Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

VỀ MIỀN KÝ ỨC

  19/11/2018

    Đoàn cựu sinh viên Việt Nam chúng tôi trở lại Romania sau hơn 40 năm, với niềm náo nức. Về lại mảnh đất từng gắn bó với những năm tháng mộng mơ của tuổi học trò, ai cũng thấy mình như trẻ lại. Nhớ ngày mới sang, ai cũng má đỏ,  môi hồng và ánh mắt trong veo. Tuổi trẻ đầy tự tin và cao vọng pha chút nghịch ngợm và… hơi liều lĩnh. Những ngày dài mải miết trên giảng đường, hồi hộp giữa các kỳ thi. Những mối tình giấu kín, hồn nhiên và vụng dại. Con đường đến trường qua công viên và những con phố vàng rực lá mùa thu. Cảm giác ngỡ ngàng như lạc vào cổ tích khi lần đầu thấy tuyết…và thấm thía nỗi buồn se sắt đến thắt lòng khi lên tàu, máy bay về nước, để lại sau  lưng vùng đất yên bình cùng tuổi hồng vội vã đi qua. Vậy nên, giờ trở lại, làm sao giấu được niềm vui chộn rộn xen lẫn thấp thỏm, bùi ngùi  khi tìm về miền ký ức. Chợt nhớ và liên tưởng đến câu thơ của  Bằng Việt: “ Lật trang nhật ký nào cũng thấy xót lòng thêm…”

Sau hơn 10 giờ bay, máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Henri Cuandă ở Bucuresti. Khác với vẻ nhộn nhịp ở sân bay Nội Bài, vẻ hào nhoáng ở sân bay quốc tế Doha của Qatar, Henri Cuandă buổi chiều muộn, tối, vắng vẻ và hiu hắt. Có một chút chạnh lòng. Dường như nơi này ở vào góc khuất, bị lãng quên ở Châu Âu. Nhưng thôi, đây là chuyến “về quê”. Phải rồi, “ yêu nhau ta thì về, thương nhau ta thì về, thăm lại miền quê..” như lời bài hát, kể gì nghèo khó.

Khách sạn Duke, nơi đoàn chúng tôi nghỉ lại, trên phố Dacia ở trung tâm thành phố. Buổi sớm mai thức dậy, thật ngỡ ngàng: Bucuresti vẫn tràn đầy quyến rũ. Châu Âu vừa trải qua kỳ hạn hán khốc liệt nhưng Romania vẫn ngời xanh cây lá. Đường phố đẹp, khang trang và cảnh sắc thanh bình. Ô tô nhiều hơn, xe nhãn hiêu Dacia vẫn còn nhưng xe Đức với các loại BMW, Audi, Mercedes, Open cùng các loại xe các nước Tây Âu…tràn ngập trên đường. Lần trở lại những lối cũ thân quen, bồi hồi và se lòng bởi sự  đổi thay dâu bể. Tòa nhà tòa soạn báo Scânteia sừng sững, sau khi thay đổi chế độ, báo bị đóng cửa nay trở thành nơi làm việc của công ty chứng khoán. Bên hồ Herăstrău êm đềm liễu rủ, mọc lên các quán ăn. Khách sạn Intercontinenal vẫn ngạo nghề giữa khu phố cổ. Đường phố vắng, êm đềm hơn trước. Có lẽ, do nhiều người chọn metro đi lại nên giảm mật độ trên đường, mặt khác dân số Romania cũng giảm. Nghe nói, từ khi vào EU dân số nước này từ 21 triệu nay giảm chỉ còn 19 triệu người. Hơn hai triệu dân, trong đó có nhiều thanh niên và phần lớn dân Rom (trước đây gọi là Di-gan) “tếch” sang các nước Tây Âu giàu có, dễ kiếm tiền hơn. Cũng là điều thú vị.

Tòa nhà Quốc hội Romania, một công trình lớn, đẹp đẽ và lộng lẫy, là niềm tự hào của người Ru. Xây dựng từ năm 1984 dưới thời Nicolae Ceausescu hoàn thành năm 1989, do nữ kiến trúc sư Anca Petrescu, lúc đó 25 tuổi  thiết kế và chỉ đạo thi công. Tòa nhà có 1.000 phòng, sử dụng hoàn toàn nguyên vật liệu của Romania, chỉ riêng con số diện tích thảm len trải phòng đã lên tới 2 hec-ta. Lang thang khắp các căn phòng rộng miên man của tòa nhà, choáng ngợp về vẻ xa hoa, cùng sự ngưỡng mộ về công sức và trí tuệ con người, chợt nhớ ai đó nói rằng: “ Không có độc tài, không có kỳ quan”.

