Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

LÊ HOÀNG: “CHỚ DẠI MÀ LÊ LA VỚI…HÀNG XÓM!”

  05/04/2017

Dân gian có câu “tắt lửa tối đèn có nhau”, riêng Lê Hoàng tin chắc rất nhiều nơi người ta ăn gì, người ta chơi với ai, người ta đi đâu và người ta tại sao lại không đi… cũng có nhau nốt! Tóm lại, có một số làng quê, một số khu phố và một số chung cư bà con biết hết, tò mò hết, bàn tán hết và theo dõi hết.

 

Đạo diễn Lê Hoàng luôn có những góc nhìn rất thẳng thắn và sâu sắc về cuộc sống (Ảnh: VTC)

Cách đây mấy chục năm, tôi có việc tìm đến một người bạn ở ngoại thành Hà Nội. Trước khi đi, vì tính cẩn thận pha lẫn nhát gan nên Lê Hoàng hỏi rất kĩ địa chỉ và vô cùng hốt hoảng khi nghe miêu tả rất phức tạp, kiểu như “đến ngã ba rẽ trái sau đó đi 100 bước rẽ phải, chạy 10 phút nữa tới ngã tư rẽ phải tiếp theo, sau đó đi chừng nào toát mồ hôi thì rẽ trái 3 lần…”.

 Nhưng hoá ra tất cả những sự hỏi đường, sự lo xa đều vô nghĩa và vô ích, bởi còn cách nhà bạn nửa cây số, chỉ cần nói tên anh là toàn bộ vùng đó đều biết. Chả phải do bạn tôi nổi tiếng mà do ở làng quê đấy, ai cũng biết ai tới tận kẽ tóc chân tơ.

 Dân gian có câu “tắt lửa tối đèn có nhau”, riêng Lê Hoàng tin chắc rất nhiều nơi người ta ăn gì, người ta chơi với ai, người ta đi đâu và người ta tại sao lại không đi… cũng có nhau nốt! Tóm lại, có một số làng quê, một số khu phố và một số chung cư bà con biết hết, tò mò hết, bàn tán hết và theo dõi hết.

 Ngày xưa thời bao cấp, ở Hà Nội có câu chuyện hoàn toàn không phải cường điệu là có những gia đình ăn thịt gà phải dùng kéo cắt chứ không dám dùng dao chặt bởi vì dao va vào thớt sẽ phát ra tiếng động, tiếng động khiến hàng xóm biết, biết sẽ nảy sinh các câu hỏi tức thời: "Tại sao ăn thịt gà? Tiền đâu ăn? Ăn với ai? Sau khi ăn gà là ăn con gì nữa? Lý do gì hôm nay ăn mà hôm qua không ăn? "

 Nói một cách ngắn gọn thì thói quen chĩa mũi vào nhà hàng xóm của nhiều nơi, đã, đang và có thể tồn tại lâu dài.

 Lê Hoàng biết rất nhiều người ca ngợi nếp sống ấy. Họ nói như thế ấm áo tình người, quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Vâng, chắc chắn như vậy rồi, nhưng ai thích cứ việc, cá nhân Lê Hoàng không hề thích và sẽ mãi mãi không thích việc mình làm gì cả xóm biết, việc vợ mình vừa đánh mình cả xóm hay, hoặc con mình bị bồ bỏ thiên hạ đều chia buồn.

Bạn tôi sống ở Mỹ kể rằng, có khi chục năm trời chả biết hàng xóm tên là gì, cùng lắm mỗi lần nhìn thấy nhau chỉ “hello” một tiếng. Tuy vậy hễ nhà mình có động tĩnh khác lạ là người ta nhấc điện thoại báo cảnh sát giùm. Lê Hoàng không dám nói ở Mỹ hay vì ở Việt cũng khoái cái cảnh một tên trộm bỏ chạy thì cả xóm đuổi theo, nện cho nhừ tử, có khi kẻ nện hăng say nhất là kẻ hoá ra chả mất gì.

