Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

Bài 3: CẢI TIẾN VÀ ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP ĐỊA VẬT LÝ CỦA RUMANI VÀO VIỆC TĂM DÓ DẦU KHÍ Ở VIỆT NAM

  29/09/2020

Phương pháp điện trường nhân tạo trực giao (ĐNT) được Đoàn thăm dò điện 36D của Liên đoàn Địa chất dầu mỏ 36 thuộc Tổng cục Địa chất Việt Nam sử dụng kết hợp với các phương pháp trọng lực, địa chấn thăm dò trên 8 cấu tạo thuộc bể trầm tích sông Hồng trong các năm 1972-1976 làm sáng tỏ cấu trúc miền võng Hà Nội.

Tác giả - PGS.TS Trần Ngọc Toản

Nguyên Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam

Từ phương pháp thăm dò điện (MEI) của Rumani đến phương pháp điện trường nhân tạo trực giao (ĐNT) của Việt Nam

Tôi tốt nghiệp kỹ sư Địa chất - chuyên ngành Địa vật lý năm 1963 và tiến sĩ Địa vật lý tại Học viện Dầu khí và Địa chất (IPGG) của Rumani năm 1970.

Luận án tốt nghiệp kỹ sư Địa chất - chuyên ngành Địa vật lý và luận án tiến sĩ Địa vật lý của tôi đều là đề tài lý thuyết thuộc lĩnh vực toán-lý về mô hình giải tích các bài toán phân bố điện trường trong môi trường phân lớp bất đồng nhất có điện trở thay đổi trong không gian và chứa nền cách điện cùng các bối tà có tiết diện eliptic, một loại mỏ dầu khí thường gặp, do Giáo sư - Viện sĩ Sabba Stefanescu hướng dẫn.

Các bài toán này nếu giải theo lý thuyết các trường phổ dụng trong vật lý học truyền thống thì rất khó khăn cả về mặt toán học lẫn khối lượng tính toán rất lớn không đủ thời gian thực hiện trong quá trình làm luận án nếu không có máy tính điện tử hiện đại, công suất cao. Thầy giáo của tôi là tác giả của hàm tích phân mang tên ông (tích phân Stefanesco, được giảng dạy trong các trường đại học địa vật lý khắp thế giới, nổi tiếng về lý thuyết điện trường trong môi trường phân lớp nằm ngang) và là tác giả của lý thuyết trường Alpha, một loại trường điện từ đặc biệt trong môi trường có điện trở biến thiên liên tục trong không gian.

Sử dụng kết hợp các trung tâm alpha theo các cách khác nhau ta có thể xây dựng các mô hình giải tích (analytical modellage) mô phỏng các cấu trúc địa chất phức tạp để tìm ra các công thức toán học mô tả dạng phân bố điện trường trong lòng đất thỏa mãn các định lý vật lý và từ đó viết các phần mềm bằng ngôn ngữ tin học hiện đại để dựng lại hình ảnh trường điện từ trong môi trường nghiên cứu, làm cơ sở cho những ứng dụng trên môi trường thực trong thăm dò địa vật lý.

Điều rất may mắn là tại thời điểm đó, Rumani vừa nhận được chiếc máy tính IBM360 công suất cao đầu tiên của Mỹ sản xuất, một loại máy trong diện cấm vận đối với các nước xã hội chủ nghĩa và Hội Toán học Rumani chuẩn bị đào tạo cán bộ sử dụng công cụ kỹ thuật số hiện đại này. Thầy Sabba đã gửi tôi sang Trung tâm Toán học của Đại học Tổng hợp Bucarest học cùng với các bạn Rumani trong 6 tháng về cách vận hành phần cứng và viết chương trình (phần mềm) bằng ngôn ngữ Fortran IV, loại ngôn ngữ máy tính mới nhất lúc bấy giờ. Viện sĩ Drimba cùng thầy Sabba hướng dẫn cho tôi tự học thêm các hàm đặc biệt như Mac Donald, Mathiew…, phương trình đạo hàm riêng dạng eliptic và lý thuyết truyền tin để có thể vận dụng giải các bài toán có thể sẽ gặp trong đề tài nghiên cứu của mình.

Nhờ sự hướng dẫn rất tận tình đó tôi đã hoàn thành luận án bảo vệ đạt điểm 10 và được đánh giá cao. Trong nghiệm của các bài toán trong đề tài có chứa 2 hàm đặc biệt mới, kết hợp giữa hàm Bessel, Mac Donald và hàm Mathiew, tôi đặt tên là hàm S1, S2 (chữ đầu của tên thầy) để tỏ lòng biết ơn thầy. Khi thầy nhận được bản thảo, thầy đã đổi thành hàm S và hàm T (chữ đầu của tên tôi) làm tôi vô cùng cảm động.

