Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

GẶP GỠ ĐỒNG NGHIỆP Ở THỦ ĐÔ DẦU LỬA

  25/11/2020

Những trái cây chín vừa hái ngọt ngào như hương vị của tình đồng nghiệp giữa ba anh em chúng tôi và tình cảm của chị Maria Hant, cũng là một đồng nghiệp trên mảnh đất của Thủ đô dầu lửa - Thủ đô vàng đen.

Ngôi biệt thự xinh xắn nằm giữa vườn. Lối đi từ cổng vào qua mấy luống hoa hồng và những thứ hoa đặc trưng vùng ôn đới khoe sắc màu rực rỡ trong nắng chiều mùa hè.

Chủ nhà niềm nở đón chúng tôi, ôm thân tình và xúc động, sau hơn chục năm mới gặp lại. Ông dẫn chúng tôi ra sân sau nhà ngồi chơi. Ông nói, phải tận hưởng không khí trong lành sau trận mưa. Ông chỉ cái bể bơi có mái che cạnh nhà, phân bua:

- Cả tháng nay, tôi ít đến văn phòng công ty, vì đang trong thời gian nghỉ ngơi, dưỡng bệnh. Tôi vừa trải qua một phẫu thuật nhỏ, sức khỏe chưa tốt lắm. Ngâm mình trong nước ở bể bơi rất dễ chịu, hít thở không khí ngoài trời, tinh thần tỉnh táo, vừa nhanh phục hồi, vừa làm việc hiệu quả.

Bên cạnh bể bơi, tôi thấy có chiếc ghế bố, trên mặt cái bàn kính có máy tính xách tay và mấy cái điện thoại, bên cạnh có mấy cái ghế tựa. Đúng là một văn phòng làm việc theo phong cách của ông bạn già lãng mạn.

Ông chỉ sang chị Maria Hant:

- Khi có việc cần, cô Maria gọi điện, chúng tôi trao đổi với nhau giải quyết.

Chị Maria Hant, hiện là giám đốc điều hành của công ty Petroconsult, nơi ông vừa là chủ hãng, vừa là tổng giám đốc. Chị vừa đến khách sạn đón chúng tôi đến đây.

Ông mời chúng tôi tới nhà chơi, vì hôm nay là Chủ nhật. Tôi vừa từ Việt Nam sang, còn anh bạn Antoine Tran Van cũng vừa từ Paris tới. Đúng là một dịp hy hữu để cả ba chúng tôi cùng đủ mặt, bởi vì những lần trước đây, chỉ gặp nhau từng đôi một ở Rumani, ở Việt Nam hay ở Pháp.

Ba anh em đồng nghiệp ở Thủ đô dầu lửa

Tuy ở ba nước khác nhau, nhưng chúng tôi cùng làm việc trong ngành Dầu khí, tức là đồng nghiệp. Nghề nghiệp đã đưa chúng tôi đến với nhau một cách tình cờ. Tôi làm việc trong ngành Dầu khí từ khi mới ra trường năm 1971 cho tới lúc nghỉ hưu. Ông Mircea Laba cống hiến cả đời cho ngành hóa dầu Rumani từ năm 1956, và khi nghỉ hưu năm 1990, ra lập nghiệp tư nhân làm tư vấn trong lĩnh vực dầu khí. Anh Antoine Tran Van là chủ hãng và Tổng giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế T.V.A Engineering Group ở Pháp đã được 25 năm.

Ba chúng tôi là ba anh em đồng nghiệp ở ba thế hệ khác nhau mà Mircea là anh cả, tôi ở giữa còn Antoine là em út, cách nhau hơn chục năm tuổi đời và tuổi nghề. Năm 1990, tôi đã gặp Antoine lần đầu tiên, khi anh dẫn đại diện Công ty Foster Wheeler đến thăm Petrovietnam và trao đổi khả năng hợp tác. Lúc đó anh đang khao khát muốn đem kiến thức và kinh nghiệm của mình tích lũy được, làm một việc gì đó cho Dầu khí Việt Nam, và chúng tôi ngày càng thân thiết, mặc dù ước mơ của anh vẫn chưa thực hiện được. Mircea gặp tôi lần đầu ở TP Hồ Chí Minh năm 2002, trong chuyến khảo sát, tìm cơ hội kinh doanh. Sau đó, tôi tham gia đoàn công tác của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam thăm Công ty Petroconsult, Trường Đại học Dầu khí Ploiesti (UPG), rồi hợp đồng thuê 2 chuyên gia tư vấn đào tạo của Petroconsult cho Nhà máy Đạm Phú Mỹ và hợp đồng đào tạo sinh viên Việt Nam tại UPG Ploiesti được ký kết. Tôi là người giới thiệu Mircea với Antoine để hai bên hợp tác, và Mircea đã đi ô tô tới văn phòng của TVA Group ở Paris.

