Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

NHỮNG GIÁO SƯ NỔI TIẾNG – NHỮNG NHÀ TƯ TƯỞNG LỚN

  11/12/2021

      Trong những năm học tại Khoa Hóa công nghiệp Silicat, tại Trường Đại học Bách Khoa Bucutesti (Viết tắt là IPB) khóa 1965-1971 chúng tôi đã được thụ giáo với những vị giáo sư, vừa giỏi chuyên môn, vừa là những nhà sư phạm, những nhà tư tưởng lớn. Ở đây chúng tôi chỉ xin giới thiệu một số vị tiêu biểu.

     - Giáo sư, Viện sỹ thông tấn viện Hàn lâm Khoa học Rumani Emilian Bratu. Ông là Trưởng khoa nhiều năm liền và chuyên giảng dạy môn Quá trình và Thiết bị trong công nghệ hóa học.

     - Giáo sư Viện sỹ thông tấn viện Hàn lâm khoa học Rumani Tudor Ionescu. Ông chuyên giảng về Công nghệ Hóa vô cơ. Ông là nhà chính trị lớn, nhiều năm là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Rumani và giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết với nhân dân Việt Nam thời gian dài.

      - Giáo sư Viện sỹ Academician Viện Hàn lâm Khoa học Rumani Costin.D. Nenintescu. Ông là nhà khoa học lớn của đất nước Rumani và thế giới, là nhà hóa học số một của đất nước, ông chuyên giảng về Hóa học hữu cơ.

      - Giáo sư Viện sỹ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Rumani Serban Solacolu, chuyên giảng về Lý thuyết cơ sở của Hóa lý Silicat. Ông bị tàn tật phải di chuyển bằng xe lăn, tuổi già sức yếu nhưng ông rất say mê nghiên cứu khoa học và truyền thụ kiến thức cho thế hệ sau. Các thầy giáo trong khoa thường nói với chúng tôi rằng: Sự hiện diện của ông làm tăng uy tín của khoa trên trường quốc tế. Các nghiên cứu khoa học trong ngành của Rumani đều phải dựa vào danh tiếng về khoa học của ông để được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới.

      - Giáo sư Ion Balta, chuyên giảng về Công nghệ sản xuất các sản phẩm thủy tinh.

     - Giáo sư Radu Dinescu, chuyên giảng về Công nghệ chế tạo các sản phẩm gốm sứ.

     - Giáo sư Emanuel Beilich, chuyên giảng về Thiết bị và Kỹ thuật trong sản xuất các sản phẩm sicicat. Ông đã từng làm Trưởng đoàn Chuyên gia sang Việt Nam để khôi phục, đưa Nhà máy xi măng Hải Phòng vào sản xuất trở lại sau thời gian dừng do chiến tranh kháng chiến chống Pháp.

     - Giáo sư Ion Teoreanu, ông là người đã góp phần đào tạo nhiều sinh viên Việt Nam về Công nghệ sản xuất Xi măng và hướng dẫn nhiều người làm luận văn tiến sỹ. Ông là nhà chính trị lớn nhiều năm nắm giữ các chức vụ lãnh đạo như Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng các bộ VLXD, Khoa học Công nghệ, Giáo dục Đào tạo. Là nhà lãnh đạo cấp cao nhưng ông vẫn thường nói làm giáo sư mới là công việc ưa thích và bền vững, ông chưa bao giờ để gián đoạn nhiệm vụ đào tạo. Trên giảng đường ông đã từng trích dẫn câu của Lenin: “Chủ nghĩa xã hội là cơ khí hóa, điện khí hóa nền kinh tế quốc dân” và theo ông cần phải thêm vào một vế nữa: “Chủ nghĩa xã hội là cơ khí hóa, điện khí hóa và bê tông hóa nền kinh tế quốc dân”. Câu nói ấy tôi thấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

     Trong những năm học ở Trường đại học Bách Khoa Bucutesti chúng tôi tiếp thu được nhiều nguồn tư tưởng lớn từ các giáo sư đầu ngành để trở thành các kỹ sư công nghệ có kiến thức chuyên môn vững chắc, có tư duy biết tự nghiên cứu để phát triển. Khi trở về Việt Nam công tác, tiếp cận với nhiều bạn bè, đồng nghiệp, được đào tạo từ Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ, các nước Đông Âu khác và các kỹ sư được đào tạo trong nước, kể cả các kỹ sư ở các tỉnh phía Nam từ chế độ cũ trước 1975, chúng tôi đều không có ai bị tụt lại phía sau. Không chỉ như vậy, nhiều người trong số chúng tôi – những cựu sinh viên IPB còn phấu đấu vươn lên giữ được các vị trí chủ chốt, quan trọng trong hệ thống điều hành ngành công nghiệp VLXD của nước ta và họ đã có những đóng góp hiệu quả.

