Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

HƠN CẢ MỘT GIẤC MƠ…(P1)

  19/11/2016

     (Trời trong-Nước biếc từ xa chở che cho một giấc mơ gần…)

    Chặng Một (a):  Hà Nội đón các bạn…

 Tháng 5.2014, chúng tôi trở về trường dự Lễ Kỷ Niệm 35 năm ngày tốt nghiệp và sau đó là thư đi, thư lại hẹn hò từng năm rồi từng tháng, từng ngày…nhưng lo xa bởi thời tiết toàn cầu đang rất thất thường và tràn lan những tin tức bất an về xã hội. Tất cả chúng tôi đều cầu mong cho những ngày đã ngóng trông sẽ được thuận hòa, may mắn…

 Trưa 14.10, đoàn từ miền Nam gồm 3 người với balô 7 kg ra sân bay phấn chấn về Hà Nội. Chiều 15.10, một cuộc họp được gần hai chục thành viên tham gia để thảo luận lịch đón đoàn và tập dượt những bài hát yêu thích sẽ thể hiện vào đêm 20 tại Nhà hàng “Hora Coffe & Kitchen” (số 6-phố Nguyễn Công Hoan-Hà Nội). Chương trình giao lưu cùng nhiều bài hát Việt-Ru đã được các bạn soạn, in sẵn và chu đáo phát tới từng người. Không gian nhà hàng thoáng mát- cách bài trí mộc mạc nhưng khá tinh tế, chúng tôi thì vui lắm nên tất cả như được tiếp thêm năng lượng mới.  Có bạn đã lâu lắm mới gặp lại- những gương mặt ngày xưa từng xinh xắn giờ bỗng sáng lên, bất chấp tuổi tác để rồi ấm áp hòa chung những giọng ca đã không còn thanh nữa…

 Còn 3 ngày: 16-17-18.10, chúng tôi tiếp tục sắm sanh những thứ thiếu trong dự tính. Theo thông tin thì 15h20 chiều ngày 19.10 các bạn sẽ tới Nội Bài. Hai bạn Tăng-Hòa hẹn đón chúng tôi tại nhà riêng vào lúc 14h30 cùng đi ra sân bay. Xe chờ sẵn, chúng tôi kéo nhau vào trong nhà để chào mẹ của bạn Tăng và để ngắm nhìn một khoảng sân-vườn xanh mát những tán cây khá lớn. Nhà nằm sâu qua sân rộng nên đúng là một không gian sống lý tưởng giữa một thủ đô đất chật, người đông. Trên bàn sắp đầy những bông hồng tươi mới, những hộp bánh cốm đậu xanh đặc trưng, những món quà lưu niệm và còn thú vị hơn là mấy rổ chuối tây, chuối tiêu đã được Hòa ủ trước- không phải hàng mua ngoài chợ mà là của vườn nhà. Khỏi phải nói, sự chu đáo này đã làm ấm lòng chúng tôi biết chừng nào…

 Đường phố bữa nay khá thông thoáng, xe cứ thẳng đường và rôm rả trên xe là những câu chuyện vui. Mấy cháu thanh niên người nhà mà bạn Hòa-Tăng đã sắp xếp đi cùng để làm nhiệm vụ cảnh vệ, trợ giúp khi cần cũng rất hồ hởi, chắc là hiểu: được chứng kiến phút giây gặp mặt của những cựu sinh viên thế hệ cha chú sẽ là một dịp tốt cho mình. Nhà ga dành cho khách ngoại địa khang trang, rộng rãi. Đồng hồ chỉ 15h30, rồi 16h,…17h…, thời gian như thách thức lòng kiên nhẫn. Nhiều đoàn khách nối nhau ra ngoài cửa, chúng tôi kiễng chân ngóng vào trong. Các bạn chúng tôi đâu? Sao lâu đến thế? …

