Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

XÂY DỰNG CÁC MÔ HÌNH CHUỖI CUNG ỨNG NÔNG SẢN AN TOÀN THỰC PHẨM

  13/06/2021

Trong giai đoạn hiện nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, cần cố gắng xây dựng các mô hình theo chuỗi để làm sao giúp tiêu thụ được nông sản; đặc biệt, phối hợp với các tổ chức đoàn thể để xây dựng mô hình cung ứng nông sản an toàn thực phẩm.

https://file1.dangcongsan.vn/data/0/images/2021/06/03/buithuy/hntieuthuns1.jpg?dpi=150&quality=100&w=680

 Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)

 

Sáng 3/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về việc tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19.

Hội nghị nhằm mục tiêu tìm kiếm những giải pháp phù hợp với tình hình mới, cùng thống nhất phương thức hành động hiệu quả trong việc hỗ trợ doanh nghiệp để đạt được nhiều kết quả hơn nữa về phát triển kinh tế trong điều kiện dịch bệnh đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Bộ NN&PTNT cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình tiêu thụ nông sản gặp khó khăn ở một số mặt hàng cụ thể bởi các lý do khách quan và chủ quan. Đối với thị trường trong nước, tiêu thụ thịt gia cầm hiện ở mức giá thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng cao khiến cho người chăn nuôi gặp khó khăn. Hoặc sự ách tắc trong khâu lưu thông do dịch COVID-19 đầu năm 2021 khiến cho các loại rau vụ Đông tại Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và các huyện vùng ven Hà Nội bị dư thừa cục bộ.

Đối với thị trường xuất khẩu, nông sản vướng các rào cản kỹ thuật ngay tại các thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu lớn. Cụ thể như: Hoa Kỳ đang khởi xướng điều tra bán phá giá mật ong nhập khẩu từ Việt Nam; Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát hàng đông lạnh nhập khẩu do lo ngại rủi ro lây truyền dịch bệnh COVID-19 khiến cho các mặt hàng thủy sản, sữa xuất khẩu của nước ta gặp khó khăn,…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, thực tế, thời gian qua, nhiều địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo trong triển khai các giải pháp để vừa giúp tiêu thụ nông sản vừa đảm bảo tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ trong đảm bảo an toàn dịch bệnh, đặc biệt là các địa phương như: Bắc Giang, Sơn La, Lạng Sơn,...

Theo Thứ trưởng, đây là các địa phương có các giải pháp, quy trình xuất khẩu hàng hóa đảm bảo trong điều kiện dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đến vai trò chủ động của các Sở NN&PTNT trong việc tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp vừa chỉ đạo sát tình hình sản xuất, đồng thời vừa tiêu thụ sản phẩm nông sản, tránh bị ùn ứ.

“Làm sao không để còn vấn đề ùn ứ nông sản, thì Sở NN&PTNT có vai trò tham mưu tốt vấn đề tiêu thụ nông sản. Trên thực tế nhiều địa phương đã làm tốt vấn đề này” – Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, cần cố gắng xây dựng các mô hình theo chuỗi để làm sao giúp tiêu thụ được nông sản, đặc biệt, phối hợp với các tổ chức đoàn thể để xây dựng mô hình cung ứng nông sản an toàn thực phẩm. Chính việc xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm khép kín này rất quan trọng trong điều kiện dịch bệnh.

Phát biểu tại Hội nghị, đề cập đến vấn đề xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Long – Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, theo yêu cầu của quốc tế, để xuất khẩu sản phẩm động vật Việt Nam sang các nước, chúng ta phải đảm bảo tuân thủ quy định của quốc tế, cụ thể là theo WTO và Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Trong đó, động vật, sản phẩm động vật phải xuất phát từ quốc gia, vùng lãnh thổ có cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn sinh học.

Trong thời gian qua, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo ngành thú y, các địa phương để làm sao quan trọng nhất chúng ta phải có các vùng chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi, chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Tính đến hết tháng 5/2021, chúng ta có 2.288 cơ sở, các chuỗi sản xuất khép kín và vùng an toàn dịch bệnh tại 54 tỉnh thành phố, trong đó có các cơ sở, chuỗi đã đáp ứng để xuất khẩu.

Đồng thời, trong thời gian qua, Cục Thú y đã và đang tổ chức đàm phán với các nước liên quan đến việc xuất khẩu sản phẩm động vật. Trong đó, chúng ta đã đàm phán với Trung Quốc để xuất khẩu sữa, hiện nay, đã có 9 nhà máy của 6 doanh nghiệp tại Việt Nam được phép xuất khẩu sữa sang Trung Quốc. Tính đến năm 2020, sản phẩm sữa của chúng ta xuất khẩu được trên 40 nghìn tấn, sang 23 quốc gia, đem về 180 triệu USD.

Bên cạnh đó, sản phẩm mật ong đã đàm phán xuất khẩu sang trên 20 nước, đặc biệt như sang các thị trường EU, Nhật Bản,… Năm 2020, chúng ta đã xuất khẩu được trên 60 nghìn tấn, mang về giá trị 70 triệu USD. Hiện nay, lãnh đạo Bộ đang tích cực triển khai các thủ tục cần thiết để xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc. Hiện nay, phía Trung Quốc đã chấp nhận hồ sơ.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, ông Nguyễn Văn Long cho rằng, để thực hiện tốt công tác xuất khẩu sản phẩm động vật trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng nhất là sản phẩm động vật phải xuất phát từ vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của OIE. Do vậy, các địa phương, thành phố cần có kế hoạch xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đồng thời, cần lưu ý việc phân bố các loại động vật chăn nuôi,ví dụ, cần phân ra khu nào tập trung chăn nuôi gà là chính, khu nào nuôi lợn là chính,…đảm bảo tối thiểu vùng đó trong vòng bán kính 10km không có bất kỳ dịch bệnh nào lưu hành. Đặc biệt, cần phải kiểm soát, duy trì vùng an toàn dịch bệnh, nhất là kiểm soát động vật ra vào vùng.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung vào các vấn đề về: xử lý vướng mắc kỹ thuật như quy trình kiểm dịch động thực vật, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về bao gói, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc,…đối với nông sản của doanh nghiệp khi các địa phương áp dụng các biện pháp tăng cường chống dịch COVID-19. Đồng thời, bàn về vấn đề mở cửa thị trường, cung cấp thông tin về rào cản thương mại tại các thị trường nhập khẩu cụ thể, vấn đề về thuận lợi hóa quá trình kiểm dịch động thực vật, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm cho doanh nghiệp thương mại nông sản./.

BT (ĐCSVN)

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 12
  • 3460
  • 21,908,547