Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

PHÁC HOẠ BỨC TRANH KINH TẾ THẾ GIỚI 2016

  08/01/2016

Tính tới thời điểm này, luồng phân tích chính từ các tổ chức tài chính uy tín trên thế giới đều nhìn nhận kinh tế thế giới 2016 không có nhiều tín hiệu khả quan.

Mới nhất là nhận định của Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đăng trên nhật báo Handelsblatt của Đức số ra ngày 30/12, cho rằng triển vọng phát triển kinh tế thế giới năm 2016 sẽ “khá thất vọng”.

Các tổ chức quốc tế thận trọng

Theo bà Largarde, tại nhiều quốc gia, ngành tài chính sẽ vẫn bộc lộ nhiều điểm yếu trong khi nguy cơ tài chính sẽ tiếp tục gia tăng tại các thị trường mới nổi. Hiện khả năng phát triển kinh tế đang bị kìm hãm bởi những yếu tố, như năng suất thấp, dân số ngày càng già đi và những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kéo theo triển vọng kinh tế trung hạn cũng bị suy yếu. 

Bên cạnh đó, những triển vọng chưa rõ ràng từ việc Mỹ nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006 và sự chững lại của nền kinh tế thứ hai thế giới là Trung Quốc cũng góp phần tạo ra “sự thiếu chắc chắn” về triển vọng phát triển cũng như những nguy cơ bất ổn đối với nền kinh tế toàn cầu.

Cùng chung góc nhìn, trong báo cáo tài chính vừa công bố, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hạ dự báo tăng trưởng chung của toàn thế giới năm 2016 từ mức 3,6% xuống còn 3,3% và không loại trừ một số khu vực có thể rơi vào giảm phát. 

Trước đó, vào ngày 10/12, Liên Hợp Quốc (LHQ) công bố báo cáo về tình hình và triển vọng kinh tế toàn cầu dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 chỉ đạt 2,9%. LHQ cho rằng “những cơn gió ngược” tiếp tục trên khắp thế giới, nhất là tại các thị trường mới nổi đã có thời thu hút các nhà đầu tư mưu tìm lợi nhuận cao hơn khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chưa nâng lãi suất.

Sang năm 2016, những lo âu vẫn còn kéo dài liên quan đến tình trạng tăng trưởng chậm hơn tại Trung Quốc. 

Mặc dù triển vọng kinh tế Mỹ khá hơn nhưng có nhiều phần chắc USD tăng giá sẽ gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu trong năm 2016 và giá dầu tụt dốc làm giảm đầu tư toàn cầu trong lĩnh vực năng lượng.

Nhìn nhận bi quan hơn, Tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới Morgan Stanley (Mỹ) hôm 27/12 đưa ra dự báo sốc rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ giảm tới 5% trong năm 2016. Tức là cuối năm 2016, thế giới sẽ nghèo hơn 5% so với đầu năm. Dự đoán ảm đạm này khiến người ta thực sự muốn tin hơn vào dự báo của OECD rằng kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,3% trong năm 2016 như đề cập ở trên.

Tuy nhiên, không nên vội bi quan trước con số được cho là “giật gân” của Morgan Stanley. Thực ra vấn đề nằm ở phương tiện đo lường. Kinh tế thế giới đang tăng trưởng yếu nhất kể từ khi bắt đầu phục hồi năm 2009, với GDP toàn cầu năm 2015 ước tính tăng trưởng 2,5% theo giá trị thực của USD. Tuy nhiên, nếu đo bằng giá trị danh nghĩa của USD, con số này giảm khoảng 5%.

Giá trị thực ở đây là USD đã được điều chỉnh với lạm phát còn giá trị danh nghĩa thì không. Đó chính là “cách thức” mà Morgan Stanley đã sử dụng để đưa ra con số khiến người ta khó có thể thờ ơ như vậy.

Một nhận định gần đây của cựu Bộ Trưởng Tài Chính Mỹ Larry Summers cũng gần giống với đánh giá của các chuyên gia của Morgan Stanley Investment Management rằng trong khi các nền kinh tế phát triển đang ở trạng thái “trì trệ thường kỳ” thì ngay cả các nền kinh tế mới nổi, được kỳ vọng là sẽ kéo kinh tế thế giới đi lên lại đang rất kém, thậm chí là sa sút trầm trọng.

Vì vậy, các cơ quan quốc tế lớn như Ngân hàng thế giới (WB), IMF, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB)… gần đây đều rất thận trọng và lại điều chỉnh các số liệu thấp hơn các con số mà các cơ quan này đã đưa ra trước đây cả trong ngắn hạn và dài hạn đối với các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Các nền kinh tế lớn cần có chuẩn bị các chính sách phù hợp để phòng tránh nguy cơ suy giảm và thậm chí khủng hoảng.

