Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

KINH TẾ - THƯƠNG MẠI RUMANI SÁU THÁNG ĐẦU NĂM 2020

  28/08/2020

Tình hình chính trị, xã hội của Rumani những tháng đầu năm 2020 tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn. Chính phủ của đảng Tự do Quốc gia (PNL) do ông Ludovic Orban làm Thủ tướng được thành lập ngày 4/11/2019 (sau thắng lợi của cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ của cựu Thủ tướng Viorica Dancila thuộc đảng Dân chủ Xã hội PSD ngày 10/10/2019) với chưa đầy 1/3 số ghế tại Quốc hội sẽ phải đương đầu với nguy cơ của các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do phe đối lập khởi xướng tại Quốc hội cũng như những khó khăn, trở ngại trong việc thông qua các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội và điều hành đất nước.

 1.      Tình hình chính trị, xã hội  :

Tình hình chính trị, xã hội của Rumani những tháng đầu năm 2020 tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn. Chính phủ của đảng Tự do Quốc gia (PNL) do ông Ludovic Orban làm Thủ tướng được thành lập ngày 4/11/2019 (sau thắng lợi của cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ của cựu Thủ tướng Viorica Dancila thuộc đảng Dân chủ Xã hội PSD ngày 10/10/2019) với chưa đầy 1/3 số ghế tại Quốc hội sẽ phải đương đầu với nguy cơ của các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do phe đối lập khởi xướng tại Quốc hội cũng như những khó khăn, trở ngại trong việc thông qua các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội và điều hành đất nước.

Ngày 5/2/2020, theo đề nghị của đảng PSD, Quốc hội Rumani đã bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của PNL do Thủ tướng Ludovic Orban đứng đầu. Với 261 phiếu thuận (trong khi chỉ cần 233 phiếu), Quốc hội Rumani đã chính thức bãi nhiệm chính phủ của Thủ tướng Ludovic Orban. Nhưng chỉ 01 ngày sau đó (6/2/2020), Tổng thống Klaus Iohannis tiếp tục chỉ định Ông Ludovic Orban làm Thủ tướng mới. Mục đích của Tổng thống và đảng tự do PNL là nhắm tới việc tổ chức bầu cử Quốc hội sớm vào khoảng thời gian từ ngày 15-30 tháng 6/2020 (trùng với thời điểm bầu cử chính quyền địa phương) trong khi theo quy định, bầu cử Quốc hội sẽ được tiến hành vào cuối năm 2020. Để có thể tiến hành bầu cử Quốc hội sớm,  theo Hiến pháp Rumani, Quốc hội phải phủ quyết 02 đề cử Thủ tướng của Tổng thống trong vòng 60 và sau đó Tổng thống quyết định giải tán Quốc hội.

Thủ tướng được chỉ định Ludovic Orban dự kiến sẽ trình Quốc hội danh sách nội các mới ngày 10/2/2020 (vẫn gồm 16 người như danh sách nội các cũ) và Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm nội các mới vào ngày 24/2/2020.  Tuy nhiên, Quốc hội không thể tiến hành bỏ phiếu như dự kiến vì PSD, ALDE và Pro- Romania đã lập liên minh đa số tạm thời (Adhoc majority) để tẩy chay cuộc bỏ phiếu. Ngoài ra, PSD cũng kiện ra Tòa án Hiến pháp vì cho rằng việc Tổng thống chỉ định Thủ tướng vừa bị miễn nhiệm đứng ra thành lập chính phủ mới là vi hiến. Ngày 26/2/2020, Tổng thống Klaus Iohannis đã chỉ định Bộ trưởng Tài chính Florin Citu đứng ra lập chính phủ mới sau khi tham khảo ý kiến các đảng phái trong quốc hội cũng như phán quyết của Tòa án Hiến pháp (CCR). Tòa cho rằng việc chỉ định Thủ tướng bị bãi nhiệm Ludovic Orban thành lập nội các mới sẽ không giành được sự ủng hộ của đa số tại Quốc hội và tạo ra cuộc chiến pháp lý giữa Quốc hội với Tổng thống. CCR cũng yêu cầu Tổng thống chỉ định Thủ tướng phải là người có khả năng giành được sự ủng hộ của đa số tại Quốc hội. Bộ trưởng Tài chính Florin Citu có 10 ngày để đệ trình danh sách nội các để Quốc hội thông qua. Ngày 12/3/2020, Florin Citu bất ngờ tuyên bố rút khỏi vị trí ứng viên Thủ tướng chỉ vài phút trước khi Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm vì cho rằng Thủ tướng tạm quyền Ludovic Orban cần phải tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo để xử lý cuộc khủng hoảng dịch Coronavirus đang diễn ra tại nước này cho dù trước đó một số thủ lĩnh phe đối lập tỏ ý ủng hộ ông vào vị trí này do tình hình khẩn cấp của dịch bệnh Corona.

