Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani * Bine ati venit la Website al Asociatiei de Prietenie Vietnam - România * Welcome to Website of Friendship Association Vietnam - Romania

CUỘC HỘI NGỘ SAU 42 NĂM

  24/02/2016

Năm 2011, các cựu sinh viên Khoa Công nghệ thuộc Học viện Dầu – Khí -  Địa Chất Bucarest (IPGG) tổ chức gặp mặt, kỷ niệm 40 năm ra trường. Các bạn nhất trí bầu chị Eugenia Vasilescu (chúng tôi gọi chị là Gina) làm Trưởng ban liên lạc và hẹn nhau, hàng năm gặp mặt cả lớp vào ngày thứ bảy  đầu tiên của tháng 6.

    Thầy cô và các bạn trong lớp                            Ảnh: Bỳ Văn Tứ

Từ tháng 3 năm nay, chị Gina gửi email trưng cầu ý kiến  các bạn xem lần này tổ chức gặp mặt ở Bucuresti  hay ở Ploiesti. Bởi vì trong số hơn 90 bạn cùng khóa thì có trên phân nửa sinh sống tại hai thành phố này: Bucuresti là thủ đô của đất nước, còn Ploiesti là thủ đô chế biến dầu khí – nghề nghiệp của chúng tôi.

Năm ngoái, khi chị và anh Tudose gửi cho tôi  ảnh chụp các bạn vui vẻ với nhau trong cuộc gặp mặt ấy, tôi trách chị sao không báo cho tôi biết trước, có thể  thu xếp sang dự cùng mọi người .  Năm nay, tôi quyết tâm sang gặp các bạn- đã 42 năm tôi chưa gặp lại  đông đủ bạn cùng lớp…

Gần 11 giờ trưa, xe taxi đưa tôi cùng hai anh bạn Việt Nam từ Bucarest tới  nhà hàng Boccassio. Chị Gina bảo tôi, tuy hai anh không phải là bạn học cùng lớp, nhưng mọi người nhất trí  mời hai anh bạn cùng dự cho vui. Trên  công viên nhỏ trước cửa nhà hàng, tôi đã thấy nhiều người tụ tập, đang hớn hở truyện trò.     Thấy tôi xuống xe, các bạn tôi quay lại, ồ lên:

  • Anh bạn Tứ đến rồi!

Mọi người xúm lại, tay bắt mặt mừng. Tôi nhận ngay ra chị Gina, nét mặt không thay đổi lắm so với thời sinh viên và  ảnh chụp năm ngoái. Chị lúc nào cũng quán xuyến, hết lòng với bạn, với lớp , với trường. Chị là đầu mối tập hợp mọi người. Mỗi lần Ban Giám hiệu tổ chức lễ tưởng niệm các giáo sư của Trường đã quá cố, chị đều tham gia và thông báo cho mọi người đến dự. Bạn bè đồng môn, ai có sự kiện gì trọng đại, chị đều thông báo cho cả lớp biết để chia sẻ vui buồn. Hồi sinh viên, chị luôn là hạt nhân đoàn kết các bạn trong lớp. Và bây giờ chị luôn được bạn bè tín nhiệm . Chị lo toan, xăng xái tất cả những chi tiết để buổi gặp mặt thành công. Tôi thấy thương chị  hết chạy chỗ này, chỗ kia, gặp người này người khác , mồ hôi vã ra trên trán, lăn  trên má…

Tôi đến chào cô giáo Sarina Ionescu. Cô vẫn hiền lành,  nhỏ nhắn, nhanh nhẹn so với  với cái tuổi hơn chín chục. Qua ánh mắt cô cười, tôi nhớ lại thầy Ionescu , thầy trưởng khoa  Công nghệ của chúng tôi. Có một lần, thầy chiếu cho chúng tôi xem ảnh chụp hai vợ chồng thầy trong chuyến công tác , tham quan  đất nước Hoa Kỳ và Canada. Cảnh thác nước hùng vĩ lại hiện ra , mỗi khi tôi nhớ tới thầy . Cô giáo hơn chín mươi tuổi , vẫn đến gặp gỡ học trò của mình. Tôi thầm nghĩ, chắc cô có tình cảm gì rất đặc biệt đối với lớp tôi, trong số mấy chục lớp đã qua trong đời giảng dạy của cô.

