Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

HÀNH TRÌNH VỀ QUÊ, MỘT TOUR DU LỊCH ĐẦY CẢM XÚC – P4/2

  19/08/2019

4.2. Về quê (tt).

Ngày thứ hai

Thăm vườn thực vật: Theo lịch, mười giờ sáng chúng tôi có mặt ở Vườn Thực vật Alexandru Borza của thành phố. Chúng tôi được các bạn có xe phân công nhau chở đi. Đi từ khách sạn đến thì xa, chứ thực ra Vườn Thực vật rất gần ký túc xá nơi chúng tôi đã sống. Mọi khi, những lúc rảnh rỗi chúng tôi lại vào đây chơi. Đây là một viện bảo tàng khoa học, giáo dục về thực vật mang tên nhà sinh vật học nổi tiếng người Ru. Chắc hồi xưa, các bạn học sinh vật nhiều khóa như Liêm, Khiêm , Tuấn, Oanh, Thanh, Vinh, Nhật, Sen, Hảo… thường vẫn được làm việc ở đây. 
Khu vườn có diện tích 14 ha với trên 10.000 loại cây được phân theo nhóm phục vụ các mục đích : cây cảnh, cây thổ nhưỡng, kinh tế…và khu nhà kính nuôi trồng những cây nhiệt đới. Có cả khu bảo tàng lưu giữ các loài thực vật dưới dạng khô, ướt…Thực ra, vì thời gian có hạn, chúng tôi chỉ quan tâm đến ba khu vực chính. Khu vực cây cảnh có nhiều thảm rộng trồng những giống cây mà màu sắc hoa biến đổi theo mùa, đặc biệt là hoa hồng (gần250 giống). Ai cũng tìm chỗ đứng cạnh những khóm hoa hồng đại đóa để chụp ảnh. Hoa và người, váy áo sặc sỡ, không biết người hay hoa rực rỡ hơn. 

Nhóm cây thổ nhưỡng quy tụ các loại cây phù hợp với đất ở từng vùng. Hệ thực vật phong phú phù hợp với những vùng Transilvania, núi Carpat và Biển Hắc hải. Đặc biệt là khu vườn Nhật được thiết kế theo kiểu truyền thống nghĩa là thường bao gồm hồ nước, đá, cây và cả những thực vật nhỏ hơn. Trong phong cách này, người ta có thể thấy cả bốn mùa. Khu vườn Nhật quả là hấp dẫn với một cái lầu mái đỏ, cột đỏ và cây cầu gỗ dẫn vào cũng màu đỏ, bên ngoài có chiếc cầu đá (hoặc gỗ) cũng nhỏ bắc qua dòng nước. Cây cối rậm rạp nhiều tầng. Đây có thể nói là cảnh quan đẹp mắt hay được khách quan tâm. Chúng tôi vào lầu, đứng trên cầu chơi, chụp ảnh. Nghe kể là các anh chị năm trên chúng tôi đã có những buổi đi đào đất góp phần xây hồ nước này trước những ánh mắt ngạc nhiên của sinh viên Ru. Cũng không hiểu trường yêu cầu hay đây là sáng kiến của ban lãnh đạo đơn vị, chúng ta quen đi lao động xã hội chủ nghĩa mà. Cả cái đợt đi thu hoạch sơri cũng vậy. Tuy nhiên, những buổi lao động như vậy cũng làm sinh động thêm những ngày hè dài đằng đẵng của sinh viên nước ngoài như chúng tôi.

Chúng tôi thi nhau chụp ảnh. Bỗng một anh bạn Việt Nam của chúng tôi ngã lộn mấy vòng từ gò đá vì trèo lên đó để chụp ảnh. Cả lớp nhốn nháo, lo lắng. Cuộc tham quan phải tạm dừng lại, chờ xe cấp cứu đến đưa anh đi bệnh viện. Vợ anh cùng một anh bạn lớp tôi là Ilie Brie và anh Đỉnh, anh Cẩn cùng hộ tống anh vào trung tâm cấp cứu Bệnh viện. Bệnh viện này xưa là bệnh viện sinh viên mà môt số người trong số chúng tôi đã được điều trị ở đây. May vết thương không sâu nhưng vết rách dài nên phải khâu mười mũi. Thao tác của bác sĩ rất nhanh nhưng phòng cấp cứu đông quá, mãi 3 giờ chiều anh mới được băng bó xong. Điều đáng nói là anh chị ấy không phải trả xu nào. Chị vợ cứ muốn dúi tiền cho bác sĩ nhưng họ không nhận. Họ nói ngày cấp cứu đầu tiên thì không phải trả tiền. Chỉ mất 34 lei tiền thuốc thì anh bạn Ilie đã nhanh tay tranh trả trước. Anh Ilie cả ngày hôm đó cứ lo trực ở bệnh viện, không dám rời thương binh. 