Mới đấy mà mười mấy năm đã qua. Lần này tôi đi cùng một đoàn sang làm việc với Petroconsult và Viện Thiết kế các công trình dầu khí (IPIP) về khả năng hợp tác xây dựng một nhà máy hóa chất ở Việt Nam. Nhân tiện, tôi gọi điện mời Antoine từ Paris sang thăm Mircea một thể. Anh cũng muốn đáp lễ chuyến thăm của Mircea lần trước.

Câu chuyện hàn huyên thật vui. Lúc thì nói bằng tiếng Anh để ba anh em cùng hiểu, lúc thì tôi nói với Mircea bằng tiếng Rumani nếu khó diễn tả bằng tiếng Anh, lúc thì tôi và Antoine nói với nhau bằng tiếng Việt cho nhanh. Không ai lấy thế làm phiền, vì nhìn nhau là hiểu ý câu chuyện về gia đình, về cuộc sống đời thường, có lúc còn trêu chọc nhau cười thoải mái.

Mircea tâm sự, khi đã ngoài 80 tuổi, có lúc thấy mệt mỏi, đã muốn “gác kiếm” nghỉ ngơi, một công ty tư nhân như Petroconsult của ông, thuộc cỡ vừa và nhỏ, thị trường trong nước Rumani những năm gần đây còn eo hẹp, mà đi chinh chiến nước ngoài thì không hề đơn giản.

Tôi cho rằng, ông Mircea Laba khiêm tốn quá. Con người đầy nghị lực, với sức vóc to lớn thế kia gác kiếm làm sao được!

Năm 1990, Rumani vừa trải qua cuộc cách mạng lật đổ chế độ của của nhà độc tài Ceausescu, xã hội rối ren, tình hình bất ổn, ở cái tuổi 60, ông xin nghỉ hưu và ra lập doanh nghiệp tư nhân nhỏ, làm dịch vụ tư vấn trong ngành lọc hóa dầu, với cái tên đăng ký ban đầu là Petrochemical Consulting. Năm sau, công ty được đổi tên thành công ty trách nhiệm hữu hạn Petroconsult Ltd theo luật doanh nghiệp của Rumani. Ý định của ông khi lập nghiệp tư nhân, là sử dụng các kinh nghiệm dồi dào của ngành lọc hóa dầu Rumani đã tích lũy qua nhiều năm để làm tư vấn cho nước ngoài và phục vụ cho việc đổi mới công nghệ các nhà máy lọc hóa dầu của Rumani còn sống sót trong thoái trào và đang lần lượt bị đóng cửa. Đó là “một cửa hẹp” (theo ông đánh giá) để hội nhập với thị trường quốc tế. Ở hoàn cảnh như vậy, quyết định của ông dấn thân lập nghiệp thật là dũng cảm. Ông phải có tinh thần thép, với tài năng quản lý bẩm sinh và uy tín nhất định, tập hợp được bạn bè đồng nghiệp, đưa công ty phát triển liên tục, vững vàng vượt qua biết bao biến động của thời cuộc, vươn tới thị trường quốc tế, đạt được kết quả đáng nể phục.

Sự tự tin ấy đã thành quả, là do ông xuất phát trên nền tảng của 35 năm trải nghiệm trong ngành hóa dầu ở Rumani. Năm 1956, anh kỹ sư Mircea Laba tốt nghiệp Khoa Hóa công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa Iasi. Mới bước vào nghề, anh được cử đi thực tập một năm tại Liên Xô, trong các khu Liên hợp hóa dầu ở Groznưi, Cecenia. Sau đó anh đã làm việc 10 năm trong Liên hợp sản xuất cao su tổng hợp ở Onesti, Rumani, với chức danh ban đầu là Phân xưởng trưởng, rồi Xưởng trưởng, Kỹ sư trưởng phụ trách sản xuất, Trưởng bộ phận nghiên cứu phát triển của Cụm Công nghiệp hóa dầu Borzesti. Hồi đó, các công trình sản xuất cao su tổng hợp của Rumani nhập khẩu công nghệ của Liên Xô, nhiều công đoạn còn trong giai đoạn sản xuất thử. Đội ngũ kỹ thuật của Liên hợp cao su tổng hợp đã sát cánh cùng Viện nghiên cứu, thiết kế hóa dầu Rumani và Viện nghiên cứu thiết kế cao su của Liên Xô ở Lenigrad hoàn thiện, chỉnh sửa, thậm chí thiết kế lại và đã đưa vào sản xuất thành công 7 xưởng công nghệ. Ngoài công tác điều hành sản xuất, anh còn tham gia giảng dạy các môn về công nghệ hóa dầu trong Trường Kỹ thuật Borzesti, đào tạo các lứa kỹ thuật viên, đốc công tương lai cho các Liên hợp hóa dầu khác sau này và tham gia trong Ủy ban điều phối các hoạt động nghiên cứu khoa học của Bộ Công nghiệp Hóa chất.