Dựa trên các kết quả lý thuyết thu được, khi về nước tôi đã cải tiến phương pháp thăm dò điện MEI (phương pháp điện cực phát giao nhau), một sáng tạo riêng của các nhà địa vật lý Rumani, bổ sung các tham số tính toán để khai thác thêm các thông tin vật lý của môi trường từ các đại lượng mật độ năng lượng điện trường, các đạo hàm bậc cao của trường thế, tỷ suất giữa điện trường đo được trên thực địa với điện trường chuẩn lý thuyết v.v… và đặt tên Việt Nam là phương pháp điện trường nhân tạo trực giao (phương pháp thăm dò điện ĐNT). Phương pháp ĐNT được Đoàn thăm dò điện 36D của Liên đoàn Địa chất dầu mỏ 36 thuộc Tổng cục Địa chất Việt Nam sử dụng kết hợp với các phương pháp trọng lực, địa chấn thăm dò trên 8 cấu tạo thuộc bể trầm tích sông Hồng trong các năm 1972-1976 làm sáng tỏ cấu trúc miền võng Hà Nội.

Tôi rất cảm kích và biết ơn về tinh thần tận tụy, trách nhiệm, sáng tạo trong công việc của tập thể kỹ sư, kỹ thuật viên của Đoàn 36D, với những tên người mà tôi rất yêu quý như Nguyễn Tấn Kích, Lê Đồng Giai, Nguyễn Tài, Đặng Công Long, Nguyễn Hòa, Phan Hồng Quế v.v.., khi áp dụng một phương pháp mới, với đường dây phát điện vào lòng đất dài từ 10 đến 20 km, thông tin giữa thiết bị phát và thiết bị thu xa nhau rất phức tạp, cộng với vô vàn khó khăn của điều kiện chiến tranh khốc liệt để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Các báo cáo kết quả hiện nay được giữ trong kho tài liệu lưu trữ của Tổng cục Địa chất và của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Tôi đánh giá cao các quan điểm chủ đạo trong điều hành toàn diện hoạt động dầu khí của Rumani, một đất nước có tiềm năng dầu khí thuộc loại trung bình trên thế giới nhưng lại có hiệu quả rất cao, không những bảo đảm an ninh năng lượng nội địa lại còn là nước xuất khẩu thiết bị khoan, thiết bị lọc dầu cùng các sản phẩm lọc-hóa dầu có uy tín trên thị trường thế giới.

Trong giờ giải lao, thầy Sabba thường nói với tôi rằng, trong đào tạo nhân lực, chức năng chính của người thầy là khơi dậy trí thông minh, tình yêu khoa học và tinh thần tự học; chương trình giảng dạy phải coi trọng cả phần lý thuyết cơ bản lẫn thực hành vì lý thuyết khoa học cơ bản là nền tảng để người được đào tạo dễ dàng thích nghi với tốc độ phát triển rất cao, rất đa dạng của các tiến bộ khoa học - công nghệ trong thời đại văn minh hiện nay. Các kiến thức chuyên ngành phải vừa sâu, vừa cập nhật mới nhất để tiếp nhận công nghệ mới và tạo điều kiện để người kỹ sư tương lai có khả năng tạo ra sáng kiến, cải tiến/phát minh công nghệ, lại vừa đủ rộng để có thể hiểu bao quát hoạt động dầu khí cả về phương diện công nghệ lẫn kinh tế để hợp tác, tạo ra sản phẩm có giá thành thấp.

Khi học về quản lý-kinh tế và lọc-hóa dầu, thầy Covrig và C. Creangă giải thích cho tôi rằng đối với một nước nhỏ, Đức Chúa không ưu ái ban cho nhiều tài nguyên thì tìm kiếm thăm dò để đánh giá đúng tiềm năng, trữ lượng dầu khí trong nước là hết sức quan trọng nhưng khai thác thì phải tiết kiệm, chỉ cần đủ dùng chứ không phục vụ cho xuất khẩu nguyên liệu thô vì dầu khí sẽ cạn kiệt nhanh, biến nước mình thành nước nhập khẩu dầu mỏ rất bất lợi. Do đó phải phát triển ngành lọc hóa dầu, mua dầu thô nước ngoài về chế biến, tạo ra giá trị thặng dư bằng trí tuệ và lao động của mình để làm giàu. Những lời dạy ấy cùng các kiến thức thu nhận được trong quá trình được đào tạo ở Rumani thấm sâu trong nhận thức của tôi, đã giúp ích cho tôi rất nhiều khi làm việc ở Việt Nam trên cương vị của nhà giáo, nhà kỹ thuật hoặc nhà quản lý và tôi rất biết ơn.