 Kìa, đã có dấu hiệu của Rumani: bạn Rusu Cristina ngồi trên xe do cô nhân viên nhà ga phục vụ, tiếp đến là hai vợ chồng bạn Tobescu Octavian-Elisabet đang định cư bên Đức và bất chợt bóng Dan Copaceanu- thủ lĩnh yêu quý của tất cả chúng tôi. Sau lớp cửa an ninh, Dan vẫy tay chào ra hiệu chúng tôi yên tâm rồi vội vã quay vào. Ngơ ngác hỏi, chúng tôi mới rõ: do mấy bạn có visa ưu tiên đã cứ ung dung ra cửa trước mà quên báo trưởng đoàn, điện thoại thì giờ này không còn liên lạc được. Vậy là, những nghi ngại theo giả thiết về việc thất lạc đồ hay sự cố visa đã được giải tỏa, chúng tôi vây quanh hỏi chuyện các bạn vừa đến, tranh thủ thay nhau tìm chỗ tạm ngồi cho đỡ mỏi chân…

Cửa ra đã thoáng, dáng quen thuộc đầu tiên chúng tôi nhận được là Monica, Olimpia, Aurora, Cornelia đang nước mắt tràn mi, lưng đeo balô, giơ cao tay vẫy và… nhào đến những vòng ôm bè bạn.  18h …, đoàn tập trung đủ hết. Những bông hồng được tặng cho từng bạn, tấm băng rôn có dòng chữ “Bine ati venit Việt Nam” được căng đủ rộng bởi những cánh tay Ru-Việt. Những khuôn mặt đã rạng rỡ cười tươi và rộn rã những bước chân, chúng tôi nhanh chóng lên xe về trung tâm thành phố…

Chặng Một (b):  Các bạn trong vòng tay Hà Nội

 19h30 tối 19.10, đoàn tới khách sạn Quốc Hoa (số 10 Bát Đàn, ngay khu phố cổ) sau khi xe chạy chậm và phải dừng ở vị trí cách đó hơi xa. Nhìn vào đôi mắt từng người, chúng tôi biết các bạn mệt mỏi lắm sau chặng đường dài Rumani-Budapetst(Hungari)-Istanbul(Thổ Nhĩ Kỳ)-HàNội, nhưng vẫn lấp lánh ánh vui. Các bạn nhanh chóng mang valy nhận phòng, còn chúng tôi vào phòng ăn để sắp ra đĩa trái cây, bánh cốm, mứt sen và để sẵn các gói quà…chờ bạn.

 Đã có những bước chân các bạn bước vào nhưng thật nhẹ (như tính cách người Ru- luôn thư thả, luôn tự biết mình). Không vội vào bàn, chúng tôi tập trung lại, kề sát bên nhau để một phút tưởng nhớ đến Horia Bibolar-người bạn hiền hòa, tâm huyết với chuyến đi này- đã không may gặp nạn cách đây chừng hai tháng. Con trai của bạn thay cha cùng mẹ theo đoàn. Hai mẹ con đã không giấu được nước mắt trước cử chỉ chia sẻ của bạn bè cha-chồng mình. Tất cả lặng đi…rồi không khí cũng ấm dần lên khi những bản nhạc tiếng Ru quen thuộc thuở nào cất lên rộn rã. Thức ăn được lần lượt mang ra và những chai rượu Suica đậm hương vị Rumani được chia đều để mọi người cùng nâng ly. Chúng tôi phân công ngồi xen kẽ hướng dẫn các bạn các món ăn và chỉ cách dùng đũa. Thật vui, sau hồi lóng ngóng thì các bạn cũng gắng gỏi gắp được và cười khoái chí. Ngồi cùng bàn chúng tôi là hai cặp nam-nữ người nhà của bạn trong đoàn. Mấy thanh niên này liên tục khen ngon và thưởng thức rất nhiệt tình- nhất là khi nhận chuối, bánh cốm, mứt sen lạ lẫm. Chàng trai sinh 1976 nói như thủ thỉ với chính mình “chúng tôi may mắn được theo đoàn đến thăm Việt Nam, chúng tôi thật hạnh phúc…”.