Thầy Pavel  trông  phong độ lắm. Tuy đã ngoài 80 tuổi, nhưng thầy chẳng khác gì cánh cựu sinh viên chúng tôi, lớp người U70. Tôi nói to bằng tiếng Nga:

  • Xin chào giáo sư ạ!

Thầy cũng chào lại bằng tiếng Nga và hai thầy trò ôm nhau. Thầy Pavel dạy lớp tôi môn tính toán thiết bị dầu khí. Thỉnh thoảng thầy kể cho chúng tôi về cuộc sống ở Moskva, nơi thầy làm nghiên cứu sinh và lấy bằng Tiến sỹ. Thầy rất thích hệ thống tàu điện ngầm ở Moskva và đặc biệt là kiến trúc và tranh vẽ ở các ga tàu điện ngầm. Thầy lúc nào cũng sôi nổi. Lần dẫn chúng tôi đi thực tập ở nhà máy Lọc dầu Onesti và chuyến du khảo cuối năm thứ tư để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng. Bây giờ, tôi vẫn thấy một thầy Pavel phóng khoáng và tràn đầy sức sống.  Thầy quay sang nói với anh bạn Costica đứng bên cạnh chúng tôi:

 - Các anh còn nhớ không, hồi các sinh viên Việt Nam học ở Học viện chúng ta ở Bucarest, học bổng của họ chỉ có 700 lei mỗi tháng. Tiền mua vé ăn đã hết 400 lei, mà mỗi tháng họ còn góp đâu khoảng 80 lei cho Đại sứ quán gửi về nước.

Tôi cảm phục trí nhớ của thầy và trả lời  các bạn tôi:

 - Đúng là thời sinh viên, chúng tôi có phong trào ủng hộ đồng bào Miền Nam  chống Mỹ cứu nước.  Cho nên mọi người đều tiết kiệm, góp tiền gửi về . Cuộc sống sinh viên ở Rumani hồi đó còn sướng hơn gấp nhiều lần so với hoàn cảnh chiến tranh ở Việt Nam. 

Các bạn nữ của lớp tôi đông hơn các bạn trai. Lần này cũng vậy, những gương mặt phụ nữ nhiều hơn đàn ông và họ cũng tíu tít sôi nổi hơn.

Ancuta hỏi tôi liên hồi về gia đình, con cái ở Việt Nam có mạnh giỏi không. Rồi cô kể cho tôi về các con, về đứa cháu đi du học nước ngoài, và mời tôi nhất định phải đến nhà chơi. Cô bảo, mẹ cô đã lớn tuổi lắm, không đi lại được, rất muốn các bạn của con đến chơi nhà. Tôi nhớ ra rồi, hồi sinh viên, Ancuta cũng rất hay nói chuyện. Nhóm bạn nữ trong tổ 350 của chúng tôi rất  hay quan tâm giúp đỡ anh Vượng và tôi, nhất là tiếng Rumani và những khía cạnh của đời sống. Các cô thấu hiểu và thông cảm với những khó khăn của các bạn sinh viên Việt Nam chúng tôi, đặc biệt năm thứ nhất và năm thứ 2.

Ioana có nét mặt  bầu bĩnh như thời sinh viên, gặp là nhận ra ngay, nhớ cả tên. Cô bảo còn đang đi làm ở Viện Thiết kế và  biết tôi sẽ đến làm việc với Viện của  cô vào ngày thứ hai. Từ giọng nói, dáng điệu, Ioana vẫn hiền như xưa. Nhìn cô, người ta  không nghĩ là một cán bộ thiết kế “ có hạng” lâu năm!

Chào Rodica tóc vàng! Hồi sinh viên, cô nhỏ nhắn và là người duy nhất có mái tóc vàng trong lớp! Hồi đó, tôi có cảm tình với cô lắm, nhưng chỉ để bụng thôi, đâu dám nói ra. Rodica cười:

- Tôi còn giữ được tấm ảnh chụp riêng với anh đấy nhé!

Tôi cũng cười:

- Rodica, bây giờ cô là hoa hậu của lớp ta đấy !

Đúng là trong số các bạn nữ, Rodica vẫn giữ được dáng thon thả và nhanh nhẹn. Hình như nụ cười bây giờ tươi hơn,  ngày xưa Rodica rất ít cười. Hôm nay, Rodica từ Timisoara, cách đây mấy trăm cây số, về dự với bạn bè. Từ khi ra trường , cô làm việc trong ngành phân phối xăng dầu.