Tình thầy trò

Sau đợt đầu tiên năm 1955, tháng 8/1956, nhóm lưu học sinh Việt Nam đợt 2 được Bộ Giáo dục gửi sang Cộng hòa nhân dân Rumani học tập theo hiệp định tương trợ hữu nghị giữa hai nước để đào tạo nhân lực phục vụ chương trình khôi phục kinh tế của nước ta sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng.

Nhóm gồm 5 người, trong đó chỉ có 1 học sinh đã học xong chương trình lớp 8 là anh Trương Văn Bích, học sinh Trường Bắc Lý, số còn lại gồm những cán bộ hoặc bộ đội, trình độ văn hóa khác nhau. Người lớn tuổi nhất là anh Trần Ngọc Ý, cán bộ dân sự tỉnh Bình Định, đã học xong lớp đệ tứ (tương đương lớp 8) theo chương trình giáo dục của Pháp trước Cách mạng tháng 8 năm 1945. Hai quân nhân là anh Nguyễn Hoàng Minh, nguyên đại úy bộ đội chủ lực Liên khu 5 (gồm các tỉnh miền Nam Trung Bộ, từ Quảng Nam đến Bình Thuận) và Trần Ngọc Toản.

Anh Minh là học sinh đang học lớp đệ tứ (khoảng năm 1948) tại Trường Trung học kháng chiến của Liên khu 5 thì xung phong nhập ngũ, chiến đấu dũng cảm, chủ yếu ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau Hiệp định đình chiến Geneve 1954, anh được giải ngũ về nhà làm ăn ở Hội An thì bị quân đội Liên hiệp Pháp bắt, buộc đá vào người, ban đêm ném xuống đập Vĩnh Trinh cùng các người đã tham gia kháng chiến khác để thủ tiêu. Anh Minh may mắn khi cục đá rơi khỏi cơ thể, hai tay vẫn bị trói nhưng anh dùng chân giúp người nổi trên mặt nước, sáng hôm sau được nhân dân cứu sống.

Anh được bí mật đưa ra Bắc chữa bệnh và sau đó được Chính phủ gửi đi học tiếp. Là một người có tố chất rất thông minh, mặc dù tuổi đã gần vào nhóm U30, lại bỏ học 7 năm, nhưng trong những năm học ở Trường Đại học Mỏ Petrosani anh đã học rất giỏi, được học bổng Gheor-GhiuDej, về nước làm việc trực tiếp trong sản xuất ở khu mỏ Cẩm Phả với chức danh kỹ sư, trước khi chuyển sang làm cán bộ quản lý ở Bộ Năng lượng và qua đời trong bệnh tật, vợ con đều bị bệnh tâm thần do di sản của những bất hạnh trong cuộc đời anh. Tôi viết hơi dài về anh vì muốn gửi một nén hương đến linh hồn anh, một chiến sĩ xuất sắc trên nhiều mặt trận của cách mạng với tư cách một người lính Cụ Hồ nhân dịp ngày kỷ niệm thành lập quân đội nhân dân Việt Nam quang vinh, mong bạn đọc thông cảm.

Anh Thuận là một trẻ mồ côi, không hề nhớ quê hương, họ hàng mình ở đâu. Cha mẹ đều chết đói năm 1945, anh được các anh cán bộ tỉnh Hòa Bình nhặt đem về nuôi, cho đi học và giúp việc cơ quan nên có nhiều lỗ hổng trong kiến thức văn hóa, do đó gặp nhiều khó khăn trong học tập. Tôi là người ít tuổi nhất trong nhóm, cuối năm 1955 được quân đội cho đi học bổ túc văn hóa hết kỳ I lớp 7 thì đi tập trung chuẩn bị đi học nước ngoài.

Tất cả chúng tôi trước khi lên đường sang xứ bạn đều rất mơ hồ về đất nước Rumani, lúc đó còn gọi là Lỗ Mã Ni, theo cách đọc chữ Hán. Trong nhóm, trừ anh Ý và anh Minh biết một ít tiếng Pháp, 3 người còn lại không ai biết một từ ngoại ngữ nào và vì trình độ văn hóa của chúng tôi quá thấp nên chẳng ai biết sẽ học sơ cấp hoặc trung cấp những ngành học nào.

