Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

ĐỂ VIỆN DƯỠNG LÃO KHÔNG THÀNH NƠI GIAM CẦM TUỔI GIÀ

  13/06/2021

Thay vì hy sinh chất lượng sống tuổi già để xây dựng một môi trường 'an toàn tuyệt đối', viện dưỡng lão cần thay đổi để giống 'nhà' hơn.

Ông ngoại tôi vừa qua đời. Thực ra, ông đã chậm rãi rời cõi sống từ khoảng chục năm nay. Căn bệnh Parkinsons khiến ông không thể mở mắt hay nói chuyện được. Đã lâu rồi, con cháu chúng tôi không còn biết ông đang nghĩ gì, hay thậm chí ông còn tỉnh táo hay không?

Từ khi ông mất, tôi đã nghĩ nhiều về cách chúng ta đối xử với người già vào những năm tháng cuối đời của họ. Dù ai trong chúng ta cũng từng nghe chuyện một bà cụ 97 tuổi vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn, sự thật thì những người này chỉ là trường hợp hiếm hoi. Nhà văn Phillip Roth từng viết: "Tuổi già không phải là một cuộc chiến. Tuổi già là một cuộc thảm sát".

Từ tuổi 40, bạn sẽ mất dần cơ bắp. Năm 80 tuổi, bạn sẽ mất khoảng 1/4 đến một nửa lượng cơ bắp trong cơ thể. Đây là chuyện bình thường. Ăn uống điều độ và rèn luyện có thể trì hoãn nhưng không ngăn cản được quá trình lão hóa. Phổi sẽ mất dần dung tích. Ruột và dạ dày sẽ chậm lại. Não sẽ teo dần. Khả năng xử lý thông tin sẽ mất dần từ trước tuổi 40 (đây là lý do tại sao mà các nhà Toán học và Vật lý học thường cho ra đời những công trình xuất sắc nhất khi họ còn trẻ).

40% dân số ở độ tuổi 85 mắc bệnh đãng trí. Không có người già nào có thể sống hoàn toàn độc lập. Xác xuất để một người già được sống cùng con cháu tỷ lệ thuận với số lượng con cái mà người này có, đặc biệt là việc họ có con gái hay không, và con gái út thường là người phải chăm sóc bố mẹ nhiều nhất (tôi nghĩ "trọng nam khinh nữ" là tư duy khá hài hước trong một xã hội mà ai ai cũng muốn được sống cùng con cháu).

Những người chỉ có một con hay "chẳng may" sinh ra toàn con trai thì có "nguy cơ" cao là bị đưa vào viện dưỡng lão. Khi số con cái trung bình của mỗi gia đình giảm xuống, và phụ nữ được tự do lựa chọn hơn, số lượng người sống trong viện dưỡng lão sẽ tăng.

Vậy tại sao người Việt sợ viện dưỡng lão đến vậy? Tôi nghĩ rằng không phải người Việt sợ viện dưỡng lão hơn phương Tây, mà vì nhiều viện dưỡng lão ở ta giống một nơi trông giữ người già hơn là một căn nhà bình thường, nơi bạn có thể vui vẻ dành những năm tháng cuối đời của mình. Tôi đã thăm cả viện dưỡng lão ở Anh và Việt Nam và thấy sự khác biệt rõ ràng này.

Đên một viện dưỡng lão ở trong nước, giá thành một giường ở viện này vào khoảng 7,5 triệu đồng/ tháng. Tôi thấy ở đây, họ đặt an toàn của người già lên trên hết và được thiết kế rất giống nhà trẻ, tức cổng có bảo vệ, ở xa khu dân cư; tất cả các hoạt động (khi nào thức dậy, ăn uống, đi toilet, xem phim, chơi trò chơi, ngủ...) đều theo thời khóa biểu. Một phòng có thể có bốn cụ, mỗi giường chỉ được ngăn cách bởi một tấm màn mỏng. Không cụ nào tự nấu ăn.

Có thể nói, đây là một trong những nơi ảm đạm nhất mà tôi từng thấy. Tôi nhận ra rằng, những viện dưỡng lão như thế này được xây dựng để thành nơi con cháu có thể yên tâm gửi gắm ông bà (làm sao ông bà có thể ngã hay gặp tai nạn được khi mọi hoạt động bị kiểm soát 24/7?), chứ không phải nơi người già có thể được sống vui vẻ. Người già sẽ được vui hơn nếu được ra thám thính phố phường, nhưng viện phải giải thích thế nào khi người già ngã ngoài đường và con cháu đến làm ầm lên?

Trong khi đó, tôi đi hoạt động tình nguyện trong một viện dưỡng lão ở Anh, và thấy có nhiều sự khác biệt đáng kể. Viện này thường xuyên khuyến khích người ngoài vào nói chuyện, chơi trò chơi và kết bạn với các cụ. Chúng tôi cùng ăn uống, chơi Domino và cá ngựa với các cụ hưu trí (các cụ rất kiên quyết muốn được tự lắc xúc xắc và tự di chuyển cá ngựa của mình).

