Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

NỬA THẾ KỶ GIAO LƯU VĂN HỌC VIỆT NAM - RUMANI

  15/11/2015

Văn học Rumani dịch sang tiếng Việt và văn học Việt Nam được dịch ra tiếng Rumani không nhiều so với các nền văn học khác, mặc dù vậy những dấu ấn của văn học cũng đã để lại đậm nét trong lòng bạn đọc hai nước. Trong nửa thế kỷ qua, theo ước tính của chúng tôi, có khoảng 50 tác phẩm văn học Việt Nam đã đến với độc giả Rumani và cũng ngần ấy tác phẩm văn học Rumani đã được công bố tại Việt Nam. Đó là một con số khiêm tốn nhưng có ý nghĩa và cũng là điều khiến cho những ai yêu văn học, văn hóa Rumani và Việt Nam cần phải trăn trở: làm gì để gia tăng sự giao lưu này…

Nếu có dịp vào các thư viện lớn của Rumani chúng ta sẽ gặp các tác phẩm văn học, các tên tuổi lớn của văn học Việt Nam nằm trong nhiều giá sách. Đó là Truyện Kiều của Nguyễn Du được dịch từ những năm sáu mươi; Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm; các tập truyện của Tô Hoài như Dế mèn phiêu lưu ký, Chí Phèo của Nam Cao, ở xã Trung Nghĩa của Nguyễn Thi, Mẫn và tôi của Phan Tứ, Hòn Đất của Anh Đức, 10 thế kỷ thơ văn Việt Nam… Gần đây là các tác phẩm Nhật ký trong tù, Thơ Hồ Xuân Hương, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Thao thức với thời gian, tuyển thơ của 30 nhà thơ đương đại Việt Nam đã được dịch sang tiếng Rumani…

Về thơ, thơ của Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Sanh, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Trần Nhuận Minh…đều đã xuất hiện trong nhiều tuyển tập thơ trữ tình của Rumani. Gần đây, Tuyển thơ 30 tác giả thơ đương đại của Việt Nam Thao thức với thời gian đã được Phạm Viết Đào dịch trực tiếp sang tiếng Rumani…

Trong các tác phẩm văn học Việt Nam dịch sang tiếng Rumani, đáng chú ý là Tuyển tập 10 thế kỷ Thơ Việt Nam của nhà thơ Andrixoiu là một công trình khá công phu, dày dặn. Để hoàn thành tập thơ này ông đã hai lần sang Việt Nam. Tập Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nhà ngoại giao, nhà văn Constantin Lupeanu dịch từ nguyên bản chữ Hán. Tập thơ vừa chuyển ngữ sát nguyên tác và được trau chuốt về ngôn ngữ theo các vần điệu của các loại hình thơ hiện đại của Rumani. Theo chúng tôi đây là một trong những bản dịch Nhật ký trong tù ra tiếng nước ngoài thành công nhất nhờ vốn ngôn ngữ phong phú và sâu sắc của dịch giả Lupeanu cả tiếng Hán lẫn tiếng Rumani. Ngoài ra còn phải kế đến tâm huyết của ông, một con người thật sự có tấm lòng thành kính chân thành đối với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Về dịch giả này, chúng tôi muốn giới thiệu thêm về Tập thơ Hồ Xuân Hương dịch sang tiếng Rumani của ông. Theo chúng tôi đây là một công trình khá công phu, ông dịch qua bản tiếng Anh và tiếng Pháp. Sau khi nhận tập thơ in tại Rumani được Lupeanu đề tặng, tôi đã tỷ mỷ và giải thích thêm cho ông khoảng 1/3 số bài thơ của Hồ Xuân Hương mà ông mới chuyển được một phần nghĩa của bài thơ, câu thơ; bởi thơ Hồ Xuân Hương thường hàm súc, đa nghĩa mà muốn dịch, người dịch phải thông thạo ngoài tiếng Việt cổ, ngôn ngữ Hán Việt và thông thạo“Nghệ ngữ”, ví như câu:

Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc

Trái gió cho nên phải lộn lèo…

Nhìn chung, Lupeanu đã chuyển tải được khát vọng sống, khát vọng đòi được tự do, bình đẳng của phụ nữ phương đông khi bị chế độ phong kiến hà khắc, trọng nam khinh nữ và sự lộng hành của thói đạo đức giả đè nén…

Trong các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng Rumani, Nhật ký Đặng Thùy Trâm của Phạm Viết Đào là cuốn sách đã gây được tiếng vang nhất định. Đề tựa cho cuốn sách này, ông C.Lupeanu, người đã giúp hoàn thiện bản tiếng Rumani viết:” Sức mạnh của cuốn nhật ký và công trạng của bác sĩ Đặng Thùy Trâm là đã liên kết được nhiều số phận và trái tim của nhiều con người bình thường của nhiều thế hệ, nhiều quốc gia cùng hồi ức về một ký niệm đau buồn: cuộc chiến tranh Việt Nam. Cuốn nhật ký đã thức tỉnh mọi người: hãy tìm cách ngăn cản, chống lại những hành động bạo tàn…”