Sống trong nguy hiểm

Giới truyền thông “gieo quẻ” kinh tế thế giới ra sao? Theo Tạp chí Forbes, diễn biến của kinh tế thế giới vẫn như các năm trước, tuy nhiên, cũng sẽ có một vài điểm khác, như sự thay đổi trong việc phân bố các nguồn lực. Ở khu vực châu Âu, tăng trưởng có phần khả quan hơn trong khi châu Á thì ngược lại. Những nền kinh tế gắn liền với khai thác tài nguyên thiên nhiên có lẽ là khu vực ảm đạm nhất.

Tăng trưởng kinh tế châu Âu sẽ đạt khoảng 1,9% GDP, cùng với mức tăng dân số yếu có lẽ khó mà dẫn tới một sự bùng nổ. Các chỉ số của Mỹ được dự báo cũng vẫn như năm 2015. So với kinh tế Mỹ, tăng trưởng của Canada sẽ chậm lại đôi chút do nền kinh tế nước này cũng phụ thuộc khá lớn vào khai thác dầu.

Châu Á thì có vẻ không mấy khả quan. Trước tiên, phải kể tới nền kinh tế Trung Quốc, có lẽ không một ai có thể hiểu chuyện gì đang xảy ra với nền kinh tế lớn này. Theo các số liệu chính thức, tăng trưởng dự kiến giảm còn 6,9% GDP (so với mức 7% trong dự báo trước đó), tuy nhiên, không có cơ sở gì để tin vào số liệu chính thức này. Có lẽ cũng bởi các vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc mà tăng trưởng chung của kinh tế toàn cầu cũng yếu hơn so với dự báo của IMF.

Tờ Guardian thì không quá quan tâm tới sự chính xác của các bản dự báo, bởi kinh nghiệm từ cuộc đại suy thoái và khủng hoảng tài chính toàn cầu cho thấy, không phải tất cả các mô hình dự báo đều đúng. Vì lẽ đó, tờ báo này cho rằng, khó mà dự đoán trước những bùng nổ về kinh tế trong năm 2016. Các tổ chức quản lý về kinh tế sẽ phải tập trung sức lực để tránh được những đổ vỡ đang tiềm ẩn trong hệ thống và tiết kiệm được thời gian.

Trong vài tháng trở lại đây, việc giá dầu sụt giảm có lẽ được coi là sự kiện chính đối với nền kinh tế toàn cầu. Riêng đối với kinh tế châu Âu và một phần của Mỹ mà nói thì giá dầu sụt giảm mang lại 2 mối lợi. Thứ nhất, ở một số nước, giá dầu giảm làm tăng sức mua từ các hộ gia đình; thứ hai, làm chậm lại lạm phát. Hiệu ứng này dù không xuất hiện ngay lập tức, bởi chừng nào người dân chưa chắc chắn rằng giá nhiên liệu vẫn còn thấp, họ sẽ chưa bắt đầu tái phân bổ chi tiêu. Giá dầu giảm tính tới nay đã được 16 tháng, bởi vậy việc phân bổ lại chi tiêu trong các gia đình trong thời gian tới chắc chắn sẽ có.

Mức lạm phát thấp khuyến khích chi tiêu, song nó cũng khiến các ngân hàng gặp khó trong việc tăng lãi suất. Việc lương bổng gần như không tăng cũng được coi là tác nhân  khiến lạm phát tăng chậm. Trong khi đó, các ngân hàng châu Âu lại hy vọng rằng tỉ lệ thất nghiệp giảm sẽ củng cố thêm khả năng tăng lãi suất. Bởi vậy, tại EU và Mỹ, tình hình này sẽ kích thích người dân vay vốn nhiều hơn để chi tiêu. Trong ngắn hạn, điều này góp phần vào sự tăng trưởng, tuy nhiên, về lâu dài nó lại khiến gia tăng rủi ro.

Hàng loạt hãng đầu tư lớn đều lần lượt công bố những dự báo riêng, trong đó có những ánh mắt hướng về khả năng của một cuộc suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, đa số chuyên gia cho rằng có thể con đường phía trước còn khá gập ghềnh nhưng những cảnh báo về một cuộc suy thoái chỉ là thổi phồng. Chuyên gia kinh tế học của báo Guardian Larry Elliott nhận định: Năm 2016 kinh tế thế giới sống trong nguy hiểm, “quả bom” kinh tế chưa nổ nhưng sẽ bị châm ngòi.

Dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2016:

Tổ chức

Tốc độ tăng trưởng (%)

IMF

3,6

Ngân hàng thế giới (WB)

3,3

OECD

3,3

Liên Hợp Quốc

2,9

 

 

 

Thu An

(Chinhphu.vn)

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 10
  • 1630
  • 18,009,369