Ngày 13/3/2020, Tổng thống chỉ định Thủ tướng tạm quyền Ludovic Orban đứng ra lập chính phủ mới sau khi tất cả lãnh đạo các đảng phái khẳng định chính phủ mới do Ludovic Orban làm Thủ tướng sẽ được chuẩn thuận và tuyên bố nhậm chức trong thời gian kỷ lục, có thể là ngay trong ngày thứ Bảy, 14/3/2020.  Và ngày 14/3/2020, với 286 phiếu thuận (Chỉ có đảng Pro Romania của cựu Thủ tướng Victor Ponta và một số nghị sỹ độc lập bỏ phiếu chống), Quốc hội Rumani đã thông qua chính phủ mới của Thủ tướng Orban. Đây là chính phủ được thành lập nhanh nhất tại Rumani trong vòng 30 năm qua (chỉ 01 ngày sau khi Tổng thống Klaus Iohannis chỉ định Orban lập nội các mới) mà lý do của nó là cần phải tập trung mọi nỗ lực để đối phó với đại dịch Coronavirus.

Danh sách thành viên chính phủ mới vẫn là các gương mặt của chính phủ bị miễn nhiệm trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào ngày 5/2/2020.

 2.      Tình hình dịch Coronavirus & các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong đại dịch và kế hoạch phục hồi kinh tế

a.      Tình hình Coronavirus :

Ngày 26/2/2020, Rumani công bố ca nhiễm coronavirus đầu tiên và số người nhiễm liên tục tăng cao. Nếu như đến ngày 28/2 Rumani mới có 03 ca nhiễm thì con số này đã tăng lên 06 ca vào ngày 5/3, 15 ca vào 8/3, 28 ca vào ngày 10/3, 70 ca vào ngày 13/3 và 108 ca vào ngày 14/3. Rumani đã chính thức chuyển sang áp dụng kịch bản 3 (scenario 3) - khi số người nhiễm từ trên 100 đến 2.000 người. Cho đến ngày 15/3 Rumania đã có 139 người nhiễm Coronavirus, 2.855 người bị cách ly bắt buộc và 16.640 đang tự cách ly tại nhà. Hầu hết các ca mắc coronavirus đều có nguồn gốc từ Italia. Đến tối ngày 16/3 đã có 168 ca nhiễm Covid 19 và cho đến ngày 17/3 có thêm 16 ca mới nâng tổng số ca nhiễm Covid 19 tại Rumani lên 184 người cùng với 3.282 người đang bị cách ly bắt buộc và 16.610 người đang cách ly tại nhà có giám sát y tế. Kể từ khi công bố tình trạng khẩn cấp, 18.000 nhân viên của Bộ nội vụ, cảnh sát, lính cứu hỏa, hiến binh và công an biên phòng đã được huy động làm nhiệm vụ. Trong vòng 24 giờ, lính cứu hỏa và nhân viên cơ quan tình trạng khẩn cấp quốc gia đã vận chuyển 153 người tới các bệnh viện và trung tâm cách ly trong nước. Để đối phó một cách hiệu quả với tác động của dịch Covid 19, Rumani đã dựng 162 lều trại để tiếp nhận phân loại bệnh nhân và đáp ứng yêu cầu cách ly.