Từ năm 1969, Mircea Laba được điều động về làm việc tại Liên hợp hóa dầu mới thành lập ở Brazi, với các chức danh Trưởng phòng kỹ thuật hóa chất, Trưởng ban nghiên cứu của Viện nghiên cứu thiết kế hóa chất (ICECHIM) tại Brazi với lực lượng 300 nhà nghiên cứu. Giai đoạn 1970-1976, Mircea chỉ đạo các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, xây dựng và sản xuất thử (pilot) các quá trình công nghệ sản xuất cao su Polibutadien, cao su izopren, copolimer butadien - stiren... và là đồng tác giả của nhiều bằng sáng chế, phát minh phục vụ cho 6 xưởng sản xuất áp dụng các công nghệ này.

Giai đoạn 1976-1981, ông điều hành các công tác thiết kế, xây lắp và đưa vào sản xuất Nhà máy cao su tổng hợp Brazi và là giám đốc nhà máy. Những nỗ lực suốt 12 năm ở Brazi đã lấy đi nhiều sức lực, buộc ông phải đi điều trị phục hồi sức khỏe. Năm 1982, ông được Bộ Công nghiệp Hóa chất điều động về Viện Petrochim vừa mới được hình thành trên cơ sở hợp nhất Viện Nghiên cứu công nghệ và thiết kế lọc dầu (ICITPR) và Viện Thiết kế các công trình dầu lửa (IPIP), phụ trách khối nghiên cứu của viện. Tại đây, ông đã được toàn quyền tập trung chỉ đạo nghiên cứu hoàn thiện các thông số kỹ thuật vận hành các xưởng sản xuất ở các Liên hợp lọc hóa dầu và hóa chất trên phạm vi cả nước. Với kinh nghiệm và sự tinh thông nghề nghiệp chín muồi, ông đã xây dựng được hàng chục quá trình công nghệ, hàng chục nghiên cứu hoàn thiện kinh tế - kỹ thuật của các xưởng sản xuất khác nhau, 34 bằng sáng chế, phát minh, trong đó có công trình được giải thưởng của Viện Hàn lâm Rumani.

Mircea Laba là chuyên gia hàng đầu của Rumani về cao su tổng hợp. Nhiều năm ông là đại diện của Rumani trong Ủy ban Cao su tổng hợp của Hội đồng tương trợ kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa (Khối SEV).

Qua 35 năm trải nghiệm thực tế các công tác nghiên cứu công nghệ, thiết kế, quản lý dự án, chỉ đạo xây lắp, chạy thử, đưa vào vận hành và sản xuất kinh doanh tại các nhà máy hóa dầu lớn nhất ở Rumani, Mircea Laba là một trong những người thành đạt về mặt nghề nghiệp, với sự tinh thông chuyên môn và vững vàng trong quản lý. Mặc dù được trưởng thành trong cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung của nước Rumani xã hội chủ nghĩa, nhưng khi có đột biến về chính trị và xã hội, ông đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội và chuyển hướng kịp thời. Ông kể rằng, cuối năm 1989, ông viết thư cho UOP, công ty cấp bản quyền công nghệ Hoa Kỳ cho các xưởng lọc hóa dầu của Rumani, đề xuất hợp tác. Ý tưởng của ông được UOP chấp nhận, và đã gặp nhau đầu năm 1990 bàn bạc triển khai. Nhưng giữa năm 1990, do có những rắc rối, họ không sang Rumani được, Mircea vẫn thành lập công ty tư nhân, thực hiện được một số công việc nhỏ như thu hồi xúc tác, chế biến các sản phẩm phụ và tân trang thiết bị của các nhà máy lọc hóa dầu ở Borzesti, Brazi và Onesti.

Việc hợp tác với đối tác nước ngoài là yếu tố quyết định hướng phát triển và thành công của Petroconsult. Qua hợp tác với các công ty Italia như Comerint Roma, Elletra Energia, Comeri Novara, Petroconsult đã huy động hơn 1.000 chuyên gia Rumani từ các Liên hợp lọc hóa dầu Rumani trợ giúp kỹ thuật chạy thử và vận hành các xưởng lọc dầu ở Nigerie, Libia, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Malaysia, cũng như cung cấp dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị công nghệ, tự động hóa điều khiển.

Petroconsult hợp tác với hãng ABB Lummus trong việc đưa vào hoạt động các xưởng nhiệt phân, PVC, cao su tổng hợp, Etyl benzen, Butadien, PE, PP ở Iran, Trung Quốc, Ả Rập Saudi.

Petroconsult hợp tác với hãng Snam Progetti trong các dự án hóa dầu ở Iran, Algeria, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Abu Dhabi, Libya, và các nước khác.

Từ năm 1992, Petroconsult ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng đào tạo đội ngũ vận hành, bảo dưỡng cho chủ các nhà máy hóa dầu, như xưởng nhiệt phân ở Nigeria, thu hồi khí ở Libya, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ở Việt Nam. Ngoài ra Petroconsult còn cung cấp dịch vụ quản lý dự án đường ống ở Nigeria.