Một kỷ niệm khó quên là khi chuẩn bị qua biên giới Liên Xô - Rumani, chúng tôi còn một số đồng rúp, anh Ý dùng tiếng Pháp nhờ mấy bạn sinh viên Rumani học ở Nga về nước nghỉ hè đổi sang tiền Rumani. Các bạn nồng nhiệt nhận lời và rất bất ngờ sau nửa giờ họ mang về 2 thùng nho và táo. Không sao cả, chúng tôi cùng các bạn liên hoan vui vẻ, nói chuyện với nhau bằng nụ cười và bằng ngôn ngữ của dân tộc mình nhưng đều tỏ ra hiểu nhau cả.

Ra đón chúng tôi ở sân ga Bucarest-Bắc có ông Campeanu, cán bộ Ban Quản lý sinh viên nước ngoài của Bộ Giáo dục Rumani, cùng các bạn Việt Nam đã sang năm trước, tuy chưa từng quen biết nhưng cảm thấy hết sức thân thiết, nên rất thuận lợi mặc dù lúc bấy giờ nước ta chưa có đại sứ quán tại Rumani. Riêng ông Campeanu là một đại diện điển hình của tình hữu nghị anh em của nhân dân nước bạn giành cho Việt Nam. Ông để lại cho chúng tôi những ấn tượng sâu sắc mãi mãi về sau qua những tình cảm rất gia đình trong những năm đầu tiên xa Tổ quốc. Gần như ngày nào ông và vợ cũng đến dẫn chúng tôi đi ăn, đi mua những thứ cần thiết cho cuộc sống và cả đi chơi để khỏi nhớ nhà.

Chúng tôi được bố trí ở một ký túc xá nhỏ ở quảng trường Rosetii, cách Trường Đại học Tổng hợp Bucarest khoảng 400 m, nơi chúng tôi được học ngoại ngữ và bổ túc kiến thức trung học trong hai năm, để có thể đi bộ đến lớp, khỏi phải lúng túng khi chưa quen biết thành phố lớn này. Sự quan tâm rất cảm động này cũng được áp dụng cho nhóm lưu học sinh Việt Nam sang năm trước, các anh chị đó cũng được ở cách trường từ 50 m đến 500 m trong lúc các bạn ngoại quốc khác thì ở khá xa trường.

Nhóm chúng tôi chỉ 5 người mà có đến 7 giáo sư dạy 5 môn: Tiếng Rumani, Toán, Lý, Hóa và một số kiến thức văn học sử Rumani. Các môn Toán, Lý, Hóa được học từ những khái niệm sơ đẳng trở đi, vừa để học ngôn ngữ chuyên ngành vừa để hệ thống hóa và bổ túc kiến thức cơ bản mà chúng tôi còn thiếu. Điều này giúp ích rất nhiều cho chúng tôi đạt được trình độ cần thiết trong chương trình giáo dục trung học hệ 12 năm của nước bạn trước khi bước chân vào trường đại học. Giáo trình Văn học - Sử vừa giúp học thêm tiếng Rumani để vừa biết vắn tắt về lịch sử đất nước cùng văn hóa đặc sắc của dân tộc Rumani. Đây có thể là kinh nghiệm rất quý cho việc soạn thảo chương trình học tiếng Việt cho du học sinh nước ngoài đến học các trường của Việt Nam. Đến nay đã hơn 60 năm trôi qua, chúng tôi vô cùng yêu quý tất cả các thầy cô, nhưng chỉ nhớ tên được một số người như bà Maria, cô Martha, cô Florica...

Sau khi kết thúc chương trình này, chúng tôi được chuyển vào học các trường đại học ở Bucarest và Petrosani theo sự phân công của Bộ Giáo dục Việt Nam và thỏa thuận giữa Đại sứ quán Việt Nam với Bộ Giáo dục Rumani.

Tôi được về Học viện Dầu mỏ - Khí đốt và Địa chất (Institutul de Petrol, gaze si Geologie), khoa Địa chất dầu khí, chuyên ngành Địa vật lý. Chương trình học rất nặng vì phải học tất cả các môn địa chất dầu khí cơ bản cùng các môn chuyên đề Địa vật lý, các môn đại cương về lọc-hóa dầu, công nghệ khoan-khai thác và quản lý-kinh tế ngành, kéo dài 5 năm; mỗi năm phải viết một tiểu luận chuyên đề; các môn thi học kỳ đều gồm 3 phần: thực hành trong phòng thí nghiệm, thi viết lý thuyết và thi phỏng vấn, điểm thi là điểm tổng hợp của 3 phần đó. Ngoài ra mỗi năm có 1 tháng đến 2 tháng thực tập ở các vùng mỏ (thực địa ngoài trời). Nội dung chương trình đào tạo là một sự kết hợp giữa chương trình của các trường dầu khí Mỹ - Tây Âu và một phần về kiến thức lý thuyết cơ bản của Liên Xô nên sử dụng được những mặt mạnh và khắc phục các mặt yếu của cả 2 trường phái tư bản (nặng về thực hành) và xã hội chủ nghĩa (nặng về lý thuyết) trong giai đoạn lịch sử thế kỷ 20. Vì thế Trường Dầu Bucarest được xếp trong nhóm các trường dầu hàng đầu trên phạm vi thế giới, một niềm tự hào của ngành công nghiệp dầu mỏ Rumani.

