Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

KHÁNG SINH SỬ DỤNG TRONG CHĂN NUÔI TAI HỌA RÌNH RẬP CỘNG ĐỒNG

  16/12/2020

Vi sinh kháng kháng sinh đang là nỗi lo trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng có liên quan trực tiếp từ chăn nuôi. Nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời tương lai sẽ không còn thuốc để điều trị bệnh.

Tác hại của việc sử dụng kháng sinh “vô tội vạ” trong chăn nuôi đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới (TP HCM) cho biết, ngoài việc sử dụng kháng sinh không thích hợp trong phòng và điều trị bệnh trên người thì việc sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi chưa được kiểm soát hợp lý đang dẫn đến tình trạng các vi sinh vật đề kháng và gây ra kháng thuốc ở người”.

Tình trạng trên là do con người tiếp xúc với kháng sinh, sử dụng thực phẩm (các loại thịt, ca…) tồn dư kháng sinh làm thức ăn đang vô tình dung nạp kháng sinh vào cơ thể. Trong những năm gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có lộ trình cho việc dừng và cấm sử dụng kháng sinh liều thấp trong thức ăn chăn nuôi vì mục tiêu tăng trưởng. 

PGS.TS Ngô Thị Hoa, nhóm nghiên cứu OUCRU (Đại học Oxford – Anh đơn vị hợp tác cùng Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM) mới đây đã nghiên cứu sự tác động của kháng sinh trong chăn nuôi đến vật nuôi và con người ở cả khu vực nông thôn và thành thị tại Việt Nam. 

Một loại kháng sinh trong chăn nuôi được rao bán trên mạng xã hội

Trong Hội thảo Khoa học Hành động phòng chống kháng thuốc diễn ra tại TPHCM mới đây bà cho biết: "Kết quả nghiên cứu khảo sát cắt ngang của chúng tôi cho thấy, việc sử dụng thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi có liên quan đến sự lưu hành của chủng E.coli kháng ciprofloxacin và đa kháng thuốc trong các hộ và trại chăn nuôi gà. Colistin là kháng sinh sử dụng phổ biến thứ 3 trong các trại nghiên cứu và được báo cáo sử dụng trong 40/204 trại được lấy mẫu”. 

Khảo sát vi sinh trong mẫu phân gà cho thấy có khoảng 40% trại gà có mẫu phân mang vi sinh kháng colistin. Đối với mẫu phân người dù không sử dụng kháng sinh colistin trên người trong cộng đồng nhưng nghiên cứu đã phát hiện có sự hiện diện của vi sinh Gram âm kháng colistin trong 25% nông dân và 17% người dân không chăn nuôi nhưng sống ở vùng nông thôn có chăn nuôi và 9% người sống ở thành phố. 

Đặt biệt, khi khảo sát ở nhóm nông dân có trại gà dương tính với vi sinh kháng Colistin thì có đến 33% người mang vi sinh kháng colistin. Kết quả này cho thấy việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi rất có thể là nguyên nhân dẫn đến việc mang vi trùng kháng colistin trong phân gà và phân người. 

Kết quả nghiên cứu ghi nhận vi sinh vật kháng kháng sinh tồn tại cả trên phân vật nuôi và con người

PGS Ngô Thị Hoa nhấn mạnh: “Mặc dù tính mang trùng chưa được khẳng định có phải là mang trùng lâu dài hay không và cần khảo sát thêm tuy nhiên, các kết quả về người chăn nuôi mang vi sinh kháng colistin trong đường ruột tương tự cũng từng được báo cáo trên thế giới. Hiện tượng mang vi trùng kháng colistin đang ngày càng phổ biến cần phải được quan tâm đúng mức để tránh nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng”. 

Nhóm nghiên cứu khuyến cáo người chăn nuôi cần cẩn trọng trong việc sử dụng kháng sinh không có toa trong chăn nuôi; cần tuân thủ các quy định hiện hành trong việc dùng kháng sinh trong chăn nuôi để góp phần làm giảm tác động của việc phát triển tính kháng thuốc trên vi sinh trong chuỗi cung cấp thực phẩm hiện nay.

"Nếu chúng ta không thay đổi cách dùng kháng sinh trong chăn nuôi trong xu hướng phát triển chăn nuôi ngày càng bùng nổ thì khoảng 10 năm nữa Việt Nam được dự đoán sẽ tăng lượng kháng sinh sử dụng trong nông nghiệp lên đến 157% so với lượng kháng sinh dùng cho nông nghiệp năm 2020", PGS Hoa cho biết. 

Hậu quả của việc lạm dụng kháng sinh đang gia tăng gánh nặng y tế

Kháng sinh sử dụng trong nông nghiệp luôn có sự giám sát, đánh giá của các nhà khoa học và hoạch định chính sách tại các nước. Việc sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp nhằm mục tiêu điều trị các bệnh của vật nuôi bao gồm cả gia súc, gia cầm, thủy sản… nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tấn công gây thiệt hại về mặt kinh tế. 

Hiện nay, việc sử dụng kháng sinh liều thấp dưới ngưỡng điều trị trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục tiêu tăng trọng cho đàn vật nuôi đã được khuyến cáo phải dừng vì tác động của chúng đến việc phát triển tính kháng thuốc trên vi sinh vật đã được xác định. Lợi ích kinh tế trong việc dùng kháng sinh cho mục đích tăng trưởng trong chăn nuôi không thỏa đáng so với tác hại chắc chắn mà việc này sẽ gây ra tác hại cho ngành y tế mà đối tượng chính là người bệnh.

Vân Sơn (DANTRI)

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 19
  • 998
  • 18,008,737