Khi anh bạn được đưa đi cấp cứu, cả lớp mới yên tâm đi tiếp. Mục tiêu của chúng tôi lúc này là khu nhà kính trồng cây nhiệt đới bao gồm 6 ô : bể thủy sinh, nhóm họ dừa, nhóm những cây địa trung hải và Úc, nhóm cây nhiều nước n.hóm họ dứa, phong lan, dương xỉ,… nhưng cũng có những loai cây chúng tôi chưa thấy bao giờ, ví dụ trong bể thủy sinh có loại hoa súng lá to bằng cái nia, thành lá khoảng 10 cm dựng đứng.

Ai cũng lang thang chụp ảnh, ngắm nghía theo sở thích và sự tò mò của mình nên mãi đến gần hai giờ chiều chúng tôi mới đi tiếp.

Con đường xưa em đi (tên một bài hát) : 

Chương trình lúc này là lên ký túc xá sinh viên của trưởng Tổng hợp để các cựu sinh viên thăm lại cămin (Bloc), nơi mình từng sống năm năm thời tuổi trẻ. Chúng tôi đi tắt vào con đường mát rượi. Trong lớp chúng tôi, các bạn ở rải rác. Đa số tập trung ở cămin 8, riêng tôi, Hoa và Hương, ba chúng tôi ở cămin 6. Strada Hasdeu cũng thay đổi nhiều. Vẫn mang dáng dấp xưa nhưng chúng tôi không nhận ra nữa vì cây cối um tùm. Strada Hasdeu 45 là số nhà chỗ chúng tôi ở. Nhìn mãi, cămin trước mắt, bên trái không giống cămin 6. Hoa cứ nhất định là đúng nhà này trong khi biển treo là cămin 5. Chúng tôi tranh cãi một lúc rồi hỏi ông bảo vệ. Ông chỉ xuống dưới. Chúng tôi đành vòng xuống, đi thêm ít bậc thang. Đây rồi, đây mới đúng là cămin 6. Tôi nhớ cách bố trí cầu thang nơi mình ở, chỉ là từ màu sơn xanh, nay nó được sơn đỏ. Ngôi nhà không khác xưa là bao, chỉ được sơn sửa lại màu sữa xen những vạch hồng… Đọan lan can bên phải bị hỏng do sinh viên trèo qua để đi tắt, nay đã được sửa chữa. Chúng tôi hồi hộp chạy lên cầu thang. Một bạn cùng lớp đi cùng chúng tôi vì sợ chúng tôi lạc, đã chụp hộ nhiều ảnh. Hoa còn nhớ số phòng chúng tôi từng ở, nhớ cả những bạn Ru ở cùng mỗi năm. Những kí ức ùa về. Hồi đó, khi xuân đến, mỗi sáng, chúng tôi thò đầu ra cửa sổ thì chao ôi, cây cối đâm chồi nảy lộc, một số cây cảnh đổi màu chuyển từ màu xanh lẫn trắng vì bị tuyết phủ sang màu đỏ, vàng, hồng nhạt. Mỗi ngày hoa lại lớn hơn lên. Khu ký túc xá như thay áo mới. Những chiếc áo trắng lốm đốm xanh được thay bằng những chiếc áo hoa rực rỡ. Trên cây óc chó khô khốc, khẳng khiu như những cành củi trước cửa nhà bổng xuất hiện những chồi non xanh nõn. Bây giờ nó không còn nữa. Nó đã già quá. Từ năm 2001, khi tôi trở lại đây, nó đã không còn. Thì ra cây cối xung quanh đã lớn nhiều sau bấy nhiêu năm làm chúng tôi khó nhận ra nơi mình ở. Những cây xưa chỉ ngang tầm đầu chúng tôi hoặc hơn một ít, nay đã thành những cây cao thẳng tắp. Không gian như xanh hơn nhưng kém thoáng đãng hơn đánh lạc hướng chúng tôi. Chúng tôi ngắm nghía mãi. Trước cămin 6 giờ là hàng rào thép dày đặc những cây con. Tôi nhìn sang bên phải. Lối đó xưa chúng tôi hay đi đến nhà ông thợ chữa giày. Lối xuống nhà ông gồ ghề, nhấp nhô đá. Đi học xa, gót giày rất hay hỏng. Ông già chữa giày vừa đẹp vừa phải giá. Nhưng ngay từ năm 2001, ông già cũng đã không còn. Nhà ông đóng cửa im ỉm. 

