Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

50 NĂM TRỞ LAI RUMANI

  29/11/2018

 Tháng 8 năm 2018 đoàn lưu học sinh Đại học Tổng hợp Babes Bolyai trở lại thăm trường và Rumani - Quê hương thứ 2 của chúng tôi. Ai cũng nghẹn ngào xúc động. Thầy giáo, cô giáo cũ chỉ còn lại vài người. Bạn bè cùng lớp, cùng khoa đã già lắm rồi, lắm người đã mất. Bùi ngùi xúc động.Chúng tôi đã đi từ Bucaret xuống những thành phố biển Constanta và Costinesti ở Hắc Hải tắm như 50 năm trước. Chúng tôi đã vòng quanh đất nước Rumani yêu thương, qua Ploiesti, lên Brasov, Sinaia, Alba Iulia, Prahova, Sibiu… thăm lại những di tích, các công trình văn hóa, và “về nhà” là Cluj Napoca, không quên đến nghĩa trang Ghenca Cemetery - Bucaret thắp hương cho vợ chồng ông Ceaucescu. “Nghĩa tử là nghĩa tận”, ông có công, có tội gì do nhân dân Rumani phán xét nhưng chúng tôi đã đến Rumani học tập là thời ông làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Rumani.

Rumani hôm nay vẫn như một công viên với những di tích lịch sử và di tích văn hóa, các lâu đài, nhà thờ, các pháo đài và nhiều công trình nghệ thuật.Tượng đài là một ngành nghệ thuật rực rỡ ở Rumani. Ở các quảng trường thành phố, ở cả những thị tứ khắp nơi đều có tượng đài. Các nhà điêu khắc, các nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học và nghệ sĩ được tạc tượng và đặt tên phố cùng với danh nhân trong lịch sử.

 Không phải là cái nhìn của 2 tuần sống trên đất Rumani mà là cảm nhận của 50 năm sống với nhân dân và đất nước Rumani dù chúng tôi đã xa cách đến nửa cuộc đời. Vui và xúc động. Đất nước Rumani lộng lẫy như một vườn hoa. Trong công viên, dọc đường đi, trong các làng xóm, nhà thờ… đâu đâu cũng rực rỡ hoa và quả chín. Táo, nho, mận, đào… đang mùa thu hoạch. Hoa hướng dương ngút ngàn, trải rộng suốt chân trời. Các thành phố chúng tôi đi qua và ở lại vẫn nề nếp, thanh bình. Đường phố rộng không khói bụi, không rác thải, ít tắc đường.  Ngay cả Bucaret có đến 2 triệu xe ô tô nhưng không nghe một tiếng còi, ngày đêm không có bóng cảnh sát. Cả nước Rumani không một trạm thu phí BOT. Rừng được bảo vệ tuyệt đối. Cây xanh được bảo vệ tuyệt đối. Môi trường xanh, sạch, đẹp được đặc biệt quan tâm. Các cửa hàng, siêu thị đầy ắp hàng hóa nhưng không nơi nào bán túi ni - lông đựng hàng cho khách mua hàng. Ai đi mua hàng cũng phải mang theo, điều này hạn chế đến tối đa rác thải.

Trên tất cả vẫn là tấm lòng người dân Rumani với chúng tôi. Thân ái, hiền lành, nhân hậu, nhiệt tình và trung thực. Với một bề dày phong phú và giàu có của văn hóa, dù Rumani chưa phải là nước phát triển ở Châu Âu nhưng nền tảng xã hội ổn định và đang trên đà phát triển.