Để ngăn chặn tình trạng lây lan nhanh của dịch Coronavirus, ngày 8/3/2020, chính quyền Rumani thông báo sẽ đóng cửa tất cả các trường học tại khu vực nếu phát hiện thậm chí chỉ 01 bệnh nhân nhiễm Coronavirus và cấm tổ chức các sự kiện với trên 1.000 người tham dự. Các sự kiện dưới 1.000 người phải được phép của chính quyền địa phương. Cấm thăm viếng bệnh nhân Corona tại bệnh viện và cấm các sinh viên ngành y tiếp cận bệnh viện. Quy định này có hiệu lực từ 8/3 đến 31/3/2020 và chính quyền sẽ xem xét kéo dài nếu cần. Bên cạnh đó, Wizz Air – hãng hàng không lớn nhất hoạt động tại Rumani thông báo hủy các chuyến bay từ Rumani tới các sân bay Treviso và Bergamo của Italia cho đến ngày 3/4/2020, sau khi chính phủ Italia đặt khu vực miền bắc nước này vào tình trạng cách ly. Blue Air cũng hủy các chuyến bay tới Milano ngày 8 và 9/3/2020 và cho biết sẽ áp dụng các biện pháp bổ xung sau khi đánh giá tình hình.

Bộ trưởng Nội vụ Marcel Vela cũng cho biết Ủy ban Tình trạng đặc biệt khẩn cấp Quốc gia thông báo dừng các chuyến bay đến và đi từ Italia tới các sân bay Rumani từ 12:00 ngày 9/3/2020 đến 12:00 ngày 23/3/2020. Các hãng hàng không có trách nhiệm thông báo cho công dân Rumani lên máy bay từ Italia, Trung quốc, Iran, Hàn quốc hay quá cảnh qua các nước này rằng họ sẽ bị cách ly tại lãnh thổ Rumani và có trách nhiệm khai báo, cam kết tự chịu trách nhiệm khi lên máy bay. Các hãng hàng không cũng không được cho người nước ngoài lên máy bay từ Italia, Iran, Trung quốc, Hàn quốc hoặc quá cảnh qua các nước trên tới Rumani. Quy định này có hiệu lực đến 31/3/2020.

Ngày 10/3/2020, Quốc vụ khanh Y tế Nelu Tataru cho biết những người bị cách ly bắt buộc hay cách ly tại nhà sẽ nhận được vòng theo dõi điện tử - thiết bị này sẽ gửi dữ liệu về sức khỏe và vị trí của họ. Hiện đã có 350 vòng, tuần tới sẽ có thêm 500 vòng nữa và hy vọng sẽ có 3.000 vòng trong vài tuần tới. Với những ca tự cách ly, thiết bị sẽ thông báo vị trí người đeo vòng và cho biết họ đang ở nhà hay ra ngoài siêu thị, trung tâm mua sắm. Còn với những ca bị cách ly bắt buộc sẽ được chính quyền giám sát (guarded by authorities).

Ngày 11/3/2020, các biện pháp bổ xung đã được tăng cường như hạn chế tất cả các hoạt động trong nhà với trên 100 người tham dự. Hạn chế này áp dụng đối với các hoạt động thể thao, văn hóa, nghệ thuật, giải trí, và tôn giáo. Người đứng đầu cơ quan tình trạng khẩn cấp (DSU) – Raed Arafat cũng khuyến nghị các bảo tàng dừng hoạt động đến 31/3 và các trường đại học dừng các khóa học cho đến thời điểm trên. Chính quyền sẽ tạm dừng xuất khẩu các loại thuốc thiết yếu dùng để chữa trị coronavirus. Các trường học sẽ đóng cửa từ 11/3 đến 22/3/2020. Rumani cũng quyết định hủy các chuyến bay, tàu hỏa và xe buýt đến và đi từ Italia và cách ly bắt buộc tất cả những người đến từ Italia, miền bắc nước Pháp và thủ đô Madrid của Tây Ban Nha. Những người đến từ vùng có nguy cơ được khuyến nghị phải tôn trọng các quy định an toàn và chớ xem thường các quy định này. Nếu vi phạm sẽ bị phạt 4.000 Euro. Rumani cũng đã thành lập Ủy ban đặc biệt (GLI-ECOROM) và đang hoạch định các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của dịch coronavirus đối với nền kinh tế.