Nhưng nhìn chung, việc chĩa mũi và cho mình cái quyền chĩa mũi vào nhà khác là nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân gần gũi của biết bao bực dọc. Đám cưới nhà nào cũng là đám cưới cả làng. Đám giỗ nhà nào cũng là đám giỗ cả làng. Ai sống ở nông thôn mà không thấm thía nỗi cơ cực này kia chứ. Rất nhiều người than thở nếu không vì hàng xóm, nếu không vì dư luận thì cuộc sống và hành vi đã khác đi, đã đỡ áp lực hơn rất nhiều.

Hà Nội hay cả nước hôm nay đang bùng nổ chung cư. Nếu các vị để ý, sẽ thấy chung cư càng cao cấp, sự riêng tư càng nhiều, ví dụ như đi thang máy riêng, có bể bơi riêng hoặc ban công riêng là những chi tiết luôn luôn cần nhấn mạnh. Chả lẽ các kiến trúc sư khi thiết kế căn hộ đã không hiểu được giá trị của hàng xóm? Lê Hoàng cho rằng họ hiểu, nhưng càng hiểu càng tránh xa.

Ai thích sống quây quần thì cứ việc. Ai thích chiều chiều ra cổng ngồi nói đủ thứ chuyện với láng giềng thì cứ việc. Lê Hoàng chỉ muốn vào cửa nhà mình, đóng lại sau đó tha hồ chặt thịt gà hay thịt vịt để ăn, nếu không có thịt thì ăn rau cũng được. 

“Làm gì cũng ngại người ta nhìn ngó” là một tâm trạng vất vưởng trong tư tưởng bà con mình bao nhiêu năm. Mà khổ nỗi chúng nó có chịu dòm ngó thôi đâu, chúng nó còn bình luận, còn chê bai, còn tìm mọi cách để “lôi ra ánh sáng” những thứ mà chả có pháp luật nào bắt phải công khai.

Về chuyện này có hai ông nhà văn vô cùng thấm thía khi miêu tả là Ngô Tất Tố và Nam Cao. Cả hai vị đều sáng tác rất thành công sự ngột ngạt của việc thiếu quyền riêng tư, của mọi sự vụ đều lôi ra đình, ra xã. Tất nhiên hai nhà văn ấy viết về thời xưa, nhưng có ai dám chắc thời nay đã hết sạch sự bực bội này.

Vậy phương thức đối phó phải như thế nào? Khi ta đến một nơi ở mới, cần bình tĩnh quan sát. Nếu ở đấy ai cũng như ai. Chỉ cười xã giao rồi đi thẳng thì ta cũng chả dại gì mà không đi thẳng và cười xã giao. Dù có vẻ lạnh lùng xa cách nhưng về lâu về dài cuộc sống sẽ dễ chịu vô cùng. Còn nếu như ta đến một nơi mà lúc mở cửa về nhà có hàng chục bà đang nhìn, có hàng chục ông đang ngắm rồi vui vẻ mời nhậu, ta hãy cương quyết và dũng cảm, lễ phép từ chối, xa cách một lần và mãi mãi, luôn nhớ đừng có dại vào tròng. Nghe có vẻ không được hòa đồng nhưng tôi chỉ mạn phép nhắc quý vị rằng cuộc sống càng phát triển thì quyền riêng tư càng được đề cao chứ không bao giờ ngược lại.

Đừng lê la với hàng xóm, đừng cái gì cũng chia sẻ với hàng xóm và quan trọng nhất là đừng can thiệp vào tình cảm cũng như công việc của hàng xóm dưới bất kì hình thức nào, chỉ trừ khi cùng nhau bắt cướp là lời kêu gọi của Lê Hoàng. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, chỉ chúng ta mới thấu hiểu hết chuyện của mình và có khả năng giải quyết nó, các bạn hãy nhớ đều này.

Lê Hoàng

(Theo Báo Người Giữ Lửa)

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 16
  • 3115
  • 22,379,748