Nhìn xa bên trái, nhà ăn sinh viên vẫn còn đó nhưng từ lâu, nó đã thay đổi mục đích sử dụng. Nhà ăn bị thu hẹp lai, còn lại là phòng văn hóa để sinh viên có thể vui chơi, khiêu vũ. Phía trên cao, nhiều cămin mới mọc lên, đẹp hơn, hiện đai hơn những cămin cũ. Những cămin A1, A2, A3, A4, 16, 17 đều được bố trí mỗi phòng hai người, khép kín, còn những cămin cũ vẫn 4-5 người, bếp và nhà tắm vẫn chung. 
Bịn rịn không muốn đi nhưng bạn giục, chúng tôi đành rời cămin 6, bồi hồi nhìn cảnh vật xung quanh rồi xuôi theo con đường ngày xưa chúng tôi đi học. Con đường nhỏ, dốc xuống, nhiều bậc thang. Đi hết đoạn dốc dài này, chúng tôi rẽ sang đường, đi vào một con phố nhỏ, đi xuyên qua công viên Trung tâm rồi mới rẽ ra đường Horea để đến trường. Lúc đi còn đỡ, lúc về, leo lên cả đoạn bậc thang dài, mệt bở hơi tai. Khu kí túc xá ở trên đồi, đẹp thì đẹp thật, nhưng đi lại vất vả. Đi học về, đến nhà ăn, có lúc tưởng không ăn nổi. vậy mà các bạn nam lớp tôi còn bày trò. Không biết do ai chủ ý, nhưng có một lần, vào mùa đông, ba bạn nữ chúng tôi vừa ăn xong sau sáu tiết học. Vừa cởi được cái măng tô thì có điện thoại báo : Bố anh Mãi mất (xin lỗi anh, anh đã mất mà em lại nhắc đến anh. Chắc dưới suối vàng anh cũng mỉm cười). Ba chúng tôi lại khoác áo rét vào, đi ra ký túc xá nam Avram Iancu cách chỗ chúng tôi ở gần 2 km. Đến nơi, gọi mãi mới được một bạn xuống. Bạn ấy bảo : bố anh Mãi chết cách đây 40 năm (năm ấy anh Mãi khoảng 33 tuổi). Tức thế cơ chứ. Đúng là nhất quỷ nhì ma. Đấy là chưa kể mùa đông đầu tiên khi chúng tôi học năm dự bị, tuyết rơi thành lớp dày. Tan học, chúng tôi thích thú chơi đùa. Lần đầu tiên thấy tuyết mà. Chúng tôi ném nhau, những nắm tuyết ném vào mặt, rát ra phết. Mặt ai cũng đỏ hồng. Các bạn nam còn lấy tuyết nhét vào ủng, vào cổ áo chúng tôi. Thế là lại đuổi nhau, ném nhau. Nếu không phải giờ ăn cơm chắc cũng không ai muốn về.