Ngày 14/3/2020 (khi Rumani áp dụng kịch bản 3 về dịch Corona), chính quyền quyết định hạn chế các hoạt động văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thể thao giải trí tổ chức trong nhà với trên 50 người tham dự bao gồm cả phòng Spa, phòng Gym, Beauty Salon và Casino. Một số công ty sở hữu những trung tâm mua sắm lớn như AFI Europe và NEPI Rockcastle công bố giảm thời gian mở cửa để hạn chế sự lây lan của coronavirus. AFI công bố mở cửa hệ thống từ 12:00 đến 20:00. Tuy nhiên, hiệu thuốc vẫn mở cửa bình thường. Còn NEPI Rockcastle – chủ sở hữu nhưng shopping malls lớn nhất tại Bucharest, cũng giảm thời gian mở cửa các Mall của họ tại Promenada, Mega Mall, Vulcan Value Center, Iris Titan Shopping Center từ 12:00 đến 20:00 (trừ hiệu thuốc và hyper markets). CEETRUS và Veranda cũng áp dụng thời gian mở cửa tương tự.

Rumani cũng quyết định đóng cửa các lối mở biên giới (small crossing points at borders) với Hungary, Ukraine, Công hòa Moldova, Bulgaria và Serbia để tập trung nguồn lực chống coronavirus cho các cửa khẩu chính. Ngày 15/3/2020, chính quyền Rumani thông báo những người đến Rumani từ các nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi đại dịch Coronavirus sẽ bị cách ly bắt buộc hoặc tự cách ly 14 ngày. Hạn chế này được áp dụng cho các nước được xác nhận có trên 500 ca mắc Covid 19. Theo danh sách cập nhật đến ngày 15/3, việc cách ly bắt buộc 14 ngày sẽ được áp dụng với những người đến Rumani từ Italia, Iran, Hồ Bắc (Trung quốc), Thành phố Daegu và Cheongdo (Hàn quốc). Trong khi việc buộc tự cách ly được áp dụng đối với những người đến từ Áo, Bỉ, Đan Mạch, Hàn quốc, Thụy sĩ, Pháp, Đức, Nhật, Anh, Na Uy, Hà lan, Trung quốc, Tây Ban Nha, Mỹ và Thụy điển.

Do mức độ nghiêm trọng của đại dịch Corona tại Rumani và sự lây lan toàn cầu, ngày 16/3/2020, Tổng thống Rumani Klaus Iohannis đã chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 30 ngày để chống lại đại dịch này. Theo đó, các trường học sẽ đóng cửa và các trường đại học cũng sẽ ngừng hoạt động trong suốt thời gian này. Việc giảng dạy sẽ được tiến hành qua internet và truyền hình. Để giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân trong thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp, nếu cần, nhà nước sẽ khống chế giá trần đối với dược phẩm, thiết bị y tế, thực phẩm thiết yếu cũng như các dịch vụ công như điện, sưởi, gas, nước sinh hoạt, vệ sinh, nhiên liệu với mức giá ngang với mức trung bình của 03 tháng trước khi công bố tình trạng khẩn cấp.

Để đối phó với đại dịch Coronavirus, Chính phủ Rumani đã áp dụng tình trạng khẩn cấp từ 16/3 đến 15/4 và từ 16/4 đến 15/5 và tình trạng báo động trong 30 ngày bắt đầu từ ngày 18/5 và được gia hạn thêm 30 ngày nữa tính từ 17/6 vừa rồi.

Tính đến ngày 24/6/2020, đã có 24.826 người nhiễm coronavirus. Trong số đó 17.391 người được chữa khỏi, 1.555 người tử vong, 186 người đang được điều trị tích cực. Ngoài ra có 1.186 người đang phải cách ly tập trung và 72.377 đang được cách ly tại nhà có giám sát y tế. Cho tới thời điểm này, tình hình dịch bệnh tại Rumani vẫn đang diến biến hết sức phức tạp với số ca lây nhiễm bình quân trên 300 ca/ngày trong suốt 06 ngày gần đây.

b.      Các biện pháp hộ trợ người dân, doanh nghiệp trong dịch và kế hoạch hồi phục kinh tế

