trẻ từng có nhiều lúc thái quá hóa ngông cuồng , nhưng mơ ước  trở nên vĩ đại của một con người đâu phải là một tội lỗi!Có nhiều bạn cứ chê trách.Tôi thì chỉ nghĩ trong lòng mà không bực bội gì về anh bạn đó .Dù sao ,cũng là một kỷ niệm .Tôi thấy hình ảnh hồ Bai-can sóng vỗ miệt mài quá đúng,tôi tâm đắc với hai chữ miệt mài ,nó phẳng lặng bình yên ,nó kiên trì nhẫn nại ; khi ta nhìn ngắm phong cảnh đó thật lâu, thấy hình ảnh rõ nét còn âm thanh thì tai không nghe được, trong lúc đang nhớ nhà, ta không khỏi thoáng buồn .

Chiều tối tàu đến ga Irơcutxcơ bên bờ sông Ang-ga-ra ,con sông duy nhất chảy vào hồ Bai-can .Đây là một nhà ga 4 tầng rất đẹp .Trên đường phố có rất nhiều ô tô ,có tầu điện chạy . Khi chúng tôi ăn bữa tối thì đoàn tàu tiếp tục đi về phía Tây .Ven đường ,trên đồng cỏ mênh mông, nông dân đang thu hoạch cỏ ,dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông tới.Chúng tôi nhìn thấy vài cỗ  máy gặt sơn màu vàng đang nghỉ trên đồng .

Đêm đó ,đoàn tàu tiếp tục chạy về phía Tây ,trên vùng Xiberi rộng lớn. Trên tàu Liên xô ,tôi ngủ ngon hơn . Cuộc sống trên tàu cũng quen hơn với chúng tôi Mỗi ngày ba bữa ,thức ăn Liên xô cũng hợp với khẩu vị của tôi .Tôi vẫn tập thể dục đều .Viết thư đều về nhà , thư nào cũng ghi chép , mô tả chút ít , nói về ăn ngủ.Tôi biết ,mỗi khi tôi đi đâu xa  u tôi và chị  tôi chỉ lo tôi bị đói !Nhà tôi tuy nghèo , thường phải ăn cơm độn , những anh em tôi ai cũng ăn khoẻ và được ăn no.

Từ tấm bé , tôi luôn được thày u tôi chiều : muốn làm gì , muốn đi đâu , muốn chơi với ai , muốn chơi trò gì ...đều được .Tôi chưa bao giờ bị cấm kỵ điều gì .Cha mẹ tôi chỉ cho tôi đôi cánh ,còn bay như thế nào thì tôi được quyền tự mình học lấy !

Ngày 6-9-1965 (11-8 Ất Tỵ )-Trong nhật ký ,anh Trị ghi :

Sáng nay dậy sớm ,con tàu vẫn chạy trên đất Xiberi bao la .Tàu qua một con sông nhỏ, tôi không biết tên. Bên đường vẫn chỉ là đồng cỏ .Trời mưa nhẹ .6h kém10(giờ Mascova )tàu qua sông Ienixe rồi đỗ tại ga Craxnôiaxcơ, một thành phố công nghiệp lớn ,đông đúc với nhiều xe hơi và xe buyt.

Phong cảnh Xiberi không có chút nào đáng sợ như đã mô tả trong những chuyến lưu đày mà tôi đã đọc trong những chuyện xưa .Nó bình yên với bạt ngàn đồng cỏ và rừng cây đủ cả năm màu  Những thành phố chúng tôi qua ,dù là xa xôi cũng tua tủa những ống khói nhà máy .

Chập tối (16 h 24-giời Mascova ), tàu vào ga Novoxibiaxcơ;hàng chữ bằng điện nê-ông xanh hiện lên trên đỉnh nhà ga thật tráng lệ.Tôi và Kỳ cùng một số bạn khác xuống ga , vào phố chơi trong chốc lát .Ở đây có một đường sông khá to, thành phố rất đẹp,Tất nhiên đẹp và hoành tráng hơn những thành phố Trung quốc mà chúng tôi đã thấy khi đi ngang qua.

Ngày 7-9-1965(12 tháng Tám Ất Tỵ ):2h sáng ,tàu đi qua Omxcơ bên sông Ô-bi khi chúng tôi còn đang ngủ .Bên đường vẫn là đồng cỏ , và rừng bạch dương.Quá trưa , tàu qua  thành phố Cheliabinxcơ.Đây là thành phố lớn đang xây dựng rất nhiều nhà hộp .Trên nóc nhà tua tủa những ăng ten vô tuyến truyền hình.Nhà cao 5-6 tầng .Đường phố có rất nhiều xe điện , xe volga đi lại tấp nập. Xa xa nhìn thấy cột đèn của sân vận động .Ngoại ô thành phố là những vạt rừng thông cây mọc thẳng , gốc cây màu xẫm , ngọn cây như những ngọn tháp ,đẹp vô cùng.

Khoảng 15 h,con tàu đi vào vùng núi Uran ,ranh giới giữa châu Âu và châu Á.Chúng tôi chỉ còn cách Mascova khoảng 1800 km nữa thôi .

Vùng núi U-ran là một vùng giàu có, bát ngát rừng thông ,tùng và bạch dương .Đang là mùa thu , nhiều cây ngả sang màu vàng , màu đỏ .Những rừng cây lá nhọn thân thẳng , tán cây hình tháp trông như một thành phố xanh .Nắng thu vàng rực , nhiệt độ trong khoang tàu hỏa là 25 độ C,mát mẻ vô cùng .

Chiều nay ,chúng tôi ngồi nói chuyện với bác Vasili,tất nhiên là nói bằng mồm , bằng mắt và bằng cả hai tay .Từ sáng đến giờ Tư không sang chỗ tôi , chỉ nhờ Đồng bảo tôi cho mượn bút !Cứ khoảng 15 phút lại có một đoàn tàu chạy ngược chiều với chúng tôi , Uran chìm trong sương mờ hoàng hôn.

Tối nay họp tổ ,tôi bị phê bình vì làm vỡ một cái cốc .Chả là sáng nay khi đánh răng , tôi rót nước nóng vào cái cốc trên giá ,có thằng chó chết nào đó đã làm vỡ mà cứ để nguyên đó , tôi không để ý cứ rót nước vào .Thấy vỡ nên tôi vứt đi và báo lại cho mọi người biết .Đích thị là vạ vịt.Tôi hơi buồn vì mới xa nhà mà bị phê bình. Từ nay ,mình phải cẩn thận hơn trong mọi vấn đề !

Cao Văn Kỳ

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 3
  • 497
  • 21,934,571