Gina kéo tôi tới bên cạnh anh bạn người Indonesia:

- Đây là Wimpi, cậu còn nhớ chứ?

Lớp tôi có hai sinh viên Indonesia: Wimpi và Bambang.  Hôm nay chỉ có Wimpi đến gặp bạn cùng lớp. Anh vẫn như xưa, chỉ có mập thêm và tóc đã  bạc. Wimpi kể cho tôi, sau khi tốt nghiệp, anh ở lại Bucarest làm việc cho Đại sứ quán Inđonesia, rồi lấy vợ người Rumani, bây giờ nghỉ hưu định cư tại Bucarest luôn. Tôi đùa với Wimpi :

- Trong số sinh viên nước ngoài của lớp ta, anh là người giỏi nhất!  Anh thấy không, tất cả chúng tôi tốt nghiệp đều về nước một mình. Riêng anh, được cô gái Rumani xinh đẹp yêu đắm say  và lấy làm chồng!

Wimpi ngượng nghịu như chàng sinh viên ngày nào:

- Anh biết mà, tôi chỉ được cái là thích chơi bời và tán gái thôi, còn  học thì kém lắm .

Tôi nhớ hồi đó, anh bạn Bambang ở cùng ký túc xá, chơi ghi ta rất hay. Thỉnh thoảng, anh  hay mang đàn ra ngồi chơi ở phòng hút thuốc bên hành lang. Nghe tiếng đàn du dương thật quyến rũ, dù đang học bài,  tôi cũng ra nghe cho sướng. Mỗi khi nghỉ hè, các bạn sinh viên Indonesia lại đi du lịch sang Tây Đức hoặc Tiệp Khắc. Nghe nói các anh đi hát phục vụ trong các nhà hàng, khách sạn để kiếm thêm tiền ăn học. Có năm, các anh còn mang về cả chiếc xe hơi hiệu Wolfagen cũ, nhưng rất oách .

Gần ba giờ chiều, Wimpi dẫn một thanh niên trẻ, đẹp trai đến chào tôi ;

- Đây là con trai tôi. Nó đến đón tôi về.

- Cháu ơi, cháu có ông bố tuyệt vời. Bố cháu là đầu bảng trong  đám sinh viên nước ngoài  các bác đấy!

Chúng tôi cười vui vẻ và hẹn nhau, sẽ có dịp gặp lại ở Bucarest hoặc ở Indonesia, quê hương của Wimpi.

Oprea, với cái chất hoạt bát từ thời sinh viên, anh chào người này, nói chuyện với người kia và luôn tay chụp ảnh. Cách đây mấy tuần, anh còn gửi cho chúng tôi câu chuyện chạy hỏa hoạn trong đêm thực tập ở nhà máy lọc dầu số 1 Ploiesti.  Đêm hôm đó, tôi ngủ ở căn phòng có cửa sổ nhìn ra hướng cánh đồng, nên chẳng biết chuyện gì đã xảy ra trong nhà máy. Sáng dậy mới nghe kể lại, nhưng cũng không hình dung nổi mức độ nghiêm trọng của sự cố. Nếu như đêm hôm đó, nhà máy lọc dầu không kịp thời dập tắt hỏa hoạn, lửa bén sang mấy cái bồn chứa khí dầu hóa lỏng thì có khi mình chẳng còn sống đến hôm nay. Vợ chồng anh có lẽ là đôi bạn học cùng lớp yêu nhau sớm nhất và thành vợ thành chồng , gắn bó với nhau  theo nghề nghiệp.

Popa – tốt mã. Nét mặt anh chẳng có gì thay đổi, lúc nào cũng như đang cười tinh nghịch.  Vợ chồng anh từ Ramnicu Valcea tới đây. Đấy là nơi có nhiều nhà máy hóa chất và chế tạo thiết bị. Tôi vỗ cái bụng bự của anh, hỏi đùa:

- Ông bạn thân mến của tôi ơi, bây giờ bạn làm gì?

- Các nhà máy hóa chất ở chỗ tớ hoặc là đóng cửa, hoặc là đang thoi thóp. Mình nghỉ hưu rồi , nhưng bọn mình đang mở một  công ty bảo hộ lao động, làm cho vui.

Tôi quay sang chị vợ hỏi đùa:

- Này chị, làm thế nào mà chị lại tóm gọn được Popica của chúng tôi thế?

Chị cười, trả lời tôi nhưng lại quay sang chồng:

- Anh ấy tóm tôi đấy chứ!