- Để hỗ trợ doanh nghiệp trước những tác động tiêu cực của đại dịch Cooronavirus, ngày 18/3 vừa qua, chính phủ Rumani đã thông qua các biện pháp hỗ trợ ban đầu đối với doanh nghiệp. Theo đó, chính phủ sẽ bảo lãnh các khoản vay để làm vốn hoạt động, để đầu tư và trả các khoản trợ cấp thất nghiệp tạm thời (technical unemployment) đối với các doanh nghiệp phải dừng hoạt động do dịch Coronavirus. Chính phủ cũng ban hành sắc lệnh đặc biệt để tăng trị giá gói bảo lãnh tối đa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Trị giá gói bảo lãnh theo luật hiện hành là 5 tỷ RON (1,04 tỷ Euro) nhưng chính phủ cam kết sẽ tăng lên mức 10 tỷ RON và nếu cần sẽ tăng lên tới 15 tỷ RON. Chính phủ sẽ bảo lãnh các khoản vay để làm vốn kinh doanh và đầu tư với sự tài trợ 100% lãi suất. Mức bảo lãnh sẽ là 90% trị giá khoản vay với các khoản vay có trị giá dưới 1 triệu RON và 80% với các khoản vay có trị giá từ 1 triệu RON trở lên. Chính phủ cũng quyết định giải ngân khoản thuế VAT trị giá 9 tỷ RON (1,87 tỷ Euro) cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có vốn hoạt động. Ngoài ra, Chính phủ Rumani dự kiến sẽ phân bổ ngân sách để giúp doanh nghiệp chi trả các chi phí y tế cho nhân viên khi nghỉ ốm (medical leaves) và chính phủ cũng sẽ chi trả tới 75% tổng mức thu nhập cho những người thất nghiệp kỹ thuật (nhưng không quá 75% mức lương trung bình quốc gia) do việc áp dụng tình trạng khẩn cấp.

- Ngày 13/4, EC thông qua kế hoạch hỗ trợ SMEs của Rumani trị giá 16 tỷ RON (3,3 tỷ Euro). Rumani cũng đang đàm phán với EC về việc hỗ trợ 130 triệu Euro cho 02 hãng hàng không Tarom (nhà nước) và Blue Air (tư nhân)

- Sáng ngày 17/4, Bộ trưởng tài chính Florin Citu chính thức khởi động chương trình hỗ trợ SMEs có tên IMM Invest có trị giá 15 tỷ RON thông quy Quỹ bảo lãnh Tín dụng Quốc gia và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp lớn của EXIMBANK. Đây được coi là hai biện pháp đầu tiên mà Chính phủ thực hiện để tái khởi động nền kinh tế.  

- Gần đây, Chính phủ Rumani đã đưa ra kế hoạch phục hồi nền kinh tế. Theo đó, để giữ chân người lao động, chính phủ sẽ hỗ trợ một phần tiền lương trong khoảng thời gian nhất định với mức từ 35% đến 41,5% mức lương trung bình quốc gia (nhưng không quá 2.253,00 RON) đối với các lao động thất nghiệp tạm thời quay trở lại làm việc từ 1/6/2020. Chính phủ cũng sẽ bảo lãnh các khoản vay cho các doanh nghiệp lớn tương tự như đã làm với các doanh nghiệp nhỏ SMEs. Ngoài ra, chính phủ dự kiến thành lập quỹ đầu tư được tài trợ từ các nguồn lực xã hội theo mô hình của Ba lan. Quỹ này sẽ được niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán Bucharest để thu hút nguồn tiền từ công chúng. Chính phủ cũng sẽ dùng 6% GDP để đầu tư vào các dự án công về hạ tầng trong 2 năm tới.

 3.      Tình hình kinh tế :

Trong những tháng đầu năm 2020, đại dịch Coronavirus đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế các nước thành viên EU27 nói chung và Rumani nói riêng. Tuy nhiên, GDP của Rumani vẫn đạt mức tăng khá khả quan so với các nền kinh tế khác của EU. Theo số liệu thống kê của Viện thống kê Quốc gia Rumani (INS), tăng trưởng GDP của Rumani trong quý I/2020 tăng 2,4% và sau điều chỉnh (seasonally adjusted) là 2,7% so với mức tăng 5% cùng kỳ của năm 2019 và thâm hụt ngân sách 03 tháng đầu năm chiếm 1,67% GDP. Trong khi kim ngạch xuất khẩu chỉ giảm 2,6% so với cùng kỳ 2019 xuống còn 17,07 tỷ Euros và nhập khẩu tăng 1,3%, đạt 21,53 tỷ Euros. Trong đó xuất khẩu nội khối đạt 12,3 tỷ Euros (chiếm 72,3% kim ngạch xuất khẩu của Rumani) và nhập khẩu nội khối đạt 15,8 tỷ Euros (chiếm 73,5% kim ngạch nhập khẩu).