Tháng 8 năm 1968 chúng tôi được đưa đến Bucarét và từ đó Rumani đã trở thành máu thịt của chúng tôi. Tôi thấm thía câu thơ của Chế Lan Viên:

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn

Trong thiếu thốn và đói khát vì chiến tranh, chúng tôi hơn 300 lưu học sinh đến đất nước Rumani thanh bình, tươi đẹp với sự ngạc nhiên như là cô bé Alixơ trong câu chuyện thần tiên Alice ở đất nước thần tiên (Alice in Wonderland) của Levis Carroll mà chúng tôi từng mê đắm khi còn tuổi học trò. Chúng tôi được  ăn no, ăn ngon mặc ấm và đẹp. Lần đầu có bữa ăn đầy thức ăn bơ, phomat, thịt nhiều món, bánh mì, sữa chua với dao và dĩa. Chẳng đứa nào biết sử dụng, cái nào trước, cái nào sau… chúng tôi được các bà, các chị ở nhà ăn dạy cho còn tỉ mẩn, cẩn thận hơn dạy trẻ lên ba.

Ngạn ngữ Nghệ Tĩnh có câu: Một thìa lúc đói bằng một đọi khi no” (Lúc đói thì một thìa còn hơn một bát lúc no”.“Miếng ngon nhớ lâu điều đau nhớ đời”. Ngạn ngữ Rumani có câu “Cea mai bună pinea din lumea este a mamei” (Bánh mì ngon nhất thế gian là bánh mì của mẹ) đối với chúng tôi đến tận bây giờ càng thấm thía. “Bánh mì (cơm) của mẹ và của nhân dân Rumani là bánh mì (cơm) ngon nhất thế gian”. Các bạn Rumani phát tiền cho chúng tôi may mặc áo quần, giầy, tất mới. Chúng tôi chia tay nhau đến các trung tâm Đại học ở các thành phố Bucuresti, Iasi, Cluj Napoca, Timisoara, Ploiesti, để học tập. Từ đó 5 đến 6 năm trời ở đất bạn trong tình cảm yêu thương chăm chút của nhà trường, của nhân viên phục vụ - của cả nhân dân Rumani đùm bọc, dành cho chúng tôi những thứ gì quý nhất. Cảm ơn lòng tốt của bạn nhưng chúng tôi càng ghi nhớ những gì chúng tôi đang được hưởng là xương máu của nhân dân Việt Nam đang phân đổ trên chiến trường đánh Mỹ, là xương máu của bạn bè cùng lứa tuổi đang hy sinh ngoài mặt trận. Vì vậy chúng tôi càng phải nỗ lực học hành và gìn giữ tấm lòng trân quý của bạn bè, nhân dân Rumani.

Sau 5-6 năm học (tùy các trường) con số 300 lưu học sinh sang đây, khóa 1968 chỉ bị thi trượt 4, 5 người ở năm học dự bị học tiếng còn lại bị rơi rụng không quá 10 người vì mắc “tội” yêu đương (yêu bạn Rumani và bạn Việt Nam). Còn lại chúng tôi đã tốt nghiệp Đại học, trở về góp phần xây dựng đất nước bị tàn phá trong chiến tranh. Nhiều người lại đi thẳng ra mặt trận cho đến ngày chiến tranh kết thúc toàn thắng (1975). Trường Đại học Tổng hợp Babes - Bolyai của chúng tôi có lịch sử hàng trăm năm. Thầy hiệu trưởng đầu tiên là người Ý, sau đó là người Hungari rồi đến người Rumani. Tên trường cũng là tên nhà bác học Babes - Bolyai người dân tộc Hungari. Chúng tôi ăn chung, ở chung, cùng học với các bạn thuộc các dân tộc khác nhau. Nhà trường chăm lo cho chúng tôi tất cả từ nơi ăn, ở, vệ sinh ký túc xá, giặt giũ áo quần áo cho chúng tôi. Hàng tháng chúng tôi được nhận học bổng đủ tiền mua áo quần, dày mũ sách vở phục vụ học tập. Mùa hè được đi nghỉ biển ở Hắc Hải. Mùa đông lên nghỉ núi ở Sinaia trên núi Cacpat, ốm đau có bác sĩ đến tận ký túc xá khám và chữa bệnh.