  Đã chừng 22h, vẫn chưa dứt chuyện trò, chúng tôi tặng quà cho bạn, ngồi thêm một lát mới chia tay hẹn gặp ngày mai …

  Sáng 20.10, Hà Nội hôm nay nắng ấm. Đoàn đến thăm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (số 1-Nguyễn Văn Huyên-Nghĩa Đô-Cầu Giấy). Cô bạn Rusu Cristina bị nhược cơ chân hôm qua xuống sân bay phải ngồi xe đẩy, hôm nay được chồng dìu vẫn gắng tập tễnh theo. Thật may, Hòa đã nhận ra và kịp thời điều người nhà mang xe lăn đến (sau mới rõ: đó là chiếc xe lăn dành phục vụ bốn cụ già là cha-mẹ của hai bạn đã ở tuổi trên dưới 90). Bảo tàng có ba khu vực tham quan: tòa nhà Trống Đồng, khu trưng bày ngoài trời và khu trưng bày Đông Nam Á. Ấn tượng nhất là khu vực trưng bày ngoài trời với 10 công trình nhà ở của các dân tộc, được chính những người dân tộc đến Hà Nội dựng nên. Bảo tàng có quy mô tương đối lớn trong khuôn viên nhiều cây xanh cho ta cái cảm giác như đang đứng giữa thiên nhiên. Nhưng khi vào trong tòa nhà, không khí khá nóng nên các bạn đang ở xứ lạnh không quen cứ tay quạt, tay lau mồ hôi trán. Tuy vậy, mọi người vẫn chăm chú nghe thuyết minh và chụp ảnh, quay video…

      Điểm đến tiếp theo là chùa Trấn Quốc. Xe qua đường Thanh Niên xanh mát bóng cây giữa Trúc Bạch-Hồ Tây. Con đường mềm như lụa, mặt hồ thoảng gió trông yên ả lạ. Dẫn vào chùa là ngõ nhỏ với hai rặng cau đều tăm tắp. Ngôi chùa giản dị, trang nghiêm làm các bạn cũng tự lặng lẽ đưa tay khấn vái theo lời chúng tôi giải thích về ý nghĩa tâm linh. Rồi dàn thành hàng quay mặt vào phía cửa chùa, chúng tôi chụp mấy tấm hình chung…

Quốc Tử Giám hôm nay có khá nhiều đoàn đến. Đi qua mấy dãy bia tiến sĩ được đặt trên lưng rùa đá, các bạn rất ngạc nhiên và sau khi biết lịch sử nhà bia thì ai nấy đều tỏ lòng ngưỡng mộ…

Gần 12h, đoàn dừng để ăn trưa tại nhà hàng gần đó. Chủ yếu là món Việt thông thường. Các bạn khen ngon nên chúng tôi yên tâm. Lại lên xe về thăm đền Ngọc Sơn qua cầu Thê Húc rồi mỗi người một xích lô vòng quanh hồ Hoàn Kiếm chiêm nghiệm phương tiện vận chuyển đặc biệt tại đây. Khá mệt sau một ngày tham quan Hà Nội, các bạn cần được về sớm chuẩn bị cho buổi họp mặt tối nay…

   Chặng Một (c):  Hà Nội-Cluj và tiệc chào mừng...

