Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

LÀM SAO NHẬN BIẾT BỆNH NHÂN BỊ ĐỘT QUỊ, SƠ CỨU RA SAO?

  22/01/2021

Thời gian 'vàng' để cứu sống bệnh nhân đột quỵ là 4,5 giờ và 'kim cương' là 30 phút. Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ bị tàn phế nặng, thậm chí tử vong.

Sự ra đi đột ngột của danh hài Chí Tài vào chiều 9-12 khiến nhiều người bàng hoàng, đau xót tiếc thương.

Vậy đột quỵ nguy hiểm thế nào? Các tài liệu y học định nghĩa, đột quỵ não hoặc cơn tai biến mạch máu não do mất đột ngột lưu lượng máu tới não hoặc chảy máu bên trong sọ dẫn đến giảm, mất chức năng hoặc chết các tế bào não.

Theo BS.CKII Trần Trung Thành - trưởng khoa nội thần kinh Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), bệnh đột quỵ luôn là vấn đề lớn của ngành y tế. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong cũng như tàn phế, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

"Gần đây việc điều trị đột quỵ đã có những tiến bộ vượt bậc, giảm tử vong và tàn phế, tuy nhiên điều tiên quyết là cả bệnh nhân cũng như các bác sĩ phải chạy đua với thời gian" - BS Thành nhấn mạnh.

Bác sĩ Thành cho biết thêm cứ mỗi phút trôi qua, 2 triệu tế bào nơron thần kinh, đồng nghĩa với khoảng 12km sợi trục nơron thần kinh não, chết không hồi phục nếu thiếu máu nuôi.

Theo hướng dẫn của Hiệp hội Đột quỵ thế giới (WSO), "giờ vàng" của bệnh nhân đột quỵ là 4,5 giờ. Tốt nhất bệnh nhân bị đột quỵ cấp cần được đưa đến các bệnh viện trong vòng 30 phút, được xem là thời gian "kim cương".

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ) là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Mỗi năm nước ta có hơn 200.000 ca đột quỵ, trong đó có đến 50% số ca đột quỵ diễn biến xấu đi và tử vong.

Nguy cơ xảy ra đột quỵ gia tăng theo tuổi, tăng gấp đôi cứ mỗi 10 năm sau 55 tuổi, xấp xỉ 28% đột quỵ xảy ra dưới 65 tuổi.

Theo đó, một số yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ điển hình phải kể đến như: cholesterol cao, thừa cân, hút thuốc, sử dụng rượu nhiều (đặc biệt là uống quá độ), thuốc tránh thai, liệu pháp thay thế hormon với estrogen, nhiễm lạnh...

Làm sao biết bị đột quỵ?

Các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết ít nhất 1 trong 3 nhóm dấu hiệu sau xuất hiện đột ngột thì nguy cơ bị đột quỵ từ 90-95%, đó là dấu hiệu F.A.S.T:

1. Liệt mặt (Face): Miệng bị lệch sang một bên, nếp nhăn mũi - má mờ.

2. Yếu, liệt tay (Arm) hoặc chân: Không thể cầm, nắm, đi lại.

3. Rối loạn ngôn ngữ (Speech): Đột ngột rối loạn lời nói, không nói được hoặc lời nói không rõ... như bình thường trước đó.

4. Thời điểm phát bệnh (Time): Khi gặp những triệu chứng trên, cần gọi cấp cứu ngay. Người bệnh cần ghi nhớ thời điểm phát bệnh để thông báo với nhân viên y tế.

Phát hiện người có dấu hiệu đột quỵ, xử trí sao?

Các bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện người có các dấu hiệu đột quỵ, cần xử trí đúng cách bằng cách:

- Đỡ người bệnh để không bị té ngã gây chấn thương.

- Để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói. Móc hết đàm, nhớt để bệnh nhân dễ thở.

- Gọi xe đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

- Đưa người bệnh vào bệnh viện càng nhanh càng tốt để có thể cứu sống kịp thời các phần não chưa chết nhưng đang bị thiếu máu nuôi, đang bị sặc, bị chèn ép.

Lưu ý khi sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân đột quỵ, không được tự ý điều trị như bấm huyệt, châm cứu, đánh gió (những động tác này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh và làm mất thời gian vàng điều trị).

Bên cạnh đó, không cho bệnh nhân ăn uống và đề phòng nôn trào ngược, không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp.

XUÂN MAI (TTO)

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 7
  • 1710
  • 22,227,723