Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

VỊ GIÁO SƯ VỚI LÒNG NGƯỠNG MỘ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

  16/12/2021

Trong thời gian học tập nghiên cứu tại Trường Đại học bách khoa Bucuresti, chúng tôi những cựu sinh viên khoa hóa công nghiệp phân khoa silicat đã được dìu dắt bởi nhiều giáo sư nổi tiếng của trường, trong đó có một vị giáo sư rất quý mến và dành những tình cảm đặc biệt cho các sinh viên Việt Nam. Ngoài lý do chúng tôi đều là các sinh viên chăm chỉ, ham học, ông còn có tình cảm riêng vì đã từng đến làm việc giúp Việt Nam trong những ngày đất nước ta gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ nhưng đã đón tiếp ông rất trọng thị. Người giáo sư ấy tên là Emmanuel Beilich, thầy giáo dạy chúng tôi môn kỹ thuật lò nung và các thiết bị trong dây chuyền sản xuất xi măng, gốm sứ và thủy tinh. Giáo sư Emmanuel Beilich là một chuyên gia rất giàu kinh nghiệm thực tế. Ông là người tham gia xây dựng nhiều nhà máy xi măng của Rumani trước và sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, đồng thời luôn là người giúp các nhà máy xử lý các sự cố kỹ thuật mỗi khi được hỏi ý kiến. Chính vì vậy mà giáo sư được rất nhiều lãnh đạo trong ngành kính trọng. Mỗi khi anh em chúng tôi đi thực tập hồi còn là sinh viên hay những lần đi công tác khi đã là kỹ sư nhà máy, ông đều dặn chúng tôi là hãy đưa danh thiếp của ông cho các giám đốc các đơn vị. Đúng vậy, mỗi khi chúng tôi trình danh thiếp của ông ra là nó đã trở thành lời giới thiệu rất hiệu quả và ngay lập tức chúng tôi nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình và hiệu quả.

Trong các tiết giảng trên lớp giáo sư thường đem những ví dụ về các sự cố đã gặp phải ở các nhà máy và cách xử lý chúng nên những tiết học này rất thú vị và hiệu quả.

Đầu năm 1972, khi đoàn thực tập sinh của chúng tôi gồm 24 kỹ sư tốt nghiệp tại các trường đại học bách khoa, dầu khí và xây dựng năm 1971, quay lại Rumani để thực tập (hai chúng tôi Đào Duy Nhân và Tống Văn Nga) được phân công về Liên hợp sản xuất xi măng và fibro xi măng Medgidia làm việc.

Sau khi ổn định công việc ở Liên hiệp, hai chúng tôi về lại Bucuresti thăm trường cũ và đặc biệt là đến thăm giáo sư Emmanuel Beilich tại nhà riêng. Gia đình giáo sư sống tại một căn hộ chung cư thuộc trung tâm thủ đô Bucuresti. Khi đến nhà, hai chúng tôi được thầy giáo mời vào phòng khách rộng chừng 45 - 50 m2, được bài trí như một góc bảo tàng thu nhỏ. Trong phòng này trưng bày hàng trăm kỷ vật mà giáo sư đã sưu tập từ nhiều nơi trên thế giới, trong đó có cả bức tranh sơn mài và bức tranh thêu tay được thầy đem về từ Việt Nam. Thầy lần lượt giới thiệu cho chúng tôi về từng kỷ vật gắn với những năm tháng bôn ba nhiều nơi. Chúng tôi rất ngưỡng mộ và kính nề sự từng trải của thầy đồng thời càng cảm phục thầy về cách tiếp khách vừa chân tình trìu mến song rất khoa học thể hiện rõ tác phong của một nhà giáo, một trí thức lớn.

Chúng tôi chăm chú nghe thầy giới thiệu về từng kỳ vật và cũng tranh thủ giới thiệu với thầy về những hiểu biết dù rất ít của mình về nghệ thuật tranh sơn mài và tranh thêu của Việt Nam. Sau khi xem hết các kỷ vật trong phòng, giáo sư cười và nói với chúng tôi rằng tất cả những kỷ vật này đều rất quý, rất ý nghĩa, nó như là cuốn nhật ký ghi lại những năm tháng bôn ba, từng trải với đời và với nghề của thầy. Sau khi ngừng vài giây, thầy nói tiếp: “Tất cả những kỷ vật ấy tuy rất quý nhưng không thể so sánh được với kỷ vật đặc biệt này”. Thầy giáo cười hồn nhiên và dẫn hai chúng tôi tiến đến bộ bàn ghế salon tiếp khách. Ở đó bà giáo sư đã chuẩn bị sẵn cà phê và bánh ngọt để tiếp chúng tôi. Hai chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và sửng sốt khi thấy trên bạn có tấm ảnh chụp đen trắng, khổ 15 x 20 cm chụp cảnh giáo sư ngồi tiếp chuyện chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh chụp chỉ hai người ngồi, không có phiên dịch và trong Phủ Chủ tịch tại Hà Nội.

Giáo sư kể rằng đó là kỷ vật vô giá và vô cùng đặc biệt đối với Ông. Vào năm 1956 nhân dịp Quốc khánh mùng 2/9 của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức tiếp chuyên gia nước ngoài sang giúp Việt Nam xây dựng lại đất nước. Ông đã có vinh dự lớn được gặp Người và được đón tiếp vô cùng thân mật. Thầy nói thật không ngờ mình chỉ là một chuyên gia kỹ thuật (sang giúp Việt Nam khôi phục hoạt động của nhà máy xi măng Hải Phòng) lại có được vinh dự lớn đến như vậy. Thầy rất khâm phục sự uyên bác của Cụ Hồ. Ông nói Cụ Hồ am hiểu rất sâu về văn hóa Châu Âu và nói tiếng Pháp như người Pháp bản địa. Thầy rất xúc động và nói rằng trong lúc đất nước Việt Nam đang trong giai đoạn rất khó khăn có rất nhiều việc quan trọng phải giải quyết mà Cụ Hồ vẫn dành thời gian quan tâm đến phục hồi kinh tế và đặc biệt mong sớm có xi măng để xây dựng lại đất nước sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá.

Chia tay ông bà giáo sư, chúng tôi vô cùng xúc động vì được thầy giáo đón tiếp chân thành nồng hậu và cũng có chút tự hào rằng mình là công dân Việt Nam, là con cháu Bác Hồ và là những học trò được thầy yêu quý.

Suy nghĩ sâu thêm chúng tôi cũng thấy rằng xi măng đúng là có vai trò quan trọng trong xây dựng đất nước và phát triển kinh tế.

Trong thời gian 17 năm đã có 25 sinh viên Việt Nam, qua các khóa gồm khóa 1956 - - 1962; 1965 – 1971; 1966 - 1972 và 1967 – 1973, trong đó khóa 1965 - 1971 là đông nhất gồm 11 người được thầy giảng dạy và có những người được thầy trực tiếp hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp. Chắc chắn mọi người chúng tôi luôn ghi nhớ công ơn của thầy Emmanuel Beilich./.

Kỹ sư Đào Duy Nhân

CSV Trường Đại học Bách khoa Bucuresti

Khóa 1965 – 1971

Nguyên TGĐ Nhà máy Ximăng Chinh Phong

 

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 21
  • 1902
  • 18,009,641