      Với tư tưởng chủ đạo là ưu tiên phát triển công nghệ cao, ít tiêu hao năng lượng và bảo vệ môi trường… tiếp thu được từ các ý tưởng lớn của các giáo sư trong trường. Chúng tôi các cựu sinh viên IPB đã góp phần tích cực, hiệu quả trong phát triển ngành công nghiệp VLXD ở nước ta.

      Từ những năm tháng của thập kỷ 90, trong khi nhu cầu xây dựng rất cao, sản lượng xi măng cả nước mới đạt trên dưới 1 triệu tấn/năm. Sản phẩm xi măng phải do Nhà nước quản lý phân phối theo chỉ tiêu cho các hộ tiêu dùng. Chỉ sau hơn 20 năm phát triển, bằng sự nỗ lực không mệt mỏi của toàn ngành, với phương châm chỉ dựa vào sức mình, tự vay tự trả để đầu tư, ngành xi măng Việt Nam đã có tổng sản lượng trên dưới 100 triệu tấn/năm, xếp hạng thứ 10 trên thế giới, với tổng tài sản cố định hàng chục tỷ USD và đã cơ bản hoàn thành việc trả nợ, không có dự án nào bị thua lỗ trong kinh doanh. Sản phẩm xi măng đa dạng, đủ đáp ứng các nhu cầu khắt khe của ngành xây dựng, xi măng chiếm lĩnh gần như tuyệt đối thị phần trên thị trường, được hầu hết người dân tin dùng với chất lượng ổn định. Lượng xi măng và clinker xuất khẩu chưa nhiều nhưng hàng năm vẫn mang về cho đất nước trên 1 tỷ USD.

     Bên cạnh xi măng, ngành công nghiệp gốm sứ thủy tinh cũng có những bước phát triển vượt bậc, chúng ta đã có nhiều loại sản phẩm gốm sứ chất lượng cao ngang tầm thế giới, có các nhà máy kính với công suất lớn đủ đáp ứng cho nhu cầu trong nước và một phần cho xuất khẩu.

     Một điều đáng mừng nữa là ngành công nghiệp xi măng và VLXD đã xóa được định kiến của người dân từ nhiều năm là ngành sản xuất khói bụi ô nhiễm. Hình ảnh nhà máy xi măng Hải Phòng cũ với những ống khói cao tỏa suốt ngày đêm ngay tại cửa ngõ thành phố đã không còn nữa. Biểu tượng của xi măng hiện nay là những dây chuyền sản xuất lớn theo phương pháp công nghệ khô với hệ thống trao đổi nhiệt cao vút, được trang bị lọc bụi tĩnh điện, ống khói vẫn vươn cao nhưng không còn nhìn thấy khói bụi tỏa ra. Với hệ thống thiết bị đo lường, điều khiển áp dụng công nghệ số, ngành xi măng đang dẫn đầu trong các ngành sản xuất công nghiệp ở Việt Nam như công nghiệp hóa chất, sản xuất phân bón, công nghiệp sản xuất thép, các nhà máy phát điện chạy than… về mức độ trang bị tự động hóa và bảo vệ môi trường.

     Trường ĐHBK Bucarest (IPB) là một trong những cơ sở đào tạo đại học rất có uy tín tại Rumani, đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ cán bộ, không chỉ cho ngành VLXD mà còn nhiều ngành nghề khác. Nhiều cựu sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam tốt nghiệp tại đây, nay đã trở thành những phó giáo sư, tiến sỹ, có người đã được trao giải thưởng Khoa học kỹ thuật của Nhà nước.

      Trong những chuyến thăm lại trường cũ, những cựu sinh viên chúng tôi đã gặp lại nhiều vị giáo sư, bạn bè, một số người đã sang thăm Việt Nam. Những cuộc hội ngộ đầy xúc động, một số vị đã được tặng Kỷ niệm chương vì Sự nghiệp xây dựng của Việt Nam. Tuy chỉ là những món quà nhỏ nhưng cũng tạo được niềm vui, sự xúc động cho những người thầy, thể hiện được một phần sự tri ân, tình cảm tôn sư trọng đạo, một trong những nét nhân văn của văn hóa, con người Việt Nam.

 Tống Văn Nga

Cựu SV IPB 1965-1971

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây Dựng

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 5
  • 1165
  • 18,055,037