Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

NỀN KINH TẾ INTERNET CỦA ĐÔNG NAM Á CÓ THỂ VƯỢT 100 USD TRONG 2019

  05/10/2019

Nền kinh tế Internet của Đông Nam Á đang trên đà vượt quy mô 100 tỷ USD trong năm nay, trước khi tăng gấp 3 lần vào năm 2025, đưa khu vực trở thành một trong những thị trường thương mại trực tuyến tăng trưởng mạnh mẽ nhất thế giới.

Hãng tin Bloomberg dẫn một báo cáo do Google, Temasek Holdings và Bain & Co. phối hợp thực hiện cho thấy tổng giá trị giao dịch trực tuyến trong các lĩnh vực từ bán lẻ trực tuyến tới gọi xe qua ứng dụng ở Đông Nam Á có thể đạt 300 tỷ USD vào năm 2025. Cơ sở của dự báo này là Đông Nam Á hiện đã có 360 triệu người sử dụng mạng Internet. Với dân số trẻ, việc sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) ngày càng phổ biến trong khu vực.

Theo nghiên cứu trên, Đông Nam Á - khu vực có ứng dụng gọi xe Grab và trang thương mại điện tử Lazada - hiện đang nằm trong top 10 toàn cầu về thời gian sử dụng mạng Internet của người dân.

Báo cáo định nghĩa nền kinh tế Internet là tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ trong các lĩnh vực thương mại điện tử, gọi xe qua ứng dụng, truyền thông trực tuyến, du lịch trực tuyến, và dịch vụ tài chính số.

Thương mại điện tử hiện đang là điểm sáng nhất trong nền kinh tế Internet ở Đông Nam Á, với tổng gia trị giao dịch được dự báo sẽ tăng gấp 4 lần từ 38,2 tỷ USD trong 2019 lên 153 tỷ USD vào năm 2025. Phần lớn sự tăng trưởng này sẽ đến từ Indonesia, nơi thị trường thương mại điện tử được dự báo sẽ tăng từ 21 tỷ USD lên 82 tỷ USD trong cùng khoảng thời gian.

Lĩnh vực gọi xe qua ứng dụng ở Đông Nam Á được dự báo đạt quy mô 40 tỷ USD vào năm 2015 từ 12,7 tỷ USD trong 2019, với sự dẫn đầu của các hãng như Grab và Gojek. Cả hai hãng này đều lấy mảng giao hàng thực phẩm làm đầu tàu tăng trưởng và lợi nhuận, theo đó cạnh tranh gay gắt với những công ty chuyên giao hàng thực phẩm như Foodpanda và Deliveroo.

Báo cáo nói rằng Việt Nam đang nổi lên thành nền kinh tế có mức độ số hóa cao nhất ở Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế Internet của Việt Nam tương đương hơn 5% tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong 2019. Tỷ lệ này của toàn khu vực Đông Nam Á là 3,7%.

Thương mại điện tử là đầu tàu chính trong sự phát triển kinh tế Internet ở Việt Nam, với những trang mua sắm trực tuyến trong nước như Sendo và Tiki cạnh tranh mạnh với các đối thủ khu vực như Lazada và Shopee.

Thanh toán số cũng đang trở nên ngày càng phổ biến ở Đông Nam Á và được dự báo sẽ đạt quy mô trên 100 tỷ USD vào năm 2025. Trong số 400 triệu người trưởng thành trong khu vực, có 98 triệu người sở hữu tài khoản ngân hàng nhưng chỉ được tiếp cận hạn chế với các dịch vụ khác như tín dụng. 198 triệu người khác hầu như không tiếp cận với các dịch vụ tài chính và ngân hàng.

Triển vọng nền kinh tế Internet của khu vực Đông Nam Á đã thu hút sự chú ý lớn của giới đầu tư quốc tế. Trong 6 tháng đầu năm nay, các công ty Intenet trong khu vực đã huy động được 7,6 tỷ USD, so với mức 7,1 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Trong vòng 4 năm qua, các công ty ứng dụng gọi xe của Đông Nam Á, dẫn đầu là Grab và Gojek đã huy động được hơn 14 tỷ USD, trong khi các công ty thương mại điện tử của khu vực như Tokopedia đã thu hút được khoảng 10 tỷ USD, báo cáo cho hay.

Thăng Điệp (vneconomy)

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 6
  • 1396
  • 22,227,409