Năm 1999, Mircea Laba đã đấu thầu thành công, mua 53% cổ phần của Viện Thiết kế các công trình dầu lửa (IPIP). Từ đó Petroconsult tập trung dịch vụ tư vấn và trợ giúp kỹ thuật, giữ lại một nhóm nhỏ chuyên gia kiểm tra thiết kế, còn IPIP phát huy nguồn lực và thế mạnh trong lĩnh vực thiết kế và thực hiện các gói thầu EPC. IPIP vốn là một viện thiết kế mạnh nhất ở Đông Nam châu Âu trong thập niên 1980 với lực lượng kỹ thuật trên 800 người và đã thực hiện hầu hết các dự án phục hồi, nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới 11 nhà máy lọc dầu ở Rumani từ năm 1950 đến năm 1989. Năm 1999, IPIP còn 393 người với doanh thu trên 1 triệu USD và lợi nhuận 10 nghìn USD. Sau mười năm, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hội đồng quản trị Mircea Laba, một chương trình đầu tư trang bị hiện đại hóa, tái cấu trúc và áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế, cơ chế quản lý tiên tiến, thì năm 2009 IPIP với cùng nhân lực 393 người, doanh thu đạt trên 13 triệu USD tăng 11 lần, lợi nhuận 3,4 triệu USD tăng 350 lần, lương tháng của người lao động tăng 9 lần! IPIP đã thực hiện một số dự án EPC theo kiểu hợp đồng khoán gọn ở trong nước (nâng cấp nhà máy lọc dầu Brazi, Teleajen, Midia, nhà máy sản xuất dầu diesel sinh học; kho cảng và công trình vận chuyển sản phẩm dầu...) cũng như ở nước ngoài (Algeria, Iran, Iraq, Yemen, Libya, Qatar...).

Sau hơn hai chục năm phát triển, Petroconsult đã và đang thực hiện trên 100 hợp đồng, bao gồm 20 công trình ở khâu thượng nguồn, 33 công trình trong lĩnh vực khai thác, 43 công trình liên quan đến nhà máy lọc dầu, 30 công trình liên quan đến nhà máy hóa dầu, 5 công trình nhà máy hóa chất, 33 dự án thiết kế, 30 hợp đồng dịch vụ đào tạo, 16 hợp đồng kiểm tra chất lượng và an toàn, 2 công trình xây dựng dân dụng...

Petroconsult đã huy động trên 2.000 chuyên gia Rumani từ các liên hợp lọc hóa dầu và hóa chất trong nước Rumani, cung cấp dịch vụ tư vấn và trợ giúp kỹ thuật, đào tạo nhân lực cho khách hàng dầu khí ở 40 nước. Petroconsult có văn phòng đại diện ở Đức, Libya, Kazakhstan, Việt Nam. Mấy năm gần đây Mircea Laba bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và bất động sản; ông có trang trại 700 ha với xưởng sản xuất rượu. Ông cho rằng, so với các doanh nghiệp tư vấn thiết kế trong công nghiệp lọc hóa dầu trên thế giới, Petroconsult còn rất nhỏ bé; tuy vậy nó cũng đã làm được một sứ mệnh là đem kinh nghiệm của ngành lọc hóa dầu Rumani ra hội nhập với thế giới, nhiều bạn bè quốc tế đã biết đến Rumani; và ngược lại, qua hợp tác với các nhà thầu tầm cỡ thế giới trong các dự án lớn, các chuyên gia Rumani đã cập nhật được những tiến bộ công nghệ và kỹ thuật trong nghề đem về tham gia vào việc nâng cấp các công trình ở Rumani đã bị xuống cấp qua mấy chục năm.

Mấy lần tiếp xúc với ông, tôi thấy ông là người hiền lành và ít nói. Ông rất quan tâm và có trách nhiệm với đồng nghiệp, được mọi người yêu mến, kính trọng. Có một câu chuyên kể rằng, năm 2011, khi nổ ra chiến sự ở Libya, công ty Petroconsult có hơn bốn chục chuyên gia đang làm việc ở đó. Tình hình diễn biến rất nhanh, tính mạng của họ bị đe dọa. Đột nhiên, ông Mircea Laba nhận được cú điện thoại khẩn, với giọng cầu cứu từ Libya: “ Làm ơn, hãy đến đưa chúng tôi về!” Trong điện thoại vang lên cả tiếng súng tiểu liên và tiếng hét: “Thánh Ala vĩ đại!” và có cả tiếng Rumani: “Mẹ kiếp, chúng ta không thể thoát khỏi đây!”.

Theo tiếng gọi của tình người, Mircea Laba, một tỷ phú khiêm tốn của thành phố Ploiesti, liền gọi mấy cú điện thoại và đến ngay Văn phòng Bộ Quốc phòng Rumani ở Bucarest. Tại đó ông được đảm bảo sẽ có một máy bay “Hercules” (có lẽ là chiếc duy nhất ở Rumani) sẽ bay đến Libya với sứ mạng giải cứu các kỹ sư của Petroconsult. Chiếc Hercules cất cánh có sự yểm trợ của các máy bay khác với tên lửa tomahawk bay vào bầu trời Libiya. Cuộc giải cứu thành công với lòng dũng cảm và sự bí mật quân sự của các phi công cùng với các đơn vị phối hợp trong một chiến dịch giải cứu kỳ diệu. Nghe nói, Mircea Laba đã chi 200.000 euro cho hợp đồng giải cứu nói trên.