Họ cũng khuyến khích các cụ được tự túc càng nhiều càng tốt, thậm chí người già được vào bếp nấu ăn. Trách nhiệm của người làm trong viện phần lớn là nấu ăn, lau dọn và báo giờ uống thuốc. Còn lại, các cụ thích đi ngủ lúc nào thì đi, thích ra rạp chiếu phim thì ra, thích đi chơi tỉnh khác cũng được. Rất ít hoạt động theo thời khóa biểu.

Gia đình và người nhà cũng được giải thích về những rủi ro có thể xảy ra với người thân của họ, và họ chấp nhận những rủi ro này để người già được vui vẻ hơn. Nếu đổi theo tỷ giá PPP (tức đã chỉnh theo mức sống mỗi nước), giá thành một phòng ở đây vào khoảng 10 triệu đồng/ tháng, không quá cao so với những viện dưỡng lão Việt Nam hiện nay, mà các cụ vui hơn hẳn. Bảo hiểm xã hội ở Anh cũng chi trả cho những viện như thế này.

Bác sĩ Atul Gawande đã viết cuốn sách rất hay về tuổi già là "Ai rồi cũng chết". Ông viết rất trung thực về thực tế cuối đời của phần lớn người già và những người mang bệnh không còn chữa trị được, và về những thứ họ thực sự muốn. Ông mô tả những viện dưỡng lão nhỏ chỉ khoảng tối đa 12 người, giống khu tập thể hơn là viện, nơi các cụ có phòng riêng và khóa cửa riêng.

Thay vì đặt an toàn lên trên hết, những viện này đặt chất lượng sống lên trên hết (thống kê cho thấy là người già trong những viện này lại sống lâu hơn và vui hơn). Có cụ hay ngã, viện vẫn cho cụ được tự đi lại, không ép cụ ngồi xe lăn. Có cụ đường máu cao vẫn được thỉnh thoảng ăn bánh kẹo. Sinh viên và con em nhân viên y tá được mời vào để trò chuyện và kết bạn với các cụ. Có viện có nuôi cả chó mèo và vẹt.

Giám đốc viện này kể rằng có cụ già trầm cảm, không nói chuyện và không động đậy gì hàng tháng trời. Khi viện cho ông nuôi một con vẹt, ông bắt đầu thích thú chăm nom, tưới tắm cho con vẹt của mình. Thay vì cảm thấy như mình vô dụng, ông được giao trách nhiệm nuôi sống một sinh vật khác. Ông vui vẻ hơn, ăn nhiều hơn, bắt đầu tự mặc quần áo, tự đi lại. Ba tháng sau, ông rời viện về nhà.

Người già rất cần có lý do để sống, và ta hoàn toàn có thể giao cho họ một mục đích để sống thay vì cứ đối xử với họ như trẻ con. Nhiều người già cũng muốn được tự do càng nhiều càng tốt đến cuối đời (giống ông bà tôi, dù đã sống chung với con cháu nhiều năm, nhưng cuối đời họ vẫn chuyển ra ở riêng cùng với một người chăm sóc). Họ muốn có được cảm giác như mình vẫn có ích và không bị thành gánh nặng của người khác. Viện dưỡng lão cần được cải tiến để chuyển từ "viện" thành giống những "ngôi nhà" hơn.

Tôi nghĩ với dân số đang già hóa nhanh, nhà nước và xã hội ta rồi sẽ phải nghĩ nhiều hơn về cách chăm sóc người già một cách nhân đạo. Nếu viện dưỡng lão được thay đổi để giống một "ngôi nhà riêng với người ở gần chăm sóc" hơn thay vì giống "bệnh viện kiêm nhà trẻ" như hiện nay, tôi nghĩ tư duy về viện dưỡng lão sẽ thay đổi nhanh chóng.

Người già sợ chết ít hơn là họ sự những năm tháng trước khi chết: lãng tai, đãng trí, mắt mờ, chân chậm, cuộc sống thưa dần những người bạn, mất sự tự do của bản thân, bị coi là gánh nặng cho gia đình. Y học hiện đại đã kéo dài tuổi thọ và kéo rất dài quãng thời gian mỗi người sống với sức khỏe yếu. Y tế hiện đại đến mức bác sĩ thậm chí không còn có thể trả lời chắc chắn câu hỏi "bệnh nhân này có đang chết không?".

Phần lớn mọi người nghĩ mình sẽ chết ở nhà, nhưng phần lớn chúng ta sẽ chết trong bệnh viện. Phần lớn mọi người sẽ cố gắng can thiệp y tế đến giây phút cuối cùng. Những lời trăng trối như "đừng lo", "bố mẹ yêu con", hay "xin lỗi..." càng ngày càng hiếm, vì người cận kề cái chết giờ đây đã "bị" can thiệp y tế đến mức ít người còn đủ sức để nói.

Tóm lại, thay vì hy sinh chất lượng sống để xây dựng một môi trường "phi rủi ro" như hiện nay, viện dưỡng lão hoàn toàn có thể được thay đổi để giống "nhà" hơn, gần cộng đồng hơn, và cho phép người già được tự do hơn. Tôi hy vọng có doanh nhân nào đủ tài chính và tài năng để xây dựng những ngôi nhà như thế này khắp đất nước, vì đây là dịch vụ mà trong tương lai đảm bảo sẽ có nhu cầu rất cao.

Nguyễn Mạnh Đức (vnexpress)

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 6
  • 5645
  • 21,934,031