Biển Mamaia và Costinesti bên bờ Hắc hải, thuở sinh viên nhiều người được hưởng vé đi nghỉ, “đặc ân” của thời bao cấp. Vâng, nhờ cái bao cấp ấy mà nhiều đứa sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo được biết biển Châu Âu trước khi biết biển Việt Nam sau này. Nhiều cặp đôi đã cùng nhau đến biển, dùng dằng hẹn ước:

         “Vị biển mặn đến quá chừng, mặn chát

          Hạt muối đời hai đứa cắn chung nhau”

Mamaia và Costinesti nay có chút đổi thay. Người đông hơn nhưng biễn vẫn như xưa, dào dạt nỗi nhớ tuổi thanh xuân, tình bạn, tình yêu vẫn xanh ngắt như xưa.

Thành phố Sibiu, một di sản văn hóa được UNESCO công nhận, êm đềm và cổ kính. Quảng trường trung tâm thành phố, những mái nhà  có cửa sổ mang hình con mắt thao thức đêm đêm. Các quán bar ven đường, bia Ursus tuyệt ngon thưởng thức cùng món mici  trong tiếng nhạc dân tộc và điệu nhảy rộn rã. Đường phố sạch và thông thoáng, không có kẹt xe. Thật là nơi đáng sống.

Alba Iulia, nơi có thành quách và nhà thờ cổ kính, đẹp như tranh. Nơi đây 100 năm trước, Stefan cel Mare đã thống nhất các vùng thành nước Romania ngày nay. Lâu đài Dracula, lâu đài Peles, thành phố núi Sinaia êm đềm, các kỳ tabăra dragă đầy lưu luyến. Mỗi địa danh, mỗi con đường đều mang theo kỷ niệm không thể nào quên

Cluj Napoca. Ôi, Cluj mến yêu, thành phố sinh viên, những cái tên quen thuộc: Hasdeu,  cămin 2, cămin 7, cămin 6…nhà văn hóa sinh viên vẫn đi về trong nỗi nhớ. Thời gian trôi đi nhưng mọi thứ chẳng đổi thay. Strada Clinicilor vẫn những bụi hồng và các chùm hoa liliac tím ngắt. Quảng trường Unire ở trung tâm thành phố đẹp hơn xưa. Các trung tâm thương mại Iulius và Vivo mới mở, sầm uất rộng thênh thang khiến cho nhịp sống thêm sôi động. Ký túc xá sinh viên Avram Iancu nay trở thành giảng đường khoa Luật. Gần đó, rạp cinema Arta đang sửa, trường liceu, các nữ sinh mơn mởn, đẹp nao lòng. Sông Somes dào dạt đôi bờ dẫn đến phố Horea, nơi có Khoa Filologie nay đổi tên là Khoa Litere với các giảng đường trầm mặc. Trong gian phòng tuyệt đẹp của Đại học Tổng hợp Babes- Bolyai,  lãnh đạo trường nói về lịch sử và truyền thống của ngôi trường danh tiếng, nghe câu được câu chăng. Đầu óc mơ màng, ngỡ như đang trong lớp học thuở nào. Mường tượng thầy Precup đang đọc những vần thơ thánh thót của Mihai Eminescu, bài Luciafărul ( Sao mai) và Toamna ( Mùa thu) với giọng trầm buồn, khắc khoải. Bên ngoài, sân trường lung linh nắng bừng sáng tuổi hoa niên. Từ nơi này, các thầy cô đã truyền và thức dậy cho chúng tôi sự cảm thụ, tình yêu với văn học, ngôn ngữ Pháp, Ru. Nơi đây, chúng tôi đã sống những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời. Cảm ơn số phận đã cho ta được gặp, dan díu và yêu mến nơi này…

THỊNH GIANG ( Phạm Bá Thịnh)

Cựu Sinh viên Pháp văn, Universitatea Babes Bolyai,

 TP Cluj – Napoca, Khóa 1974-1979

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 10
  • 1496
  • 18,009,235