Phần lớn các thầy giáo trong giai đoạn giữa của thế kỷ 20 đều được đào tạo và làm việc ở các nước phát triển phương Tây trước 1945 nên uy tín rất cao. Trong khóa tôi học, các Giáo sư - Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học như các vị A.Codarcea (địa chất), G.Murgeanu (địa chất), Sabba Stefanescu (địa vật lý, lý thuyết trường vật lý, nguyên Tổng giám đốc kỹ thuật của Tập đoàn Schlumberger Pháp, giai đoạn 1925-1940), Liviu Constantinescu (trọng lực, địa từ); Iulian Gavăt (minh giải địa chất tài liệu địa vật lý), Constantin Drimba (toán học) v.v… đều là giảng viên chính các môn cơ bản và chuyên đề địa chất, địa vật lý, toán lý. Các tiến sĩ, giáo sư khác đều là những nhà khoa học có uy tín cao như bà Barbu (cổ sinh), Missac Nabighian, M.Pauca, A. Negut (địa vật lý) và về các chuyên đề trong ngành dầu khí khác mà tôi không thể nêu hết ở đây, không những truyền thụ kiến thức rất chất lượng mà quan trọng nhất là lòng say mê khoa học, phương pháp tư duy hiện đại cho sinh viên nên sau khi ra trường dù làm việc ở đâu đều rất thành đạt.

Điểm trung bình của 5 năm học đại học của tôi đạt 9,27 và điểm bảo vệ luận án đạt điểm 10.

Sau khi tốt nghiệp, tôi về nước dạy học tại Khoa Lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội, nơi những cử nhân địa vật lý được đào tạo lần đầu tại Việt Nam.

Vì những thủ tục tổ chức hội đồng chấm thi kéo dài nên tôi hết thời hạn được hưởng học bổng 1 tháng trước khi bảo vệ luận án. Thầy Sabba lại dùng tiền cá nhân cấp cho tôi đủ sinh hoạt trong thời gian chờ đợi và bố trí cho tôi đi học tiếp ở Trung tâm máy tính của Hội Toán học Rumani.

Tập thể bạn học trong lớp thuộc nhiều quốc tịch khác nhau nhưng rất đoàn kết, gắn bó với nhau, những người còn sống đã trên tuổi 80 vẫn thư từ thăm hỏi, cung cấp tài liệu chuyên môn cho nhau. Tiêu biểu cho tình bạn cảm động ấy là anh Draga Zaharia cách đây khoảng 5 năm đã gửi cho tôi bức ảnh đi thực tập khi còn ở thời sinh viên để giữ làm kỷ niệm, trước khi anh qua đời sau đó 1 tháng, vì bệnh hiểm nghèo mà anh được bác sĩ cho biết ngày lìa trần thế, cũng như anh Lembang Alam, người Indonesia, làm việc ở Venezuela, hàng năm vẫn thường xuyên liên lạc với tôi. Một số thư chúc tết năm 1960 của các bạn châu Phi, Mỹ Latin v.v… trong đó lúc nào cũng có câu chúc “Việt Nam chóng chiến thắng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ” tôi vẫn còn giữ trân trọng như một kỷ niệm đẹp của tình hữu nghị, đoàn kết quốc tế cao cả đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc của chúng ta.

Chào mừng Ngày Quốc khánh Rumani anh em, chúng tôi, những người đã được sống, được đào tạo trong tình thương yêu của nhân dân của đất nước tươi đẹp này luôn luôn giữ trong tim lòng biết ơn cùng những kỷ niệm sâu sắc trong quá khứ và mong muốn quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Rumani nói chung và giữa những người công tác trong Trường Dầu cũng như trong ngành Dầu khí nói riêng ngày càng mạnh mẽ, nhiều bạn trẻ Rumani và Việt Nam sẽ được đến học tập, làm việc ở 2 đất nước của nhau để tiếp tục phát triển những thành tựu tốt đẹp đã đạt được trong nửa thế kỷ vừa qua.

Hà Nội, tháng 1 năm 2018

T.N.T

 

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 16
  • 1760
  • 22,086,300