       17h ngày 20.10 đoàn đã được tiếp đón nồng nhiệt tại Nhà hàng “Hora Coffe&kitchen”(nghe tên là lạ, sau chúng tôi mới biết: nhà hàng Hora được một số bạn Việt lập ra, ngoài mục đích kinh doanh còn có mục tiêu tạo một spatiu romanesc, là nơi gặp gỡ, tổ chức những sự kiện để nhắc nhở, lưu giữ về một thời, về những miền đất nước Rumani với bao hoài niệm. Tên gọi “Hora” bắt nguồn từ điệu nhảy dân gian (hora) rất phổ biến của Rumani nói riêng và của vùng Ban-căng nói chung. Tại các lễ hội- nhất là ở các vùng quê, mọi người nắm tay nhau tạo thành vòng tròn nhảy múa theo tiếng nhạc dân gian, hoặc vừa nhảy vừa hát. Vũ điệu Ho-ra tượng trưng cho sự vui vẻ, sự đoàn kết, đồng lòng. Hay thật, đang có một hơi hướng Rumani giữa lòng Hà Nội- nơi hội tụ thú vị cho những cựu sinh viên…).  

Nhanh chóng tập trung, tất cả ở tại sân chụp nhiều ảnh kỷ niệm với niềm hân hoan khó tả. Chủ gồm 27 cựu sinh viên Bách khoa Cluj cùng 20 người nhà và bạn khác trường. Khách gồm 34 bạn Rumani cùng người nhà và 10 khách mời đại diện ĐSQ Rumani, Hội hữu nghị Việtnam-Rumani.

       Sau ít phút tay bắt, mặt mừng của từng nhóm bạn theo khóa học (tốt nghiệp vào các năm 78, 79, 80, 82), chúng tôi thong thả bước lên tầng hai cùng hát vang bài ca truyền thống “Gaudeamus Igitur…”. Cả không gian đầy ắp không khí sinh viên thuở xưa- hồn hậu, sáng trong và ấm áp. Các bạn tặng quà- những món quà đầy ý nghĩa- đặc biệt là mỗi chúng tôi đã nhận một chiếc áo dân tộc thêu hai màu hoặc xanh, hoặc đỏ trên nền vải trắng cùng chiếc phù hiệu mang màu cờ Rumani thân thuộc. Tíu tít như con trẻ được mẹ cho quà, chúng tôi mặc và cài phù hiệu ngay trên ngực áo. (Chúng tôi ngày ấy, học xong dự bị tại Iasi được phân về Bách Khoa Cluj- bé nhỏ trong trang phục nhà nước cấp, bước những bước chân đầu tiên vào cổng trường đại học trong tình yêu đùm bọc của thầy, của bạni- đã gắng học hành, nghiêm túc trong từng việc nhỏ với ý thức sâu xa về trách nhiệm và một chút tự hào chính đáng. Vậy nên, cho dù bao thăng trầm thời cuộc, triền miên với công việc cơ quan và gia đình, chúng tôi vẫn không nguôi nhớ về Rumani-đất nước nghĩa tình. Cũng vì vậy, cho tới tận hôm nay- khi mỗi người đã hoàn thành sự nghiệp cuộc đời mình, tuổi đã 60 hơn- chúng tôi vẫn vẹn nguyên nhiệt huyết, vẫn tràn ngập yêu thương và vẫn rất hồn nhiên)…

Ngài Đại sứ Rumani-Valeriu Arteni cùng phu nhân đến dự- giản dị trong trang phục và thân thiện gần gũi khi nói chuyện. Sau lời giới thiệu ngắn gọn của chủ tiệc và phát biểu của khách mời, chúng tôi vào bàn vừa dùng bữa vừa thưởng thức văn nghệ do mấy ca sĩ biểu diễn và các tiết mục của chính các cựu sinh viên hai nước…

 Trang trọng, anh Bùi Trọng Đỉnh chuyển cho Dan Copaceanu ba Kỷ Niệm Chương “Vì hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc“ do “Đoàn chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam” trao tặng: giáo sư Vasile Ile-nguyên Phó Hiệu Trưởng trường ĐH Bách khoa Cluj, giáo sư George Mihail Bârsan-nguyên Trưởng khoa xây dựng-ĐH Bách khoa Cluj, giáo sư Mihailescu Mircea-nguyên Trưởng bộ môn kết cấu bê tông-Khoa xây dựng-ĐH Bách khoa Cluj.  Đây là ba vị giáo sư đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác đào tạo sinh viên Việt Nam. Ba quyết định số 36, 37, 38/QĐ-LH được ký ngày 18.10.2016- đúng ngày các bạn xuất phát từ Cluj sang thăm Việt Nam- như một sự trùng hợp ngẫu nhiên hội tụ niềm vui và ân nghĩa …