Mặc dù Mircea Laba rất khiêm tốn, hầu như ông không xuất hiện trên thông tin đại chúng, nhưng cánh báo chí và đồng nghiệp vẫn tôn vinh ông là một nhân cách đáng kính trọng, một trong những người đóng góp nhiều cho ngành lọc hóa dầu của Rumani, tên tuổi của ông nằm trong sổ vàng của lịch sử phát triển ngành hóa dầu của “xứ sở vàng đen”.

Ông là tỷ phú già nhất Rumani, người đứng thứ 273 trong danh sách 500 tỷ phú của Rumani do tạp chí Forbes công bố năm 2011. Mircea khởi nghiệp tư nhân năm 60 tuổi và trở thành tỷ phú năm 80 tuổi! Doanh nhân này còn là người hâm mộ các cuộc đua xe công thức 1 (F1) và du lịch. Ông đã tham quan trên 60 nước. Các kỳ nghỉ, ông thường đến Hy Lạp nơi ông sở hữu một biệt thự và thành phố yêu thích của ông là Roma, thủ đô Italia...

Bà Silva, nữ chủ nhà, người nhỏ nhắn và nhanh nhẹn. Bà và ông Mircea là bạn học thời thanh xuân. Tôi có cảm giác, bà còn ít nói hơn cả chồng. Thỉnh thoảng bà ghé qua chỗ chúng tôi xem chồng và hai ông khách nói chuyện, nhưng chỉ nghe qua mà không xen vào. Bà mời mọi người vào trong nhà. Phòng khách nhà ông Mircea rất ấm cúng, có kiến trúc và nội thất đặc trưng Rumani. Ông bà mời chúng tôi rượu vang và nhấm nháp mấy thứ đồ nguội theo phong cách tiếp khách truyền thống ở đây. Đúng như người ta nói, đằng sau một người đàn ông thành đạt luôn có một hậu phương vững chắc với bóng dáng một người vợ hiền và đảm đang. Mircea đúng là như vậy. Bà Silva của ông là một phụ nữ tuyệt vời, ai cũng thấy ở bà sự đôn hậu và quán xuyến. Trường hợp của Antoine cũng thế, chị Loan Anh, vợ anh là một phụ nữ xinh đẹp, hiền dịu, có tình yêu chồng con sâu sắc theo phong cách Á Đông và sự đảm đang hiếm thấy. Mai Yên của tôi rất khen chị Loan mỗi lần nhắc tới vợ chồng anh Antoine. Tôi cũng may mắn, được trời cho một người vợ hiền, giỏi giang, hy sinh hết thảy cho chồng con. Nếu không có Mai Yên, chắc tôi không thể được như ngày nay...

bai 7 gap go dong nghiep o thu do dau luaKỹ sư Mircea Laba"" />

Kỹ sư Mircea Laba

Chị Maria nói với ông Mircea, ngày hôm sau đoàn chúng tôi sẽ đi thăm nhà máy hóa chất ở Ramnicu Valcea; ông Mircea Ghenoiu, trưởng văn phòng đại diện của Petroconsult ở Việt Nam sẽ dẫn chúng tôi đi và thu xếp chương trình mấy ngày tới.

Anh Antoine Tran Van mời ông Mircea sang Paris tham dự lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập hãng TVA Engineering Group mà anh dự kiến tổ chức vào tháng 9 sắp tới. Ông Mircea hào hứng:

- Hay quá, thật là vui mừng. Nhưng tiếc rằng, như anh thấy đấy, ông bạn của tôi ơi, có thể tôi không đi được vì lý do sức khỏe. Nhưng cô Maria Hant, giám đốc điều hành của Petroconsult sẽ thay mặt tôi sang dự sự kiện quan trọng này. Anh thông cảm nhé! Hy vọng chúng ta sẽ lại gặp nhau vào một dịp khác!

Tôi phải nói rằng, “không hẹn mà nên”, hai ông bạn đồng nghiệp của tôi, Mircea Laba và Antoine Tran Van có nhiều điểm tương đồng.

Mircea Laba yêu thích đua xe công thức 1. Antoine Tran Van là tay mê xe đua. Tôi đã đến thăm nhà anh, trong gara có tới 4 chiếc xe đua mang nhãn hiệu Ferrari, Porsche, Lamborghini. Anh cho tôi biết, chiếc xe của anh là 1 trong số 24 chiếc ở châu Âu. Anh tham gia câu lạc bộ xe thể thao, thỉnh thoảng cuối tuần hay rủ bạn bè cùng sở thích chạy đua để xả stress. Các salon ô tô thể thao luôn hỏi han, chăm sóc khách hàng, bảo trì, kể cả tư vấn sử dụng, trao đổi các đời xe mới... Anh mời tôi ngồi xe chở đi dạo một vòng. Tôi vừa thắt dây an toàn xong, chiếc xe gầm lên và lao vút đi, làm tôi thót tim, hoảng hồn. Anh cười:

- Ở trong phố không chạy được hết tốc độ, cảnh sát dễ phạt lắm!