Con đường nhỏ chúng tôi vẫn đi bây giờ không còn bậc thang như xưa nữa, mà đã được đổ nhựa. Tuy vẫn dốc nhưng nó thoai thoải, đi đỡ mệt hơn. Xuống dốc được trăm mét thì thấy sân bóng chuyền bị rào thép chặn lối. Nơi đây suốt các buổi chiều chúng tôi tiêu thời gian. Ba tháng hè trọn vẹn, không có việc làm, không phải học, chúng tôi chỉ biết chơi bóng chuyền, hoặc ra Nhà văn hóa chơi bóng bàn. Các bạn nam có khi tập bóng đá chuẩn bị đi thi đấu trong liên hoan văn nghệ thể thao do Hội Sinh viên Việt Nam toàn Ru tổ chức ở Bucuresti. Chúng tôi cũng tập văn nghệ : hát, múa... Đi thêm trăm mét nữa là cămin 7 của nam sinh các khoa sinh vật, toán, lý…Mùa hè, thỉnh thoảng chúng tôi cũng được lên nhà nam chơi, nấu ăn, hò hát. Sâu hơn một chút là cămin 8, dành cho các bạn nữ. Chúng tôi vừa đi vừa ngoảnh lại nhìn. Có cái gì đó dâng lên cổ. Con đường vừa thân thuộc, vừa xa lạ. Chúng tôi đã đi mòn gót giầy trên con đường này. Nhìn lại được nó, tôi có cảm giác như về ngõ nhà mình. Sao thấy nôn nao.. Đã đến cuối con dốc là đi hết khu kí túc xá, chuẩn bị sang đường đến công viên. Có lần đi học, xuống gần hết dốc, đã đến chỗ rẽ, thì tôi bỗng thấy mình trượt chân. Tuyết đã đóng băng trên mặt đường. Nhưng tôi cảm giác mình được nhấc bổng lên. Hóa ra một bạn nam Ru đi đằng sau thấy tình hình, đã nhanh tay đỡ được tôi. Cú này mà ngã thì sẽ khó dậy lắm vì áo măng tô dày, nặng. Và cũng không chỉ mình tôi ngã, một số bạn khác cũng ngã. Ta cũng ngã, Tây cũng ngã. Không hiểu bây giờ còn tình trạng đó nữa không. Con dốc nhỏ chúng tôi hay đi bây giờ không còn lơ thơ vài cây thấp nữa, mà hai bên như hai cánh rừng cây cao vút, xanh ngắt. Đi giữa hai rừng cây, không khí mát lạnh. Thảm cỏ dưới những gốc cây xanh mướt, không một tờ giấy rác nào. Thật là thích. Bây giờ có leo dốc chắc cũng đỡ mệt hơn nhiều. Chúng tôi dừng lại, chụp một số pô ảnh kỷ niệm với con đường nhỏ, “con đường xưa em đi”. Bây giờ nhìn nó không dốc ngược lên nữa mà đã thoai thoải hơn nhiều. 

Cả lớp lại tập trung tại một nhà hàng đề ăn trưa. Mỗi người tự chọn cho mình món ưa thích. nhóm sinh viên Việt nam rất thích ăn món Ciorbă (súp chua) với bánh mì vì nó dễ ăn, hợp khẩu vị. Tuy nhiên, ăn ở Cluj đắt hơn ở Timisoara nhiều. Lại chúc tụng, lại tạm biệt, lại ôm hôn. Lời chúc thường xuyên nhất là sức khỏe, và hẹn gặp nhau sau năm năm nữa. Có ý kiến còn muốn sang năm gặp mặt ở Hà Nội. Thật đáng yêu những gương mặt chỉ trong hai ngày mà đã như thân quen, như ngày xưa từng học cùng. Tôi dần dần mới nhớ lại các bạn cũ : Monica, Vera, Suzana, Ica, Doina, Veronica… Sau một năm học dự bị, học cả tiếng Ru và tiếng Pháp, vào năm thứ nhất, chúng tôi hầu như không hiểu gì trên lớp, nhất là ngay từ đầu phải học văn học Pháp Trung cổ, tiếng Pháp cổ. Chúng tôi phân công nhau mươn bài các bạn về chỉnh trang lại, các bạn nam đánh máy phải đến 4 tap mới có bài đủ cho cả lớp học. Nếu không có các bạn đó nhiệt tình giúp đỡ, chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Khóa sau chúng tôi, hầu hết là các bạn học song ngữ Pháp-Việt ra, chắc đỡ hơn.

Sát chân dốc là đến phòng cấp cứu nơi anh bạn chúng tôi được đưa vào, Khi biết anh không bị thương nặng, vợ chồng Hoa và tôi lên taxi thăm lại cămin 3 Observator, nơi sinh viên Bách Khoa ở. Anh Đỉnh chụp rất nhiều ảnh rồi còn xin phép lên phòng ở cũ, bây giờ dành cho sinh viên nữ. Các cămin ở đây đẹp hơn chỗ chúng tôi ở. Trong các phòng ở 4 người với hai giường tầng có khu bếp, vệ sinh riêng. Đời sống sinh viên bây giờ tốt hơn thời chúng tôi nhiều.

Đã hết một ngày, chúng tôi ra về, vậy là xong hai ngày lễ gặp mặt của cựu sinh viên Khoa văn nhưng chúng tôi vẫn chưa đi được đâu. Mỏi và mệt, chúng tôi về khách sạn, ăn thêm chút thức ăn nhẹ rồi nghỉ ngơi.

Lê Phong Tuyết

15/7/2019

 

 

 

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 25
  • 4770
  • 22,050,744