       Rồi thì, tay trong tay vòng quanh cùng hát những bài hát Việt-Ru, chúng tôi hòa chung như ngày đang học tại trường. Hơn 22h mà vợ-chồng ngài Đại sứ và khách mời vẫn chưa ai muốn rời phòng tiệc, tất cả như cùng sống lại tuổi 20 vô tư thuở nào…

       Khá khuya, chúng tôi còn nán lại chia sẻ về gia đình, về công việc hiện tại. Sáng mai sẽ đi thăm vịnh Hạ Long, chúng tôi chia tay về nghỉ…

Chặng HaiTham quan vịnh Hạ Long…

       7h30 sáng 21.10, chúng tôi đến khách sạn Quốc Hoa. Hà Nội hôm nay nắng đẹp, hứa hẹn một ngày thuận lợi cho đoàn. Bây giờ là lúc mỗi nhóm chúng tôi thực hiện nhiệm vụ đã được phân công. Trái cây mang theo là quýt, dứa, ổi và một ít xoài (để các bạn thử trước một chút, vào Nam mới sẵn). Ai cũng tươi như hoa và rồi lại rôm rả những câu chuyện tưởng chừng như bất tận. Xe qua những phố nào hình như chẳng mấy ai hay, chỉ khi loáng thoáng những cánh đồng qua ô cửa kính các bạn mới bắt đầu chú ý và gặp cây gì cũng hỏi. Nào là ngô, là ổi, là chuối, là cau… nhất là cây lúa. Những ruộng lúa đang vào mùa trĩu hạt và lác đác trên vài ba thửa ruộng có ít người đang lúi húi gặt bằng liềm. Cảnh thôn quê bình yên quá, giá như có thêm những cánh cò…Rồi gặp một đoạn đường đang dang dở bụi mù, xe ùn tắc nhưng cũng may là không phải dừng nhiều. Thấy hai bên phố hàng quán chen nhau, các bạn hỏi “nhà nhỏ thế mà lại bán nhiều đồ, vậy họ sống ở đâu?”. Các bạn thắc mắc cũng đúng thôi bởi phần đông sống tại Cluj- một thành phố ít cao tầng với những căn nhà xinh xắn ẩn hiện trong hoa và lá. Cả thành phố nằm gọn trong mênh mang đồi thấp với những dòng sông nhỏ yên bình len lỏi. Không có bụi, những con phố cứ mát lành dung dị, đẹp đến nao lòng vào những ngày cuối Hạ sang Thu…

