Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

BÁO CHÍ THẾ GIỚI NÓI VỀ CỘNG ĐỒNG ASEAN

  01/01/2016

Báo chí khu vực và thế giới dành nhiều bài viết đánh giá và phân tích về dấu mốc Cộng đồng ASEAN (AC) thành lập.

Hội nhập sâu rộng hơn

Việc lãnh đạo 10 quốc gia thành viên ASEAN đặt bút ký vào văn kiện Tuyên bố hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 ngày 22/11 vừa qua là cột mốc mang tính lịch sử, đánh dấu việc ASEAN bước sang một giai đoạn phát triển mới, hội nhập sâu rộng hơn, giúp các nước trong Hiệp hội thắt chặt đoàn kết; tiếp cận thị trường khu vực một cách dễ dàng hơn; giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ; tăng cường di chuyển lao động, vốn; và thúc đẩy giao lưu giữa người dân (Sunday Times, Straits Times, The Nation..).

Thủ tướng Malaysia Najib Razak  đã ca ngợi AC là “thành tựu bước ngoặt” và kêu gọi các nước thành viên thúc đẩy hội nhập.

Xây dựng bản sắc chung

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 27 (tháng 11/2015) rằng, thúc đẩy xây dựng bản sắc chung ASEAN là một trong những ưu tiên hàng đầu của tổ chức khu vực này. Theo ông Lý Hiển Long, một trong những lý do khiến ASEAN gặp khó khăn trong hợp tác cùng phát triển, chính là người dân ASEAN chưa có ý thức sâu sắc về bản sắc chung ASEAN, nhiều người dân vẫn chưa nghĩ họ là công dân ASEAN, nên cần thúc đẩy xây dựng một “ý thức sâu sắc hơn về việc chúng ta là một phần của ASEAN và ASEAN có ý nghĩa quan trọng đối với chúng ta...”

Trong bài viết “Cộng đồng Kinh tế ASEAN thực tế là gì?”, tờ ASEAN Focus cho rằng, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) nên được nhìn nhận trong sự liên kết với 2 trụ cột còn lại là Cộng đồng Chính trị - An ninh và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Một cộng đồng kinh tế trong ASEAN đòi hỏi hợp tác kinh tế mạnh, thực hiện tự do hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, phát triển kinh tế đồng đều và giảm đói nghèo. Cộng đồng Chính trị - An ninh hướng tới hòa bình và ổn định khu vực, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội tập trung hợp tác khu vực trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, hạn chế sự lan rộng của các dịch bệnh, đấu tranh tội phạm xuyên quốc gia và hợp tác ứng phó với thảm họa thiên nhiên. Các cộng đồng kết hợp với nhau sẽ tạo một bản sắc mang tính khu vực.

AEC - cân bằng sức mạnh

Theo AP, 13 năm sau khi đề xuất ý tưởng về cộng đồng chung, lãnh đạo các nước Đông Nam Á đã chính thức thành lập một cộng đồng kinh tế thống nhất ở khu vực có dân số đông hơn, đa dạng hơn cả Liên minh châu Âu (EU) và Bắc Mỹ, với hy vọng sẽ cạnh tranh được với Trung Quốc và Ấn Độ. Cũng theo hãng tin này, AEC đã trở thành hiện thực và nhiều trong số các nguyên tắc cơ bản đã được áp dụng trong khu vực, trong đó có việc loại bỏ các hàng rào thuế quan và hạn chế visa.  

AP trích dẫn lời ông Michael G. Plummer, giáo sư ngành kinh tế quốc tế tại Trung tâm châu Âu thuộc Đại học Johns Hopkins (Italy) cho rằng, AEC sẽ giúp gia tăng thu nhập và việc làm, đồng thời tạo động lực kinh tế mạnh hơn trong khu vực để đối phó với các nền kinh tế khổng lồ khác. Ông Plummer nói: “Hội nhập ASEAN sẽ giúp cân bằng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ. Nếu đứng riêng lẻ, các nước ASEAN dường như quá nhỏ bé để trở thành các nhân tố quan trọng trong cuộc chơi kinh tế và an ninh, nhưng với vai trò một nhóm thống nhất với hơn 500 triệu dân, họ sẽ là một liên minh lớn”.