Theo Eurostat, trong quý I/2020, GDP của Rumani tăng cao nhất EU27 với mức 2,7%, tiếp theo là Lithuania với 2,5%, Bulgaria với 2,4% và giảm nhiều nhất là Pháp với -5,4%, Ý với -4,8%, Tây Ban Nha và Slovakia với cùng -4,1%. Trong khi đó, GDP khu vực đồng Euro giảm 3,2% và toàn bộ khối EU giảm 2,6%.

Việc áp dụng tình trạng khẩn cấp từ 16/3 đến 15/4 và từ 16/4 đến 15/5 cũng như tình trạng báo động trong 30 ngày bắt đầu từ ngày 18/5 và được gia hạn thêm 30 ngày nữa tính từ 17/6 vừa rồi (do số ca lây nhiễm Covid-19 tiếp tục gia tăng) với hàng loạt các hạn chế đã làm tê liệt hầu như toàn bộ các hoạt động kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực như vận tải, du lịch, bán lẻ, dịch vụ… và cả sản xuất. Do đó tăng trưởng GDP trong quý II và cả năm chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhiều.

Theo dự báo gần đây của Chính phủ Rumani, GDP Rumani sẽ giảm 1,9% năm 2020 và thâm hụt ngân sách ở mức 6,7% trong khi IMF dự báo GDP của Rumani sẽ giảm 5% trong năm nay. Còn theo dự báo của World Bank, GDP Rumani sẽ chỉ tăng 0,3% trong năm nay (dự báo trước đó là 3,5%). Ủy ban châu Âu (EC) cũng dự báo : kinh tế Rumani sẽ giảm 6% năm 2020, thất nghiệp sẽ tăng lên mức 6,5% (năm 2019 là 3,9%) và giảm xuống còn 5,4% vào năm 2021; thâm hụt ngân sách của Rumani trong năm nay sẽ ở mức 9,2% GDP (mức dự báo của Chính phủ là 6,7%); xuất khẩu Rumani 2020 sẽ giảm 12,8% & nhập khẩu giảm 14,4%, thâm hụt thương mại sẽ chiếm 6,6% GDP so với 7,8% của năm 2019.

Những bất ổn trên chính trường Rumani cũng như hậu quả nặng nề gây ra bởi đại dịch coronavirus chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động kinh tế cũng như mục tiêu tăng trưởng của nước này trong năm 2020 và thậm chí cả một vài năm tiếp theo .

 4.      Một số thông tin tham khảo :

*** Theo Sắc lệnh quân sự số 08 (8th Military Ordinance) của Đạo luật về tình trạng khẩn cấp, Rumani tạm dừng/cấm xuất khẩu các mặt hàng ngũ cốc, đường, dầu ăn và một số loại nông sản khác trong suốt thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp. Cụ thể là đối với các sản phẩm như lúa mỳ (wheat), lúa mạch (barley), kiều mạch (Oat), bột mỳ, đậu tương, dầu ăn, đường và một số loại bánh. Buôn bán nội khối các sản phẩm này không bị cấm nếu nước thành viên chứng minh được việc mua các sản phẩm này để phục vụ tiêu dùng trong nước hoặc trong cộng đồng EU.

 *** Ngày 23/4, Hạ viện Rumani đã thông qua luật cấm xuất khẩu gỗ tròn (log wood) ra ngoài khối EU trong vòng 10 năm có hiệu lực từ năm 2021.

 *** Bộ trưởng Nông nghiệp Rumani Adrian Oros cho biết sản lượng ngũ cốc của Rumani năm nay sẽ giảm khoảng 50% do hạn hán nghiêm trọng kéo dài. Khoảng 3 triệu ha lúa mỳ, đại mạch, cải dầu (rape) và hắc mạch (rye) đã bị ảnh hưởng bởi hạn hán.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Rumani

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 16
  • 2455
  • 22,379,088