Chúng tôi được nhân dân thành phố quan tâm chăm sóc. Nhiều trường hợp thật cảm động. Đến rạp chiếu phim mọi người nhường mua vé. Ra phố nhiều người quan tâm săn sóc, hỏi thăm gia đình. Mua hàng ở chợ, ở cửa hàng được đẩy lên trước: “Việt Nam, nhường mày không phải sắp hàng”. Tất nhiên chúng tôi biết cảm ơn và từ chối. Chúng tôi biết mọi người yêu quý chúng tôi, chăm sóc và nhường nhịn là vì nhân dân Việt Nam đang hy sinh trong bom đạn chiến tranh. Chúng tôi càng tự hào và thấy trách nhiệm của mình trong học tập và trong cuộc sống.

Trường tôi học là một trong nhiều trường đại học danh tiếng ở thành phố Cluj- Napoca. Tôi về nước từ năm 1973, đến nay đã gần nửa thế kỷ xa Rumani nhưng đêm ngày vẫn sống với nó, cả trong giấc mơ, trong từng câu nói mơ. Còn nhớ cả tiếng lóng, tiếng tục và phương ngữ Rumani. Khi còn là sinh viên vùi đầu vào học hành tôi đã không biết từ năm 1953 nhạc sĩ Lương Ngọc Trác đã dẫn đầu đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam đến Bucaret dự đại hội đại biểu thanh niên Thế giới. Cũng năm đó bắt đầu chiến dịch Điện Biên Phủ, ở đây có một quả đồi mang tên “Đồi Bucaret”. Và tháng 10 năm 1957, Bác Hồ đã sang thăm Rumani, Bác đã đến Bucaret với nhân dân Rumani.

Ngay từ những năm 60 thế kỷ trước, văn học Rumani qua bản dịch tiếng Pháp đã sang Việt Nam. Người dịch nhiều nhất và dịch tốt nhất là Tuấn Đô với toàn bộ kịch của Caragiale. Tiểu thuyết Sadoveanu, tiểu thuyết Rebreanu và nhiều nhà văn, nhà thơ khác cũng đã được nhiều người dịch.

Về sau này, thế hệ chúng tôi về nước đã có thêm Thơ Mihail Eminescu - ngôi sao sáng nhất của văn học Rumani và là nhà thơ lãng mạn cuối cùng của văn học lãng mạn châu Âu do Phạm Viết Đào dịch. Thơ Tudor Arghezi tiểu thuyết hiện đại Thành phố trên sông Muret của Francis Munteanu do Lê Đình Cúc dịch. Truyện cổ tích Rumanido Lê Đình Cúc và Đào Duy Hiệp dịch. Tác phẩm của các nhà khoa học, nhà văn như Ion Ionescu, Lucien Goldman cũng đã được dịch ở Việt Nam. Năm 2005 Nhật ký trong tù của Bác Hồ đã được dịch sang tiếng Rumani, Truyện Kiều của Nguyễn Du và Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ). Nhật ký Đặng Thùy Trâm và nhiều tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại đã được dịch ra tiếng Rumani. Cuối những năm 60 thế kỷ trước, lứa lưu học sinh đầu tiên ở Rumani về Viện Văn học đã có những công trình nghiên cứu về văn học Rumani tiếp tục đến bây giờ.

Rumani đã đào tạo cho Việt Nam gần 4.000 sinh viên tất cả. Chỉ riêng khóa chúng tôi đã có khoảng 400 người, đợt chúng tôi sang là 300. Suốt thế kỷ này đã có nhiều đoàn cựu sinh viên trở lại thăm và làm việc ở Rumani.  Chúng tôi trở về Việt Nam và hẹn ngày trở lại..

 Lê Đình Cúc

CSV Anh văn ĐHTH Cluj, K1968-1973

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 11
  • 783
  • 18,008,522