Việc thành lập AEC sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới trong khu vực và thúc đẩy hiệu quả, động lực và tính cạnh tranh của tất cả các nước thành viên ASEAN với việc cho phép dòng chảy tự do các loại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề, từ đó mở ra phương thức mới trong việc phối hợp giữa chuỗi cung ứng và tiếp cận thị trường (Tân Hoa xã ngày 22/11).

Bình luận viên cao cấp đài NHK, ông Hirose Hiromi cho rằng: “Cộng đồng Kinh tế ASEAN là nỗ lực của 10 nước thành viên chơi những âm thanh khác nhau để hợp nhất thành một bản nhạc mạnh mẽ. Giới kinh doanh Nhật Bản đang chăm chú lắng nghe bản nhạc này.”

Tiến trình hội nhập tham vọng

Một số ý kiến hoài nghi cho rằng, mặc dù các văn bản về Tầm nhìn ASEAN 2025 có “ngôn từ to tát” nhưng vẫn thiếu những biện pháp thực chất và rằng, Chính phủ các nước sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều, để Cộng đồng thực sự vì người dân và lấy người dân làm trung tâm. Bên cạnh đó, ASEAN hiện vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là liên kết nội khối, tác động của chủ nghĩa khủng bố, biến đổi khí hậu, khói bụi và duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông

“AEC được cho là chương trình hội nhập kinh tế tham vọng nhất trong thế giới đang phát triển. Tuy nhiên, việc thực thi AEC đang ngày càng khó khăn hơn. Hiện vẫn còn nhiều việc cần hoàn tất và khu vực vẫn đang đứng trước nhiều thách thức chưa được giải quyết. Việc thực thi AEC vẫn là một quá trình”, ông Plummer.

Theo ông Hirose Hiromi, để thiết lập được khu vực kinh tế có sự gắn kết chặt chẽ, các nước ASEAN cần vượt qua những trở ngại. Với Liên minh châu Âu (EU), các nước thành viên cùng chung biên giới, có chung nền tảng văn hóa, còn các nước Đông Nam Á lại có hệ thống chính trị, văn hóa và tôn giáo đa dạng. Đông Nam Á hướng tới thiết lập một sự hợp nhất chính trị và văn hóa lỏng lẻo, là một cơ cấu tận dụng sự đa dạng của các thành viên, chứ không phải dựa trên nguyên tắc cạnh tranh.

Trong khi đó, tờ ASEAN Focus cho rằng hợp tác kinh tế ASEAN là sáng kiến từ trên xuống. Do đó, nhận thức về tiến trình này không cao và không đồng đều, đặc biệt là nhận thức của những đối tượng hưởng lợi cuối cùng.

VOA trong bài viết ngày 22/12 dẫn ý kiến của các nhà phân tích cho rằng ASEAN còn phải nỗ lực rất nhiều thì trụ cột quan trọng nhất là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) mới có thể đạt được mục tiêu quan trọng, đó là tạo sự tự do hơn cho các dòng chảy hàng hóa và vốn đầu tư cũng như công nhân lành nghề tại khu vực có hơn 600 triệu người này - đông hơn Bắc Mỹ hay EU.

Ông Curtis Chin, cựu Đại sứ Mỹ tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nói với VOA: "Thời gian sẽ trả lời xem lễ ký kết tuyên bố (thành lập Cộng đồng ASEAN –PV) sẽ chỉ dừng lại ở tính nghi thức hay sẽ có ý nghĩa thực chất. Trước mắt, kể từ ngày 1/1/2016, Cộng đồng ASEAN sẽ không chỉ được thể hiện qua những phát biểu hùng hồn mà chắc chắn phải thông qua những hành động cụ thể".

Thảo Nguyên (tổng hợp)

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 2
  • 1942
  • 21,919,184