Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

NHỮNG BÀI HỌC VỀ TIỀN BẠC TRẺ NÊN ĐƯỢC DẠY TRƯỚC NĂM 10 TUỔI

  24/08/2019

 Trẻ dưới 10 tuổi cần hiểu tiền không mọc từ cây và không phải chỉ dùng để mua sắm, không nên tiêu tiền ngay khi có.

Từ câu nói của con trai 3 tuổi "Chỉ cần đến ngân hàng và bố mẹ sẽ được cho tiền", Jayne Pearl, đồng tác giả cuốn "Kids, Wealth and Consequences" cho rằng bố mẹ cần sớm giải thích cho con tiền đến từ đâu và dạy chúng những thói quen tài chính thông minh. Dưới đây là những bài học về tiền bạc Pearl đưa ra, được đăng tải trên tạp chí Parents.

1. "Tiền không mọc trên cây"

Khi những đứa trẻ nhìn thấy tiền "chui ra" từ cây ATM lúc bạn rút bằng thẻ, chúng không nhận thức được rằng tiền là thứ tài nguyên hữu hạn và không phải tự nhiên mà có. Vì vậy, hãy giải thích để con hiểu bạn đã phải làm việc để kiếm ra tiền và ngân hàng chỉ là nơi cất giữ một cách an toàn.

2. Chi tiêu bằng số tiền con có

Cách tốt nhất để dạy trẻ quản lý tiền là cho chúng một chút. Nếu con dùng số tiền đó mua mô hình nhân vật siêu anh hùng mới và không còn đủ tiền cho một chú gấu bông hay quyển truyện yêu thích thì thực sự là điều tốt. "Khi đó, con sẽ nhận được bài học trực tiếp về hậu quả của việc chi tiêu quá mức", Pearl nói.

3. Những điều tốt đẹp sẽ đến với ai biết chờ đợi

Dạy trẻ trì hoãn sự thích thú sẽ giúp chúng chống lại tâm lý "mua ngay, trả tiền sau" bởi điều này có thể khiến chúng trở thành "con nợ". Bạn nên thường xuyên đưa ra ví dụ và nhắc nhở trẻ thấm nhuần tư tưởng chờ đợi sẽ được đền đáp.

4. Lập kế hoạch thay vì tiêu tiền ngay khi có

Trẻ thường khó kiềm lòng khi có tiền. Trong đầu chúng sẽ nghĩ đến một món đồ chơi yêu thích nào đó. Tuy nhiên, bạn không thể ngay lập tức đưa con đến cửa hàng để đáp ứng mong muốn.

Hãy ngồi xuống cùng con, giải thích và phác thảo những thứ con muốn với số tiền hiện có, cùng thảo luận tầm quan trọng của từng món đồ và sắp xếp thứ hạng ưu tiên khi mua sắm, so sánh giá cả, tìm cửa hàng cần đến, phạm vi giá cho từng mặt hàng. Từ đó, trẻ sẽ dần hình thành thói quen lên kế hoạch trước khi mua sắm.

Ngoài việc giúp con phác thảo, lên kế hoạch, chính bạn cũng nên làm điều tương tự trước khi đi mua sắm bởi trẻ thường bắt chước và lấy người lớn làm gương. Bạn cũng nên cho con giữ số tiền còn lại sau khi đã mua sắm để chúng thấy rằng việc xem xét giá cả trước khi mua đồ là cần thiết.

5. Tiết kiệm rất thú vị

Con gái muốn có búp bê mới mà không đủ tiền. Khi đó, bạn hãy đến và cho con biết cần tiết kiệm nhiều hơn. Khi con đã dành dụm đủ số tiền, hãy đưa cô bé đi mua sắm và để bé tự trả tiền cho nhân viên thu ngân. Chắc chắn con sẽ không bao giờ quên cảm giác tuyệt vời khi đạt được mục tiêu sau nhiều ngày nỗ lực.

Đôi khi bạn cũng có thể dạy con những cách để có thể kiếm lời từ số tiền tiết kiệm. Điều này giúp chúng cảm thấy thú vị và có động lực hơn.

6. Thường xuyên theo dõi

Bạn hãy hướng dẫn con sử dụng sổ ghi chép hoặc lưu lại trên máy tính mỗi lần tiêu hay nhận được tiền để theo dõi. Bạn cũng có thể giúp chúng chuẩn bị một tệp tài liệu hay một chiếc túi nhỏ để lưu trữ những hóa đơn mua sắm. Làm như vậy, con sẽ dần học được kỹ năng quản lý tiền bạc.

7. Hoài nghi một chút

Sự hoài nghi lành mạnh là rất quan trọng. Nó giúp trẻ không bị sức hấp dẫn của các quảng cáo trên TV cuốn đi.

8. Chia sẻ

Bạn hãy giải thích về ý nghĩa của việc quyên góp, làm từ thiện và cho con thực hiện điều đó. Việc làm này sẽ dạy trẻ hiểu rằng tiền không phải chỉ dùng để mua sắm mà còn được sử dụng để giúp đỡ mọi người. Hãy nhắc nhở con cách cân đối giữa việc chi tiêu, tiết kiệm và làm từ thiện.

Dương Tâm

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 6
  • 1696
  • 21,918,937