Cái bể bơi của Antoine đặt ngay ở tầng trệt trong vila nhà anh. Anh bảo tôi, nếu không có cái bể bơi này, chắc anh đã suy sụp rồi. Áp lực công việc thời nay tạo ra căng thẳng khủng khiếp, anh phải ngâm mình nước ấm và bơi hàng ngày để duy trì thể lực và giữ cho thần kinh thăng bằng; mặc dù nuôi cái bể bơi cũng khá tốn kém.

Câu chuyện khởi nghiệp của Antoine Tran Van ở Pháp không phải trải qua một cuộc cách mạng như của Mircea Laba ở Rumani. Năm 1977, anh tốt nghiệp Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bắc Paris. Khi ra trường, anh đi làm thuê đủ thứ việc của một kỹ sư cơ khí ở hơn 10 hãng khác nhau, từ sản xuất bia, thuốc chữa bệnh, nhiệt, điện, dầu khí. Vốn là một thanh niên năng động, anh thích làm công việc thực tế sản xuất, thi công ngoài công trường hơn là chỉ ngồi văn phòng thiết kế. Anh cũng thích đi làm việc ở nước ngoài.

Một người bạn rủ anh đến cùng làm cho một công ty lớn, nhưng yêu cầu phải biết thêm chuyên môn về điện và thiết bị điều khiển tự động hóa. Anh đã học thêm công nghệ, thiệt bị điều khiển tự động hóa, qua đào tạo lý thuyết và thực tế sản xuất trên công việc. Anh nghiệm ra rằng, nếu chỉ bó hẹp trong chuyên môn cơ khí thì ít cơ hội phát triển, phải có hiểu biết về công nghệ và các hệ thống điều khiển, áp dụng được nhiều ngành sản xuất khác nhau.

Lần cuối cùng, anh làm thuê cho công ty Technip của Pháp, được cử đi một năm tại Qatar, phụ trách nhóm thiết bị điều khiển trong một dự án dầu khí. Khi đi, được hứa hẹn, sau khi hoàn thành công việc sẽ được thăng chức, làm lãnh đạo. Nhưng luật bất thành văn của công ty lớn ở nước sở tại là, dân di cư ít có khả năng thăng tiến về chức vụ, dù có chuyên môn giỏi. Và lời hứa bị lãng quên!

Muốn làm sếp, phải làm chủ! Anh nung nấu ý định lập công ty riêng của mình.

Thế là tháng 8 năm 1988, anh mời một số bạn người Pháp tham gia đối tác, thành lập công ty ở Paris, do anh làm chủ, tên công ty đăng ký ban đầu là TVA Instrumentation, chuyên làm các công việc liên quan đến điện và điều khiển, với 20 nhân viên ban đầu.

Có lần, tôi hỏi anh:

- TVA nghĩa là gì?

Anh cười:

- Đó là chữ cái đầu tên Trần Văn Alliance, hoặc Trần Văn Antoine.

Năm 1989 anh thành lập TVA Engineering Ltd, là một công ty trách nhiệm hữu hạn, chuyên làm công việc thiết kế các hệ thống điện và điều khiển. TVA Engineering có văn phòng đại diện ở Normandy (Pháp) năm 2007 và chi nhánh ở Gabon năm 2012.

Năm 2002, anh thành lập thêm Công ty HCL Ltd, là một công ty chuyên về công việc đường ống (Pipework) và xây lắp. Năm 2006, Công ty TVA Consulting Ltd được thành lập để cung cấp dịch vụ tư vấn công nghiệp, bao gồm các chuyên môn kỹ thuật khác nhau. Năm 2007, anh thành lập thêm Công ty cổ phần TVA Invest, bắt đầu tham gia lĩnh vực đầu tư.

Có lẽ cái tên TVA Group được hình thành là do bốn công ty thành viên trong tập đoàn doanh nghiệp nhỏ do anh làm chủ và là tổng giám đốc.

Hiện nay TVA Group có văn phòng chính ở Antony, ngoại ô Paris, phía Nam miền Thượng sông Seine; công việc tập trung vào 2 dịch vụ chính là tư vấn thiết kế chiếm 60% khối lượng công việc và trợ giúp kỹ thuật chiếm 40%, với các chuyên môn điện và tự động hóa, hệ thống đo lường và điều khiển, xây lắp đường ống, quản lý dự án... TVA Group đã tham gia nhiều dự án dầu khí, xử lý nước và chất thải, dược phẩm, phát điện, phân phối điện ở Pháp và các nước Anh, Mexico, Gabon, Bờ Biển Ngà, Algeria, Qatar, Congo, Azerbaijan, Nga, Ai Cập, Bỉ, Đức, Nigeria, Martinique...