Mọi người cười theo. Popa nói riêng với tôi, anh đang viết vài mẩu chuyện về thời sinh viên, và hẹn tôi, nếu có tới Ramnicu Valcea làm việc thì báo cho anh  để gặp nhau nói chuyện nhiều hơn.

Tanasescu hiện là giáo sư dạy ở Trường Đại học Dầu Khí Ploiesti. Anh ít nói, nhưng cử chỉ thì rất tận tình, chu đáo tiếp chuyện thầy cô cũ và các bạn từ xa đến. Đúng là người  đang sinh sống ở Ploiesti, thể hiện hết trách nhiệm của chủ nhà! Con gái anh, cô Rodica cũng đang giảng dạy môn tin học trong trường Đại học Dầu Khí. Cô xăm xái chạy đến nhóm này, nhóm kia chụp ảnh cảnh hàn huyên của mọi người , như một phóng viên chuyên nghiệp. Gina nói với tôi:

- Bố con Tanasescu tích cực lắm. Rodica giúp lớp ta lập một trang thông tin điện tử và tập hợp ảnh của các cuộc gặp mặt cũng như của mọi người để ai cũng có thể xem được. Bạn bè, ai cũng già rồi nên không thông thạo vi tính. Ai cũng khen ngợi và cám ơn Rodica.

Mateescu Florin cao lớn, mặt vẫn giữ được nét tinh nghịch của thời sinh viên.  Anh từ Bucarest đến đây bằng xe bus. Anh nói đi xe bus cho an toàn vì sợ gặp bạn bè vui vẻ dễ  quá chén, lái xe về hay bị cảnh sát giao thông  phạt và cũng rất rủi ro. Vợ chồng anh hiên nay là chủ một hãng xuất bản tư nhân ở thủ đô. Chiều hôm qua , khi anh đang phải sửa chữa căn nhà cách Bucarest gần 200 km, nhận được điện thoại của tôi là anh phóng về ngay và bù khú với nhau suốt cả tối.

Tudose Florean rất nhiệt tình, nhưng có vẻ nói ít hơn là viết. Nhà anh ở cách trung tâm thành phô Ploiesti hơn hai chục cây số. Anh  mời tôi đến chơi vài hôm rồi cùng nhau đi thăm bạn bè. Anh nói, vợ chồng mình như thời son trẻ, vì con cháu sang Mỹ  làm ăn, sinh sống cả rồi.

Anh bạn Stan Victor cũng nghỉ rồi, anh không còn hăng hái làm chính trị nữa. Anh đã thôi làm lãnh tụ một đảng phái ở Rumani.

Elena Oltenu không đến dự được, còn  gửi quà cho hai bạn Việt Nam cùng tổ 350. Năm nay sức khỏe của cô không tốt lắm mà lại phải chăm sóc cụ thân sinh đã trên 90 tuổi đang bị mệt. Cô lúc nào cũng tận tình và chu đáo với mọi người. Các bạn cùng tổ nói với nhau, Elena dặn phải làm thế này, thế kia…một cách rất trân trọng. Ai cũng muốn làm cho bạn mình vừa lòng…Thế là các bạn trong lớp mấy chục người cùng ký tặng 5 bạn sinh viên Việt Nam tấm bưu thiếp gửi kèm theo món quà lưu niệm của lớp.

Mấy tiếng đồng hồ trôi qua thật nhanh. Mọi người vừa ăn trưa vừa hàn huyên. Chuyện của những thời đã qua, và cả những dự tính của tương lai gần. Tôi cũng chỉ ăn qua loa, còn thì nói được với bạn này, bạn kia vài câu chuyện. Thật đáng tiếc là không thể nói chuyện với gần bốn chục người trong ngần ấy thời gian. Bao nhiêu dự định từ nhà mà đến đây quên hết. Tôi bị ngợp trong tình cảm thân thiết và những kỷ niệm ngọt ngào của một thời thanh xuân, một thời không thể quên trong đời.

Hai anh bạn tôi, một người từ Việt Nam sang, một người từ Paris đến, đều  nhận xét:

- Lớp anh thích thật! Tình cảm thầy trò, tình cảm bạn học thật là hiếm có.

                                                                 Ploiesti, tháng 5 năm 2013    

                                                                                           Bỳ Văn Tứ    

Tin tức mới

Danh sách Tag
Lượt truy cập
  • 4
  • 2289
  • 18,117,066