Báo Diễn đàn văn học của Hội Nhà văn Rumni đã giành cả trang để giới thiệu Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Nhà phê bình văn học Marius Chelaru đã viết những dòng sau đây:”Không một thứ gì có thể xóa được những vết máu do chiến tranh để lại; những ai đọc cuốn nhật ký này sẽ tự đặt câu hỏi cho mình: Phải làm gì để không một viên đạn nào được phép bay ra khỏi nòng súng…”

Đối với độc giả Việt Nam thì tên tuổi của các nhà thơ như: Mihai Emnescu, Nichita Stanescu, Lucian Blaga, Marin Sorescu, Ana Blandiana Jon Milos, Mihai Beniuc, Valeriu Butulescu…đã xuất hiện trong nhiều tuyển thơ trữ tình thế giới được chọn in nhiều lần. Nếu sử dụng công cụ tìm kiếm Google, chúng ta sẽ dễ dàng tìm kiếm hàng chục trang Website, Blog cá nhân tiếng Việt có lưu giữ nhiều bài thơ của các tác giả Rumani…

Về văn, các tên tuổi như Liviu Rebreanu với tiểu thuyết Khởi nghĩa, Ion, Mihai Sadoveanu với tiểu thuyết Cái rìu, Zaharia Stancu với Những người chân đất, Tình yêu hoang dã, Eugen Uricaru với Trở lại bến xưa…đã được nói đến trên nhiều diễn đàn văn học tại Việt Nam. Chúng tôi muốn dừng lại vài nét về nhà tiểu thuyết lớn của Rumani, Chủ tịch Hội Nhà văn Rumani Zaharia Stancu.

Trong một lần tiếp các nhà văn Rumani, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã kể: trong hành trang 25 kg hành lý mang theo trên đường trở về miền Nam, ông đã mang theo bộ tiểu thuyết Những người chân đất của Zaharia Stancu do Trần Dần dịch. Theo ông, bộ tiểu thuyết này của nhà văn Rumani đã có ảnh hưởng lớn tới tư duy sáng tạo văn học của ông; ông đã tìm thấy nhiều sự gợi ý về hình ảnh của những  người nông dân vùng châu thổ sông Đanuyp mà Stancu đã mô tả. Nguyễn Quang Sáng tỏ ra tâm đắc, tìm thấy sự đồng điệu về mặt tâm hồn, sự hoang dã phóng khoáng trong lối sống của người nông dân trong tiểu thuyết Những người chân đất của Zaharia Stancu để viết nên những tác phẩm về người nông dân Nam Bộ quê ông…

Về Tình yêu hoang dã, nhà thơ Đỗ Minh Tuấn đã có những dòng sau đây đề tựa cho lần tái bản thứ hai:” Tình yêu hoang dã vừa là  một ẩn dụ lớn về sự phi lý của kiếp nhân sinh, một thông điệp về sự suy tàn, sụp đổ của lối sống bầy đàn hoang dã, sự cùng quẫn, bế tắc, cùng đường của những toan tính nhược tiểu.Trong cái thế giới đương đại đầy cường bạo và bất trắc, trước sức ép của chiến tranh, nghèo đói và hủ tục, một dân tộc nhược tiểu không thể cố sức duy trì sự tồn tại bằng cách chui vào hầm để trốn tránh mọi xung đột của thời đại và nuôi ảo tường có thể bảo tồn được bản năng, bản sắc hoang dã của cộng đồng của mình. Không thể củng cố thiết lập, xây dựng trật tự của một cộng đồng bằng ngọn roi áp chế, gia trưởng, một thứ quyền lực,quyền uy theo kiểu cha truyền con nối. Trong thời đại ngày nay không một nền chính trị nào có khả năng kìm nén và xếp xó những vấn đề, những mâu thuẫn,những khát vọng nội tại của các thành viên cho dù bé mọn nhất của cộng đồng, đi ngược với quyền sống chính đáng của các thành viên, tự ru ngủ bằng những khẩu hiệu đoàn kết, ổn định và đồng thuận giả tạo.Trong thời đại ngày nay, một dân tộc cho dù nhỏ bé, muốn tồn tại và phát triển cần phải biết cách đối mặt với mọi thách thức, nhìn thẳng vào những vấn đề của nội tại để đương đầu giải quyết bằng sức mạnh của tổ chức, của khoa học và của văn minh...”

Những thông điệp mà Zaharia Stancu đưa ra là xác đáng và đáng trân trọng vì nó được viết ra từ cuối những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Ngoài hoạt động dịch thuật ra còn phải kể đến trong 10 năm gần đây đã có trên 20 nhà văn Việt Nam có dịp sang thăm, giao lưu với các bạn văn Rumani và ngần ấy các nhà văn Rumani sang thăm Việt Nam; họ thật sự là sứ giả giúp cho hai nền văn học, hai dân tộc có điều kiện gần gũi nhau hơn.

Không có điều kiện đi sâu, chúng tôi chỉ dừng lại một vài nét chấm phá về các hoạt động giao lưu văn học, nó đã thật sự góp phấn  hữu ích vào sự nghiệp làm giàu có thêm cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân hai nước…

Phạm Viết Đào

CSV Trường ĐHTH Iasi, Khoá 1969-1974

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 13
  • 5466
  • 21,874,185