Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

ADB NÂNG DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VIỆT NAM NĂM NAY

  04/07/2021

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2021, trong đó dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức 6,7% trong năm nay và 7% trong năm 2022.

Mức dự báo này cao hơn so với mức 6,3% mà ADB đưa ra hồi đầu năm và cao hơn 0,7 điểm phần trăm so với chỉ tiêu mà Quốc hội đặt ra.

Theo ADB, dự báo này xuất phát từ thành công của Việt Nam trong việc kiềm chế dịch Covid-19 và các động lực tăng trưởng có tín hiệu lạc quan.

ADB nhận định, đầu tư sẽ trở thành động lực quan trọng trong năm nay và năm sau. Đồng thời, thu hút đầu tư nước ngoài sẽ được thúc đẩy nhờ việc kiểm soát dịch bệnh, cũng như Luật đầu tư được ban hành đầu năm 2021.

"Các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước mới được dự báo sẽ thành lập nhờ có vắc xin Covid-19 tạo thuận lợi cho việc đi lại trong nước cũng như cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam" - ADB dự báo.

Ngoài ra, công nghiệp được cho sẽ là động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm nay. "Công nghiệp dự báo sẽ tăng 9,5% trong năm 2021, đóng góp 3,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP" - báo cáo cho biết.

Việt Nam cũng sẽ được hỗ trợ bởi sự phục hồi của hai nền kinh tế lớn là Mỹ và Trung Quốc. Dự báo, xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng 8% trong năm nay và năm sau.

Về lạm phát, ADB lạc quan với khả năng kiểm soát lạm phát của Việt Nam và dự báo lạm phát của Việt Nam trong năm 2021 ở mức 3,8% và 4% trong năm 2022.

Tuy vậy, trong thời gian tới, Việt Nam vẫn phải đối mặt với một vài thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại bởi các biến thể mới và việc triển khai vắc xin chậm.

Đối với khu vực châu Á, ADB dự báo, tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á sẽ hồi phục ở mức 7,3% trong năm nay nhờ sự hồi phục của sức khỏe toàn cầu và những hiệu quả bước đầu của vắc xin Covid-19.

"Tăng trưởng đang có nhiều động lực ở các nước đang phát triển nhưng các đợt bùng phát dịch Covid-19 gần đây vẫn là mối đe dọa đối với sự hồi phục kinh tế" - Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB - ông Yasuyuki Sawada, cho biết.

Theo ADB, xuất khẩu tăng đang thúc đẩy một số nền kinh tế đang phát triển trong bối cảnh hoạt động kinh tế toàn cầu diễn ra mạnh mẽ, bao gồm cả sự hồi phục trong lĩnh vực sản xuất.

Những tiến bộ trong việc sản xuất và phân phối vắc xin Covid-19 đã góp phần vào động lực này, tuy nhiên đại dịch vẫn còn là rủi ro lớn nhất đối với khu vực do sự chậm trễ trong việc triển khai vắc xin và các đợt bùng phát mới có thể đe dọa đến tăng trưởng.

ADB nhận định, hầu hết các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á sẽ tăng trưởng lành mạnh trong năm nay và năm sau. Các nền kinh tế Trung Á được dự báo tăng trưởng trung bình ở mức 3,4% trong năm nay và 4,0% trong năm sau. Các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại ở Đông Nam Á cũng sẽ hồi phục với mức dự báo khoảng 4,4% trong năm nay và 5,1% trong năm 2022.

Tuy nhiên, các nền kinh tế khu vực Thái Bình Dương vẫn chịu ảnh hưởng bởi các hạn chế đi lại trên toàn cầu và sự sụp đổ của ngành du lịch. Do đó, ABD đưa ra mức dự báo tăng trưởng của khu vực này ở mức khiêm tốn 1,4% trong năm nay, trước khi tăng lên mức 3,8% trong năm sau.

Theo ADB, xuất khẩu tăng mạnh cùng với tiêu dùng hộ gia đình phục hồi sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế Trung Quốc trong năm nay. GDP nước này được ADB dự báo tăng 8,1% trong năm 2021 và 5,5% trong năm 2022.

Trong khi đó, nền kinh tế Ấn Độ được dự báo tăng trưởng 11% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022 khi vắc xin được triển khai mạnh. Tuy nhiên, các ca lây nhiễm tăng cao kỷ lục gần đây có thể khiến sự phục hồi này gặp rủi ro cao. ADB dự báo, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới này sẽ ở mức 7% trong năm tài khóa 2022.

Nhật Linh (DANTRI.VN)

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 19
  • 912
  • 18,008,651