      Sau chừng 4 tiếng xe tới Hòn Gai và…vịnh kia rồi. Quan sát từ xa chúng tôi thấy một quy mô nhà nghỉ khá bề thế nằm dọc theo bờ. Những con tàu du lịch đậu kín cả một vùng. Chúng tôi lên Vitory Star. Vậy là ổn, hy vọng các bạn sẽ được thấy “Hạ Long bay” đẹp hơn Hạ Long trên Internet. Bước lên những bậc cầu thang bằng gỗ mịn màng mà không bóng loáng, chúng tôi được trao mỗi người một ly trà thơm rồi vào bàn nhâm nhi và nhận chìa khóa cho từng cặp hai người. Một hành lang đủ rộng nằm giữa hai dãy phòng gần giống như ký túc xá ngày xưa- sạch sẽ và ngăn nắp. Khách sẽ thật hài lòng về sự bố trí hài hòa và những tiện nghi. Trên bancon nhỏ cạnh cửa sổ nhìn ra vịnh còn đặt hai chiếc ghế mây cho ta ngồi uống trà và ngắm những ngọn núi gần xa như mọc lên từ nước Nghỉ chừng 15 phút, đoàn lên thuyền nhỏ ra thăm một làng chài có tên Vung Viêng.  Chiều tối chắc chừng 18h, đoàn tập trung tại nhà ăn. Giữa không gian đầy gió, các bạn vui khôn tả. Những món ăn toàn là hải sản nhưng được chế biến ngon miệng và bài trí khéo léo khiến các bạn tấm tắc không thôi. Onut Prodan cùng vợ ngồi cạnh chúng tôi luôn miệng khen ngon và thêm một câu làm chúng tôi nhớ mãi “thiên nhiên ở đây đẹp vô cùng nhưng nó chỉ được cảm nhận khi có một tâm hồn đủ đẹp”.  Bạn còn hỏi “ Việt Nam những năm 80 là số “0” tròn trĩnh vì sao hôm nay đã mạnh giàu đến thế?”. Chúng tôi mạnh miệng  “Việt Nam sau chiến tranh đã nghèo đến tận cùng nhưng mọi người chung tay làm việc gấp 2,3 ”. Cô vợ tiếp lời “hôm nay tôi thấy một giấc mơ có thật…”. Phải rồi! Chúng tôi cũng đang nghĩ thế, lúc này… Các bạn ngạc nhiên cũng dễ hiểu thôi. Khi nói đến Việt Nam, người ngoại quốc ít ai không nhắc tới “Hạ Long bay”. Thiên nhiên hào phóng ban tặng cho chúng ta- dải đất từng phải chịu ngàn ngàn hy sinh mất mát bởi nạn ngoại xâm và đói nghèo dai dẳng- một Hạ Long tuyệt đẹp. Vậy nên, hãy biết nâng niu để kỳ quan này sẽ còn mãi mãi…

      22.10- Một đêm ngủ trên tàu sao mà ngon đến thế. Trời vừa tảng sáng, chúng tôi ra khoang mũi ngắm bình minh và vươn tay chân cho thư thái. Trên sàn của nóc tàu, các bạn Ru đã ríu rít chụp hình, nói cười vui vẻ. Ngay trước mũi tàu, một chú chim chao nghiêng thơ thới. Không bút nào tả hết nét thơ mộng của Hạ Long khi mặt trời từ từ ló dạng. Lung linh mờ ảo, những dãy núi phủ một màu xanh lá soi bóng xuống mặt nước biếc lăn tăn sóng làm người ta như lạc cõi tiên. Hít cho căng lá phổi, vươn tay cho thật xa, chúng tôi như muốn ôm trọn Hạ Long trong vòng tay. Bữa sáng khá đơn giản, chỉ ly trà và miếng bánh ngọt nhưng chúng tôi ăn vẫn ngon lành. Tàu trôi một chặng (tiếc là quá ngắn, chưa đủ để xem một phần nhỏ nhất của cảnh quan). Rồi, chúng tôi lên thuyền máy cập bến vào hang Sửng Sốt cùng khá đông du khách- chủ yếu là ngoại quốc. Chúng tôi đã từng đi thăm hang động, hỏi các bạn thì bên đó cũng nhiều. May thay, hang ở đây vẫn giữ được nhiều nét mộc, bàn tay con người chưa làm méo mó đi những nguyên sơ… Một vòng quanh trong hang rồi lại lên thuyền về tàu ăn bữa trưa trước khi quay về Hà Nội. Chúng tôi mồ hôi thấm áo nhưng xem ra cũng vui, các bạn đã được biết nơi “rồng hạ” bằng mắt thường và cảm nhận theo cách của riêng mình… Mai đi chặng Huế-Hội An (dừng Đà Nẵng 30 phút) có ba bạn Tăng-Bình-Dung nối mạch theo đoàn…

(Còn nữa)

Hà Nội, tháng 10 năm 2016

Nhóm CSV Khoa XD ĐHBK Cluj-Napoca thực hiện

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 8
  • 731
  • 22,223,325