Antoine tâm sự với tôi, TVA Engineering thường làm thầu phụ cho các nhà thầu lớn như Foster Wheeler, Technip, Sofregas, Air Liquid, Nimes, Total, Saipem... vì các dự án lớn trên thế giới rất phức tạp, có nhiều rủi ro, một công ty nhỏ như TVA không thể chịu nổi các rủi ro về tài chính. Các nhà thầu nhỏ, có năng suất cao, giá thành thấp, sẽ giúp cho các tổng thầu nâng cao sức cạnh tranh, hoàn thành dự án đúng tiến độ, như vậy hai bên cùng có lợi. Chỉ cần chất lượng tốt, đảm bảo tiến độ và giá cạnh tranh.

30 năm qua, các doanh nghiệp châu Âu trải qua nhiều thăng trầm. Không ít công ty bị phá sản, nhiều công ty ngừng hoạt động một cách lặng lẽ, nhưng TVA vẫn phát triển ổn định, uy tín ngày một tăng, tất nhiên không phải không có lúc khó khăn. TVA có lực lượng chuyên gia lão luyện, tinh thông nghề nghiệp, giỏi quản lý, kết hợp thế hệ già nhiều kinh nghiệm với thế hệ trẻ nhanh nhạy, giỏi tin học, thạo ngoại ngữ. Sự kết hợp đó làm cho sản phẩm dịch vụ của TVA có chất lượng tốt, độ tin cậy cao và cạnh tranh được với các nhà thầu khác.

Mỗi lần gặp tôi, anh lại tâm tư: Mình làm được nhiều việc cho các nước phát triển như Pháp, Anh, Đức, các nước Trung Đông, châu Phi, Mỹ La tinh, nhưng lại chưa làm được việc gì cho quê hương Việt Nam. Đã mấy lần anh đưa các tổng thầu lớn về Việt Nam tham gia dự án dầu khí, nhưng không thành công. Mới đây, tôi giới thiệu anh tham gia chào thầu dự án xử lý nước, xử lý rác thải, cũng vẫn chưa có kết quả.

bai 7 gap go dong nghiep o thu do dau luaAntoine Tran Van thăm Ploiesti"" />

Antoine Tran Van thăm Ploiesti

Tôi rất quý trọng hai người bạn đồng nghiệp của tôi, mặc dù tôi không có cùng sở thích bể bơi hay xe đua như họ. Nhưng chúng tôi cùng có lòng đam mê nghề nghiệp và cùng thích đi du ngoạn nhiều nơi. Có dịp, tôi sang nước Anh công tác mấy hôm, Antoine liền bay sang chơi. Hai anh em gặp nhau trò truyện mấy tiếng đồng hồ ở sân bay London, rồi Antoine lại bay về Paris, còn tôi quay về Reading bằng tàu hỏa. Đó cũng là một kỷ niệm mà hai anh em thấy thích thú, mỗi lần nhắc lại.

Tôi không có nghị lực và lòng dũng cảm như hai bạn đồng nghiệp đã dấn thân lập nghiệp. Nhưng tôi học được ở họ những đức tính của các doanh nhân làm ăn trong ngành dầu khí với lòng yêu nghề tới mức “sinh nghề, tử nghiệp”. Mặc dù suốt đời tôi chỉ là một người đi làm thuê mẫn cán, được đào tạo trong nhà trường xã hội chủ nghĩa và trưởng thành trong doanh nghiệp nhà nước, nhưng tôi cũng bằng lòng với những gì mình đã làm được và đóng góp cho ngành Dầu khí Việt Nam, đóng góp cho đất nước thân yêu của tôi. Dù có khác biệt, ba chúng tôi vẫn yêu quý nhau. Phải chăng đó là tình đồng nghiệp.

Mọi người bịn rịn chia tay. Chị Maria đưa chúng tôi về khách sạn. Dọc đường, chị còn mua mấy cân quả anh đào tặng hai anh em. Thung lũng Prahova đang vào mùa anh đào và quả dâu tây; có vài đôi vợ chồng nông dân địa phương bày trái cây bán ở ven đường. Những trái cây chín vừa hái, mới ngon làm sao! Nó cũng ngọt ngào như hương vị của tình đồng nghiệp giữa ba anh em chúng tôi và tình cảm của chị Maria Hant, cũng là một đồng nghiệp trên mảnh đất của Thủ đô dầu lửa - Thủ đô vàng đen.

Xin nói thêm, tháng 9 năm ấy, chị Maria gặp hai vợ chồng tôi trong lễ kỷ niệm 25 năm thành lập TVA Engneering Group do anh Antoine Tran Van tổ chức tại Lâu đài Sceau ở Antony. Một lễ kỷ niệm hoành tráng và ấm áp tình đồng nghiệp của công ty TVA Group do Antoine làm chủ. Thị trưởng Antony và vùng Thượng sông Seine có bài phát biểu ấn tượng, ca ngợi những nỗ lực, thành công và sự đóng góp cho địa phương của TVA nói chung và của cá nhân Antoine Tran Van nói riêng. Hôm sau, chúng tôi đón chị Maria cùng đi chơi, trèo lên nóc Khải Hoàn Môn ngắm cảnh Paris tráng lệ, dạo phố trên đường Champs Elise lộng lẫy và ngồi thư giãn trong vườn hoa Tuilier thơ mộng. Mới đây, Antoine mời chúng tôi tới dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập của TVA Engineering sẽ được tổ chức vào tháng 9 năm 2018. Kỷ niệm về những người bạn đồng nghiệp thi vị biết nhường nào.

Cảnh hoàng hôn trên đường về trung tâm thành phố Ploiesti làm tôi bồi hồi xúc động. Những kỷ niệm thời sinh viên trong ký ức lại bừng lên với tình cảm dạt dào. Tôi đã thực tập ở Nhà máy Lọc dầu số 1 Ploiesti trong xưởng chưng cất dầu thô; ở nhà máy Teleajen trong cụm sản xuất dầu nhờn và ở Liên hợp lọc hóa dầu Brazi trong xưởng Reforming xúc tác và một vài xưởng hóa dầu. Các giáo sư và trợ giảng, các bạn học cùng lớp, cùng tổ đi thực tập hè với nhau, và cả những lần gặp các anh chị trong đoàn thực tập sinh Việt Nam ở Ploiesti...

Nhân tiện, tôi muốn nói vài lời về thành phố Ploiesti, Thủ đô vàng đen, nơi ba anh em đồng nghiệp chúng tôi có cuộc hội ngộ đầy cảm xúc.

Thành phố Ploiesti là thủ phủ của tỉnh Prahova, với biệt danh được phong tặng lâu nay là “Thủ đô vàng đen” của Rumani.

Thành phố Ploiesti có từ xa xưa, nhưng tên Ploiesti được ghi chép lần đầu tiên từ thế kỷ 16, trong các văn bản của triều đại nhà vua Mihai Viteazu (Mihai dũng mãnh), Hoàng tử xứ Valahia. Thành phố Ploiesti phát triển thành một trung tâm thương mại và sản xuất thủ công trong thế kỷ 17 và thế kỷ 18. Dân cư của Ploiesti năm 1837 là 3.000 người; công nghiệp dầu mỏ làm cho dân số của thành phố này tăng lên nhanh chóng, tới năm 1930 dân số đã là 79.149 người, năm 1992 có 252.715 người, năm 2011 còn 197.542 người.

Từ giữa thế kỷ 19, khu vực Ploiesti trở thành một trong những cái nôi của nghề khai thác dầu mỏ và lọc dầu của Rumani và thế giới. Năm 1857, sản lượng dầu thô khai thác ở xung quanh thành phố Ploiesti chiếm 80% sản lượng dầu thô khai thác của Rumani. Cũng trong năm đó, nhà máy lọc dầu đầu tiên của thế giới được xây dựng tại Ploiesti để sản xuất dầu hỏa. Năm 1895, xung quanh thành phố Ploiesti tập trung nhiều mỏ dầu và có tới 40 nhà máy lọc dầu lớn nhỏ. Năm 1903, tại đây hội tụ 12 công ty đến từ Áo - Hung, 6 công ty Hà Lan, 4 công ty Anh quốc, 2 công ty Bỉ, và 1 công ty Pháp. Năm 1905 lại thêm các công ty của Đức, Hoa Kỳ (Standard Oil của nhà tài phiệt dầu lửa Rockefeller), Italia...

Sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất, Ploiesti vẫn là trung tâm khai thác và lọc dầu với 15 nhà máy lọc dầu hoạt động vào năm 1920. Giai đoạn sau Đại chiến thế giới lần thứ 2 tới năm 1990, Rumani tái cấu trúc ngành dầu mỏ, Ploiesti tiếp tục là trung tâm khai thác dầu thô, lọc hóa dầu (với 7 nhà máy lọc hóa dầu ở xung quanh), cùng các cơ sở nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị dầu khí.Ploiesti còn là đầu mối giao thông đường bộ và đường sắt quan trọng của Rumani, nối Thủ đô Bucarest với vùng Transilvania và vùng Moldova. Thành phố Ploiesti có 11 viện bảo tàng, gồm Bảo tàng quốc gia về dầu mỏ, Bảo tàng Nghệ thuật Ploiesti, Bảo tàng Lịch sử và khảo cổ Ploiesti, Bảo tàng Đồng hồ, Bảo tàng Ion Luca Caragiale, Bảo tàng Khoa học tự nhiên Ploiesti, Bảo tàng tưởng niệm Paul Constantinescu, Bảo tàng tưởng niện Constantin và Ion Stere, Nhà tưởng niệm Ion Luca Caragiale, Nhà tưởng niệm Nichita Stanescu, Nhà Targovet Thế kỷ 18. Ngoài ra, Ploiesti có Cung văn hóa, Thư viện, Nhà hát Toma Caragiu và 16 bệnh viện và trung tâm y tế.

Ngày hôm sau, anh Antoine Tran Van bay về Paris, còn tôi cũng từ biệt thành phố Ploiesti, đi tham quan Liên hợp hóa chất Ramnicu Valcea vang bóng một thời, mang theo tình cảm ấm áp của những người đồng nghiệp.

Sài Gòn, tháng 3 năm 2018

Bỳ Văn Tứ

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 4
  • 383
  • 21,934,457